VNTB – Ai dám tham mưu cho đảng?

VNTB – Ai dám tham mưu cho đảng?

Tử Long

 

(VNTB) – “Cần giáo dục chính trị, giáo dục tư tưởng đối với đội ngũ trí thức”, thì có vẻ xem thường về trình độ chính trị và quyền tự do học thuật của giới trí thức.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam cần tiếp tục chủ động và làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tham mưu cho Đảng và nhà nước.

Hôm 24/3 tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 – 18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983 – 26/3/2023).

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo. Báo chí tường thuật rằng trong bài phát biểu đó, Tổng bí thư có đưa ra mệnh lệnh mà tin rằng giới trí thức với quyền tự do học thuật, họ sẽ rất không hài lòng:

“Làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, giáo dục tư tưởng đối với đội ngũ trí thức để anh chị em nhận thức sâu sắc hơn nữa vinh dự và trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, với nhân dân; nỗ lực đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành thật tốt trọng trách của mình; tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị, cũng như đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ trí thức; động viên anh chị em có nhiều đóng góp tâm sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ vững chắc sự bình yên của nước nhà”.

Người viết cho rằng một khi đã phải cần đến “giáo dục chính trị, giáo dục tư tưởng đối với đội ngũ trí thức”, thì đó là điều có vẻ xem thường về trình độ chính trị và quyền tự do học thuật của giới trí thức.

Có một thực tế mà chính Bộ Nội vụ phải công nhận được nêu dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, trong đó đề xuất cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Theo dự thảo, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá là cán bộ có tư duy, cách làm mới, dám đi đầu làm những việc mới, việc khó, phức tạp, chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ trong cơ chế, chính sách, không phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Dự thảo của Bộ Nội vụ cho rằng việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải được tiến hành kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định. Cán bộ có ý tưởng, cách làm mới, mạnh dạn đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt và những vấn đề chưa có quy định, hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn thì được khuyến khích và bảo vệ nhưng phải bảo đảm không trái Hiến pháp, Điều lệ Đảng.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã trả lời với báo chí rằng, “Đây là Nghị định rất phức tạp, liên quan đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực, các vị trí cán bộ. Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các ban ngành đoàn thể để thể chế hóa được chủ trương của Đảng và đảm bảo tính khả thi”.

Như vậy, ngay cả cơ quan quản lý chuyên trách vẫn chưa dám tin vào các chính sách dự kiến cho chuyện “giáo dục chính trị, giáo dục tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ đương chức”, huống hồ giờ Tổng bí thư lại đưa ra mệnh lệnh hành chính với ngôn từ đầy trịch thượng, là đối với giới trí thức cần phải được “giáo dục chính trị, giáo dục tư tưởng”…

Cá nhân người viết cho rằng cần tôn trọng quyền tự do học thuật, vì thực tế Đảng cũng thay đổi xoành xoạt các chính sách, trong khi đó lại triệt buộc giới trí thức là khi phản biện không được trái ý Đảng qua cụm từ rất quen thuộc: phải bảo đảm không trái Hiến pháp, Điều lệ Đảng.

Bởi để xử lý chuyện trái hay không trái Hiến pháp, cần đến một Tòa bảo hiến. Còn Điều lệ Đảng, thì vì sao buộc giới trí thức bằng quyền tự do chính trị, họ lại phải thuộc Điều lệ Đảng để biết ‘tế nhị’ tránh khi bỏ công góp ý, nhưng lại làm phật ý Đảng?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)