Việt Nam Thời Báo

VNTB – 8 hiệp hội đề xuất giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội, giảm tuổi nghỉ hưu

Thới Bình

 

(VNTB) – Các hiệp hội cho rằng mức đóng quỹ hưu trí và tử tuất với tổng 25% là quá cao so với khu vực. Trong đó, người lao động đóng 8% và doanh nghiệp đóng 17%. Như vậy, mức này cao hơn rất nhiều so với Malaysia (13%), Philippines (10%), Indonesia (8%) …

 

Cụ thể, có 8 đơn vị gồm Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM ký văn bản góp ý dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Phía các hiệp hội đưa ra lập luận là ở điều 37 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (gọi tắt là Dự thảo) đã đưa ra 2 phương án về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo đó phương án 1 cho biết tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động (giữ như Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Phương án 2, thì tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Phương án 1 tuy có giảm bớt áp lực cho người lao động và người sử dụng lao động từ tỷ lệ đóng cao, nhưng do nền đóng phụ thuộc vào kết quả thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động của từng doanh nghiệp nên lại làm mất đi tính đồng bộ của chính sách, làm mất cân đối giữa các doanh nghiệp, khoảng cách thu nhập của người lao động khi đi làm và về hưu ở nhiều doanh nghiệp rất khác biệt.

Phương án 2 cơ bản đóng trên lương thực tế trừ 1 số khoản theo quy định của pháp luật thì với tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội như hiện nay, và trong Dự thảo thì doanh nghiệp không chịu đựng được, giảm khả năng cạnh tranh và người lao động sẽ giảm thu nhập.

Đề xuất của 8 hiệp hội, đối với phương án 1, cần đưa tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động về mức đóng của năm 2009, tức là người lao động đóng 5%, và người sử dụng lao động đóng 15%, tổng cộng 20%, chứ không phải 25% hiện nay là người sử dụng lao động đóng 17% và người lao động đóng 8%.

Tuy nhiên, nền đóng sẽ không căn cứ vào mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động như hiện nay (đóng trên đầu vào) mà đóng trên 70% thu nhập thực tế của người lao động (đóng trên đầu ra) như định hướng của Nghị quyết 28-NQ/TW. Như vậy, sẽ khoa học và phù hợp thực tế hơn, thu nhập nhiều – đóng nhiều và thu nhập ít – đóng ít.

Phương án 2 là cần giảm tiếp 20% tỷ lệ đóng so với phương án 1. Nghĩa là người lao động đóng 4% và người sử dụng lao động đóng 12%, tổng cộng 16%, nhưng nền đóng sẽ dựa trên thu nhập thực tế, trừ một số khoản không có tính chất lương. Như vậy, nền đóng đã chiếm tới khoảng 90% tiền lương thực tế của người lao động.

Theo đánh giá của 8 hiệp hội, việc lựa chọn 1 trong 2 phương án trên sẽ khắc phục được bất cập của tỷ lệ đóng và nền đóng của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nguồn thu bảo hiểm xã hội sẽ không giảm, thu nhập khi đi làm và lương hưu của người lao động không chênh lệch quá lớn, không còn yếu tố chủ quan (thỏa thuận) nên sẽ cân đối giữa các doanh nghiệp hơn.

Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa có thể nghiên cứu quy định thấp hơn mức 75% (như quy định của nhiều nước trên thế giới) nhưng lương hưu thực lĩnh của người lao động sẽ cao hơn.

Về điều kiện hưởng chế độ lương hưu cho người lao động, phía 8 hiệp hội cho rằng cần bổ sung thêm nội dung là người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng, nam: 60 tuổi, nữ: 55 tuổi khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm, mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.

Lý do là trên thực tế, lao động Việt Nam chủ yếu là lao động chân tay, có rất nhiều trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ rất sớm, có thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội cao. Như vậy, khi người lao động đến năm 55-60 tuổi thì sức khỏe cũng đã giảm sút, không đảm bảo được yêu cầu công việc, có nguy cơ mất việc.

Nếu người lao động phải chờ đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu thì sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chi tiêu cuộc sống. Ngoài ra việc cho phép người lao động được lựa chọn thời gian nghỉ hưu sớm cũng để trao cơ hội việc làm cho lao động trẻ. Người lao động cũng giảm số năm bị trừ 2% cho mỗi năm về hưu trước tuổi.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Hệ lụy của quy định về đấu thầu trong y tế: chất lượng tốt nhất cho bệnh nhân sẽ bị đi tù?

Do Van Tien

VNTB – Mua vật tư, thiết bị y tế đâu phải như mua rau

Do Van Tien

VNTB – Chính phủ nhiệm kỳ 2026 – 2031 tiếp tục vẫn là “bộ trưởng đảng viên”

Do Van Tien

1 comment

Công Tâm 08.05.2023 11:55 at 11:55

Đáp lại các đề xuất đầy tính nhân văn ấy chỉ là một con số mà thôi: 331!

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo