Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ai đã làm Tây nguyên xáo trộn niềm tin tín ngưỡng?

 

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Người Nùng di cư vào Tây nguyên khi những người cộng sản kiểm soát miền Bắc vào năm 1954.

 

Tây nguyên – một thuở Hoàng Triều Cương Thổ

Sử sách ghi hầu hết người Nùng ở Việt Nam di cư từ các thổ ty người Tráng tại Quảng Tây, Trung Quốc bắt đầu vào khoảng 300 năm trước. Một bộ phận người Việt Nam gồm thầy đồ và quan lại di cư lên khu vực biên giới Việt – Trung sinh sống, sau vài thế hệ họ bị Thổ hóa, và ngày nay được chính phủ Việt Nam phân loại là người Tày.

Những người này thường sống ở tỉnh lỵ, huyện lỵ hoặc các ngôi làng/ bản ven những trung tâm dân cư này. Họ thường sở hữu nhiều đất đai và tương đối giàu có hơn các cư dân bản địa xung quanh. Một vài trong số nhiều dòng họ này gồm: họ Giáp, họ Thân, hiện nay cư trú ở vùng ải Chi Lăng (Lạng Sơn) vốn là họ Võ (ở Võ Giàng, Hà Bắc). Họ Nguyễn Công, Nguyễn Khắc ở vùng Thất Khê là những người quê ở Nghệ An được cử lên Lạng Sơn làm quan vào thời Trần Hiến Tông (1328-1341).

Tây nguyên sớm trở thành khu tái định cư chính yếu cho khoảng 850.000 người di cư vào miền Nam sau Hiệp định Geneva, đa số là người Công giáo.

Mặc dù vấn đề xóa bỏ Hoàng Triều Cương Thổ của ông Ngô Đình Diệm còn gây nhiều tranh luận trái chiều, song cần nhìn nhận rằng trước năm 1975, dân số Tây nguyên chưa đến 1 triệu người, sống khá yên bình, so với hiện nay đã hơn 5 triệu, tăng hơn 5 lần trong vòng 40 năm qua.

Cuộc di dân vào Tây nguyên của người miền Bắc xã hội chủ nghĩa

Trong cuộc di dân đáng lưu ý nhất là từ năm 1986 đến nay đã có khoảng 50.000 người Hmông từ phía Bắc di cư vào Tây nguyên. Điều đáng chú ý, đa số người Hmông di cư là tín đồ theo đạo Tin lành. Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ,  tính đến hết 2015, đã có khoảng hơn 40.000 người Hmông là tín đồ Tin lành di chuyển vào Tây Nguyên, chiếm 87% số người Hmông trong khu vực.

Những dòng người di cư từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã mang đến Tây nguyên những phương pháp canh tác sản xuất khác cư dân tại chỗ, trong đó có việc đốt rừng lấy đất canh tác sản xuất. Đồng thời họ cũng mang đến những lối sống và văn hóa khác nhau. Điều dễ thấy nhất của cuộc di cư tác động đến văn hóa – xã hội là tính thuần nhất của một nền văn hóa đặc trưng bao trùm toàn vùng đất này đã không còn như trong quá khứ, mà nó là bức tranh đa dạng sinh động như chính các thành phần cư dân hiện tại ở Tây nguyên hiện nay.

Quá trình suy giảm diện tích rừng ồ ạt và chuyển đổi sở hữu đất đai đã làm nền tảng văn hóa của cộng đồng cư dân tại chỗ thay đổi và biến động. Điều này dẫn đến một hiện trạng văn hóa ở Tây nguyên là hòa nhập với cộng đồng quốc gia muộn, nhưng lại sớm phải đối diện với sự phát triển chóng mặt của kinh tế thị trường.

Còn các tộc người khác đến với Tây nguyên, nhất là với người Kinh, dường như họ lại có cảm giác chứng kiến một tình trạng kéo dài của cấu trúc buôn làng, vốn rất xa xưa và lạ lẫm với họ. Như vậy, hai luồng văn hóa bản địa, đậm dấu ấn xưa cũ và nền văn hóa mới, hiện đại của nhóm người di cư đã có dịp giao lưu với nhau trên vùng đất này, tạo ra một sắc màu văn hóa vừa đa dạng, vừa muốn học hỏi cái mới nhưng lại muốn giữ lại nguyên trạng những nguyên sơ của vùng này.

Suy cho cùng, việc lựa chọn văn hóa, lối sống là do người dân, chủ thể nơi đây quyết định. Do đó, việc đa dạng văn hóa, lối sống, tộc người và các thành phần kinh tế chính nó đã tạo ra một sự tự do phát triển. Việc tìm kiếm tính đơn nhất những nét văn hóa đặc trưng của Tây nguyên không quan trọng bằng việc cần “phát triển bền vững” cho vùng này.

Đừng định hướng chính trị cho quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng

Như vậy nếu giải quyết được vấn đề phát triển bền vững, thay cho “phát triển nóng”, “tăng trưởng nóng” thì thiết nghĩ cái gì là nguyên dạng của Tây nguyên có lẽ vẫn còn đó.

Từ phác họa ở trên còn cho thấy trong cơ chế chính sách của nhà nước Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ở Tây nguyên hiện nay, không thể không tính đến yếu tố tôn giáo. Quá trình phát triển của Công giáo, Tin lành đối với đồng bào dân tộc tại vùng này đã làm hoán cải họ từ sinh hoạt văn hóa buôn làng cổ truyền sang một văn hóa mới gắn với sinh hoạt tôn giáo, tạm gọi là “văn hóa tôn giáo”.

Đặc trưng của “văn hóa tôn giáo” là nó đã kích đẩy những chủ nhân ở chính vùng đất của họ nhiều yếu tố tích cực như củng cố các giá trị đạo đức, thực hành tiết kiệm, giúp họ làm ăn kinh tế, đoàn kết, tiếp cận được những cái mới. Thực tế cho thấy những cải tổ về các thủ tục cưới xin mà chay do các tôn giáo mang lại có vẻ ưu trội hơn so với các tập tục rườm rà tốn kém của văn hóa buôn làng.

Một số nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra xu hướng rằng: “Văn hóa tôn giáo” đã tạo ra sự liên kết xã hội mạnh mẽ qua niềm tin, thờ phượng. Nó vượt trên sự liên kết bằng huyết tộc, để có một liên kết rộng hơn, tạo điều kiện cho cư dân tại chỗ thích nghi hội nhập và lĩnh hội tri thức.

Tính tích cực ấy của tôn giáo cần phải được nhìn nhận.


Tin bài liên quan:

VNTB – Pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cần được tu chỉnh

Trương Thế Tử

VNTB – Vẫn chưa công bố tổ chức nào chịu trách nhiệm về ‘tấn công’ 11-6-2023

Do Van Tien

VNTB – Miền Đất Bất Yên

Bùi Ngọc Dân

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 07.02.2022 6:09 at 06:09

Ai đã làm Tây nguyên xáo trộn niềm tin tín ngưỡng?

Cái này phải hỏi nhà văn Nguyên Ngọc . Nhà văn Nguyên Ngọc có 1 thời gian khá lâu hoạt động tiễu trừ thổ phỉ & phản cách mạng ở Tây Nguyên . Sự có mặt của những bộ đội Cụ Hồ ở Tây Nguyên chắc chắn không làm xáo trộn niêm tin tín ngưỡng của người dân vùng cao

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo