Việt Nam Thời Báo

VNTB – 40 năm tượng đài thuyền nhân tại Việt Nam: Vẫn vết thương rỉ máu

Quỳnh Hương (VNTB) – “Cuối cùng, người ta phát giác ra rằng chính quyền Việt nam đã làm tiền chính người dân, rồi tống khứ họ đi bằng chuyến tàu này, thu lợi từ những người dân đang tuyệt vọng.”

Bi kịch của thuyền nhân cũng chính là bi kịch chung của dân tộc Việt Nam
Cố TT Võ Văn Kiệt có để lại 2 dấu ấn mang tính lịch sử: là người góp phần lớn cởi trói thể chế tại thành đô Sài Gòn sau giải phóng; và là người thừa nhận hai mặt một sự kiện trong lần trả lời phỏng vấn với đài BBC nhân dịp 30 năm thống nhất: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu…”

Vết thương rỉ máu – điều đó đã xảy ra

Nhiều người sinh sau cuộc chiến, học tập dưới mái trường XHCN không hề nhận biết được nỗi buồn đó. Bởi một trong số nỗi buồn đó hoàn toàn biến mất khỏi lịch sử các cấp học, kể cả cấp dạy đại học, đặc biệt là đào tạo giáo viên lịch sử. Đó là nỗi buồn của nạn chạy trốn Cộng sản của hàng triệu con người, mà nay gắn liền với cụm từ tiếng Anh “Boat People”, một trong những vết thương dân tộc từng làm nổi sóng dư luận về vấn đề nhân đạo (Un bateau pour le Vietnam, Île de Lumière, Ein Schiff für Vietnam, Jean Charcot, Akuna II, Cap Anamur).

Đối với Boat People Personal Vietnamese 1975-1996 (Carina Hoàng) đã nhận ra sự cần thiết phải chép lại lịch sử thuyền nhân trước khi nó bị quên lãng thúc đẩy cô viết nên cuốn sách. “Tôi nhận ra rằng không chỉ có con gái hay các cháu của tôi, mà cả một thế hệ trẻ người Việt ở hải ngoại không biết nhiều về cuộc đào thoát vĩ đại này. Và dĩ nhiên quảng đại quần chúng cũng chẳng biết gì về nó cả,”.

Theo số liệu Wain, Barry, Tr 42, thì 1975 chỉ có 375 người vượt biên bằng tàu, nhưng đến năm 1979, con số đã lên đến 211.518 người.

Không phải ai cũng tìm thấy bến Tự do.

Cuốn sách Boat People Personal Vietnamese 1975-1996, trích dẫn nhiều đoạn bi thương về thân phận người rời bỏ đất nước: “Tháng 2 năm 1979, chiếc tàu chở hàng của Panama tên Skyluck cập cảng Hồng Kông với hơn 2.600 thuyền nhân. Họ đã ở 155 ngày trên chiếc tàu trong tình trạng thật dơ bẩn, cầu khẩn để được lên bờ, trong lúc nhà cầm quyền Hồng Kông tìm cách thu xếp. Cuối cùng, người ta phát giác ra rằng chính quyền Việt nam đã làm tiền chính người dân, rồi tống khứ họ đi bằng chuyến tàu này, thu lợi từ những người dân đang tuyệt vọng.”

Nhưng không phải ai cũng tìm thấy bến Tự do. Một phần lớn người Việt Nam phải bỏ mạng bởi nạn cướp biển, hãm hiếp, và bão tố của biên.

Hình ảnh đến nay vẫn chưa được thừa nhận chính thức tại Việt Nam.

“Nhiều chiếc thuyền gặp phải hải tặc Thái lan đang rình rập trên biển Đông. Những trận cướp bóc của chúng thật kinh hoàng – chúng lột trần truồng những người đàn ông và nhổ răng vàng của họ, và hả hê cưỡng hiếp những người phụ nữ hàng giờ liền.”

Nhưng đáng buồn hơn, vào năm 2005, 30 năm của cuộc chiến làm phân ly lòng người đó, bia tưởng niệm thuyền nhân tại Malaysia và Indonesia đã bị đục bỏ khi chính quyền Việt Nam gây áp lực.

Tác giả cuốn sách cho rằng: “Tôi nhớ rằng tướng Dwight D. Eisenhower đã nói một điều gì đó …. khi ông thấy những trại tập trung của Đức Quốc xã vào cuối cuộc chiến: “Hãy chụp càng nhiều hình càng tốt, bởi vì một lúc nào đó trong tương lai một kẻ khốn nạn nào đó sẽ nói “Điều đó đã không bao giờ xảy ra cả.”

Và giờ là lúc xoa dịu tâm can

Tôi không muốn nói về những người đã tử nạn vì cuộc chiến trong bài viết này, một phần lớn vì họ đang và sẽ dần mồ yên mả đẹp. Ngay như khu vực Nghĩa trang tử sĩ quân nhân Việt Nam Cộng Hòa (nay là nghĩa trang Bình An – Biên Hòa) vốn gây nhức nhối lòng người cũng được tôn tạo, trùng tu trở lại từ năm 2007 đến nay, mặc dù yếu tố “tổng thể” vẫn còn đang bị chính quyền “toan tính”.

Nhưng dù sao, những bước chuyển trong khu Nghĩa trang tử sĩ quân nhân VNCH, và việc thay dần chữ “Mỹ ngụy, ngụy quyền Sài Gòn” thành Việt Nam Cộng Hòa, Quân đội miền Nam Việt Nam… cũng đã là một câu trả lời khá cởi mở cho câu hỏi của ông Nguyễn Đạc Thành, một cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa, Chủ tịch Sáng hội Việt-Mỹ (VAF): “Vậy thì tại sao lại hận thù những người đã nằm xuống?.”.

Nhưng chừng đó là chưa đủ, 40 năm cuộc chiến lòng người vẫn tiếp tục diễn ra… Cuộc chiến ấy không những lôi kéo binh sĩ, những người tham gia trực tiếp cầm súng trong cuộc chiến 30 năm tương tàn, mà cả những người dân thường, những người rời bỏ cuộc chiến đi tìm tự do sau năm 1975.

Tượng đài tưởng niệm thuyền nhân nên sớm được đặt tại Việt Nam.

Điều đó có nghĩa, nỗi đau của những người thân có người vượt biên tìm tự do, hay ký ức kinh hoàng của chuỗi ngày đói khát, lênh đênh trên biển và đối mặt với cướp biển Thái Lan đầy thú tính ở những người còn sống vẫn còn âm ỉ. Càng âm ỉ hơn khi chính quyền đã làm một chuyện cực kỳ dại dột và sai lầm trong dịp kỷ niệm 30 năm “giải phóng”, đó là gây áp lực ngoại giao để đục bỏ bia tưởng niệm thuyền nhân tại một số nước, với chỉ một lần đục bia đã khoét sâu thêm lòng hận thù trong người Việt.

Vì thế, để xoa dịu tâm can, như một hành động của trách nhiệm cần thiết ở một chính thể và sự bao dung ở tầm lãnh đạo, thì chính quyền Việt Nam phải đặt ra một lối đi chủ động trong việc kéo lại lòng người. Đó là, tưởng niệm những người thuyền nhân (Vietname Boat People Memorial) bằng một tượng đài đặt ngay chính tại Việt Nam.

Có quá khó không?

Chắc hẳn là một vấn đề đáng cân nhắc, nhưng một quốc gia, thể chế khiến người dân phải ra đi và bỏ mạng nơi biển cả, tạo nên một làn sóng nhân đạo trên thế giới cũng cần có một phần trách nhiệm trong đó.

Trách nhiệm đó bao gồm nhận thức đầy đủ về việc di tán/ vượt biển của người dân sau năm 1975 và chịu trách nhiệm một phần vì để ra sự vụ đó.

Dựng một tượng đài thuyền nhân tại Việt Nam không phải là mưu toan về cái chết. Mà là gợi tưởng để tránh một thảm kịch trong tương lai, và trên hết là bắt đầu mở ra thông điệp mở cánh cửa cho tương lai, đặt lại 40 năm thù hận giữa những người cùng chung dòng máu, để người Việt ngồi lại nói chuyện với nhau, về những gì đã qua, và vạch ra những gì cần để đi tới thông qua 2 chữ Hòa Hợp. Và là một tượng đài nhỏ, nhưng sẽ là một bước tiến dài, đầy dũng cảm trong xoa dịu vết thương còn rỉ máu trong tâm can người Việt Nam.

Chính quyền khôn ngoan hơn, nhận thức đầy đủ về “thống nhất lòng dân” sau 40 năm bằng một hành động thực sự can đảm. Hay chỉ mãi biết mê muội với hận thù như thể 40 năm “giải phóng miền Nam”, để rồi đẩy nhanh tiến trình giải thể của chính mình, và được khắc vào trong lịch sử như một vết ố đen đầy xấu hổ?

Những bước đi trong hòa hợp lòng người, từ việc xoa dịu nỗi đau tại Nghĩa trang Biên Hòa cho đến lập đài tưởng niệm thuyền nhân tại Việt Nam. Đó vừa là lựa chọn, vừa là cơ hội cho chính Đảng Cộng sản Việt Nam, là bước đi cần thiết trước khi đi đến sự hòa hợp, hòa giải thực sự.

Bởi khép lại chiến tranh thì dễ bằng chính trị, nhưng khép lại lòng người thì cần cả chính trị lẫn sự bao dung, và tầm nhìn sâu lắng nhiều hơn.

Tin bài liên quan:

VNTB – Phóng sự: Chưa đi chưa biết Bà Nà…

Phan Thanh Hung

VNTB – Bạn hỏi tôi? Cùng nhau làm giặc ý thức hệ!

Phan Thanh Hung

VNTB – Dự án sân bay Long Thành: TBT Trọng tiếp ứng cho “đại tiệc lợi ích”?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo