“Để được công nhận là nền kinh tế thị trường, các quốc gia phải đạt đủ 5 tiêu chí. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ đạt được 1 tiêu chí trong số đó là mức độ ảnh hưởng của chính phủ trong việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định của doanh nghiệp.
4 tiêu chí chưa đạt là: không có sự can thiệp của nhà nước làm biến dạng hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp; Quản trị doanh nghiệp, kế toán và kiểm toán; Sự tồn tại và thực thi một chế độ pháp lý, tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, phá sản và cạnh tranh cũng như các hệ thống tư pháp; Lĩnh vực tài chính của Việt Nam”.
Vào năm 2013, ngay sau cuộc gặp Barak Obama – Trương Tấn Sang tại Washington, phía Việt Nam đã bắt đầu lấp ló đề nghị đối với Bộ trưởng thương mại và Đại diện thương mại Mỹ để dành cho chính thể này “quy chế kinh tế thị trường đầy đủ”. Tuy nhiên ngay tại thời điểm đó, giới chuyên gia phân tích độc lập đã cho biết Việt Nam không đạt được bất kỳ tiêu chí nào trong 5 tiêu chí về kinh tế thị trường do Liên hiệp quốc đưa ra. Đặc biệt Việt Nam không có cạnh tranh bình đẳng giữa thành phần kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, độ minh bạch quá kém, không bảo đảm sở hữu trí tuệ, cải cách khung luật pháp quá chậm…
“Kinh tế thị trường đầy đủ” lại liên quan mật thiết với cơ chế được hưởng các mức thuế ưu đãi trong xuất khẩu một khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP. Sau hai năm từ khi “quyết tâm đạt được kinh tế thị trường đầy đủ” như một tuyên bố của Thủ tướng Dũng, cho tới nay bản chất nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa có gì thay đổi. Kinh tế quốc doanh, trong khi chiếm đến 2/3 tài sản cùng nhiều cơ chế được ưu ái, lại chỉ đạt hiệu suất bằng phân nửa khối kinh tế tư nhân. Trong khi đó, nạn sao chép và ăn cắp bản quyền ngày càng kinh hoàng ở Việt Nam. Còn những bộ luật liên quan đến cải cách thể chế như Luật hình sự, Luật báo chí, Luật lập hội, Luật tín ngưỡng tôn giáo… vẫn gần như không được cải thiện.
Cùng thời gian phái đoàn Liên minh châu Âu thông báo việc Việt Nam chỉ đạt 1/5 tiêu chí về “kinh tế thị trường đầy đủ”, Bộ công an lại bắt thêm một nhà bất đồng chính kiến có tiếng: luật sư Nguyễn Văn Đài.
Tiếp tục lún sâu vào bùn đen, biết đến bao giờ nhà nước Việt Nam mới vươn đến “kinh tế thị trường đầy đủ”, để hòng cứu vãn nền kinh tế đang tràn ngập nguy biến khủng hoảng?
Lê Dung