VNTB – Ai sẽ rút kinh nghiệm?

VNTB – Ai sẽ rút kinh nghiệm?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Ai sẽ rút kinh nghiệm thông qua việc kỷ luật cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015 ,  một đảng viên đang an nhàn nghỉ hưu ?

Phải có tham vọng chính trị để ‘leo’ thật cao

Xem ra là có khá nhiều. Trước hết, ở Việt Nam khi ai đó muốn bước chân vào chốn quan trường, thì tiên quyết phải bằng mọi giá ‘lấy’ cho được văn bằng Cao cấp Chính trị. Để có được tấm bằng này, dĩ nhiên trước đó người ấy phải được kết nạp vào đảng cộng sản Việt Nam, tức phải là đảng viên.

Khi quyền lực của ‘cờ đến tay’, người đảng viên này phải mọi giá trúng được ghế nào đó ở Bộ Chính trị, để khi ‘ngã ngựa’ thì cùng lắm chỉ là chuyện cách chức về một chức vụ nào đó trong quá khứ; thậm chí có thể trở về ‘làm người tử tế’ mà vẫn ‘bảo toàn’ lý lịch chính trị, cũng như ‘những hạt giống đỏ’ tiếp nối vẫn được xem là ‘hồng phúc của dân tộc’.

Ngay cả cán bộ vi phạm nhưng đã về hưu, nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì chỉ có thể xử lý về mặt đảng, không có nhiều tác dụng vì hưu rồi thì “rút kinh nghiệm sâu sắc” cũng không để làm gì.

Có ý kiến, sắp tới đây khi đảng chính trị ổn định xong xuôi ở thời gian đầu của nhiệm kỳ mới, cần tự tin trong bãi bỏ hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, đề nghị rút kinh nghiệm sâu sắc.

Đặc biệt là đảng viên lãnh đạo khi phạm tội, vì là độc đảng cầm quyền dễ dẫn tới ngờ vực của bao che nhau, nên phải nằm ở khung pháp luật hình sự tăng nặng; bằng không thì ít ra cũng phải bình đẳng pháp luật như mọi người dân khác, chứ không thể chỉ dừng ở mức ‘cách chức về chức vụ nào đó trong quá khứ” ở những đảng viên lãnh đạo này.

Đã là đảng viên lãnh đạo luôn được cho là thấm nhuần đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh thì việc nhận thức, hiểu biết luật pháp cũng như phẩm chất đạo đức phải luôn là người làm gương.

Nhân đạo cộng sản?

Tin tức trên báo chí suốt thời gian dài, người ta hay thấy một điều nghịch lý khi đảng viên lãnh đạo vi phạm thì luôn có phần xem xét kiểu trớt quớt: “Đây là lần đầu tiên phạm tội, xét lý lịch nhân thân tốt, xét quá trình tham gia cách mạng nên giảm nhẹ hình phạt”, và vì chính sách xét giảm gọi là ‘nhân đạo cộng sản’ này đã dẫn dắt những người mang công trạng khi có nhu cầu vật chất to lớn hơn, họ sẽ toan tính cân đo việc xem xét miễn giảm công trạng mà họ đã có, để từ đó họ sẵn sàng phạm tội (có xét giảm), để đánh đổi lấy một nhu cầu vật chất lớn lao hơn nhiều so với tội họ chấp nhận.

Dĩ nhiên kể cả đảng viên lãnh đạo còn đương nhiệm, cũng nên bỏ ngay hình thức kỷ luật “rút kinh nghiệm sâu sắc” dẫn tới ví von ở Việt Nam sợi dây dài nhất, chính là sợi dây kinh nghiệm vì rút suốt từ tháng 2-1930 đến nay, song sợi dây vẫn còn tiếp tục dài…

Nếu xét về khả năng quản trị quốc gia của đảng chính trị, có lẽ nếu ở nhiệm kỳ mới sắp tới đây vẫn chấp nhận các hình thức ‘rút kinh nghiệm sâu sắc’, thì khó kỳ vọng gì cho tiến trình hội nhập từ CPTPP, EVFTA và những hiệp định thương mại quốc tế khác. Đơn giản thôi, để đất nước hùng cường thì nhà nước pháp quyền phải không còn lỗ hổng về thể chế trách nhiệm và truy cứu trách nhiệm, không còn mập mờ giữa những được làm và không được làm, không còn ‘rút kinh nghiệm’.

Có ý kiến rằng sở dĩ có chuyện ‘sợi dây rút hoài vẫn dài’, vì đây là yêu cầu “rút kinh nghiệm” ra đời từ khi có quy chế về “phê bình và tự phê bình” trong sinh hoạt nội bộ của các tổ chức công quyền, đoàn thể ở Việt Nam. Theo đó, mỗi cá nhân có khiếm khuyết gì về tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống, công việc… thì tự kiểm điểm, tự phê bình trước tập thể, cơ quan, đơn vị.

Nếu tự phê bình chưa đầy đủ, thì tập thể phê bình bổ sung cho tới mức đạt được tâm phục khẩu phục. Kết thúc buổi họp phê và tự phê, người chủ trì nêu ra những vấn đề cần rút kinh nghiệm cho cá nhân, hoặc toàn đơn vị, không để lặp lại lần sau.

Dân chủ trong đảng?

Rút kinh nghiệm như thế được đánh giá là quá nhân văn, nhân quyền, chẳng chê vào đâu được. Tuy nhiên nếu ai đó cắc cớ mang các bài học về tư tưởng Hồ Chí Minh ra để đối chiếu về quyền dân chủ, thì có lẽ cần phải ‘rút kinh nghiệm sâu sắc’ cho yêu cầu ‘rút kinh nghiệm’ trong sinh hoạt chi bộ đảng về phê – tự phê:

“Quyền tự do bày tỏ ý kiến của mọi đảng viên nhất thiết phải được thực thi, vì đó không chỉ là cách thức tốt nhất để có đường lối đúng, mà còn là tiền đề tốt để đường lối được triển khai có hiệu quả trong thực tiễn.

Dân chủ trong Đảng còn là sự bình đẳng giữa cấp trên và cấp dưới; người lãnh đạo cần phải lắng nghe ý kiến của cấp dưới, kể cả các ý kiến trái chiều. Nếu có ý tưởng tốt thì người lãnh đạo cũng phải kiên trì, khéo léo biến nó trở thành ý chí của tập thể, không được phép áp đặt quan điểm cá nhân một cách thô bạo. Những ý kiến thuộc về thiểu số phải được bảo lưu, đệ trình lên cấp trên xem xét”. (*)

__________________________

Chú thích:

(*) http://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/816375/thuc-hanh-dan-chu-trong-dang-theo-tu-tuong-ho-chi-minh—phuong-huong-quan-trong-trong-cong-tac-xay-dung,-chinh-don-dang-hien-nay.aspx#

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)