Việt Nam Thời Báo

VNTB – 48 năm người Việt tại Mỹ

Thái Hoá Lộc

 

(VNTB) – Người tỵ nạn Việt Nam đến Hoa Kỳ đã bước sang năm thứ 48 đánh dấu cuộc di tản bi đát nhất của lịch sử Việt Nam – 30 tháng 4 năm 1975

 

Người tỵ nạn Việt Nam đến Hoa Kỳ đã bước sang năm thứ 48 đánh dấu cuộc di tản bi đát nhất của lịch sử Việt Nam – 30 tháng 4 năm 1975 từ đó đến nay, biết bao nhiêu cuộc đời đã thay đổi, có thể nói là từ có đến không, từ không đến có, từ thế hệ thứ nhất, đến thế hệ thứ 2, thứ 3…

 

Người tị nạn

Theo thống kê dân số Hoa Kỳ năm 2020, hiện nay hơn hai triệu người gốc Việt đang sinh sống tại Mỹ, chiếm một nửa tổng số người Việt sống ở nước ngoài. Con số này càng ngày càng tăng mà không có sự giảm sút. Hầu hết đều di cư đến Mỹ sau biến cố đau thương của đất nước, tháng 4-1975, khi mà người quân đội Bắc Việt chiếm miền Nam, được xem là một cơ hội thống nhất đất nước. Quân, Cán, Chính miền Nam đều được xem như kẻ thù cần triệt hạ hay cô lập.

Những người Việt bỏ nước ra đi trong nhiều đợt, – hoảng loạn trước và sau ngày xe tăng Bắc Việt vào Saigon, – những đợt vượt biển nguy hiểm, đầy sóng gió, chết chóc kéo dài trong vòng 25 năm, – đợt tù nhân tập trung “cải tạo” được Hoa Kỳ can thiệp cho nhập cư Mỹ, – đợt tìm về quê cha của những trẻ em lai Mỹ, – và 10 năm sau đợt người Việt Nam đặt chân đến Hoa Kỳ, một số đông gia đình được đến Mỹ, trong diện bảo lãnh thân nhân.

Ngoại trừ nhóm cuối cùng, những người Việt đến Mỹ đều với những lý do tù đày, bạc đãi, kỳ thị hay không phù hợp với chế độ, kể cả nghèo đói bị xô đẩy ra ngoài lề xã hội, họ đều là những thành phần bất đồng chính kiến với Cộng Sản Việt Nam ở trong nước. Do đó, Hoa Kỳ tuy có tòa Đại sứ, Lãnh sự đại diện cho nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa nhưng thực tế những cơ quan ngoại giao này không đại diện cho người Việt ở Mỹ, trừ một số du học sinh, cán bộ và gia đình cán bộ nhà nước. Do đó nhiều người Việt tại Mỹ thường xuyên biểu tình lên án tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, và đã vận động nhiều chính quyền địa phương công nhận lá cờ vàng quốc gia của VNCH trước đây làm biểu tượng cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại qua “Chiến dịch cờ vàng” và nay được xem là “Lá cờ Tự do và Di sản” (Heritage and Freedom Flag) của người Việt tại Mỹ…

Tuy nhiên cũng như các cộng đồng khác, hiện đang sống trên đất Mỹ, cộng đồng Việt Nam không phải là một khối đồng nhất. Họ đến Mỹ trong nhiều thời kỳ, bao gồm đủ thành phần xã hội, nhất là diện vượt biển, nên kiến thức, nếp sống không đồng đều, bên những hình ảnh tốt đẹp tích cực, cộng đồng người Việt không tránh khỏi những điều tiêu cực không mấy đẹp cho khuôn mặt cộng đồng Việt Nam. Án mạng, cướp bóc, cờ bạc, ma tuý, đĩ điếm, băng đảng, trồng cần sa bất hợp pháp, gian lận các chương trình an sinh của chính phủ vẫn thường xảy ra trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. 

Ông Cassidy, một nhân viên tư pháp của Orange County, nơi có con số người Việt định cư cao nhất, nói rằng hầu hết những thanh niên băng đảng đều nhỏ tuổi là những thuyền nhân vượt biển đến Hoa Kỳ sau năm 1977. Họ nghèo khổ, sống đơn độc, không có gia đình, không biết tiếng Anh, khó khăn trong chuyện kiếm được việc làm tốt. Thành phố Garden Grove có 175,000 cư dân, trong đó có gần 48,000 người Việt, và con số tội phạm chiếm 25%.

Nghị quyết số 36

Nghị quyết số 36 của Bộ Chính Trị về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” tất nhiên là nhắm vào thành phần người Việt ở Mỹ, đông nhất là ở tiểu bang California, không thành công. Sự thật, CSVN chưa thâm nhập được vào các tổ chức, đoàn thể cộng đồng, hiện diện được trong các sinh hoạt văn hoá, giáo dục, chưa có một lá cờ đỏ sao vàng nào được phép hiện diện trong quần chúng, ngoài các cơ sở ngoại giao chính thức tại Washington DC, San Francisco hay Houston.

Đối với cộng đồng người Việt Mỹ, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn còn dè dặt, nghi ngờ và qua những chuyện xảy ra hàng ngày trong nước, họ chưa tạo được lòng tin cho người Việt hải ngoại. Với số tiền hơn 10 tỷ đô la gửi về Việt Nam mỗi năm, hằng trăm nghìn người chen chúc nhau về quê ăn Tết, nhưng tìm một chỗ “đất lành chim đậu” để có thể sống những ngày yên bình lúc cuối đời trên mảnh đất quê hương cho người Việt thì không, kể cả những người già neo đơn bệnh hoạn. 

Nhà cầm quyền CSVN chưa tạo được sự hoà hợp và được lòng tin cậy của người dân trong nước, thì đối với người Việt ở nước ngoài, hay người Việt trên đất Mỹ nói riêng, chế độ này khó có thể thu phục được nhân tâm. Người Việt ở Mỹ cũng đã thay đổi theo thời gian. 

Trong cuộc phỏng vấn của đài Pháp quốc RFI Việt ngữ, ông Hà Ngọc Cư, giám đốc điều hành trung tâm CISS chuyên về di dân và tị nạn, Houston, Texas, trước hết nhắc lại xu hướng bỏ phiếu của cử tri gốc Việt tại Mỹ trong những năm qua:

“Kể từ năm 1980 cho đến năm 2000, số người Việt Nam theo đảng Cộng Hòa đông hơn bên phía ủng hộ Dân Chủ, nhưng kể từ năm 2010 cho đến bây giờ, thì phía người Việt nghiêng về đảng Dân Chủ thì cao hơn bên phía ủng hộ Cộng Hòa một chút.

Sự chia rẽ của người Việt ở tuổi tác, quan niệm và trình độ từ trong gia đình ra đến cộng đồng. Sự tập họp dễ dàng khởi đi sự sống còn của cộng đồng khi người Việt tỵ nạn mới đến định cư tại Hoa Kỳ. Sự đoàn kết chỉ xảy ra khi nhu cầu sống còn của một cộng đồng, một dân tộc bị đe dọa. Lúc đó, cho dù bất đồng chính kiến, mọi người sẵn sàng loại bỏ những dị biệt để đoàn kết chống lại sự đe dọa. Quốc hội Hoa Kỳ sau ngày 9 tháng 11 năm 2001 là một thí dụ điển hình. 

Bộ luật USA Patriot Act được thông qua với con số chấp thuận tại hạ viện là 357 ủng hộ, 66 chống và tại thượng viện là 98 ủng hộ, 1 chống. Quốc hội Hoa Kỳ hiện giờ không có nhu cầu đoàn kết thành ra tất cả những đề nghị của các tổng thống đều không được thông qua bởi sự bất đồng chính kiến giữa hai đảng cầm quyền trong quốc hội. Hội Nghị Diên Hồng chống ngoại xâm từ phương Bắc cũng là một thí dụ cho thấy nhu cầu đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Công đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ

Cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại không có nhu cầu đoàn kết không có nghĩa là cộng đồng Việt Nam bị chia rẽ. Trước hết, chúng ta cần xem cộng đồng Việt Nam gồm có những ai? Cộng đồng Việt Nam sống khắp nơi ở Hoa Kỳ có rất nhiều thành phần. Từ thành phần trí thức, khoa bảng, chuyên khoa, giới truyền thông – báo chí, giới thương gia, giới văn-nghệ sĩ, và những người dân bình thường đi làm công việc chân tay của một người nhân công. Tất cả những thành phần trên gom lại gọi là cộng đồng Việt Nam. 

Các tổ chức sinh hoạt của cộng đồng gồm có một số người, có tấm lòng và thời gian, ngồi lại với nhau để làm một cái gì đó cho cộng đồng nơi mình sinh sống và từ đó tạo ra những tổ chức gọi là đại diện cộng đồng Việt Nam. Nên nhớ rằng — qua cuộc bầu cử để chọn người đại diện cho cộng đồng Việt Nam thường có tính cách tượng trưng chiếu lệ. 

Con số này rất nhỏ so với con số thầm lặng không tham gia vào sinh hoạt của cộng đồng. Chỉ khi nào 51% những người Việt Nam trên 18 tuổi, cư ngụ tại địa phương, đến họp để bỏ phiếu chọn người đại diện cộng đồng, thì lúc đó — đại diện của cộng đồng mới thực sự đúng nghĩa là đại diện cho cộng đồng.

Cho nên những tổ chức gọi là đại diện cho cộng đồng thì phải hiểu là đại diện cho số người sinh hoạt và quan tâm đến cộng đồng để có tiếng nói chính trị nơi địa phương mình cư ngụ nhưng không tính cách đại diện cộng đồng. Những tổ chức gọi là đại diện cho cộng đồng có khả năng vận động con số đông thầm lặng người Việt Nam — những người không tham gia sinh hoạt cộng đồng, hoặc không quan tâm đến cộng đồng — để nói lên tiếng nói chính trị của mình hay không lại là vấn đề khác. 

Nếu tổ chức đại diện cộng đồng vận động được số đông thầm lặng — nói lên được tiếng nói chính trị của mình tại địa phương — thì tổ chức đại diện cộng đồng đó thực sự là đại diện cho cộng đồng ở phương diện rộng lớn. Còn ngược lại thì tổ chức cộng đồng đó đại diện cho cộng đồng ở phương diện nhỏ. 

Chúng ta đang ở một xứ dân chủ và chúng ta đang học hỏi cũng như trau dồi cho chính bản thân cách sinh hoạt dân chủ. Sinh hoạt dân chủ là một tiến trình học hỏi không ngừng. Sinh hoạt dân chủ của Hoa Kỳ có ngày hôm nay là qua tiến trình học hỏi kể từ ngày đất nước này thành lập cho đến nay.

Tiến trình đó tạo cho nền sinh hoạt dân chủ của Hoa Kỳ lành mạnh hơn so với quá khứ. Các tổ chức gọi là đại điện của cộng đồng không đi ra ngoài quy luật học hỏi sinh hoạt dân chủ tại quốc gia cư ngụ. Trong tiến trình sinh hoạt dân chủ, thay vì chúng ta lắng nghe tiếng nói khác biệt để suy ngẫm và tìm ra một giải pháp tốt đẹp làm việc chung; trái lại, chúng ta vội vàng chụp mũ, dùng từ ngữ không khiêm nhã, hoặc vội vàng phán quyết kẻ khác ý kiến mình là không yêu nước, hoặc thân cộng, hoặc phá hoại cộng đồng, hoặc không kính lão đắc thọ — và từ đó dẫn đến sự không hợp tác, đập phá lẫn nhau bằng nhiều hình thức, trong đó xử dụng luật pháp để chứng minh với mọi người là mình đúng.

Sau 48 năm, sự kêu gọi sự đoàn kết của cộng đồng chỉ là điều sẽ không đi đến đâu. Điều cần phải kêu gọi là những người tích cực sinh hoạt trong cộng đồng nên học hỏi cách sinh hoạt dân chủ. Biết lắng nghe ý kiến khác biệt và tìm ra cách giải quyết của sự khác biệt thay vì là tìm đủ mọi cách để triệt hạ lẫn nhau. Đó là phương thức sinh hoạt dân chủ lành mạnh và sẽ đem lại sức mạnh của cộng đồng, đem lại quyền lợi cho cộng đồng!


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Ảnh hưởng sau cuộc tranh luận

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Lòng tin của cử tri 

Do Van Tien

VNTB – Một mùa lễ tạ ơn không bình an

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.