VNTB – Bạn hỏi tôi? Cùng nhau làm giặc ý thức hệ!

Hiền Nghi

(VNTB) – Bạn hỏi tôi bao giờ Việt Nam có dân chủ, tôi chỉ có thể nói rằng, còn lâu lắm, khi quốc tính với những đám đông con người còn hám lợi, còn chưa đủ trình độ nhận biết đúng sai, còn du di giữa thế lực siêu nhiên với thế lực trần quyền

Lễ tết ấn tượng nhất là gì?

Bạn hỏi tôi các dịp lễ tết, ấn tượng nhất là điều gì. Tôi cho đó là hình ảnh chen lấn không kịp thở, giành giựt, xô đẩy của hàng vạn con người tại các điểm lễ chùa, hội xuân, hè trên khắp miền đất nước.

Trang tin của Zing có đưa hình ảnh hàng nghìn người làm tắc nghẽn giao thông, với ghế nhựa, sự chen lấn trước chùa Phúc Khánh (Hà Nội) để làm lễ dâng sao giải hạn, cầu bình an.

Hàng nghìn con người khấn vái giải hạn trước chùa Phúc Khánh (Hà Nội). Ảnh: Zing

Hàng nghìn con người tụ họp trong một không gian chật chội, đầu cúi thấp, tay chắp vái, trai có, gái có, già có, trẻ có, nông dân có, trí thức lại có… Nhưng điểm chung có lẽ là sự mê muội. Chắc hẳn không có vài người trong số hàng ngàn con người đang quỳ sụp trước chùa Phúc Khánh hiểu rằng, Phật giáo coi trọng nhân quả, tổ chức và đi giải hạn chính đi ngược với cốt lõi của đạo Phật (Đức Phật hoàn toàn không dạy dâng sao giải hạn cho đồ đệ, chúng sinh) . Càng không hiểu hơn, khi cái thứ “phương tiện giáo hóa” cũng chỉ là thứ làm tiền của các sư sãi quốc doanh, của hàng ngàn ngôi chùa bị thương mại hóa từ bên trong, như chùa Phúc Khánh.

Già trẻ, trai gái, đều chấp mê khi tìm cái bình an ở… thế lực siêu nhiên. Ảnh: Zing

Tâm lý cầu bình an cho bản thân mình đã khiến cho hàng nghìn người khác đang giao thông trên đường phải rước lấy sự chờ đợi không đáng có, các cán bộ cảnh sát phải vất vả để giữ trật tự, phân luồng giao thông. Vậy chăng, bình an đó là sự bình an vô ý thức, bình an đó là được cướp lấy quyền lợi người khác.

Ngồi lên cả thảm cây con lương để cầu an cho bản thân mình. Ảnh: Saigonnews

Hàng ngàn người chắp tay khấn vái đã không hiểu được nỗi cái nguyên tắc tối thiểu và đơn giản trong ứng xử xã hội. Đó là dù quan niệm tâm linh đi chăng nữa, thì nguyên tắc đầu là không ảnh hưởng đối mọi người xung quanh.

Nhưng quan trọng hơn, hàng nghìn con người chen chúc tìm sự lành, bình an ở một thế lực siêu nhiên, điều đó tương đương với hàng ngàn não trạng đã không nhìn ra được cái bất an của một con người sống trong thực tại xã hội là do thể chế, xã hội ấy gây ra.Cả hàng ngàn con người mụ người, chấp mê trong một xã hội đang kêu gào “hội nhập”.


Một clip trên trang youtube ghi lại cảnh lễ rước kiệu ở làng Hà Trì (Hà Đông), Hòa Mục (Cầu Giấy), Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) vào mùng 7 Tết, trong đó, kiệu rước được cho là ở Xuân Đỉnh liên tục “tấn công” chiếc Kia Morning màu trắng đỗ gần cổng trường học.


“Trong clip cũng xuất hiện một người phụ nữ được cho là chủ xe đã quỳ sụp xuống, tay cầm tờ tiền liên tục khấn vái hướng về phía kiệu rước. Sau đó, chiếc kiệu đã chuyển hướng đi đường khác.” [1]


Bao giờ Việt Nam có dân chủ?

Bạn hỏi tôi bao giờ Việt Nam có dân chủ, tôi chỉ có thể nói rằng, còn lâu lắm, khi quốc tính với những đám đông con người còn hám lợi, còn chưa đủ trình độ nhận biết đúng sai, còn du di giữa thế lực siêu nhiên với thế lực trần quyền, còn xuẩn ngốc khi khiêng nước kiệu đâm vào xe liên tục chỉ mong “thánh phát lộc”, còn chấp mê như thế…

Việt Nam bao giờ có dân chủ khi mà bạn dễ dàng nhìn thấy những đám đông hàng nghìn người chen chúc nhận lấy vé miễn phí từ KDL Đại Nam, hàng nghìn người chen lấn để xem hội Trung Thu, hàng nghìn người chầu chực ở lễ hội chùa Hương, hàng nghìn người xô đẩy để tìm lấy một lá bùa đóng triện Trung Quốc mang mác “ấn Trần”, hàng nghìn người sẵn sàng xô đẩy, người nhỏ chà đạp người lớn trong Hội Gióng…

Lễ vật lên cửa Phật có cả gà luộc. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Dù đời sống kinh tế dù có đi lên, nhưng cái lễ – nghĩa nó lại không chạy theo kịp. Tư duy giành chú lợi về mình, bòn vét từ cái thời bao cấp vẫn còn quá nặng nề, nó pha trộn với nền văn hóa lúa nước, làm nên một thứ xã hội bệ rạc. Đó là thứ đã khiến cho Việt Nam với những con người “hung hãn và hèn nhát” ở những thứ không đúng như nhạc sĩ Tuấn Khanh chỉ ra.

Thành kính cầu an hay là sự ngu xuẩn trong tiềm thức. Ảnh: Vnexpress

Chen lấn xin đọt chuối non làm lộc. Ảnh: Vnexpress

Bạn có thấy xót xa cho số người dân Việt không? Một đất nước với hệ tư tưởng chính trị “duy vật chủ nghĩa” nhưng lại là nước buôn thần bán thánh bật nhất. Một đất nước dưới sự lãnh đạo của đảng đạo đức, đảng văn minh nhưng lại là đất nước chen lấn, xô đẩy, tranh giành quyền lợi.

Xót xa hay không khi mà, “Cái cần phải hung hãn, thì người ta đang chọn cách hèn nhát. Cái cần phải hèn đi thì người ta ồ ạt xông lên: hung hãn giành giật thức ăn buffet, hung hãn trói đánh kẻ trộm chó, hung hãn phán xét, nguyền rủa chung quanh như bản thân mình là hiện thân của ngọn cờ đầu nhân nghĩa.”[2]

Đất nước đang ngày càng bị lung lay, bệ rạc bởi các thế lực “ăn xổi ở thì” trên cả xương máu đồng bào, trong khi đám đông người Việt lại căm chịu làm phận con lừa, với màn khói đặc quánh của sự mê tín, dị đoan, của sự ngưỡng vọng đầy âm bí và một sự ham muốn thấp hèn trong bản thể.

Rước thánh cầu an, biến tướng trở thành… trò chơi bạo lực, đầy nhố nhăng. Ảnh cắt từ clip
Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh trong bài trả lời phỏng vấn báo Người Đô Thị cho rằng, cầu viện quyền lực siêu nhiên vì sa sút niềm tin, “khi nó (tín ngưỡng) vượt khỏi sự chế định của tri thức cộng đồng và lý trí tập thể mà trở thành mê tín trên bình diện rộng thì đó lại là chỉ báo về sự khủng hoảng xã hội nhìn từ cả ba góc độ tri thức, trí tuệ và niềm tin. Nói mê tín là niềm tin mê muội chính vì như thế. Cho nên người ta có cảm giác xã hội Việt Nam hiện nay đang bị nguyên thuỷ hoá trên cả bề mặt (quan hệ và ứng xử xã hội) lẫn bề sâu (niềm tin).” [3]


Chính nó, “ý thức hệ chính trị” đã gián tiếp tạo ra một xã hội khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng đến độ mù quáng, con người trở thành ngu muội lúc nào không hay, như bức ảnh lễ Phật có cả con gà luộc mà báo Lao Động còn chụp được (?).

Gậy gộc vung loạn xạ chốn lễ hội, một cụ ông bị xô rơi cả cặp kính đang đeo. Ảnh: Chí Toàn/zing

Làm giặc ý thức hệ!

Bạn hỏi tôi làm gì để thoát khỏi thực trạng đó, tôi nghĩ chúng ta cần cắt, “cắt trớt cha” (*) cái não trạng mê tín, lên chùa cầu tài lộc, bình an, cúng sao giải hạn, “cắt trớt cha” cái ý thức hệ cũ rích, “cắt trớt cha” cái sợ hãi vô hình thể chế, cái hèn mọn trong mỗi con người quần là áo lượt đến chân lấm tay bùn…

Cắt – cắt – cắt cái hèn, ngu muội như câu vè cụ Phan Khôi cổ vũ phong trào Duy Tân một thời:

“Tay trái cầm lược,
Tay phải cầm kéo
Cúp hè! Cúp hè!
Thăng thẳng cho khéo!
Bỏ cái hèn này.”

Làm giặc ý thức hệ, cắt đi cái thứ u mê, bào mòn dân tộc. Ảnh: NLĐ

Nếu khi xưa, chính quyền Pháp thuộc kết án ai theo Duy Tân cắt tóc gọi là giặc cúp tóc. Thì nay, bạn có dám rằng, chính quyền kết án chúng ta – những giặc “ý thức hệ”? Rằng, vẫn hiên ngang tự hào trước những con người ngu muội gọi ta là “kẻ phản động”, như Nguyễn Hàng Chi (1885 – 1908) người dứt khoát chịu lời phê phán, chê trách của mẹ, bà con mà hớt bỏ búi tóc rườm ra và biểu tượng của sự “ngu trung” ấy?

Làm giặc ý thức hệ không xa lạ trong thời gian gần đây, từ chính phong “Tôi không thích ĐCS”, hay gần nhất đây là gián tiếp tạo không gian bày tỏ quan điểm cho người dân qua ghi danh góp ý, thảo luật dự luật biểu tình của IJAVN …

Bạn có dám làm giặc “ý thức hệ” với tôi? Rằng cùng nhau đả phá cái mê muội, cái mê tín, dị đoan, cái thờ ơ lạnh nhạt của quốc dân hiện thời?

Nhưng để làm như thế, bạn cần có niềm tin vào xã hội dân sự Việt Nam, chỉ có niềm tin đó bạn mới dám cùng tôi, chúng tôi – làm giặc ý thức hệ! Nhất là khi, chính quyền liên tục phản bội lòng tin của nhân dân, mà gần nhất mới đây, “Chính phủ đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIII (tháng 5-2015) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV (dự kiến tháng 10-2016).”

Bạn còn chờ đợi gì? Bạn trông chờ gì? Bạn muốn gì? Bạn uất hận gì? Bạn xót xa gì? Chừng đó tâm lý là quá đủ rồi, cái bạn cần làm bây giờ là một niềm tin lành mạnh vào những tia sáng mang tên xã hội dân sự, để có thể đi tiếp tục đứng lên và gắn hashtag vào bản thân mình, rằng mình sẽ thay đổi những cái đầu ngu muội ở đám đông người Việt, rằng mình là giặc ý thức hệ.



(*) Cắt trớt cha: phương ngữ Quảng Nam, ý chỉ, cắt nhanh một vật thể một cách quyết tâm.

[1] xedoisong.vn/video/clip-xe-kia-morning-bi-kieu-ruoc-dam-lien-tuc-den-vo-kinh-7512.html

[2] nhacsituankhanh.wordpress.com/2015/02/27/hung-han-va-hen-nhat/

[3] nguoidothi.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/binh-luan/3552/nha-nghien-cuu-cao-tu-thanh-cau-vien-quyen-luc-sieu-nhien-vi-sa-sut-niem-tin.ndt

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)