Nguyễn Nam
(VNTB) – Ám ảnh bắt bớ, có lẽ đang là tâm trạng lúc này ở cả các thành viên những nhóm xã hội dân sự khác tại Việt Nam.
Với vụ việc quyền chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam – ông Nguyễn Tường Thụy bị bắt và di lý từ Hà Nội vào TP.HCM trong vụ án được cho là liên quan đến nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, cho thấy có lẽ giờ đây nếu ai đó ở Việt Nam được tín nhiệm giữ tạm quyền điều hành các hoạt động của hội này, nhiều khả năng người ấy sẽ ‘liên đới’ trong vụ án đang giai đoạn mở rộng điều tra ấy.
Có một thực tế là sau khoảng một tháng tạm dừng khi chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam – ông Phạm Chí Dũng bị bắt, thì trang web Việt Nam Thời Báo đã hoạt động trở lại, với tỷ lệ khôi phục lượng tin, bài gần như không khác mấy so trước đó.
Lượng bài vở trong thời gian hiện tại gần như vắng hẳn các bút danh quen thuộc trước đó. Nhiều nguồn tin từ quốc nội cho biết, một vài tác giả thường xuyên cộng tác với nhà báo Phạm Chí Dũng, đã được chính quyền ‘mời cà phê’.
Nhiều bút danh mới gửi bài cộng tác, mặc dù họ biết khoản nhuận bút sẽ không thể như trước, thậm chí là ‘công quả’, vì giờ đây nguồn quỹ nhuận bút hàng tháng của trang Việt Nam Thời Báo đang nằm trong vòng điều tra của vụ án. Chỉ cần một người nào đó ở quốc nội nắm giữ nguồn quỹ chi trả này, người đó gần như sẽ đối mặt với vụ án.
Trong bối cảnh ám ảnh bắt bớ ấy, công tâm mà nhìn nhận thì hàm lượng bài vở được tổ chức trên trang Việt Nam Thời Báo vẫn giữ được tinh thần phản biện, không khiêu khích, cổ súy các hành động mang tính bạo lực, không cổ võ việc bất chấp pháp luật, nhằm để đánh đổ một chính khách nào đó ở đảng cầm quyền.
“Đảng chính trị” đã được dùng nhiều hơn khi nói về đảng cộng sản Việt Nam. Sự bình đẳng ngay trong nội bộ đảng chính trị, cũng được nhiều tác giả phân tích qua bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo.
Các tác giả cộng tác hiện tại với trang Việt Nam Thời Báo, có thể chịu sự ‘điều chỉnh’ ở vài thói quen sử dụng cụm từ ở các biên tập viên, song nhìn chung là vẫn giữ được sự đa dạng trong thể hiện chính kiến phản biện.
Trong giai đoạn đang ám ảnh bắt bớ này, nhóm biên tập thực hiện nội dung trên trang Việt Nam Thời Báo còn chịu thêm sức ép của nhiều ý ngầm, cho rằng sau khi chủ tịch Phạm Chí Dũng bị bắt, những người tiếp nối có vẻ giảm sút về thái độ phản biện.
Cũng có nhận xét dường như cách vận hành trang Việt Nam Thời Báo từ tháng 12-2019 đến nay, mang dáng dấp của tổ chức Phóng viên không biên giới – Reporters sans frontières. Tổ chức này có văn phòng quốc tế tại Paris, 9 phân hội quốc gia tại châu Âu và 5 văn phòng quốc gia tại Bắc Mỹ và châu Á. Ngoài ra tổ chức còn hoạt động chung với 130 thông tín viên trên khắp các châu lục, cũng như với 14 tổ chức đảng phái độc lập với chính phủ.
Bối cảnh Việt Nam thời điểm hiện tại được cho là sàn đấu chính trị của nhiều phe nhóm, trong việc lựa chọn nhân sự của nhiệm kỳ mới đảng chính trị sẽ bắt đầu vào quý 1-2021. Điều này vốn rất quen thuộc ở tất cả các kỳ đại hội đảng trong quá khứ. Cái mới ở hiện tại, là giờ đây báo chí Việt Nam đã được quyền công khai lên án với mật độ khá dày trên trang báo, về những hành động ngang ngược của đảng cộng sản Trung Quốc.
Và với mọi chuyện còn quá nhiều ẩn số đó trên sàn đấu chính trị, thì vụ án liên quan Điều 117, Bộ Luật hình sự mà một số thành viên ở Hội nhà báo độc lập Việt Nam đang đối mặt, cho thấy không dễ suy đoán cho tương lai gần sắp đến.
Ám ảnh bắt bớ, có lẽ đang là tâm trạng lúc này ở cả các thành viên những nhóm xã hội dân sự khác tại Việt Nam.
1 comment
Họ muốn bóp nghẹt tiếng nói bất đồng từ trong nước, dù là ôm hoà, bất bạo động