VNTB – Ấn Độ, Việt Nam tiến hành tập trận trao đổi liên lạc và phối hợp chung’ (PASSEX) ở Biển Đông

VNTB – Ấn Độ, Việt Nam tiến hành tập trận trao đổi liên lạc và phối hợp chung’ (PASSEX) ở Biển Đông

Các nhà quan sát cho biết cuộc diễn tập kéo dài hai ngày, diễn ra sau khi Ấn Độ viện trợ nhân đạo 15 tấn hàng cho nạn nhân lũ lụt ở Việt Nam, có thể sẽ được Bắc Kinh theo dõi chặt chẽ.

Các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Việt Nam tuần này kêu gọi một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ‘cởi mở và dựa trên quy tắc’

Hải quân Ấn Độ cho biết vào cuối tuần này, các tàu của Ấn Độ và Việt Nam sẽ tham gia một “cuộc tập trận” ở Biển Đông vào hai ngày 26 và 27 tháng 12, một động thái có khả năng được Bắc Kinh theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên Ấn Độ không tiết lộ gì nhiều về hoạt động này và báo chí chính thống Việt Nam hoàn toàn im lặng.

Hải quân Ấn Độ trong một thông cáo cho biết, “Chuyến thăm hiện tại nhằm tăng cường hợp tác hàng hải giữa Hải quân hai nước và sẽ củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai nước và đóng góp vào an ninh và ổn định trong khu vực.”

Các cuộc diễn tập như vậy được tiến hành giữa các lực lượng hải quân để đảm bảo khả năng liên lạc và hợp tác trong thời gian chiến tranh hoặc cứu trợ nhân đạo. Trước đó hôm 24/12/2020 tàu hộ tống INS Kiltan đã cập cảng Nhà Rồng tại Thành Phố HCM mang theo 15 tấn hàng viện trợ nhân đạo cho nạn nhân lũ lụt miền Trung Việt Nam trong thời gian vừa qua trong khuôn khổ sứ mệnh Sagar 3.

Tờ Bưu điện Hoa Nam nhận xét cuộc tập trận giữa Ấn Độ và Việt Nam lần này là một dấu hiệu nữa cho thấy mối quan hệ quốc phòng đang nồng ấm lên giữa New Delhi và Hà Nội, khi cả hai đều có những khác biệt và bất đồng riêng với Bắc Kinh.

Ấn Độ đang vướng vào tranh chấp biên giới kéo dài với Trung Quốc trong một chiến lược bành trướng trên bộ của Bắc Kinh, kể từ sau cuộc đụng độ Galwan hồi tháng Bảy tại biên giới Ấn Độ – Trung Quốc khiến cho 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Trung Quốc cũng đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông với yêu sách lãnh thổ đầy tham vọng của “đường chín đoạn”.

Hôm thứ Tư, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, đã kêu gọi một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình, “cởi mở và dựa trên luật pháp”, đồng thời đề nghị hai nước tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh.

Trước đó tại cuộc gặp thượng đỉnh ảo hôm thứ Hai, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tăng cường trao đổi quân sự dưới hình thức thăm tàu thường xuyên, tập trận chung; Ấn Độ đang hỗ trợ cho Việt Nam các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho cả ba quân chủng và lực lượng tuần duyên.

Trung Quốc đang lo ngại việc Việt Nam có thể mua tên lửa BrahMos từ Ấn Độ để củng cố năng lực quốc phòng. Loại tên lửa này đã được Ấn Độ phát triển và nâng cấp từ cự ly 650km lên 1500km cùng với Nga.

Nếu được trang bị BrahMos, sáu thành phố hàng đầu của Trung Quốc – Thâm Quyến, Quảng Châu, Thành Đô, Trùng Khánh, Đông Quan và Vũ Hán – sẽ nằm trong phạm vi 1.500 km của bất kỳ căn cứ đất liền nào ở Việt Nam. Việt Nam cũng có thể sẽ mua thêm tên lửa đối không Akash và máy bay trực thăng Dhruy của Ân Độ.

Năm 2018, Việt Nam đã mời Ấn Độ đầu tư phát triển dầu khí tại Biển Đông. Chi nhánh ở nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí Tự nhiên (ONGC) của Ấn Độ, OVL, đang tham gia vào các hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Essar và ONGC Videsh là hai công ty dầu khí lớn đang hoạt động tại Việt Nam vào thời điểm hiện tại.

Vào tháng 4 năm 2019, trong một loạt các chuyến thăm cảng giữa hai nước, một tàu Cảnh sát biển Ấn Độ ICGS VIJIT đã ghé thăm Đà Nẵng, Hải quân Ấn Độ cũng được phép sử dụng cảng Nha Trang.  

Việt Nam đồng thời cũng đã tìm cách tăng cường quan hệ với các nước khác, bao gồm Nhật Bản và Hoa Kỳ trong việc duy trì hoà bình, an ninh, tự do hàng hải trong khu vực.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn chưa cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh, khi hai bên tiến hành tuần tra cảnh sát biển ở Vịnh Bắc Bộ vào đầu tháng này theo cơ chế được thiết lập vào năm 2005.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)