Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ai là bị hại trong vụ án “chuyến bay giải cứu”?

Cát Tường

 

(VNTB) – Có bị cáo thì phải có bị hại, tòa phải xử bị cáo trả lại tiền ăn chặn lại cho bị hại. Nếu không trả lại tiền cho những người dân bị ăn chặn, hoá ra tiền từ kẻ ăn chặn chuyển qua tay kẻ ăn cướp, vậy người dân vẫn bị mất tiền…

 

Kết quả điều tra xác định có gần 2.000 “chuyến bay giải cứu”. Trong số này, có chuyến bay sau khi trừ các chi phí, số tiền “bỏ túi” lên đến vài tỷ đồng. Các bị can trong vụ án này đã đưa, nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn USD.

Tuy nhiên các hành khách trên gần 2.000 “chuyến bay giải cứu” đó lại không được đưa vào tố tụng với vai trò là người có quyền lợi liên quan.

“Chuyến bay giải cứu” là cách gọi vắn tắt của vụ án “Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Theo kết luận điều tra thì có 21 bị can cùng về tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ Luật Hình Sự; 4 bị can cùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ Luật Hình Sự; 23 bị can cùng về tội “Đưa hối lộ” quy định tại Điều 364 Bộ Luật Hình Sự; 4 bị can cùng về tội “Môi giới hối lộ” quy định tại Điều 365 Bộ Luật Hình Sự;

1 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình Sự và tội “Đưa hối lộ” quy định tại Điều 364 Bộ Luật Hình Sự; 1 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình Sự; truy nã bị can Trần Thị Hà Liên, lao động tự do về tội “Môi giới hối lộ” quy định tại Điều 365 Bộ Luật Hình Sự.

Từ nội dung trên cho thấy khách thể của hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án là xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, nhà nước. Như vậy bị hại trong vụ án được xác định là cơ quan nhà nước chứ không phải khách hàng bỏ tiền đi chuyến bay.

Nói một cách khác, “bị hại” trong vụ án trên còn có thể là các bị can đã chi tiền để bị can Hoàng Văn Hưng, nguyên cán bộ công an “chạy án”.

Phía hành khách trong các “chuyến bay giải cứu” không được phía cơ quan điều tra coi là “bị hại”, vì vậy nên vấn đề “tòa phải xử bị cáo trả lại tiền ăn chặn lại cho bị hại” không thể đặt ra ở đây, và chính điều này khiến dư luận đã có lý khi cho rằng, “không trả lại tiền cho những người dân bị ăn chặn, hoá ra tiền từ kẻ ăn chặn chuyển qua tay kẻ ăn cướp, vậy người dân vẫn bị mất tiền…”.

Nhìn tổng thể hơn, theo cách đánh giá về vi phạm pháp luật hình sự, có lẽ “bị hại” bao trùm ở đây chính là Đảng cầm quyền, vì phía nhận hối lộ toàn là đảng viên quan chức trải rộng ở các ban ngành, địa phương đến tận trung ương.

Bởi cần thẳng thắn nhận ra là một việc tiêu cực đã có thể dễ dàng thống nhất, phối hợp với nhau rất nhịp nhàng và nhanh chóng ở các cơ quan khác nhau. Phải chăng đây là do vấn đề lợi ích quá lớn, quá dễ do thiếu cạnh tranh các ghế đảng phái chính trị ở Quốc hội?

Đồng thời, đây cũng chính là kẽ hở trong công tác quản lý và những người có trách nhiệm cần suy nghĩ về điều này để có hướng xử lý, bịt kẽ hở này.

Ở vụ án này cho thấy Ban Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ cấp cao nhất cho đến cấp thấp hơn đều bất lực, khi có người là thư ký của thứ trưởng đã hơn 180 lần nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng, hay có người là trợ lý của phó thủ tướng cũng nhận hối lộ hơn 4 tỷ đồng.

Vấn đề đặt ra ở đây tại sao thư ký, trợ lý lại có thể “lộng hành” đến như vậy để nhận hối lộ lớn như thế? Ai là người kiểm soát, giám sát họ?

Một thắc mắc khác: Đành rằng giá cả là sự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp, nhưng giá vé bị đẩy lên cao là vì chi phí bôi trơn cho tham nhũng được người dân phản ánh đầy trên mạng xã hội. Song nghiệt ngã thay, người dân lại không được xác nhận là “bị hại”. Vậy ai sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ?


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Loạn luân có phải tội không?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Nhà nước “giải cứu” tới đâu chết tới đó

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Chuyến bay đưa người Việt Nam về nước thời gian qua đã được thực hiện thế nào?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo