VNTB _ Đã làm quan thì phải hiểu biết luật?

VNTB _ Đã làm quan thì phải hiểu biết luật?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Nếu các quan chức chính quyền hiểu luật, điều hành công việc theo luật thì dẫu luật ấy có được viết từ đảng phái chính trị độc tài đến đâu, thì cũng có thể ‘cắn răng’ chấp nhận được, đàng này…

Tôi muốn nói đến vụ việc ‘tượng lính’ mà chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã buộc phía doanh nghiệp phải ‘trả lại hàng’, song lại không nêu ra được lý do phù hợp quy định pháp luật cho chuyện buộc phải trả lại hàng này.

“Sáng ngày 1/9, bà Nguyễn Thị Nguyên – Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch tỉnh Lâm Đồng xác nhận với PV Báo Công an TP.HCM thông tin, Sở đã yêu cầu Liên Minh Group trả lại những bức tượng lính xưa về lại Bình Dương, do hiện nay, Liên Minh chưa có dự án nào được cấp phép trưng bày các bức tượng này tại Lâm Đồng.

“Trước những ồn ào, phản ứng của dư luận, việc doanh nghiệp này đưa các bức tượng về lại nơi xuất phát là cần thiết và phù hợp” – bà Nguyên bày tỏ quan điểm”. (*)

Như vậy, việc điều hành trong phạm vi chuyên môn hẹp của ngành văn hóa tỉnh Lâm Đồng trong trường hợp này là chạy ‘theo dư luận’, chứ không đi theo trình tự quy định của pháp luật.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 3/9, ông Nguyễn Khoa Hải – Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương – cho biết, sau khi nắm được thông tin doanh nghiệp ở Lâm Đồng mua lại tượng của Khu du lịch Đại Nam giống với lính Trung Quốc và bị cơ quan chức năng tỉnh này yêu cầu trả lại, thì phía Sở đang rà soát lại xem việc Đại Nam sử dụng loại tương này có vi phạm quy định nào hay không?.

Ông Huỳnh Uy Dũng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam – cho biết, toàn bộ số tượng được công ty ông bán thanh lý cho Công ty cổ phần Tập đoàn Liên Minh không phải là tượng lính Trung Quốc. Việc tỉnh Lâm Đồng yêu cầu trả tượng, ông Dũng cho biết sẽ nhận lại và đập bỏ toàn bộ lấy sắt bán phế liệu.

Về cơ bản thì mọi việc coi như giải quyết xong từ quyết định của phía chính quyền tỉnh Lâm Đồng và không vấp sự phản đối nào từ đôi bên mua – bán. Tuy nhiên nếu nhìn giác độ quản trị, thì với những đại diện chính quyền kiểu đó cho thấy dường như quan chức không chút băn khoăn khi dùng cảm tính để giải quyết công việc vốn đòi hỏi phải theo trình tự pháp luật. Chính điều này khiến người ta có quyền hoài nghi về năng lực chung của chính quyền tỉnh Lâm Đồng – trong đó có vụ việc đang tiếp tục vấp sự phản ứng từ nhà chuyên môn lẫn số đông ‘người ngoại đạo’ ở chuyện quy hoạch khu Hòa Bình của thành phố Đà Lạt.

Trở lại yêu cầu ‘trả tượng’. Doanh nghiệp tại Lâm Đồng đã ký hợp đồng mua bán lô hàng này với bên phía Đại Nam. Hợp đồng có thể bằng giấy trắng mực đen, mà cũng có thể đây là hợp đồng giao kết bằng chữ tín qua thỏa thuận giữa đôi bên. Giao dịch đã hoàn thành vì theo báo chí đăng, phía doanh nghiệp ở Lâm Đồng đã trả tiền cho bên bán để nhận các tượng này về.

Pháp luật không có bất kỳ điều luật nào cấm mua – bán tượng. Nếu cho rằng tượng đó mang yếu tố vi phạm thuần phong, mỹ tục; hoặc tượng tôn vinh những kẻ thù trong lịch sử Việt Nam, thì phải cần đến một phán quyết phù hợp từ cấp tòa án, chứ không phải qua cảm tính ‘dư luận mạng’ như lời của bà Nguyễn Thị Nguyên – Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch tỉnh Lâm Đồng xác nhận với phóng viên báo Công an TP.HCM.

Vấn đề tiếp theo, số tượng nói trên được doanh nghiệp tại Lâm Đồng mang về đặt trong khuôn viên của doanh nghiệp, không kinh doanh, không trưng bày. Nếu cho rằng số tượng này có khả năng gây ô nhiễm môi trường, hoặc ảnh hưởng tâm lý không tốt đến đời sống cư dân gần đó, thì phải có một kết luận từ cơ quan chuyên trách, và kết luận cho xử lý số tượng này cũng phải căn cứ vào pháp luật.

Dĩ nhiên tôi hiểu là đôi bên doanh nghiệp mua – bán luôn ngại mích lòng chính quyền. Họ sẽ luôn hiểu cần nhịn để còn làm ăn lâu dài. Thế nhưng không vì thế mà nhà chức trách cho mình cái quyền dẫm lên quy định của pháp luật trong hành xử.

Thí tỉ vì lẽ gì đó sau này cũng có vụ việc tương tự, và chính quyền cũng được nước làm tới như vụ ‘tượng’ kể trên, song phía doanh nghiệp lại không chấp nhận cúi đầu nhẫn nhục. Họ kiên quyết thưa chính quyền ra tòa.

Nếu tòa án cho rằng việc mua bán này là hợp pháp, không vi phạm điều cấm, cho nên hợp đồng có hiệu lực. Nghĩa là bên mua phải có nghĩa vụ nhận hàng trở lại. Tất nhiên dựa trên phán quyết của tòa, thì các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng lúc này không có quyền buộc doanh nghiệp phải trả lại hàng nữa…

Lưu ý, bản án của tòa thì chỉ có tòa án mới có thẩm quyền hủy bỏ, mà không có bất kỳ cơ quan nào kể cả Quốc hội hay Chính phủ có quyền này. Và cũng xin lưu ý tiếp, đó là chuyện thuần lý thuyết về pháp luật trên sách vở; nếu có nhà đầu tư ngoại quốc nào cứ sái cổ tin vào đó mà ứng xử trong bỏ vốn làm ăn ở Việt Nam – nói thiệt, tôi dám cá một ăn một ngàn, là doanh nghiệp ấy sẽ sớm cuốn gói rời khỏi Việt Nam.

________________

Chú thích:

(*) http://congan.com.vn/doi-song/xuc-on-ao-du-luan-ve-nhung-buc-tuong-linh-vang-tu-binh-duong-den-da-lat_98865.html

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)