Ngọc Lan
(VNTB) – Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, do Đức Bổn Sư Ngô Lợi (1831-1890) sáng lập vào ngày mùng 05 tháng 5 năm Đinh Mão 1867.
Sau nhiều biến cố lịch sử Ngài đã chọn khu vực Núi Tượng nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang làm nơi hoằng khai đạo pháp.
Đạo hiếu làm đầu
Hàng năm, tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tổ chức Đại lễ tam hợp mùng 05 tháng 5 âm lịch, gọi là tam hợp vì đó là ngày Đản sinh Đức Bổn sư Ngô Lợi – ngày Đức Bổn sư thành đạo – ngày Khai đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa lấy đạo hiếu làm đầu, không thừa nhận ly gia cắt ái, không đặt ra giới luật khắt khe và không có sự phân biệt, kiêng kị khác nhau giữa chức sắc và tín đồ.
Trụ sở của Đạo hội đặt tại chùa Tam Bửu – Phi Lai (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn), cơ cấu tổ chức có 2 cấp: Cấp toàn đạo (Đạo hội) và cấp cơ sở (có 24 Gánh đạo). Ngoài ra còn có Ban Quản tự, Ban Quý tế của các Chùa, Đình, Miếu thuộc hệ thống Đạo Hội (Đại hội của Đạo hội được tổ chức 05 năm một lần).
Theo nhận xét của Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ, thì hình thức và cách thức tuyên truyền, phát triển đạo của Đức Bổn sư Ngô Lợi là thể hiện nội dung “Tu nhân – học Phật” qua các bộ kinh hoặc chuyển thành các thể thơ dưới dạng Sấm vãn với lời lẽ bình dị, mộc mạc dễ nhớ và dễ đi vào lòng người, rất phù hợp với trình độ và điều kiện hoàn cảnh của nông dân lúc bấy giờ. Do đó, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa nhanh chóng được người nông dân tiếp nhận.
Sau khi ông Ngô Lợi viên tịch tại núi Tượng (1890), đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa không có người kế vị, các mối đạo đều giao cho ông Trò, ông Gánh phụ trách.
Sử sách ghi, không lâu sau, một số mối đạo của ông Gánh rời vùng Thất Sơn đi các nơi khác truyền đạo. Vì vậy, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa hình thành hai hệ thống: Một hệ thống được duy trì ở các làng được coi là thánh địa của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa như: An Định, An Hoà, An Thành, An Lập thuộc vùng Thất Sơn – An Giang. Tín đồ ở các làng này được gọi là tín đồ nội thôn.
Hệ thống thứ hai là tín đồ ở những nơi mà các ông Gánh đi truyền đạo như Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu… hệ thống này được gọi là ngoại thôn.
Tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có chung niềm tin tôn giáo sâu sắc, đó là thực hiện “Tứ đại trọng ân”. Họ gọi nhau là thân bằng và có tính cộng đồng, bởi quan điểm yêu thương đồng bào đã thấm nhuần trong tư tưởng của họ.
Cơ sở thờ tự của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là hệ thống các chùa, đình, miếu, Tam Bửu gia và bàn thờ tại gia đình. Chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa khác với chùa Phật giáo, vì đây không phải là nơi tu hành của những người cắt ái ly gia mà là nơi thờ cúng các đối tượng tôn giáo và thực hiện các lễ nghi của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa còn là nơi để chữa bệnh cho tín đồ và để tín đồ thể hiện mối quan hệ với thân bằng của mình. Hiện nay, chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa tập trung nhiều nhất ở vùng Thất Sơn, tại các làng An Định, An Hoà, An Lập và An Thành.
Bên cạnh hệ thống chùa, tại các làng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa còn có các đình, miếu là nơi diễn ra các sinh hoạt tôn giáo của tín đồ và là một bộ phận trong hoạt động tôn giáo do các Trưởng Gánh trực tiếp phụ trách.
Tam Bửu gia là Phủ thờ của Gánh đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Toàn đạo có 24 Gánh thì có 24 Tam Bửu gia. Tam Bửu gia được xây gần nhà Trưởng Gánh, là một hình thức nhà thờ dòng họ của tín đồ, trong đó dòng họ Trưởng Gánh trở thành tộc trưởng của một dòng họ. Tam Bửu gia do gia đình Trưởng Gánh trông coi, cúng lễ. Ngoài ra, mỗi gia đình tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa đều có nhiều bàn thờ tại nhà để thể hiện trọn vẹn tinh thần Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Một thực tế đặt ra hiện nay là sự khó khăn trong việc thống kê các cơ sở thờ tự của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Tam Bửu gia thuộc hệ thống cơ sở thờ tự của đạo, tuy nhiên nó lại là nơi thờ riêng của dòng họ Trưởng gánh và thường được xây trên mảnh đất của dòng họ.
Kiếp nạn của Tứ Ân Hiếu Nghĩa
Đến nay người dân bổn đạo ở thị trấn Ba Chúc vẫn nhớ sự kiện đồng đạo bị giặc Pôn Pốt sát hại dã man, và tự coi đó là phần nghiệp của kiếp nạn mà tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa phải gánh chịu.
Ông Hai Tổng, thủ nhang chùa Phi Lai kể vào những ngày quân Pôn Pốt đánh phá ác liệt vào xã Ba Chúc, nhân dân trong vùng chạy vào chùa Phi Lai để tránh đạn pháo.
3 giờ chiều ngày 14-4-1978 (rằm tháng 3 âm lịch), quân Pôn Pốt tràn vào chùa Phi Lai và miễu An Định, chúng bắn bừa bãi, tung lựu đạn giết trên 80 người. Những người còn sống sót chạy ra cửa chúng dùng cây đập đầu hoặc bắn chết hơn 100 người nữa, xác nằm ngổn ngang xung quanh chùa. Riêng ở dưới bàn thờ Phật có 40 người đang ẩn trốn. Bọn chúng dùng lựu đạn ném vào làm chết 39 người, còn lại một phụ nữ nằm trong góc được sống sót. Hiện nay hầm còn dấu vết vụ thảm sát này.
Sau ngày 30-4-1978, những người còn sống sót trở về tìm lại thân nhân mình, đã nhìn thấy nhiều bàn tay máu trên vách tường, hành lang chùa Phi Lai, mà nhiều nhất là các bàn tay máu của trẻ em.
Phía bên trái trong tường có một vòng máu búng lên tường cao 4 mét, bên phải có một đường dài 7 mét, cao 0,6 mét. Phía trước chánh điện máu và nước vàng cao 2 tấc. Bà con xã Ba Chúc phải gánh trên 80 đôi nước để dội rửa. Các đội chữ thập đỏ lo thu gom xác người chết đốt lấy cốt tốn nhiều ngày mới hết. Chùa Phi Lai ngày nay còn giữ nguyên dấu vết tội ác này.
Còn với chùa Tam Bửu nằm đối diện chùa Phi Lai thì ngày 13-4-1978 (ngày rằm tháng 3 âm lịch), quân Pôn Pốt bắn pháo vào hậu liêu của chùa, một mảng tường bị sụp đổ, những người trú ẩn tại đây vừa bị thương, vừa bị tường đè tiếng kêu la thảm thiết, máu loang đầy nền chùa, 40 người chết, 20 người bị thương nằm chồng chất lên nhau.
Đến ngày 14-4-1978, quân Pôn Pốt tràn vào chùa Tam Bửu bắt hơn 800 người đem ra khỏi chùa tước hết đồ đạc rồi phân ra nam theo nam, nữ theo nữ. Nam đưa về hướng cánh đồng Cầu Sắt – Vĩnh Thông, Giồng Ông Tướng; nữ đi về hướng kinh năm xã và các nơi khác. Trong chùa còn lại 4 người già yếu, bệnh tật đi không nổi, chúng lôi bắn chết, sau đó đốt chùa. 800 người bị bắt đều bị giết, chỉ có hai người sống sót.
44 năm đang đi qua…