VNTB – Việt Nam vẫn im lặng về vụ bãi Cỏ Mây

VNTB – Việt Nam vẫn im lặng về vụ bãi Cỏ Mây

Tử Long

 

(VNTB) – Bãi Cỏ Mây là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc.

 

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nói không hề có thỏa thuận gì với Trung Quốc về việc đưa con tàu đang mắc cạn ở bãi Cỏ Mây ra khỏi khu vực, mà nếu có thỏa thuận thì ông cũng hủy bỏ ngay.

Phía Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa thấy lên tiếng về vấn đề mà chính Việt Nam cũng đang là một quốc gia tranh chấp.

Bãi Cỏ Mây là một bãi đá ngầm nằm ở quần đảo Trường Sa. Philippines chiếm hữu thực thể này đầu tiên vào năm 1999. Tiền đồn của Philippines trên Bãi Cỏ Mây tên là BRP Sierra Madre. Đây là một tàu vận tải của Hải quân Philippines neo đậu trên bãi đá này và được bảo vệ bởi một đội lính thủy đánh bộ.

Bãi Cỏ Mây là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc.

Trung Quốc hôm 08-08-2023 lại lớn tiếng đòi Philippines phải cho trục kéo một con tàu gần như là rệu rã của Philippines đi khỏi Bãi Cỏ Mây, một bãi đá ngầm thuộc vùng quần đảo Trường Sa, bất chấp việc con tàu đã hiện diện trên bãi đá từ hơn 20 năm nay, Bắc Kinh vẫn cho rằng vùng đó thuộc về Trung Quốc và sẵn sàng dùng võ lực áp đặt yêu sách chủ quyền của mình.

Hải Cảnh Trung Quốc hôm 05-08-2023 đã bắn vòi rồng vào các tàu Philippines chở hàng tiếp tế cho toán thủy quân lục chiến đồn trú trên chiếc tàu mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây (tên quốc tế là Second Thomas Shoal, Philippines đặt tên là Ayungin còn Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu).

Manila đã tố cáo một hành động nguy hiểm và phi pháp, triệu mời đại sứ Trung Quốc tại Philippines lên để phản đối, trong lúc Bắc Kinh tố ngược lại là Manila đã “vi phạm chủ quyền” Trung Quốc, đã không thực hiện “lời hứa trục kéo tàu” ra khỏi bãi ngầm, thậm chí còn “tiến hành sửa chữa quy mô lớn để chiếm đóng vĩnh viễn” thực thể này.

Tổng thống, ông Ferdinand Marcos đã bác bỏ thông tin này.

“Tôi không biết là có bất kỳ thỏa thuận nào về việc Philippines sẽ đưa tàu BRP Sierra Madre ra khỏi lãnh thổ”, ông Marcos nói: “Nếu tồn tại một thỏa thuận như vậy, tôi sẽ hủy ngay bây giờ”.

Một sự việc tương tự cũng đã xảy ra trong năm 2021. Theo đó, Philippines cáo buộc ba tàu hải cảnh Trung Quốc chặn đường, xịt vòi rồng vào hai tàu tiếp vận đang di chuyển tới bãi Cỏ Mây hôm 16-11-2021.

Rất nhanh, chỉ sau 48 tiếng, phía Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát lời kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, khi đề cập vụ Philippines tố Trung Quốc ngăn tàu tiếp tế đến bãi Cỏ Mây.

“Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong mọi hoạt động trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.

Và vẫn là những mẫu câu quen thuộc, lúc đó Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tái khẳng định “lập trường rõ ràng và nhất quán của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vấn đề Biển Đông”.

Hồi trung tuần tháng 3 năm nay, Đại sứ quán Trung Quốc cáo buộc Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với Philippines “vì lợi ích địa chính trị và tâm lý chiến tranh lạnh”. Đại sứ quán cho rằng hợp tác Mỹ đang “lôi kéo Philippines chống lại Trung Quốc”, và đẩy Manila vào “xung đột địa chính trị”, đe dọa lợi ích quốc gia của Philippines.

Khác với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte có xu hướng thân thiện với Bắc Kinh, ông Marcos đã gọi tranh chấp trên biển với Trung Quốc là “tình hình địa chính trị phức tạp nhất trên thế giới”, và cho biết quân đội sẽ tập trung vào phòng thủ bên ngoài.

Tổng thống Marcos cho biết ông “không thấy một tương lai của Philippines mà không bao gồm Mỹ”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)