Việt Nam Thời Báo

VNTB – 100 năm Cách mạng tháng Mười: Lý tưởng ơi, chỉ có mày là có thực! (Phần 4)

Lê Phú Khải (VNTB) Nhưng lúc này thấy Irina thật tình, tôi mới nói: Có định tìm hiểu, nhưng khó lắm! chị tiếp lời: thì anh Phú Khai cứ nói đi. Tôi trình bày rằng, muốn gặp một trí thức hàng đầu ở Mátxcơva để tìm hiểu về công cuộc cải tổ đang diễn ra đầy kịch tính ở Liên Xô, mà người phiên dịch phải là Irina! Tôi không ngờ chị cười và nói ngay: Dễ thôi, đi ngay bây giờ! Lên đến xe rồi, Irina bảo: Em đưa anh đi gặp viên sỹ, giáo sư X, người đang là Trưởng ban cải cách Hiến pháp Liên Xô. Đến lúc này thì tôi hoàn toàn bị Irina thuyết phục. Đúng như người ta đã ca ngợi chị là người xông xáo, là một nhà báo toàn năng, một nhà “ Việt Nam học”, chị vừa là Trưởng ban Việt ngữ, vừa là nhà phát thanh viên Tiếng Việt số 1 của Ban Việt Ngữ. 

Tác giả trên cầu Mátxcơva (1991)
Cặp đôi phát thanh viên Trần Phương giọng Nam bộ, Irina giọng Hà Nội đã thu hút được người nghe đài đối ngoại Mátxcơva. Bà con nghe đài ở Chợ lớn TP.HCM đã mê giọng phát thanh viên Irina và Trần Phương nên đã mời Irina sang TP.HCM đến 17 lần. Ở Ban Việt Ngữ đài Mát có hai nữ là Irina và Tanhia. Tanhia bố người Nga, mẹ người Việt dân Bến Tre. Bố Tanhia đi lính lê dương Pháp, chạy sang hàng ngũ Việt Nam và lấy vợ Bến Tre. Đến khi Tanhia hơn 10 tuổi mới theo cha về Nga, nhưng Tanhia nói tiếng Việt và hiểu tiếng Việt kém Irina xa. Ngồi trên xe, tôi mừng thầm là chuyến đi này đã đạt mục đích ở ngày cuối cùng. Duy có cái tên ngài viện sỹ dài như cầu Long Biên thì tôi không thể nhớ nổi! Tôi chào ông viện sỹ có vẻ bề ngoài rất quắc thước này bằng tiếng Pháp. Ông đứng thẳng dậy bắt tay tôi và lại ngồi xuống cái ghế bành bề thế. Irina giới thiệu tôi với ngài, tôi không hiểu nàng đã nói những gì mà lâu đến thế (!) Sau đó giục tôi: Anh hỏi đi. Tôi hỏi: Thưa ông viện sỹ, chúng tôi thường đọc sách và thấy Lê Nin nói, nền dân chủ XHCN ở Liên Xô gấp triệu lần nền dân chủ ở các nước tư bản. Vậy bây giờ Liên Xô cải cách hiến pháp là dựa trên nguyên tắc, nguyên lý nào? Irina dịch và ngài viện sỹ trả lời qua dịch của chị: Chúng tôi đang nghiên cứu Montesquieur ! Tôi nghe xong câu ấy thì đứng lên, cúi đầu rất thấp để cám ơn và chào ngài viện sỹ đáng kính này và nói với Irina: Thôi, thế là đã rõ. Chúng ta về thôi.

Tác giả với các bạn Nga (1991)

Ra đến cửa, tôi bảo với Irina: Vậy là quay lại thế kỷ 18 để thực hiện tam quyền phân lập. Chúng ta đã đi lộn đường mất hai thế kỷ rồi! Irina không nói gì cả. Lúc vào thang máy tôi nói: Việt Nam đi theo Liên Xô nên mới khổ thế này. Irina than: Thì nước Nga chúng em cũng đang rên xiết chứ sung sướng gì!. Tôi lại bất ngờ vì từ “ rên xiết” của chị. Đến một cô gái Hà Nội chính cống củng không chọn được từ “ rên xiết” chỉ cái tình cảnh nước Nga lúc này! Nhưng Irina lại đưa tôi đi tiếp, vì theo chị, còn nhiều thời gian. Đến một ngôi nhà cao tầng trong một khu phố không lấy gì là sang trọng, chị bảo tôi: Em đưa anh đi gặp Tổng bí thư của một đảng đối lập, tầng lầu mà chúng ta sắp lên là chính Đảng Cộng Sản thuê cho đảng đối lập này làm trụ sở. Vậy là tôi lại hiểu thêm một “ kênh” chính trị nữa ở Liên Xô lúc đó. Tổng bí thư đảng đối lập là một người đàn ông trung niên tầm thước, gương mặt hiền hòa nhưng có đôi mắt rất sáng. Trong cuộc trao đổi với ông, tôi nhớ hai câu nói đầy ấn tượng của chính trị gia tuổi trung niên này. Câu thứ nhất nói về Liên Xô: Liên Xô chúng tôi là một cái chiến hạm mắc cạn còn Việt Nam là một chiếc thuyền thúng không biết trôi dạt về đâu (!) Câu thứ hai nói về xã hội Xô Viết: Thằng I-Van nó không có gì cả thì nó không thể nên người được. Nó phải có gia sản thì mới nên người. ( I-Van là cách nói tượng trưng chỉ người đàn ông Nga, như người Việt nói: anh Ất, anh Giáp – LPK). Khi chỉ còn tôi và Irina trong thang máy, chị lấy tay gỡ cái huy hiệu biểu tượng của đảng đối lập mà ông Tổng bí thư vừa gắn lên ngực áo tôi để làm kỷ niệm, vừa gỡ vừa nói: Em tịch thu của anh cái huy hiệu này!

Biểu tình ở Mátxcơva với biểu ngữ “ Enxin là nước Nga” ( Ảnh LPK)
Về đến Đài, để ăn mừng thắng lợi của buổi sáng, tôi lấy từ túi xách ra chai Lúa mới, khao các bạn Nga. “ Lúa mới” Việt Nam tại Nga rất được ưa thích. Một lần vợ trưởng đoàn Trần Kiên đưa đến một bạn hàng của chị là một người đàn ông Nga. Tôi củng mời anh ta một ly cối Lúa mới. Anh ta làm một hơi hết sạch, chùi ria mép, rồi ba hoa: “ Nước Nga của chúng tao bao giờ cũng là một cái làng lớn đầy hủ tục (!)” Người Nga thật thà như một tảng đá, không che dấu cái sức ỳ của chính mình !!!
Irina (phải) và Tanhia (1991) (Ảnh LPK)
Khi chúng tôi rời Liên Xô về Hà Nội, “ kết thúc tốt đẹp chuyến công tác” thì các nước cộng hòa vùng Bantích đang biểu tình đòi ly khai khỏi Liên Bang Xô Viết.
Không tiễn chúng tôi được, Irina gửi cho tôi một là thứ ngắn. Tôi không ngờ chữ của chị đẹp như thế ( xem bút tích của Irina).
Bút tích của Irina (1991)
Về đến Hà Nội, gặp tù nhân vụ án Xét lại năm xưa Nguyễn Kiến Giang, ông khen bài phát biểu của tôi trên Đài Matxccơva là “ được”! Đến báo Nhân Dân , nhà báo Hữu Thọ biết tôi mới đi Liên Xô về dặn: Cậu đừng viết chửi Goocbachôp, người ta là nguyên thủ quốc gia, sẽ không có lợi cho ngoại giao hai nước. Tôi vừa đi Bắc Triều Tiên về. Kim Hạnh Tổng biên tập Tuổi Trẻ cũng đi, về đã viết bài chửi Triều Tiên, sứ quan người ta đang kiện mình kia kìa! Về đến thành phố bên sông Tiền nơi tôi đang thường trú vùng đồng bằng Sông Cửu Long, phó tổng biên tập báo địa phương là anh KT cũng nói nghe được bài phát biểu của tôi trên đài Mát. Lúc đó, trí thức Việt Nam quan tâm đến thời cuộc theo dõi tình hình diễn biến ở Liên Xô rất chặt chẽ qua chương trình phát thanh tiếng Việt của Liên Xô.
Nhà Xô Viết học Nguyễn Kiến Giang (trái) và tác giả (Ảnh chụp năm 2003)
Tượng Nguyễn Kiến Giang do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng thực hiện
Còn tiếp

Tin bài liên quan:

VNTB – Nhân ngày báo chí 21/06: Võ Văn Kiệt và báo chí

Phan Thanh Hung

VNTB – Tổng Bí Thư! Chọn nước cờ nào?

Do Van Tien

VNTB – Cần cái ghế có “độ rung:

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo