Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ai bổ nhiệm hiệu trưởng trường đại học công lập?

Mai Lan

 

(VNTB) – Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Vậy thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể bổ nhiệm giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM?

 

Câu trả lời nhanh là chỉ có Thủ tướng Chính phủ mới có quyền bổ nhiệm giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, lẫn TP.HCM.

Chưa có văn bản pháp luật nào quy định ai là người đứng đầu đại học công lập, tuy nhiên Bộ Nội vụ cho rằng hiệu trưởng là người đứng đầu. Theo Khoản 3 Điều 47 Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì “Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chưa kiện toàn người đứng đầu, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm việc giao quyền hoặc giao phụ trách đơn vị sự nghiệp công lập cho đến khi bổ nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Thời gian giao quyền, giao phụ trách không tính vào thời gian giữ chức vụ khi bổ nhiệm”.

Với quy định này, “cấp có thẩm quyền” trong các đơn vị sự nghiệp công lập khác thì rất đơn giản, tức ai bổ nhiệm thì người đó có quyền giao quyền, giao phụ trách. Ví dụ Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thì sẽ là người giao quyền, giao phụ trách.

Trước thắc mắc về hiệu trưởng hay chủ tịch hội đồng trường đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập, tháng 11-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn xin ý kiến Bộ Nội vụ.

Trả lời công văn này hồi đầu tháng 1-2021, Bộ Nội vụ cho biết hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định về khái niệm thế nào là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học, và Nghị định 99/2019/NĐ-CP cũng không quy định địa vị pháp lý, hay chỉ rõ chủ tịch hội đồng trường hay hiệu trưởng đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, theo những căn cứ và trên cơ sở quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, Bộ Nội vụ cho rằng hiệu trưởng là người đứng đầu. Lý do hiệu trưởng là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản, chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của trường. Hiệu trưởng tổ chức các hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế và nhiều hoạt động khác. Hiệu trưởng là thành viên trong hội đồng trường.

Bộ Nội vụ cho rằng việc chủ tịch hội đồng trường đứng đầu các đại học công lập là không phù hợp. Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. Chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số thành viên theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín; trong đó có thành viên ngoài trường trúng cử chủ tịch hội đồng trường, nếu trúng cử mới chuyển thành viên chức cơ hữu của trường đại học công lập.

Hơn nữa, hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Quyết định của hội đồng trường được thể hiện bằng hình thức nghị quyết. Như vậy, hoạt động của hội đồng trường theo cơ chế tập thể chứ không phải theo nguyên tắc thủ trưởng lãnh đạo.

Bộ Nội vụ cũng cho rằng nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch hội đồng trường là chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường, ký văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hội đồng trường, thực hiện nhiệm vụ của thành viên hội đồng trường. Luật Giáo dục đại học sửa đổi cũng không có điều khoản nào quy định chủ tịch hội đồng trường là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Bà Thái Thị Tuyết Dung, Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng đối với cơ sở giáo dục đại học thì theo cơ chế “đặc thù”, cấp có thẩm quyền trong trường hợp này là “Hội đồng trường” hay “cơ quan chủ quản” nên hiện nay vấn đề này chưa được pháp luật quy định rõ.

Vì vậy, mới dẫn đến những tình huống có trường hợp Hội đồng trường ra Nghị quyết giao quyền Hiệu trưởng, giao phụ trách đơn vị mà không cần có sự “công nhận” của cơ quan chủ quản; và có trường hợp Hội đồng trường ra Nghị quyết giao quyền Hiệu trưởng nhưng có sự “công nhận” của cơ quan chủ quản.

Vì pháp luật chưa quy định rõ, nên không thể khẳng định vấn đề này trong trường đại học công lập là đúng hay sai.

Sự khập khiễng của pháp luật về giáo dục cần cụ thể nơi chịu trách nhiệm, chứ không thể lại chung chung của viện dẫn ở Điều 4.2, Hiến pháp 2013 là “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đến lúc nào “Cơ quan chủ quản” trong giáo dục đại học chịu “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”

Phan Thanh Hung

VNTB – Có IELTS: miễn thi môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Do Van Tien

VNTB – Bệnh hô hấp ở trẻ em đang ở mức báo động

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo