VNTB – Bạn đọc viết: Tìm đâu mùa thu bên khung cửa Trưng Vương

VNTB – Bạn đọc viết: Tìm đâu mùa thu bên khung cửa Trưng Vương

M.Y.E

(VNTB) – Vĩnh biệt hàng cây Nguyễn Bỉnh Khiêm của mùa thu mãi mãi không còn tìm thấy nữa bên khung cửa Trưng Vương…

 

Trưa ngày 26-11, nhiều người dân Sài Gòn đi ngang trục đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 bất ngờ lẫn xót xa vì nhiều cây dầu lâu năm bỗng dưng bị đốn hạ.

Tin tức từ người dân sống gần đó cho biết có nhiều dầu lâu năm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bị đốn hạ từ sáng đến trưa ngày 26-11. Hệ thống cây dầu ở Sài Gòn được đem về từ thời Pháp.

Cây dầu thuộc họ dầu, thân gỗ cho bóng râm. Hàng cây không chỉ che mát đoạn đường mà còn giúp nhiều thế hệ người Sài Gòn thêm ký ức bởi những trái dầu xoay – đặc biệt là với các thế hệ học trò của Trưng Vương – Võ Trường Toản, và cả người viết bài này lúc còn là sinh viên Đại học Tổng hợp ở đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.

Trưng Vương hôm nay mây vẫn giăng đầy trời

Công viên năm xưa hoa vẫn rơi tuyệt vời

Bóng người thì mịt mùng

Từng hàng me rung rung

Trong cơn gió lạnh lùng

Trong nắng ngại ngùng

Giai điệu “Trưng Vương khung cửa mùa Thu”, một nhạc phẩm ngoại quốc, lời Việt của Nam Lộc, bất chợt vang lên trong tâm tưởng khi biết rằng hàng cây dầu thơ mộng thuở hoa niên của mình trên con đường tình yêu tuổi mới lớn này với cô nữ sinh Trưng Vương N.T.H.L., giờ chẳng còn chứng nhân nào nữa rồi.

Nắng vẫn vương nhẹ gót chân

Trưng Vương vắng xa anh dần

Mùa thu đã qua một lần

Chợt nghe bâng khuâng

Lá rơi đầy sân…

Con đường tình Nguyễn Bỉnh Khiêm của người Sài Gòn giờ người ta đã đốn hạ hàng cây trăm năm với lý do “an toàn chung”.

Trục đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có chiều dài chưa đến một cây số rưỡi, nhưng là một trong những con đường xưa nhất của Sài Gòn. Nó bắt đầu từ nút giao với Nguyễn Hữu Cảnh và kéo dài đến vòng xoay Phan Thanh Giản, tức Điện Biên Phủ hiện tại. Con đường này cắt với nhiều đường lớn của Sài Gòn như Thống Nhất, nay là Lê Duẩn, và được nhận xét là con đường yên tĩnh, xanh mát bậc nhất của Sài Gòn. Đoạn đường này cũng đã góp nên lời nhạc cho ca khúc “Con đường tình ta đi” của nhạc sĩ Phạm Duy: “Lá đổ để đưa đường hỡi người tình Trưng Vương…”.

Hàng cây Nguyễn Bỉnh Khiêm còn giao với hàng cây trên đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai), Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu), Tự Đức (Nguyễn Văn Thủ).

Sài Gòn bây giờ còn ai chân vui

còn ai Văn Khoa yêu nhạc Phạm Duy

còn ai Trưng Vương yêu thơ Tuổi Ngọc

còn ai hôn ai cho tình đừng phai?

Nguyễn Tất Nhiên từng đau đáu như vậy trong thi phẩm “Còn ai”. Đúng là chẳng còn ai nữa, khi hàng cây Cường Để, hàng cây Nguyễn Bỉnh Khiêm dấu yêu của nhiều thế hệ người Sài Gòn đã bị triệt hạ.

Nam Lộc mai này có về thăm lại Sài Gòn, chắc ông sẽ ngẩn ngơ vì chẳng biết tìm đâu của một mùa thu bên khung cửa Trưng Vương, và thật ngậm ngùi nào như thi phẩm “Một mai trở lại” mà ông đã viết…

Một mai anh về qua trường Trưng Vương

Thoáng ngỡ ngàng, vây kín tâm hồn

Mình anh sầu tủi âm thầm đứng

Lòng xót xa thương những cuộc tình

Những cuộc tình đó với cô nữ sinh Trưng Vương N.T.H.L, của riêng tôi, là hò hẹn đón đưa dưới tán cây dầu của Thảo Cầm viên phía đối diện cổng trường Trưng Vương. Thuở ấy, N.T.H.L., của tôi áo dài trắng, mái tóc dài dễ thương lắm…

Bồi hồi để nhớ về hàng cây dầu tình yêu của tuổi mới lớn ở cung đường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cường Để. Ngậm ngùi để thương rồi tiếc nuối để càng yêu Sài Gòn, bởi quá khứ gắn liền với dáng vẻ lãng mạn yêu kiều và một sự bình yên dữ dội .

Sở dĩ phải dùng tính từ ‘dữ dội’, vì không biết diễn tả như thế nào cái bình yên không bao giờ còn tìm thấy của Sài Gòn thuở hoa niên.

Vĩnh biệt hàng cây Nguyễn Bỉnh Khiêm của mùa thu mãi mãi không còn tìm thấy nữa bên khung cửa Trưng Vương…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)