Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ai mới được đại diện cho dân?

Ái Mỹ

 

(VNTB) – Có lẽ sắp tới đây cần phải làm rõ: thế nào là dân?

 

Với TP.HCM, nói về vấn nạn karaoke, ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư, điểm sơ đã thấy cơ man văn bản ra đời để chấn chỉnh, xử lý, chấm dứt, kể từ tháng 12-2017, với văn bản số 16475; tháng 7-2019, văn bản 2635; riêng năm 2020, ban hành đến 5 văn bản.

Đến ngày 26-2-2021, UBND TP.HCM lại ra tiếp văn bản chỉ đạo các sở ngành, quận huyện triển khai các biện pháp trước mắt lẫn lâu dài để trị nạn hát karaoke tự phát.

Vậy hậu văn bản, việc kiểm tra thực thi theo văn bản, nhất là công tác tổng kết, kiểm điểm cuối năm, có rà soát hạng mục này không? Nếu quy từ cơ sở – địa bàn dân cư – thì công tác vận động, tuyên truyền, dân vận, giám sát của cả hệ thống chính trị đang thể hiện ở đâu, như thế nào?

Những văn bản trên thuộc cấp thành, khi triển khai về cấp quận, lộ trình và kế hoạch thực hiện, các đợt sơ và tổng kết, chắc chắn phải được “nghiệm thu” và báo cáo (văn bản), nó đang ở đâu, mức độ đánh giá thành bại ra sao, là ông phó bí phụ trách công tác Đảng (trong đó có mảng dân vận) – phó chủ quận phụ trách lĩnh vực ký tá trách nhiệm như thế nào?

Chưa kể, trong nhiều cuộc gặp và đối thoại hằng năm, định kỳ của lãnh đạo thành phố với các ngành, các giới, các hội hè…, trong đó có Chủ tịch UBND TP.HCM với chủ tịch các phường, xã, thị trấn, họ đã báo cáo những gì, khắc phục ra sao những chỉ thị mà chính ông chủ tịch đã ban hành mệt nghỉ, quanh cái loa “đắp mộ cuộc tình” này?

Và còn một “kênh” cực kỳ quan trọng nữa là…đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, họ ở đâu trong những lúc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Gánh mẹ”… gào liên tu bất tận?

Chắc nhiều ‘thân phận cử tri’ còn nhớ, 5 năm trước, khăn áo chỉnh tề để đi bầu, phiếu xanh phiếu hường, cũng ưu tư, cân nhắc, trách nhiệm dữ lắm mới hạ bút đánh dấu, chọn mặt gửi tên. Họ thay mình để cất tiếng. Vậy triền miên “đắp mộ cuộc tình”, họ lặng lẽ… đắp theo, lại phải đợi đến khi ông chủ tịch thành phố chỉ đạo mạnh, mới rục rịch chuyển động, như đã từng 4 năm qua?

Nói chuyện này để thấy các nơi đang tích cực giới thiệu danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nhưng trước khi giới thiệu đại biểu mới, người viết muốn được một lần thử rà lại xem các đại biểu cũ đã hoàn thành vai trò của mình chưa.

Ở cấp độ khác, là đại biểu Quốc hội, các chương trình hành động được vẽ ra trước ngày bầu cử, trong thời gian tiếp xúc cử tri đã được họ thực hiện như thế nào, hiệu quả và chưa hiệu quả đến đâu, ai là người kiểm đếm, nghiệm thu một cách sát thực nhất?

Tất cả chỉ để muốn hỏi điều này: ai mới được làm đại biểu của dân?

Và câu trả lời hình như chẳng đến từ chính chủ!

À, thế nhưng sắp tới đây cũng cần lạm bàn luôn “thế nào là dân” nữa chứ…


Tin bài liên quan:

VNTB – Chính quyền TP.HCM đề xuất gì với Trung ương về “chính sách thí điểm”?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – “Cơ chế thí điểm” có nghĩa là gì?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Lợi thế của ứng viên ‘ông bà nghị’ là quan chức

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo