Việt Nam Thời Báo

VNTB – Án tử cho Nguyễn Bắc Son: hệ lụy của ‘lá phiếu’ cơ cấu?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Ông Son đã có huân chương, bằng khen…, có những tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên với những thành tích đóng góp đó cùng cương vị đứng đầu bộ lẽ ra bị cáo phải là tấm gương trung thực tận tâm phục vụ đất nước, nhưng bị cáo đã có những hành vi sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt lớn.

Quá trình điều tra, ông Son khai nhận hành vi phạm tội, nhưng tại tòa bị cáo lúc thừa nhận nhưng lúc lại phủ nhận một phần, điều này cho thấy bị cáo chưa thực sự ăn năn, chưa nhận thức hành vi phạm tội nên chưa đủ được hưởng mức khoan hồng, cần xử phạt nghiêm khắc.

Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên bị cáo Nguyễn Bắc Son 16-18 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và mức án tử hình về tội nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt bị cáo Son bị đề nghị mức án tử hình.

Cũng là cựu bộ trưởng, bị cáo Trương Minh Tuấn nhận đề nghị của Viện kiểm sát 6-7 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và 8-9 năm tù về tội nhận hối lộ.

Cả hai chức sắc nói trên là bị cáo phải hầu tòa trong vụ án hình sự về thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

Không bàn ở đây về các tình tiết, diễn biến của thương vụ, vấn đề cần làm rõ là với hai bản án, trong đó có án tử hình, liệu những nhà kỹ trị quốc gia rút ra được các bài học gì – nói theo ngôn ngữ ví von của báo chí Việt Nam – ‘sợi dây kinh nghiệm’ đã dài đến đâu trong công tác cơ cấu nhân sự? Điều này đặc biệt quan trọng, vì sắp tới đây đảng cầm quyền ở Việt Nam sẽ có nhiệm kỳ mới trong vai trò hiến định tại điều 4, Hiến pháp 2013: “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Một nhà báo ở quốc nội nói với người viết bài này rằng, lâu nay người dân Việt Nam ít quan tâm đến ý nghĩa của từ ‘cử tri’, do đó họ chẳng mấy khi bỏ công tìm hiểu về lá phiếu mà họ bỏ vào thùng khi có những đợt bầu cử rầm rộ. Tiên trách kỷ, là vậy.

Ông bạn nhà báo đưa ra 6 câu hỏi, và nói rằng ngay cả chính ông cũng không trả lời được khi ông đang ở ngay trên đất nước mình.

Chưa rõ thực hư, người viết xin lược ghi ra đây để hầu chuyện cùng bạn đọc.

Ông, bà vừa bỏ phiếu cho một đại biểu Quốc hội khóa XYZ xong, ông (bà) nhận được 6 tuyến câu hỏi như sau:

1. Về học vấn. Cử tri biết gì về năng lực học hành của vị đại biểu kia? Bằng thật hay giả? Nếu bằng thật, căn cứ thời gian làm việc, nơi mà ông, bà dân biểu ấy đã và đang sinh sống, liệu ông, bà ấy có bảo đảm để tốt nghiệp chuyện học hành ấy tử tế hay không?.

Nếu thời gian học của ông ta chỉ bằng dưới 50% học viên khác thì ông ta có phải một thiên tài? Nếu là bằng cấp giả, hoặc bằng thật học giả thì cử tri có cách nào để chính họ và giúp những cử tri khác gạt tên ông, bà này ra khỏi danh sách đề cử hay chăng?.

Ngay trong trường hợp bằng thật, có phù hợp với vị trí công tác của ông, bà ấy không? Ví dụ ông, bà tốt nghiệp “Học viện cán bộ”, là tiến sĩ với luận án về xây dựng đảng chẳng hạn, nhưng nay lại điều sang làm bên Viện Nguyên tử Quốc gia Đà Lạt (!?).

2. Quá trình công tác. Dẫn chứng luôn: ngài cựu chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh khóa trước là ông Lê Hoàng Quân, xuất thân quan chức chóp bu của tỉnh Đồng Nai. Cử tri ở Sài Gòn biết gì về ông này khi ông được ‘cơ cấu’ về ngồi ghế lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh?

3. Quá trình sinh sống. Mỗi con người đều có 02 mảng hoạt động: một là ở vị trí công tác, hai là ở gia đình, trường học, tổ chức xã hội, dân sự, hội đoàn, quê hương… Mảng thứ hai này rất quan trọng – ví dụ như trường hợp ông Trần Đại Quang (đã mất) hay ông Nguyễn Đức Chung xem ra mảng này khá trội… Từ đây sẽ chỉ ra nhiều vấn đề. Ví dụ nhìn vào độ lớn, ‘độ khủng’ của biệt phủ, cử tri sẽ có nhận thức đầy đủ về ngài nghị sĩ Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái chẳng hạn.

4. Lộ trình. Vắn tắt, ví dụ đại biểu là chủ tịch một tỉnh ở địa đầu biên giới, dân số dưới một triệu, quá trình ông này làm chủ tịch tỉnh thì “thành tích’ mờ nhạt, tỉnh phát triển yếu, nhưng đùng một cái ông ta được cất lên vị trí tương đương bộ trưởng và là đại biểu được đề cử.

Có cử tri nào dám hỏi về quá trình công tác và những thất bại be bét của ông ta trước đây không?. Một quan chức hàng VIP mà thiên hạ hay gọi là ông Ba X, hồi còn làm quan miệt Minh Hải – Cà Mau là dẫn chứng.

5. Quyết sách. Có bao giờ cử tri đến gặp ông, bà nghị sĩ nào đó để thử xem ông, bà ấy đang làm gì trong khóa này, và những hứa hẹn nằm trong tờ giấy tóm tắt vài mươi chữ hồi tiếp xúc cử tri của các vị đó, đến nay thực thi đến đâu? Nếu ông, bà ấy làm không được, hay không chịu làm như những lời hứa hẹn hay tuyên thệ trước Quốc hội chẳng hạn, liệu cử tri có quyền ‘bưng’ các vị ấy xuống không?

6. Những vấn đề kỹ thuật. Có bao giờ, cử tri – nhất là cử tri ‘cổ cồn trắng’ sẵn lòng phản ảnh, hoặc đề đạt về tính bất hợp lý của việc phân bố đại biểu cực kỳ hài hước, ví dụ như cử tri một tỉnh nghèo Bến Tre vì sao lại bầu, hay không bầu lá phiếu cho ông nhà thơ Hữu Thỉnh sống cả đời ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Những người dân xứ cù lao Bến Tre hàng ngày cam go với lỗ lãi của những vụ cây trái đối mặt với hạn mặn, họ chẳng biết gì về ông nhà thơ nhà cao cửa rộng tận tỉnh Vĩnh Phúc ngoài miền Bắc xa xôi, nhưng trong thân phận cử tri, họ lại phải bầu ông thi sĩ này suốt ròng rã 3 nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội…

Đã đến lúc xem xét đến cơ chế bầu bán, quy hoạch cán bộ hiện nay chưa? Nếu cứ để như hiện nay, thì sao? Và tôi muốn có một câu hỏi dành cho những cử tri từng tham gia bầu ông Hoàng Trung Hải chẳng hạn, từ bà con cử tri ở Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Sơn Tây đến luôn Quốc hội, Chính phủ, rằng trách nhiệm của những cử tri và những ông, bà nghị này ở đâu trong thế sự hôm nay về Hoàng Trung Hải?”.

Ông bạn nhà báo đó đã kết như vậy, kèm theo câu ‘bỏ nhỏ’: hồi nhà báo Phạm Chí Dũng còn tự do, ông bạn nhà báo cũng từng trà dư tửu hậu mấy đề tài đó với ông chủ tịch hội nhà báo độc lập, quanh thắc mắc ‘đảng cử – dân bầu’, hay ‘đảng cử – đảng bầu’.

Ông Nguyễn Bắc Son đối mặt án ‘tiêm thuốc’, có lẽ cũng là hệ lụy từ 6 điều đặt ra với cử tri mà ông nhà báo quốc nội nêu ở trên.

Tin bài liên quan:

VNTB – Đảng lại… xướng tên

Bùi Ngọc Dân

Việt Nam có tự do báo chí hơn nhiều nước khác?

Phan Thanh Hung

VNTB – “Hồ sơ Predator” có liên quan đến một số nhà báo độc lập ở Việt Nam?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.