Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ai sẽ xử lý bà Nguyễn Phương Hằng? (*)

Thìn Trần

 

(VNTB) – Không thể muốn nói gì thì nói rồi chỉ cần gửi cam kết, hứa hẹn rút kinh nghiệm, cẩn trọng hơn trong phát ngôn khi livestream là xong được.

 

Có lẽ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cựu Thiếu tướng quân đội Nguyễn Mạnh Hùng cũng bận bịu chống dịch Covid-19 nên quên khuấy đi mất chuyện ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’ đang diễn ra tại tỉnh Bình Dương.

Nhắc đến báo chí ở Việt Nam cũng như những doanh nghiệp có liên quan đến mảng tin tức, truyền thông, có lẽ, khó có thể không biết đến cái tên Bộ Thông tin và Truyền thông (hay còn gọi là Bộ 4T).

“Nhất là đối với những tờ báo nào từng bị Bộ phạt, hay bị tạm dừng hoạt động trong một thời gian, lại càng rõ hơn về Bộ này”, một phóng viên kể.

Cũng xin nói thêm một tí, tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm ở nhiều lĩnh vực như báo chí (bao gồm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, bản tin thông tấn); xuất bản (bao gồm xuất bản, in, phát hành); thông tin đối ngoại; quảng cáo; thông tin điện tử, bưu chính – viễn thông…

Quan sát, ghi nhận từ báo chí, trong tình hình dịch bệnh diễn biến vẫn còn phức tạp, nỗ lực từ chính phủ cũng như Bộ Y tế trong vấn đề sống chung với dịch sao cho an toàn, thích nghi, phù hợp thì chiều 14-11, Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) vẫn tổ chức buổi giao lưu có sự tham gia của gần 1.000 người. Công an cũng có mặt trong buổi giao lưu này.

Theo đó, trong buổi giao lưu, bên cạnh vấn đề tố cáo các nghệ sĩ “ăn chặn” từ thiện và một số nội dung tố cáo các cá nhân khác, thì một điều đáng chú ý, tại buổi giao lưu, một khách mời chính thức là Long Ngô giao lưu trên sân khấu, nói rằng lực lượng “đánh phá” Nguyễn Phương Hằng có “Báo chí, truyền thông phản động” và “Báo chí của Cộng sản chung với phản động để đánh chị Nguyễn Phương Hằng…”.

(Thậm chí trước đó, ông chủ Đại Nam là Huỳnh Uy Dũng trong một livestream từng kể tên các ‘phản động’ có cả nhà báo tự do Phạm Chí Dũng của trang Việt Nam Thời Báo).

Nói về báo chí, có thể dễ dàng nhắc đến những cái tên quen thuộc như báo Sài Gòn Giải Phóng với “vai trò cầu nối đưa chủ trương, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của TP.HCM đi vào cuộc sống. Tạo sự lan tỏa, chung tay, đồng lòng cùng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng, phát triển thành phố”.

Báo Nhân dân (Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam; Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam); báo Phụ nữ (Cơ quan Ngôn luận của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh); báo Tuổi Trẻ (cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TP); tạp chí Cộng sản….

Báo Công an nhân dân cũng viết: “…Một cách tự nhiên, báo chí góp phần vào sự phát triển, kết tinh cao độ và sinh động của tính dân tộc, không ngừng thể hiện một cách tự nhiên, như là máu thịt, là hồn cốt, là dòng chủ lưu quán xuyến và xuyên thấm mọi hoạt động sống của mình.

Có thể nói, theo nghĩa nào đó, hiện nay, tính Đảng chính là kết tinh và thể hiện cao độ tính dân tộc Việt Nam mà báo chí là tấm gương sáng. Nhân dân là chủ giang san xã tắc, là vốn quý nhất trong tài sản dân tộc, là khí phách, bản lĩnh quốc gia. Vị thế, lợi ích và uy tín dân tộc vô song! Khi báo chí lĩnh nhiệm sứ mệnh bảo vệ và phát triển vô điều kiện tất cả những lẽ đó thuộc về quốc gia dân tộc, thuộc về Nhân dân, thì đó chính là khi tính Đảng phát triển cao nhất, rực rỡ nhất và vô cùng thiêng liêng. Đó chính là tính Đảng của nền báo chí chúng ta…”.

Vì lẽ đó, với phát ngôn đánh đồng các cơ quan báo chí ở Việt Nam, báo chí cộng sản là phản động là một phát ngôn, nói theo kiểu dân gian, cần làm cho “ra ngô ra khoai”.

Bởi, với phát ngôn đó, thêm vào đấy là hơn 1.000 người và con số người xem trực tuyến, vô hình trung, đã làm xấu đi hình ảnh Đảng và Nhà nước cũng như báo chí trong suốt thời gian qua. Điều này là vi phạm lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, được quy định ở điều 331, Bộ luật Hình sự tu chính 2017.

“Không thể muốn nói gì thì nói rồi chỉ cần gửi cam kết, hứa hẹn rút kinh nghiệm, cẩn trọng hơn trong phát ngôn khi livestream là xong được. Như vậy là bất công đối với những người dân khác. Cần có biện pháp và hình phạt đúng với pháp luật. Và hơn hết, vì sao an ninh liên quan đến mảng báo chí ở Bình Dương không mời bà Hằng đến làm việc? Phát ngôn này liên quan đến rất nhiều người, bà Hằng lại là người “có tiếng” trong thời gian qua. Nếu có, vì sao lại không có bất kỳ thông tin nào về vấn đề này”, một người dân ở Thủ Dầu Một ý kiến.

Với nhiều vai trò cũng như quyền hạn cũng như chức năng quan trọng của báo chí đã có từ thời của chủ tịch Hồ Chí Minh, mong rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có hành động phù hợp để bảo vệ cho – nói theo kiểu của một người trong livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, “báo chí của Cộng sản” cũng như danh dự cho các phóng viên, nhà báo, các tờ báo đại diện cho các tổ chức.

…Chứ đừng để mỗi khi nhắc đến Bộ 4T (Bộ Thông tin và Truyền thông), người ta chỉ nhớ đến săm soi và phạt, ông Bộ trưởng nhé…

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả


Tin bài liên quan:

VNTB – 3 người bị bắt theo điều 331 BLHS

Do Van Tien

VNTB – Ăn Tết Quang Trung

Phan Thanh Hung

VNTB – 28 ngàn lao động ở Bình Dương đang ‘nghỉ việc không lương’

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo