Việt Nam Thời Báo

VNTB – 60 năm sự kiện “Pháp nạn Phật giáo Việt Nam”

Huyền Linh – Long Đức

 

(VNTB) – Tưởng nhớ 60 năm ngài Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.

 

Lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi, Huế, sáng ngày rằm tháng tư năm Quý Mão 1963, một cuộc rước Phật truyền thống được cử hành từ chùa Diệu Đế về Từ Đàm với hàng trăm ngàn tăng, tín đồ với các biểu ngữ: Kính Mừng Phật Đản – Cờ Phật Giáo Quốc Tế Không Thể Bị Triệt Hạ – Phật Giáo Đồ Nhất Trí Bảo Vệ Chính Pháp Dù Phải Hy Sinh – Yêu Cầu Chính Phủ Thi Hành Chính Sách Tôn Giáo Bình Đẳng – Chúng Tôi Không Từ Chối Một Hy Sinh Nào -…

Lễ Phật đản Phật lịch 2507 thành tựu, và tối hôm đó, đoàn người từ các nơi vân tập về Đài Phát Thanh để đón nghe chương trình Kỷ niệm Phật Đản theo thông lệ hằng năm, nhưng năm nay Đài không những không cho phát thanh mà đến 21 giờ, một lực lượng quân đội cảnh sát, mở cuộc đàn áp, kết quả có 8 Phật tử đã chết.

Trước sự kiện giọt nước tràn ly này, năm cấp Trị sự Phật giáo toàn quốc – Trung Phần và Thừa Thiên ra bản Tuyên Ngôn mở đầu cho cuộc vận động đòi quyền “bình đẳng và tự do tôn giáo” với 5 nguyện vọng như sau:

1. Yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt Giáo kỳ của Phật giáo.

2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các Hội Truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong đạo dụ số 10.

3. Yêu cầu Chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.

4. Yêu cầu cho tăng, tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo.

5. Yêu cầu Chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị chết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bồi đúng mức.

Ngày 25-5-1963, tại thủ Đô Sài Gòn, Ban Trị Sự Trung Ương Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam triệu tập một cuộc họp gồm 10 giáo phái, Hội đoàn Nam, Bắc Tông và Phật giáo Hoa – Miên tại chùa Xá Lợi, đã đi đến thống nhất thành lập Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo, do hòa thượng Thích Tâm Châu làm chủ tịch, đặt dưới quyền lãnh đạo tối cao của Đại lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết, và đồng lòng thông qua tuyên ngôn với 2 nội dung:

1. Ủng hộ toàn diện năm nguyện vọng tối thiểu và thiêng liêng nhất của Phật giáo Việt Nam, đã ghi trong bản tuyên ngôn nói trên.

2. Thệ nguyện đoàn kết đến cùng trong cuộc tranh thủ bất bạo động và hợp pháp để thực hiện những nguyện vọng ấy.

Hòa thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết đã ra lời hiệu triệu và diễn từ ngày 1-6-1963 với tôn lệnh:

1. “Bất bạo động” đến kỳ cùng.

2. Trước khi mặt trời lặn và mặt trời mọc, tức ban đêm, các Phật tử tuyệt đối không xê dịch, tụ tập ngoài đường.

3. Nhưng được phép tùy nguyện biểu lộ nguyện vọng của mình kể từ sau giờ này miễn là 2 nghiêm lệnh trên phải giữ.

Khâm tuân tôn lệnh, nhận thức được giai đoạn một mất một còn của Phật giáo, với ý thức bảo vệ Đạo pháp, các Tỉnh Giáo hội, tăng, ni, Phật tử từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau đồng loạt tổ chức tuyệt thực. Hàng ngàn thanh niên, học sinh, sinh viên, Hướng đạo Phật tử và Gia Đình Phật Tử đã gửi Kiến nghị lên Tổng Thống, tổ chức tuyệt thực đòi thực thi nghiêm chỉnh chính sách “ Bình đẳng tôn giáo”.

Ngày 11-6-1963 (tức ngày 20 tháng tư nhuần năm Quý Mão), trong cuộc biểu tình của hơn 800 tăng, ni, tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, hòa thượng Thích Quảng Đức phát nguyện tự thiêu thân cúng dường chánh pháp, bảo vệ đạo với tâm nguyện thiết tha:

”Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình

Làm đèn soi sáng nẻo vô minh

Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác

Tro trắng phẳng san hố bất bình”.

Với sức nóng cả ngàn độ nhưng không thiêu được trái tim kim cang bất hoại của vị Bồ tát “vị pháp thiêu thân”.

Một điều cần lưu ý là tất cả diễn biến trên được cho rằng có bàn tay đạo diễn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Theo một tham luận tại  hội thảo “Phật giáo trong thời đại mới: cơ hội và thách thức”, do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, có chi tiết là trong báo cáo về tôn giáo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Đại hội Mặt trận lần thứ II (1-1-1964) viết: “Trong phong trào chung của các tôn giáo chống chế độ độc tài phát-xít Mỹ-Diệm và đòi tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, phong trào đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật vừa qua đã ghi đậm nét trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam. Phong trào được xem như là sự kiện mở đầu phong trào đô thị sau hơn 9 năm dưới chính quyền phát-xít Mỹ-Diệm…. được ghi nhận như là một sự kiện lịch sử của Mặt trận Dân tộc Thống nhất”.

Như vậy, xem ra ‘đổ dầu vào lửa’ ở sự kiện được gọi là pháp nạn Phật giáo Việt Nam 1963, không thể phủ nhận ‘đứng sau giựt dây’ là tổ chức có tên Mặt trận Dân tộc Thống nhất.

Công viên tượng đài Bồ Tát Thích Quảng Đức tại góc đường Cách mạng tháng tám – Nguyễn Đình Chiểu (tên cũ là Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng) quận 3, Sài Gòn.

Vị trí Bồ Tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân tại góc đường Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng, 60 năm về trước.

Triển lãm đề cao thông điệp hòa bình thế giới bắt đầu từ hòa bình nội tâm, do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm ngày hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu và Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 sắp đến.

Ảnh 4: Nổi bật tại triển lãm mỹ thuật “Phật giáo và hòa bình” là bức tranh sơn dầu “Phật giáo và hòa bình” dài 10 mét do 10 họa sĩ thuộc Hội Mỹ thuật TP.HCM cùng thực hiện.

Ảnh 5: Hoà thượng Quảng Đức, biểu tượng về tính dân tộc và đạo pháp của Phật giáo Việt Nam.

Ảnh 6: Dưới góc nhìn của các nhà mỹ thuật, qua cách sắp đặt cho thấy hòa thượng Quảng Đức là một vị Bồ tát.

Ảnh 7: Phong trào Phật giáo miền Nam (1963) đã để lại một dấu ấn đậm nét trong lịch sử Việt Nam với không ít tranh luận trái chiều, khi được đánh giá đây là sự kiện lịch sử quan trọng góp phần vào thay đổi cục diện chính trị ở miền Nam, lật đổ chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm vào ngày 1-11-1963.


Tin bài liên quan:

VNTB – Khóa tu mùa hè và những câu hỏi chưa có giải đáp

Do Van Tien

VNTB – Cúng dường là tùy tâm hay theo mức giá quy định?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Nhà thương thí ở miền Nam hoạt động ra sao?

Do Van Tien

2 comments

Luyen Bui 25.05.2023 5:57 at 05:57

Bài viết chắc được Việt cộng đặ hàng

Reply
T Vy 25.05.2023 9:29 at 09:29

Một câu hỏi dành cho nhà cầm quyền cộng sản: trái tim bất diệt của ngài Thích Qủang Đức đang ở đâu, trong khi xác ông Hồ đang ở trong lăng Ba Đình?

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo