Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ai sẽ duyệt ‘giáo án’ của ‘bài học thứ tư’?

Mai Lan

 

(VNTB) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cần bổ sung thêm bài học mới, cụ thể của năm nay, gọi là bài học thứ 4”.

 

Theo ông Nguyễn Phú Trọng thì đó là nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo; chủ động, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình; kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề; làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; thích ứng linh hoạt với các tình huống mới phát sinh…

Tự huyễn hoặc vì ‘mù quáng’?

Chính phủ đã ban hành một hành lang điều hành kinh tế xã hội cho năm 2023 bằng nghị Nghị quyết 01/NQ-CP. Một trong những điểm quan trọng trong đó là nâng cao năng lực phân tích, dự báo theo yêu cầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Có lẽ ở đây người đứng đầu đảng đã thấm thía về những “tự sướng” đầy tai hại của ông với những mẫu câu mang tính “đóng khung định hướng”, như “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” khi ông trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII.

Theo đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồ hỡi cho rằng năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến Việt Nam, gây nhiều thiệt hại về kinh tế – xã hội, nhưng với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc, đất nước đã đạt được những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước.

“Trong khi kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%, kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; sự lãnh đạo nhạy bén, đúng đắn của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ; sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta đã kịp thời khống chế, cơ bản kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan của đại dịch Covid-19 trong cộng đồng; hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của năm 2020 và cả giai đoạn 2016 – 2020.

Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng trong việc thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch Covid-19 thành công; vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân” – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc báo cáo với đoạn trích như trên.

Từ cái nhìn đầy lạc quan cách mạng đó, Tổng bí thư không chút ngại ngần khi khẳng định đầy khí thế: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

‘Giáo án’ nào cho ‘bài học thứ tư’?

Mạch văn trên thật ra cũng chỉ là tiếp nối cho sự phấn khích trước đó của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Số là tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra trong hai ngày 30 và 31-12-2019 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Đánh giá kết quả năm 2019, Tổng bí thư  lúc đó đang kiêm luôn chức Chủ tịch nước, đã ghi nhận 4 mặt đã đạt được, trước hết là kinh tế – xã hội, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh đạt trên 7%, quy mô GDP 266 tỷ USD. Bình quân thu nhập đầu người đạt 2.800 USD là điều chưa từng có trong lịch sử.

“Không biết có phải vì thế mà Ngân hàng Thế giới đưa ra nhận định: Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng lên Việt Nam. Đó là chứng cứ thứ nhất mà năm nay hơn năm ngoái về kinh tế – xã hội, cho thấy ý chí Việt Nam, khát vọng vươn lên” – ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, và mẫu câu này sau đó thường xuyên xuất hiện trong nhiều diễn văn khác của ông.

… Giờ chỉ còn vài hôm nữa là Tết Nguyên đán Quý Mẹo. Nội các Chính phủ đã “trảm” ba vị trí là hai phó thủ tướng và chủ tịch nước; điều đó có nghĩa đang khuyết hai ủy viên Bộ Chính trị, và “cỗ xe tứ mã/ tứ trụ” giờ là “tam mã”…

Tất cả điều trên cho thấy trên cương vị là người quyết định cuối cùng về nhân sự cấp cao, thế nhưng thời gian qua “năng lực phân tích, dự báo” của Tổng bí thư dường như đang có “vấn đề”. Vậy thì liệu trong lãnh vực kinh tế – tài chính cũng như đối nội – đối ngoại, với tư cách là “thủ lãnh tối cao” trong Đảng, ông Phú Trọng sẽ duyệt ‘giáo án’ của ‘bài học thứ tư’ ra sao?


Tin bài liên quan:

VNTB – Chuyện ở xứ sở quanh năm mặt trời mọc

Phan Thanh Hung

VNTB – Cây tre ‘cô đơn’ là biểu tượng của ngoại giao định hướng XHCN của Việt Nam?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đừng tự ru ngủ nhau

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo