Dương Tử
(VNTB) – Ông yêu nước theo cách của mình, yêu nước đến tận cùng, sống hết mình, bằng tất cả tình yêu chân chính của một trái tim cởi mở
***
Năm 2021 xét tặng giải thưởng cho sách xuất bản năm 2020.
Tối 12-11/2021, Hội Xuất Bản Việt Nam và Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia tổ chức Lễ trao Giải Thưởng Sách Quốc Gia lần thứ tư. (Ban tuyên giáo, Bộ Văn hóa chủ trì).
24 tác phẩm đoạt Giải thưởng (chọn từ 284 bộ sách, gồm 365 cuốn), gồm 2 giải A, 9 giải B và 13 giải C.
Hồi này dư luận độc giả bàn tán về 1 cái Giải thưởng mới lạ.
Học mót của Anh và Mỹ trao giải thưởng văn học mang tên “Man Booker, International Man Booker” chỉ dành cho văn học. Ban tuyên giáo Việt Nam đặt ra “Giải thưởng Sách quốc gia” gồm đủ các loại sách khoa học, kinh tế chính trị và văn học nghệ thuật, trộn lẫn lung tung tả pí lù, đọ tài với nhau rồi chia giải. Làm thế nào chấm giải SÁCH với các thể loại khác nhau như thế ?
Hai cuốn Sách Dịch đoạt giải A gồm: “Súng, vi trùng và thép – Định mệnh của các xã hội loài người”, tác giả: Jared Diamond, người dịch: Trần Tiễn Cao Đăng, Nhà xuất bản Thế giới.
“Chang hoang dã – Gấu”, truyện tranh thiếu nhi, lời dịch: Trang Nguyễn, tranh: Jeet Zdung, Nhà xuất bản Kim Đồng.
Giải B gồm 9 cuốn, có tập thơ “”Bài thơ của một người yêu nước mình” tác giả Trần Vàng Sao vừa xuất bản vội vàng năm 2020.
Dư luận bàn tán về cuộc đời tác giả giải B hơn là bàn về tác phẩm cũ kỹ của người được giải (đã chết).
Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 ở Thừa Thiên Huế. Năm 1961 Nguyễn Đính thi đỗ tú tài rồi ghi danh vào Đại học Huế, nửa chừng bỏ học tham gia các phong trào đấu tranh của sinh viên. Từ 1965 đến 1970, anh chạy lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành uỷ Huế, viết báo với các bút danh Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc, Trần Sao. Năm 1970 ông được đưa ra miền Bắc an dưỡng, chữa bệnh. Ở nơi đây, ông viết nhật ký ghi những suy nghĩ của ông về cái gọi là “hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa” và sau đó bị tố cáo, đấu tố, cô lập và bị bắt… đến nỗi ông có cảm giác không còn được coi là con người mà đã thành “một con vật, một con chó” theo Hồi ký “Tôi bị bắt”, nhớ lại những năm tháng bị bắt rồi được thả ra sau này của ông.
Sau khi chấm dứt chiến cuộc Việt Nam (tháng 4 năm 1975), Trần Vàng Sao xin về quê công tác nhưng không được chấp nhận; ông tự trở lại Huế làm liên lạc ở xã, sau đó được bố trí công tác tại Phòng Văn hóa thành phố Huế rồi được điều về làm liên lạc ở xã Hương Lưu (nay là phường Vỹ Dạ), Huế cho đến khi nghỉ hưu năm 1984. Từ đây ông viết tự do, không thể xuất bản hay đăng báo. Nổi tiếng nhất là bài thơ Tau Chửi .Ông sống tại thành phố Huế và mất ngày 09/5/2018.
Ngược dòng thời gian về năm 1967
Báo Văn nghệ Hà Nội nhận được Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình” và đăng báo, kèm phụ đề “Từ miền Nam gửi ra”.
Hồi đó tác phẩm dù hay dù dở, miễn là “từ miền Nam gửi ra” thì đều đăng báo để tuyên truyền. Ngay cái tựa đề “người yêu nước mình” và bút danh “vàng sao” nghe rất sến. Mặc nhiên nói “người yêu nước” là đủ rồi, cần chi nói “yêu nước của tôi hay ai”. Trần Vàng Sao thực ra học vấn dở dang nên không ai bắt bẻ làm chi. Có điều trong bài thơ có những câu kết lạc điệu so với thơ ca của phong trào.
Phần lớn bài thơ kể lể “gia đình nghèo, cha mẹ nghèo, đất nước nghèo”. Và đoạn kết lửng lơ, vu vơ như sau:
“Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất”.
(19-12-1967)
Độc giả chê câu thơ ngớ ngẩn này, rằng, khi đất nước thống nhất thì vẫn gọi vùng miền bắc, nam khi nào thích hợp, chớ làm sao xóa được 2 chữ vùng miền địa lý, việc chi phải kiêng kỵ hai chữ “Bắc, Nam” ?
“Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc”.
Bài thơ Tau Chửi lấn át “Bài thơ của một người yêu nước mình”.
Tháng 8/2020 tập thơ cũ trước 1975 Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình của Trần Vàng Sao do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản.
Đó là công lao của nhà thơ Nguyễn Khoa Điểm người đồng hương với Trần Vàng Sao Nguyễn Đính. Cùng tham gia công tác tuyên truyền ở vùng Trị Tihiên Huế, là “đồng đội” nhưng Nguyễn Khoa Điềm gặp vận may lên tới UV Bộ chính trị, thành viên Vua tập thể tột đỉnh vinh quang. Còn Trần Vàng Sao thì lận đận gian lao nhục nhã. Khi Điềm về hưu, bạn hữu văn nghệ sĩ Huế phàn nàn, thắc mắc cho Vàng Sao bất hạnh. Ông Điềm cảm thấy nhức nhối với bài thơ Tau Chửi của Nguyễn Đình tên thật (từ bỏ bút danh Trần Vàng Sao rất sến). Họ bàn nhau tìm cách chiêu tuyết cho Vàng Sao bằng cách vận động in tập thơ và “chạy” giải thưởng. Ông Điềm tìm đến Hội nhà văn gặp chú tịch Nguyễn Quang Thiều đàn em cũ, để tìm cách “chiêu tuyết” chọ Trần Vàng Sao.…Hai người này đã bỏ công biên soạn bản thảo trọn vẹn và thúc đẩy cuốn sách được ra đời. Lẽ tất nhiên việc trao giải này giống như chiêu tuyết cho nhà thơ oan, giống như việc phục hồi các nhà văn Nhân văn-Giai phẩm hồi sau “Đổi Mới”.
Xuất bản tập thơ cũ để xóa bỏ bài thơ mới Tau Chửi.
Đó là ý đồ của Nguyễn Khoa Điềm và Hội nhà văn.
Thông tin được anh nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – xác nhận với Tuổi Trẻ Online tối 1-11.
Ông Thiều cho biết “Trần Vàng Sao đã từng bị nghi ngờ, nhưng rồi ông đã cho thấy ông yêu nước theo cách của mình, yêu nước đến tận cùng, sống hết mình, bằng tất cả tình yêu chân chính của một trái tim cởi mở”. Ông Thiều không nhân xét gì về giá trị nghệ thuật của tập thơ được giải.
Và lý do bỏ phiếu 100 % là vì “những người đã bỏ phiếu trao giải cho tập thơ đều là những người yêu nước” (Ông Thiều nói buồn cười quá, sến quá !)
Hồi ký “Tôi bị bắt” kể về cái tai họa mà Trần Vàng Sao chịu đựng khi là một “chiến sĩ cách mạng” được đưa ra miền Bắc an dưỡng.
“Cuốn hồi ký này kể lại cái tai hoạ đó khi từ chiến khu, anh được đưa ra miền Bắc trị bệnh: ở nơi đây, sau một thời gian quan sát, anh đã ghi lại những suy nghĩ của mình về cái gọi là “hậu phương xã hội chủ nghĩa” đó bằng nhật ký và chính vì những suy nghĩ ghi thành chữ viết này anh bị các đồng chí của mình truy bức, nguyền rủa, phỉ nhổ, cô lập, đến chỗ như anh cho biết anh không còn được coi là con người mà đã thành “một con vật, một con chó”. (trích Uyên Vũ)
Từ một nhà thơ dùng tên lá cờ tổ quốc làm bút hiệu, ông đã bị đấu tố, bị coi là kẻ phản động, nói xấu lãnh tụ, đả kích chế độ. Ông đã bị trù dập, cô lập, và bị hành hạ đến sống dở chết dở trở thành một kẻ bị mọi người khinh bỉ, xa lánh, tàn tệ đến mức, như ông kể, ai cũng gọi ông là “hắn” hay “thằng Đính”, chỉ có “một thằng bé bị thần kinh gọi tôi bằng chú”.
NĂM 1997, BẬT RA BÀI THƠ “TAU CHƯỞI”
Hóa ra bài thơ Tau Chửi đã gây bão dư luận kéo dài. Kéo dài âm ỉ đến mức dẫn đến việc xét Giải Thưởng Sách Quốc Gia 2020.
Tác giả chửi đủ kiểu dân gian, mỗi câu mỗi đoạn đều ám chỉ. Mặc dù không gọi tên đích danh kẻ bị chửi. Dân gian xưa gọi là chửi đổng. Ai có tật thì giật mình. Kẻ có chức có quyền, kẻ lừa thầy phản bạn, kẻ tham những bóc lột dân… có mặt đâu đó rải rác trên đời này. Và đều hợp lại thành một “nhân vật tập thể”: chế độ chính trị.
Tác giả chửi một mạch liên hồi như nã súng liên thanh, vô hồi kỳ trận. Đọc kỹ sẽ thấy có lớp lang đàng hoàng. Người nghiên cứu nhìn ra cấu trúc của thể loại chửi. Mở đầu giới thiệu hoàn cảnh và nỗi niềm người chửi. Kế đó kể tội kẻ bị chửi. Kết là nguyền rủa kẻ bị chửi. Đủ ba phần của một “luận văn”cổ điển đàng hoàng đấy.
Tau Chửi
tau tức quá rồi
tau chịu không nổi
tau nghẹn cuống họng
tau lộn ruột lộn gan
tau cũng có chân có tay
tau cũng có đầu có óc
có miệng có mắt
có ông bà
có cha mẹ
có vợ con có ngày sinh tháng đẻ
có bàn thờ tổ tiên một tháng hai lần
rằm mồng một hương khói bông ba hoa quả
tau đầu tắt mặt tối
đổ mồ hôi sôi nước mắt
vẫn đồng không trự nõ có
suốt cả đời ăn tro mò trú
suốt cả đời khố chuối Trần Minh
kêu trời không thấu
tau phải câm miệng hến
không được nói
không được la hét
nghĩ có tức không
*
tau chưởi
tau phải chưởi
tau chưởi bây
tau chưởi thẳng vào mặt bây
không bóng không gió
không chó không mèo
mười hai nhánh họ bây đem lư hương bát nước
giường thờ chiếu trải sắp hàng một dãy ra đây
đặng nghe tau chưởi
tau kêu thằng khai canh khai khẩn tam đời mười đời
cao tằng cố tổ ông nội ông ngoại cha mẹ chú bác cô dì
con cháu thân hơi cật ruột bây tau chưởi
tau chưởi cho tiền đời dĩ lai bây mất nòi mất giống
hết nối dõi tông đường
tau chưởi cho mồ mả bây sập nắp
tau chưởi cho bây có chết chưa liệm ruồi bu kiến đậu
tam giáo đạo sư bây
cố tổ cao tằng cái con cái thằng nào móc miệng cho bây
hà hơi trún nước miếng cho bây
bây ỉ thế ỉ thần
cậy nhà cao cửa rộng
cậy tiền rương bạc đống
bây ăn tai nói ngược
ăn hô nói thừa
đòn xóc nhọn hai đầu
ngậm máu phun người
bây bứng cây sống trồng cây chết
vu oan giá hoạ
giết người không gươm không dao
đang sống bây giả đò chết
người chết bây dựng đứng cho sống
bây sâu độc thiểm phước
bây thủ đoạn gian manh
bây là rắn
rắn
toàn là rắn
như cú dòm nhà bệnh
đêm bây mò
ngày bây rình
dưới giường
trên bàn thờ
trong xó bếp
bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh ra
bây mang bí danh
anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường
lúc bây thật lúc bây giả
khi bây ẩn khi bây hiện
lúc người lúc ma
lúc lên tay múa ngón sủi bọt mép gào thét
lúc trợn mắt khua môi múa mỏ đả đảo muôn năm
lúc như thầy tu vào hạ
lúc như con nít đói bụng đòi ăn
hai con mắt bây đứng tròng
bây bắt hết mọi người trước khi chết phải hô
cha mẹ bây ông nội ông ngoại bây tiên sư cố tổ bây
sống dai đời đời kiếp kiếp
phải quỳ gối cúi đầu
nghe bây nói không được cãi
phải suốt đời làm người có tội
vạn đợi đội ơn bây
đứa nào không nghe bây hớt mỏ chôn sống
thằng nào không sợ bây vằm mặt thủ tiêu
bây làm cho mọi người tránh nhau
bây làm cho mọi người thấy nhau nhổ nước miếng
đồ phản động
đồ chống đối
đồ không đá bàn thờ tổ tiên
đồ không biết đốt chùa thiêu Phật.
*
thượng tổ cô bà bây
mụ cô tam đợi mười đời bây
tau xanh xương mét máu
thân tàn ma dại
rách như cái xơ mướp chùi trách nồi không sạch
mả ông bà cố tổ bây kết hết à
tụi bây thằng nào cũng híp mắt hai cằm
bây ăn chi mà ăn đoản hậu
ăn quá dã man
bây ăn tươi nuốt sống
mà miệng không dính máu
người chết bây cũng không chừa
năm năm mười năm hai mươi năm
xương chân xương tay sọ dừa vải liệm
bây nhai bây khới bây mút
cả húp cả chan bây còn kêu van xót ruột
bao nhiêu người chết diều tha quạ rứt xương
khô cốt tàn dọc bờ dọc bụi giữa núi giữa rừng
để bây xây lăng đắp mộ dựng tượng dựng đài cho
cha mẹ cố tổ bây.
*
hỡi cô hồn các đảng
hỡi âm binh bộ hạ
hỡi những kẻ khuất mặt đi mây về gió
trong am trong miếu giữa chợ giữa đường
đầu sông cuối bãi
móc họng bóp cổ móc mắt bọn chúng nó
cho bọn chúng nó chết tiệt hết cho rồi
bây giết người như thế
bây phải chết như thế
ác lai thì ác báo
tau chưởi ngày chưởi đêm
mới bét con mắt ra tau chưởi
chập choạng chạng vạng tau chưởi
nửa đêm gà gáy tau chưởi
giữa trưa đứng bóng tau chưởi
bây có là thiềm thừ mười tám con mắt tau cũng chưởi
mười hai nhánh họ bây
cao tằng cố tổ bây
tiên sư cha bây
tau chưởi cho bây ăn nửa chừng mẻ chai mẻ chén
xương cá xương thịt mắc ngang cuống họng
tau chưởi cho nửa đêm oan hồn yêu tinh ma quỷ
mình mẩy đầy máu hiện hình vây quanh bây đòi trả đầu trả chân trả tay trả hòm trả vải liệm
tau chưởi cho cha mẹ bây có chết cũng mồ xiêu mả lạc
đoạ xuống ba tầng địa ngục bị bỏ vào vạc dầu
tau chưởi cho cha mẹ bây có còn sống cũng điêu tàn
đui què câm điếc làm cô hồn sống lang thang đầu đường xó chợ
bốc đất mà ăn, xé áo quần mà nhai cho bây có nhìn ra
cũng phải tránh xa
tau chưởi cho con cái bây đứa mới đi đứa đã lớn
sa chân sẩy tay đui què sứt mẻ nửa đời nửa đoạn
chết không được mà sống cũng không được
tau chưởi cho dứt nọc dòng giống của bây cho bây chết sạch hết
không bà không con
không phúng không điếu
không tưởng không niệm
không mồ không mả
tuyệt tự vô dư
tau chưởi cho bây chết hết
chết sạch hết
không còn một con
không còn một thằng
không còn một mống
chết tiệt hết
hết đời bây
(Huế 29 tháng 6 năm 1997)
Hai bài thơ của một cuộc đời “cách mạng”, cách nhau 30 năm. Như là một tấn bi hài kịch của một người trẻ hăng hái bỏ trường đại học đi “tuyên truyền vận động cách mạng” và cuối đời bị hắt hủi, bỏ rơi. Khi chết rồi mới được đồng đội tặng cái Giải thưởng cúng oan hồn.
Kết
Tặng cái Giải thưởng quốc gia, ngỡ rằng để xóa đi bài thơ Tau Chửi. Chẳng ngờ nó lại đánh bóng bài thơ muốn xóa, khơi gợi lại bài thơ muốn xóa. Nhắc nhở bạn đọc đi tìm bài thơ muốn xóa. Nghịch lý Giải thưởng văn chương trên đời này là vậy.
___________
Nguồn bài “Tau chửi”: thivien.net https://www.thivien.net/Tr%E1%BA%A7n-V%C3%A0ng-Sao/Tau-ch%C6%B0%E1%BB%9Fi/poem-3qoZu0pc4bUWDm5LKAsaug