Việt Nam Thời Báo

VNTB – UBĐKCG: Chiến lược xâm nhập với tham vọng biến chất Giáo hội Công giáo VN (bài 2)

TS Phan Quang Trọng

 

(VNTB) – Mặt thật của các tu sĩ này sau 1975 mới lộ dần khi họ nhanh chóng thành cán bộ của MTTQ

 

Bài viết này tập trung vào chiến lược xâm nhập của UBĐKCG nhắm vào Giáo hội Công giáo (GHCG) Việt Nam-là tổ chức tôn giáo độc lập và duy nhất được nhà cầm quyền công nhận hợp pháp. Chiến lược xâm nhập bắt đầu từ lúc đảng thành lập Ủy ban Liên lạc Công giáo Quốc gia vào năm 1955. Hiện nay được biết đến với tên gọi Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) Việt Nam, một tổ chức trực thuộc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam với mục tiêu làm biến chất GHCG Việt Nam, suy yếu ảnh hưởng của Toà Thánh Vatican, thực hiện tiến trình quốc doanh hóa GHCG Việt Nam, và cuối cùng cắt đứt thông công với Vatican và giáo hội hoàn vũ.

Được dấu dưới mô hình xã hội dân sự, UBĐKCG được cải tổ vào tháng 11 năm 1983 và hoạt động như một tổ chức phi chính phủ do nhà cầm quyền thành lập. Các tu sĩ lãnh đạo của UBĐKCG thực chất là cán bộ cốt cán của Đảng, nhiều người trong họ còn được tiến cử thành đại biểu quốc hội, hay trao một chức vụ nào đó trong guồng máy nhà nước với nhiều quyền lợi, tước vị, danh vọng, và bổng lộc đặc biệt (1).

Để thực hiện chiến lược này, đảng CS và nhà cầm quyền từng bước xâm nhập vào các địa phận, dòng tu, và hệ thống chức sắc của giáo hội thông qua các giáo dân, linh mục và một vài giám mục có mối quan hệ thân thiết với Đảng. Các cán bộ của tổ chức UBĐKCG còn dùng phương tiện dồi dào để tấn công các linh mục và giáo dân lên tiếng về các bất công xã hội và môi trường, bảo vệ tự do tôn giáo, sinh hoạt liên tôn giáo, hoặc từ chối thỏa hiệp với nhà cầm quyền.

Chiến lược xâm nhập đa dạng và thâm độc bao gồm việc gây ảnh hưởng trong các quyết định bổ nhiệm các lãnh đạo tôn giáo, đối xử đặc biệt với các thành viên của uỷ ban, nắm quyền xuất bản tài liệu tôn giáo, đồng thời chiếm giữ và kiểm soát tài sản và phương tiện giáo dục, truyền thông đại chúng của giáo hội. Thông qua UBĐKCG, nhà cầm quyền còn can thiệp vào việc liên lạc giữa các chức sắc và tín hữu Công giáo, cũng như giáo hội VN với các tổ chức Công giáo trên toàn thế giới, bao gồm cả Tòa Thánh Vatican. Trước khi tìm hiểu về lịch sử và các tác động tiêu cực nhắm đến GHCG của UBĐKCG hay đúng hơn của ĐCSVN qua MTTQ, xem cách vận hành của các cơ quan có trách nhiệm về mặt tôn giáo và các luật, lệ tôn giáo liên hệ sẽ giúp thấy rõ âm mưu xâm nhập, lũng đoạn, và biến chất của UBĐKCG trong lòng giáo hội Công giáo.

 

Cơ Quan, Tổ Chức, và Luật Lệ Ban Hành để Kiểm Soát các Tôn Giáo

MTTQ được thành lập từ 1955, vai trò trong thời bình sau 1975 có đôi chút thay đổi so với thời chiến, nhưng mục tiêu chính của mặt trận vẫn là một tổ chức trực thuộc đảng CSVN để bao trùm kiểm soát và điều khiển mọi sinh hoạt chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo, vv. của mọi tổ chức và người dân. Vai trò đó được nêu rõ trong hiến pháp 2013 của Việt Nam. Luật Tín ngưỡng năm 2016 còn quy định MTTQ tham gia soạn thảo các luật lệ về tôn giáo và giám sát việc thực thi luật và chính sách do nhà nước ban hành về tôn giáo (2). Bên cạnh MTTQ, là cơ quan chính thức thực thi ba chiến lược tôn giáo nêu trên, các hoạt động tôn giáo còn bị kiểm soát bởi hai cơ quan khác thuộc nhà nước là Bộ Công an và Bộ Nội vụ qua Ban Tôn giáo Chính phủ. Mỗi cơ quan có vai trò và trách nhiệm đặc thù và làm việc chặt chẽ theo các nguyên tắc làm việc và lãnh đạo bởi các cán bộ cao cấp xuất thân từ giới an ninh. Hiện tại, giáo hội Công giáo Việt nam là một tổ chức tôn giáo độc lập duy nhất được phép hoạt động mà không trực thuộc MTTQ. Chính vì vậy MTTQ thành lập và dùng UBĐKCG như trợ cụ để thực hiện chính sách và chiến lược thâm nhập với tham vọng đưa GHCG vào quỹ đạo quốc doanh hóa như các tôn giáo đã bị Đảng CS thuần hóa và quốc doanh hóa.

Ban Tôn giáo Chính phủ là tên của cơ quan thuộc quyền của văn phòng Thủ tướng được thành lập cùng thời với MTTQ năm 1955. Ban Tôn Giáo có trách nhiệm giám sát các hoạt động và vấn đề tôn giáo qua việc điều phối và soạn thảo chính sách tôn giáo. Năm 2007, Ban tôn giáo được chuyển sang nằm dưới quyền kiểm soát của Bộ Nội Vụ và các lãnh đạo cao cấp của ban này thường là các sĩ quan cấp tướng xuất thân từ công an. Cơ quan thứ ba góp phần kiểm soát và thi hành pháp luật thay cho đảng và nhà cầm quyền không ai khác hơn là Bộ Công An (2). Đây là thanh gươm của hai cơ quan kia có nhiệm vụ theo dõi, bắt bớ, điều tra, tra tấn, giam giữ, vv. nhằm dùng bạo lực để phá tan mọi cố gắng duy trì tính độc lập của các tôn giáo chân chính. Với 1.5 triệu công an cảnh sát chính quy, cộng với hơn 5 triệu an ninh các loại, và một ngân sách khổng lồ chỉ sau Bộ Quốc phòng (11), Bộ Công an không thiếu phương tiện, kỹ năng, và kinh nghiệm để theo dõi và đàn áp các tổ chức tôn giáo độc lập. Lịch Sử Thành Lập UBĐKCG và các Hoạt Động nhằm Xích Hóa Giáo Hội Công Giáo Thành lập Ủy Ban Liên Lạc Công giáo tại Miền Bắc Việt Nam 1955 tiền thân của Ủy Ban Đoàn kết

 

Công giáo Việt Nam hiện tại

Sau khi cướp được chính quyền vào tháng 8, 1945, đảng CSVN bắt đầu thanh trừng các tôn giáo. Riêng với giáo hội công giáo, suốt 9 năm kháng chiến trong những vùng do CS chiếm đóng đã có chiến dịch tịch thu các cơ sở của giáo hội, đốt phá hay đóng cửa các nơi thờ tự, bắt bớ, giam cầm, và cả giết hại các linh mục, tu sĩ và giáo dân hoặc nhẹ hơn là ép họ bỏ đạo. Trong những vùng quê do họ kiểm soát tại ba miền, Việt Minh mượn tay của cả quân đội hoàng gia Nhật, mật thám Pháp, hay chính Việt Minh để diệt các lãnh tụ quốc gia trong đó có các chức sắc tôn giáo được nhiều người dân kính trọng (3). Sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước năm 1954 và khi ĐCSVN đã cai trị hoàn toàn miền Bắc Việt Nam, một chính sách cụ thể được đem ra thi hành để đối phó với GHCG. Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo trực thuộc MTTQ được thành lập do một linh mục tên Vũ Xuân Kỷ đứng đầu cùng một số linh mục tha hóa đã được Mặt trận đề bạt vào ban lãnh đạo đầu tiên của Ủy ban.

 

Tiểu sử của linh mục Vũ Xuân Kỷ cho thấy ông không sống và hoạt động như một linh mục công giáo thuần túy lấy Tin Mừng cứu độ làm mục đích cuộc sống cá nhân. Ông Kỷ sinh năm 1886 tại Mỹ Lộc, Nam Hà. Đi tu và được thụ phong linh mục năm 1921. Tháng 8-1945, theo lời kêu gọi của ông Hồ Chí Minh, LM Kỷ quyết định tham gia phong trào Việt Minh. Năm 1946, ông được đề cử vào Ban Chấp Ủy Tỉnh hội Liên Việt, Nam Định. Năm 1949, ông là Phó Hội Trưởng Hội Liên Việt Liên Khu 3. Năm 1950, ông được chỉ định đứng ra triệu tập Hội Nghị Công Giáo Kháng Chiến Liên Khu 3 nhằm kêu gọi giáo dân Công giáo tham gia ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp dưới sự chỉ đạo của Đảng CSVN trong mặt trận Việt Minh. Hội nghị đi đến thành lập Ủy Ban Liên Lạc Kháng Chiến Liên Khu 3. Để có phương tiện truyền thông nhắm vào giới Công giáo, Ông Kỷ được chỉ định làm cố vấn và chủ nhiệm tờ báo có tên “Sáng Danh Chúa”. Sau đó ông lần lượt làm ủy viên Ủy Ban Liên Việt, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Vệ Hòa Bình Thế Giới của Việt Nam. Năm 1955 sau khi CSVN bình định được cả miền Bắc trong Đại Hội Công Giáo Toàn Quốc, ông Kỷ được bầu là Chủ Tịch Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo (UBLLCG). Tháng 9-1955 ông chính thức là Ủy Viên Đoàn Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Sau đó ông còn được “đảng cử, dân bầu” làm đại biểu quốc hội. Ông Kỷ được trao nhiều huân chương dành cho đảng viên ưu tú như Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng Chiến hạng Nhất (4). Cuộc đời và thành quả hoạt động của ông Kỷ không thấy có gì là cuộc đời một tu sĩ Công giáo, mặc dù ông mặc áo dòng và được gọi là linh mục. Tất cả sự nghiệp của ông không để “Sáng Danh Chúa” như tờ báo ông làm chủ nhiệm đầu tiên mà để “Vinh Danh Đảng” và tiếp tay thi hành chính sách xâm nhập và biến chất GHCG của đảng CSVN.

Giai đoạn từ lúc chiếm được miền Bắc cho đến khi cuộc xâm lăng miền Nam lên cao độ là lúc cuộc đàn áp GHCG miền Bắc đẫm máu nhất (5). Nhờ tinh thần đạo đức, can đảm của các giám mục, linh mục miền Bắc mà chính sách tiêu diệt và quốc doanh hóa của đảng qua MTTQ và Ủy ban Liên lạc bất thành. Trong thư đề ngày 12/3/1955, một ngày sau khi ủy ban liên lạc này được thành lập, ký chung với các Giám mục khác, cố Giám Mục Lê Đắc Trọng nguyên GM phụ tá TGP Hà Nội đã lên tiếng cảnh giác các Kitô hữu về mối nguy hại mà “Ủy ban Liên Lạc những người Công Giáo Yêu Tổ quốc, yêu Hòa bình” (UBLLCG) sẽ gây ra. Thư của GM Lê Đắc Trọng viết “Phong trào Những người Công giáo Kính Chúa Yêu Tổ Quốc Và Hòa Bình, được một số linh mục hoàn toàn bên ngoài hàng giáo phẩm phát động tại Hà Nội, là một mối nguy hiểm cho sự thống nhất của Giáo hội tại Việt Nam. Hàng giáo phẩm không nhìn nhận phong trào này có liên quan đến các linh mục và tín hữu” (6). Thư trên nói rõ, linh mục Vũ Xuân Kỷ và các linh mục, tu sĩ trong ê-kíp tay sai lãnh đạo Ủy ban không còn hay không phải là tu sĩ thuộc giáo hội Công giáo, các giám mục, linh mục, và giáo dân biết họ là cán bộ CS. Cố GM Lê Đắc Trọng đã nhiều lần lên tiếng ngăn cấm các linh mục tham gia ủy ban này.

Theo tài liệu của Bà Trần Thị Liên (7), Giám Mục Trịnh Như Khuê sau là Hồng Y là người đã rút phép thông công hai linh mục trong ủy ban, một hình phạt về tinh thần nặng nề đối với tu sĩ công giáo. Cũng trong cùng tài liệu, tác giả Trần Thị Liên ghi chú tìm được từ tài liệu lưu trữ tại Ba Lan là nhà cầm quyền CSVN còn nhờ các “linh mục yêu nước” Ba-Lan và Tiệp Khắc thuyết phục các giám mục Việt Nam ủng hộ việc lập phong trào Công giáo Yêu nước và Ủy ban và còn đưa các “linh mục” trong Ủy ban đến gặp GM Trịnh Như Khuê. Dù bị cấm cách và bách hại nặng nề, các giám mục miền Bắc lúc đó vẫn cương quyết từ chối hợp tác với các phong trào công giáo yêu nước. Giáo quyền và giáo dân công giáo miền Bắc quyết tâm trung thành với lý tưởng Kitô giáo và hiệp nhất với giáo hội hoàn vũ (8).

Quyết tâm và tinh thần can trường của các giám mục và giáo hội “thầm lặng” miền Bắc dẫn đến 20 năm bị bách hại, chủng viện bị đóng cửa, tài sản bị trưng thu, các linh mục đi tù, nhiều vị chết trong tù, các giám mục không được tự do đi lại và làm việc mục vụ, vv. nhưng Đức Tin Công giáo “thầm lặng” nhưng cương quyết vẫn vững mạnh và nở rộ. Điều thâm độc của đảng lúc đó là qua UBLLCG họ đã dùng những tu sĩ tha hóa để phá đạo, bách hại đạo, lấy người đi đạo diệt đạo (8).

Đây là một âm mưu thâm độc vì người bên ngoài nhìn vào không thấy đó là cuộc bách hại tàn bạo từ Đảng mà xem như những xích mích do mâu thuẫn trong nội bộ giáo hội. Lý do thất bại thứ hai của âm mưu tiêu diệt giáo hội qua UBLLCG là bản thân giới lãnh đạo ủy ban lúc ban đầu còn kém cỏi. Để hỗ trợ UBLLCG đàn áp chính giáo hội, MTTQ cho ai không theo UBLLCG là không theo chế độ, chống lại ủy ban là chống lại nhà nước, là đội lốt tôn giáo, phản động, chống lại những người yêu nước. GHCG chịu bao khốn khó, tu sĩ, giáo dân bị tù đày có thể nói là do cái ủy ban này.

Khác với UBĐKCG hoạt động tại Miền Nam sau 1975 do nhóm các tu sĩ trí thức, có học hơn, UBLLCG tại miền Bắc trước đó do MTTQ nhào nặn chỉ chiêu dụ và gầy dựng được những tu sĩ, giáo dân kém đạo đức, hám quyền lợi nên mất lòng tin nơi người công giáo chân chính. Vì vậy, vai trò của UBLLCG tuy hung bạo nhưng lại không đạt được hiệu quả như Đảng mong muốn. Bài học đàn áp từ miền Bắc được cải tổ và đem ứng dụng qua UBĐKCG ở miền Nam sau này. Thành lập Hội Người Công giáo Yêu nước (HNCGYN) nằm trong Mặt trận Giải phóng Miền Nam năm 1961. Tại miền nam Việt Nam dưới thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) dù chưa chiếm được Miền Nam, nhà cầm quyền Hà Nội cho lập một tổ chức tương tự Ủy ban Liên lạc Công giáo vào tháng 4, 1961 và sau đó hội này gia nhập Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Hội này có tên Hội Người Công giáo Yêu nước (HNCGYN) với mưu đồ lâu dài thâm nhập vào GHCGVN tại miền Nam. Để đối phó với chủ trương này, các giám mục miền Nam đưa ra “Thư Chung các Giám mục Miền Nam 1960” tiếp tục nói về vấn đề “Cộng sản vô thần” như trong “Thư Chung của các Giám Mục Đông Dương 1951” để giúp tín hữu Công giáo hiểu về chủ trương của đảng CS đối với các tôn giáo nói chung và với GHCGVN nói riêng.

Sau khi khẳng định giữa học thuyết Công giáo và Cộng sản không thể đi đôi với nhau, Thư chung đưa ra quyết tâm: “Trong cuộc tranh giành quyết liệt này Cộng sản đã tỏ ra rất xảo quyệt. Chúng ta hãy sáng suốt nhận định để có một đường lối dứt khoát giúp người đang ở trong cơn bách hại được biết đường xử trí và người chưa bị bách hại được biết cách đề phòng.” Để củng cố cho lập luận ở trên, Thư chung 1960 trích dẫn nhiều khoản của Thư chung 1951 (9). Để đối phó với tinh thần quyết liệt của các vị mục tử hai miền thể hiện qua hai Thư Chung, tại miền Nam xuất hiện phong trào người Công giáo chống chiến tranh và kêu gọi hòa bình. Từ đó có những người mệnh danh là người Công giáo “tiến bộ”, “yêu hòa bình”, quy tụ được một số linh mục từ nhiều phong trào khác nhau. Nhất là các linh mục, tu sĩ trí thức trong đó nhiều vị từng được giáo hội gửi đi du học tại Âu Tây. Một phong trào được tổ chức với mục đích chống lại chính quyền Sài Gòn qua các hình thức sinh hoạt trong giới sinh viên Công giáo, kêu gọi đối thoại với Hà Nội và mưu cầu hòa bình, bênh vực người lao động của các linh mục thiên tả như Phan Khắc Từ, Trương Bá Cần, Huỳnh Công Minh, Thiện Cẩm, vv. và dần kêu gọi chống lại các Giám mục miền nam và yêu cầu xét lại tinh thần Thư chung 1951 và 1960.

Trớ trêu thay, trong khi CS Miền Bắc bắt đầu cuộc xâm lăng đẫm máu vào miền Nam thì các vị này thay vì giúp người dân và chính phủ VNCH bảo vệ một đất nước có chủ quyền thì lại kêu gọi hòa bình! (10). Mặt thật của các tu sĩ này sau 1975 mới lộ dần khi họ nhanh chóng thành cán bộ của MTTQ. Sau khi cuộc chiến chấm dứt và khi “bên thắng trận” bắt đầu đàn áp tôn giáo thì các tu sĩ “tiến bộ” này không làm sứ giả hòa giải giữa giáo hội và chế độ mới như họ rêu rao trong những năm chiến tranh. Trái lại, họ nhanh chóng tiếp tay nhà cầm quyền mới trong công tác xây dựng “chế độ XHCN”. Các tu sĩ trí thức này là nhân tố quan trọng để gầy dựng lại tổ chức UBLLCG sau năm 1975 với tên gọi mới là UBĐKCG.

Tiếp theo Bài 3: Tổ chức phong trào Công giáo Yêu nước năm 1983 và đi đến thành lập Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam (UBĐKCGVN)

 

___________________

Tham khảo:

(1) GS Hà Thành (2008). “Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo bao giờ đến hồi kết? – Chân dung UBĐKCG” (đây là một trong 3 bài viết về UBĐKCG của GS Hà Thành). VietCatholic News. Trang trực tuyến: https://vietcatholic.net/News/Home/Article/53194

(2) Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (10/2024). “Các trợ cụ đàn áp tôn giáo ở Việt Nam – Bối cảnh và Phương pháp”. Bản dịch từ tài liệu do USCIRF công bố (3. Trang đã dẫn) do BP-SPS dịch thuật và phát hành trên Mạch Sống Media. Bản dịch được chia ra làm nhiều phần. Phần 2 trên trang trực tuyến sau: “Các Trợ cụ Đàn áp Tôn giáo tại Việt Nam: Bối cảnh và Phương pháp”: https://machsongmedia.org/2243-cac-tro-cu-dan-ap-ton-giao-o-viet-nam-boi-canh-va-phuong-phap-phan-

(3) Hứa Hoành (không rõ năm viết). “Việt Minh Giết Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ và Lãnh Tụ Giáo Phái Nam Kỳ” trong loạt bài về “Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ (Bài 2). Việt Nam Sử Học, Trang Văn Học; Lịch Sử Việt Nam. Bài trên trang trực tuyến: http://www.vietnamsuhoc.com/PrintPreview.aspx?id=21

(4) Báo Nhân Dân (9/1972). “Tiểu sử linh mục Phêrô Vũ Xuân Kỷ”. Thư viện Báo chí của Thư viện Quốc gia Việt Nam. Bài trên trang trực tuyến: http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=Qik19720905.2.26

(5) Lm Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong (7/ 2016). “Giáo hội Miền Bắc dưới thời cộng sản từ 1954 đến

nay (Kỳ II)”. Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Bài trên trang trực tuyến: https://dcctvn.org/giao-hoi-mien-bac-duoi-thoi-cong-san-tu-1954-den-nay-ky-ii/

(6) GM Phaolô Lê Đức Trọng (9/2009). “Hồi ký Cố Giám Mục Lê Đắc Trọng – Hiện tình tôn giáo sau

năm 1975”. Báo trực tuyến Saigon Echo. Bài trên trang trực tuyến tuyến: https://saigonecho.com/main/doisong/tongiao/32839-phaolo-le-c-trng.html

(7) Trần Thị Liên (3/2005). “Vấn đề Công Giáo Miền Bắc Việt Nam qua tư liệu lưu trữ Ba Lan (1954-

1956)” đăng trong Thời Đại mới, Số 4, Groupe d’Etude sur le Vietnam Contemporain – IEP Paris. Bài

trên trang trực tuyến từ Viet Catholic News: https://vietcatholic.net/News/Home/Article/25515

(8) LM Nguyễn Thế Thoại (2001). Công Giáo Trên Quê Hương (Quyển 2, Chương 28-29). Tác giả ghi

chú: Lưu Hành Nội Bộ. Tìm đọc trên Thư Viện HĐGMVN: https://thuvienhoidonggiammucvietnam.org/Thongtinsach/Index?masach=143501.

(9) Thư Chung các Giám Mục (GM) Đông Dương 1951 và Thư chung các GM Miền Nam 1960 (1951

and 1960). Lương Tâm Công Giáo Việt Nam (tháng 11, 2010). Bài trên trang trực tuyến: https://luongtamconggiao.wordpress.com/2010/11/03/th%C6%B0-chung-cac-gm-dong-d%C6%B0%C6%A1ng-1951-va-th%C6%B0-chung-cac-gm-mi%E1%BB%81n-nam-1960/

(10) Ngô Quốc Đông (2022), “Hoạt động Chính trị của Nhóm trí thức Công giáo Cấp tiến tại Miền Nam

trước năm 1975”. Nghiên cứu Tôn giáo, Số 8 (224), 2022, 30-46. Bài trên trang trực tuyến:

https://vjol.info.vn/index.php/rsr/article/download/86250/73388/

(11) Carlyle A. Thayer (4/2017). “Background Briefing: Vietnam – How Large is the Security

Establishment”. Thayer Consultancy. ABN# 65-648-097-123. Bài trên trang trực tuyến: https://viet-studies.net/kinhte/Thayer_VNSecuritySize.pdf

 


 

Tin bài liên quan:

RFA – Kỷ niệm vụ sát hại ông Lê Đình Kình ở Đồng Tâm: Sau năm năm gia đình vẫn bị chính quyền trấn áp

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Xã hội chủ nghĩa là gì để có thể định hướng cho kinh tế thị trường?

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam khó mà được như Venezuela

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo