Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bác sỹ Nguyễn Đan Quế: Rất khó để đi Hàn Quốc nhận giải nhân quyền Gwangju 2016

Hàn Giang 

Images intégrées 1
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế (ảnhaotrangoi.com)
(VNTB) – “…Đối với Nhà nước Việt Nam, những người tranh đấu cho Nhân quyền thì họ đều coi như phía đối nghịch và tôi nghĩ rằng: người ta cũng không muốn cho những người hoạt động Nhân quyền, dân chủ nhất là những người đạt giải (giải thưởng liên quan Nhân quyền) được đi ra ngoài nhận những giải thưởng này. Tôi nghĩ họ sợ có những tuyên bố bất lợi cho họ. Thành ra cá nhân tôi, tôi thấy rằng triển vọng sang (Hàn Quốc) nhận giải Gwangju rất là khó.”, lời của bác sỹ Nguyễn Đan Quế dự liệu mình khó được sang Hàn Quốc nhận giải thưởng Nhân quyền Gwangju 2016.           
Ngày 21/4/2016, giải thưởng Nhân quyền Gwangju (Hàn Quốc) năm 2016 bất ngờ được trao cho bác sỹ Nguyễn Đan Quế (Việt Nam) và tổ chức “Liên minh Bầu cử Trong sạch và Công bằng” ở Malaysia.

Sinh năm 1942 tại Hà Nội, ông Quế tốt nghiệp Y khoa bác sĩ năm 1966, phục vụ tại bệnh viện Chợ Rẫy và cũng đồng thời là giảng sư Đại học Y khoa Sài Gòn. Năm 1978, ông Quế cùng một số thành viên khác thành lập “Mặt trận Dân tộc Tiến bộ”, một tổ chức đấu tranh bất bạo động. Ông Quế bị Nhà nước Việt Nam bắt và giam cầm cho đến năm 1988 thì được phóng thích.

Năm 1990, ông Quế thành lập tổ chức “Cao trào Nhân bản” và công bố “Lời kêu gọi của Cao trào Nhân bản” đòi hỏi Nhà nước Việt Nam tôn trọng Nhân quyền, đa nguyên Chính trị và tuyển cử tự do. Ông Quế một lần nữa bị bắt và bị kết án 20 năm tù giam với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền”. Tuy nhiên, vào năm 1998, trước áp lực quốc tế, Nhà nước Việt Nam đã phải trả tự do cho ông Quế.

Không chỉ tích cực đấu tranh cho những bất công của chế độ y tế đối với người nghèo mà ông Quế còn là nhà hoạt động tích cực cho Nhân quyền và Dân chủ ở Việt Nam. Vì lẽ này mà năm 2003, ông Quế lại bị bắt vì ông đã gửi văn kiện chỉ trích Nhà nước Việt Nam đến Hoa Kỳ và Tòa án Việt Nam đã tuyên án ông Quế với mức án 30 tháng tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”, đến năm 2005 thì ông được đặc xá.

Trước những cảm hứng đấu tranh cho Nhân quyền, Dân chủ và chấp nhận bị đàn áp của bác sỹ Nguyễn Đan Quế đã được nhiều người lên tiếng thay cho ông. Tổng thống Hoa Kỳ ông Clinton đã ký đã ký thành Đạo luật 103- 258 chỉ định 11 tháng 5 hằng năm là Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam.

Trong niềm vui được trao giải thưởng Nhân quyền Gwangju, bác sỹ Nguyễn Đan Quế và Việt Nam Thời Báo (VNTB) đã cuộc trao đổi xung quanh giải thưởng Gwangju và phong trào đấu tranh Nhân quyền và Dân chủ ở Việt Nam.
      
PV. (VNTB): Lời đầu tiên xin được chúc mừng ông vừa được trao giải thưởng Nhân quyền Gwangju! Câu hỏi đầu tiên là cảm xúc của ông hiện tại như thế nào trước thông tin bản thân được trao giải thưởng?

Bác sỹ Nguyễn Đan Quế: Khi nhận được tin mình được trao giải thưởng Nhân quyền Hàn Quốc (Gwangju), tôi rất vui, rất mừng. Nghĩ rằng: những hoạt động của mình được nhiều người nhìn nhận và trao giải thưởng. Đặc biệt hơn, tôi nghĩ giải thưởng Gwangju về Nhân quyền 2016 trao cho tôi là một điều tốt đẹp cho tất cả những anh em tranh đấu cho phong trào dân chủ ở Việt Nam, những con người đã dấn thân tranh đấu cho Nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam. Như tinh thần của cuộc cách mạng Gwangju năm 1980, là một tinh thần đấu tranh rất là sôi nổi, rất là nhiệt tình đã có nhiều sinh viên hy sinh trong cuộc tranh đấu cho Nhân quyền và dân chủ Hàn Quốc. Khi nhận giải thưởng này, tôi rất lấy làm vinh dự và tôi hy vọng rằng sẽ phát huy được tinh thần cuộc cách mạng Gwangju 1980 vào hiện tình đất nước của chúng ta (Việt Nam) để có được dân chủ thực sự cho đất nước.      
           
PV. (VNTB): Thưa ông! Hồ sơ để chọn lựa các ứng cử viên trao giải Nhân quyền Gwangju 2016 có nhiều không?

Bác sỹ Nguyễn Đan Quế: Kỳ này có nhiều hồ sơ gửi đến nhưng người ta chọn lựa ra tôi và một tổ chức đấu tranh có tên “Liên minh vì bầu cử trong sạch và công bằng” ở Malaysia được trao giải thưởng. Việc xét duyệt để trao giải theo tôi đoán là có nhiều hồ sơ đấy.  
           
PV. (VNTB): Giải thưởng Nhân quyền Gwangju 2016 này có ý nghĩa gì đối với bản thân ông?

Bác sỹ Nguyễn Đan Quế: Vì nó lần đầu tiên trao cho người Việt Nam nên tôi lấy làm vinh dự và coi như đặc biệt. Tôi hy vọng trong những năm tới, nhiều ứng cử viên của chúng ta có những hoạt động sôi nổi, nổi bật đạt được những giải thưởng trên giới nói chung và giải Gwangju này nói riêng.   
PV. (VNTB): Việc trao giải thưởng Nhân quyền Gwangju 2016 được công bố rộng rãi trên truyền thông, báo chí dĩ nhiên là phía chính quyền Việt Nam cũng đã biết, liệu họ có để cho ông đi nhận giải hay không bởi từ trước giờ có rất nhiều người Việt Nam được chọn trao giải thưởng liên quan đến nhân quyền nhưng không đi nhận giải được?
Bác sỹ Nguyễn Đan Quế: Tôi nghĩ chắc là kỳ này cũng thế thôi. Đối với Nhà nước Việt Nam, những người tranh đấu cho Nhân quyền thì họ đều coi như phía đối nghịch và tôi nghĩ rằng: người ta cũng không muốn cho những người hoạt động Nhân quyền, dân chủ nhất là những người đạt giải (giải thưởng liên quan Nhân quyền) được đi ra ngoài nhận những giải thưởng này. Tôi nghĩ họ sợ có những tuyên bố bất lợi cho họ. Thành ra cá nhân tôi, tôi thấy rằng triển vọng sang (Hàn Quốc) nhận giải Gwangju rất là khó.        
PV. (VNTB): Cùng với các giải Nhân quyền quốc tế khác, giải Nhân quyền Gwangju một lần nữa đã vinh danh người Việt Nam, theo ông thì điều này có nói lên rằng: người Việt Nam giỏi về việc đấu tranh nhân quyền?

Bác sỹ Nguyễn Đan Quế: Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ rằng: vấn đề Việt Nam có nhiều vi phạm nhân quyền thành thử có nhiều người hoạt động. Trong số những người hoạt động ấy có những cá nhân nổi bật thì người ta vinh danh.   
PV. (VNTB): Trong những năm gần đầy, rất nhiều nhà hoạt động Nhân quyền ở Việt Nam nhận các giải thưởng Nhân quyền quốc tế, điều này nó nói lên tình hình nhân quyền Việt Nam tốt hơn hay là xấu hơn?

Bác sỹ Nguyễn Đan Quế: Theo tôi nó nói lên một điều là có nhiều vấn đề về Nhân quyền Việt Nam cần được giải quyết khi mà họ vinh danh như thế. Tình trạng Nhân quyền ở Việt Nam còn nhiều vấn đề để giải quyết, có nhiều người tranh đấu và người ta thấy có những tấm gương can đảm, sáng tạo nên người ta vinh danh. 
PV. (VNTB): Có rất nhiều nguồn dư luận trong nước cho rằng; các giải thưởng Nhân quyền này là do các tổ chức người Việt ở hải ngoại núp bóng dàn dựng, mượn tay những cá nhân, tổ chức trong nước để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, ông phản biện sao về nguồn dư luận này?

Bác sỹ Nguyễn Đan Quế: Chúng ta biết rằng Nhà nước cộng sản thường có những luận điệu tuyên truyền đi ngược lại những hoạt động về dân chủ, nhân quyền bởi bản chất độc tài của chế độ thì thành ra mình chẳng lấy làm lạ. Họ kết án, đó là chuyện của họ. Theo tôi, từ dư luận có lẽ mình cũng không nên bình (bình luận). Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát qua giải thưởng để mọi người tự nhận định cá nhân đó. Tôi thấy rằng: những giải thưởng lớn phần nhiều có tính đúng đắn chứ không thể nào do thế này thế kia. Ý kiến của tôi về phía nhà cầm quyền, dư luận viên hoặc những ý kiến như nêu trên nên xem cho biết thôi chứ còn bình cũng không cần bình. Còn cái giải thưởng nào mà mọi người thấy những hoạt động cũng như những cái giải được trao, phát nhiều lần thì xem tiểu sử những người được nhận thì mình thấy được tính đúng đắn của nó, có lẽ mình suy xét ở khía cạnh đó thì tốt hơn.     
    
PV. (VNTB): Là người hoạt động Nhân quyền trong nước, ông đánh giá sao về tình hình Nhân quyền Việt Nam hiện tại ?

Bác sỹ Nguyễn Đan Quế: Rõ ràng về thời gian có những phong trào nhiều người hoạt động hơn, càng ngày ở một số mặt được cải thiện nhưng cũng ít ỏi ví dụ như điều kiện sinh sống, điều kiện kinh tế. Ngược lại cũng có một số mặt khác bất lợi cho nhà cầm quyền, hệ thống chính trị với sự phát triển của Internet thì chuyện có muốn thẳng tay đàn áp cũng gặp trở ngại về mặt “kỹ thuật”. Chúng ta là những người trẻ cũng nên coi Internet như là phương tiện hữu hiệu để chúng ta cùng nhau kết nối nhằm giảm thiểu tình trạng vi phạm nhân quyền hiện nay. Còn rõ ràng cho đến ngày hôm nay, trên rất nhiều mặt Nhân quyền Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn Nhân quyền trên thế giới, còn nhiều mặt yếu kém, vi phạm nhiều. Đặc biệt Tự do báo chí chúng ta chưa có báo chí tư nhân, tự do lập Hội thì chưa được lập Hội, tự do phát biểu thì có nhiều trường hợp bị bắt như trường hợp mới đây là việc bắt giữ luật sư nguyễn Văn Đài, anh Ba Sàm … Rõ ràng tình trạng Nhân quyền Việt Nam như vậy là chưa được. Mình phải so sánh với tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá tình trạng Nhân quyền hơn là mình so sánh với thời gian của chế độ này. Ví dụ như so sánh tình trạng Nhân quyền hiện nay với chế độ cách đây mấy chục năm ở miền Bắc thì dĩ nhiên tình trạng sẽ khác. Thành ra tiêu chuẩn của mình hiện còn kém lắm về mặt tiêu chuẩn Nhân quyền quốc tế.
PV. (VNTB): Liên quan đến đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ- Việt Nam năm nay, ông có nghĩ rằng việc đối thoại này giúp nhân quyền Việt Nam được cải thiện tốt hơn?

Bác sỹ Nguyễn Đan Quế: Tất cả mọi chuyện chúng ta phải đứng lên tranh đấu, phải đứng lên đòi Nhân quyền cho mình để rồi các đối thoại với quốc tế góp phần hỗ trợ nội lực cho chúng ta. Chính nội lực tranh đấu của chúng ta mới là chính. Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ – Việt Nam sắp tới mình nên nghiên cứu để xem, chứng kiến như thế nào hơn là mình hy vọng thấy để rồi mà thất bại. Theo tôi, nhìn chung quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ về kinh tế cũng như ngoại giao chỉ góp phần nào ảnh hưởng đến Nhân quyền Việt Nam. Việt Nam phải cải thiện nhưng đến mức độ nào thì mình cũng dè dặt, không nên hy vọng dựa vào Hoa Kỳ sẽ làm được nhiều việc cái này là không đúng. Chuyện của chúng ta mới là chính, xong rồi mới đến tiến trình bang giao giữa hai nước càng ngày càng tăng thì dĩ nhiên mặt Nhân quyền cũng được cải thiện theo hướng tăng lên.
PV. (VNTB): Như ông nói trên, nội lực đấu tranh cho Nhân quyền Việt Nam mới là quan trọng vì lẽ này mà đã có các tổ chức dân sự ở Việt Nam ra đời. Tuy nhiên, nhìn chung các tổ chức dân sự chưa thực sự đoàn kết trong công cuộc đấu tranh chung, vậy theo ông có hy vọng nào cho Việt Nam được cải thiện Nhân quyền và Dân chủ sớm hay không?  

Bác sỹ Nguyễn Đan Quế: Không. Mình nên nhìn tổng quát toàn bộ vấn đề. Đây là những phản ứng tự nhiên nên cứ để phản ứng tự nhiên. Khi tình hình chính trị có những đòi hỏi mặt nào đó thì bấy giờ sẽ có những yếu tố giúp ta đoàn kết. Còn bây giờ, theo tôi cứ việc tranh đấu rồi việc tranh đấu đó được đặt vào đòi hỏi chung về Nhân quyền. Những phản ứng tự nhiên hiện tại phải qua một thời gian như vậy cho đến khi tình hình biến đổi, thế thống trị xuống thì đương nhiên sẽ tập hợp đấu tranh để đòi nhân quyền. Còn bây giờ chúng ta muốn đoàn kết ngay thì chuyện đoàn kết còn tùy theo tình hình biến chuyển của xã hội, chính trị của đất nước chúng ta.

VNTB cám ơn những chia sẻ của bác sỹ Nguyễn Đan Quế và một lần nữa chúc mừng ông với giải thưởng Nhân quyền Gwangju 2016 mà ông mới đạt được.

Giải thưởng Nhân quyền Gwangju được thành lập vào năm 2000, xuất phát từ cuộc nổi dậy đòi dân chủ của hàng chục ngàn người dân Hàn Quốc tại thành phố Gwangju gần thủ đô Seoul chống chế độ độc tài Chun Doo-hwan vào năm 1980. Có hơn 600 người trong đó phần lớn là sinh viên đã ngã xuống. Cuộc nổi dậy ở Gwangju 1980 ngay sau đó bị đàn áp đẫm máu nhưng tinh thần của nó là bất diệt, ngọn lửa đấu tranh dân chủ vẫn được tiếp nối cho đến ngày thắng lợi để đất nước Hàn Quốc có được một nền dân chủ như hôm nay. Còn đối với bác sỹ Nguyễn Đan Quế, thông cáo giải thưởng Gwangju 2016 nói “hành trình đi tìm tự do cho dân tộc của bác sĩ Quế và sự trừng phạt mà ông gánh chịu đã tạo cảm hứng cho con người toàn thế giới lên tiếng thay mặt ông” (trích từ BBC ).

Tin bài liên quan:

VNTB – Bình Thuận: Bức xúc việc Công an đánh con, mẹ quyết khởi kiện…!

Phan Thanh Hung

VNTB – Tôm hùm chết hàng loạt ở Phú Yên do doanh nghiệp xả thải?

Phan Thanh Hung

VNTB – Hà Nội: Xét xử sơ thẩm Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy vì “phá vòng nô lệ”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.