Võ Hàn Lam
(VNTB) – Với thị trường Trung Quốc, dịch Covid-19 đã làm tăng nhu cầu tích trữ lương thực ở nước này. Bên cạnh đó, một số vùng ở Trung Quốc, do logisctics nội địa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên cần phải nhập thêm gạo từ các nước trong khu vực để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Xuất tiếp hay dừng?
Bộ Công Thương ngày 24-3 đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo ngay sau khi Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và một số đơn vị trực thuộc tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24-3.
Theo Bộ Công Thương, sau khi tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp, bộ kiến nghị Thủ tướng cho phép tạm dừng thực hiện mục b, khoản 2 và một phần mục c, khoản 2 của Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23-3 để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ đông xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn thực kho thực tế ở các doanh nghiệp. Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị việc mở tờ khai hải quan cho gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục được thực hiện bình thường.
Trước đó, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) có công văn hỏa tốc gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và một số đơn vị trực thuộc về vấn đề liên quan đến xuất khẩu gạo. Cục Quản lý rủi ro được yêu cầu thiết lập tiêu chí đưa mặt hàng gạo các loại thuộc phân nhóm HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40 vào diện cấm xuất khẩu. Việc Tổng cục Hải quan có công văn nêu trên là thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Công luận cho rằng lý do chính ở đây liên quan yếu tố Trung Quốc. Diễn biến tình hình 2 tháng đầu năm nay cho thấy trong thời gian tới, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Năm ngoái, Trung Quốc chỉ nhập hơn 477 ngàn tấn gạo từ Việt Nam. Nhưng năm nay, thể họ sẽ mua gấp đôi số lượng đó.
Như vậy liệu Việt Nam có thể nâng giá xuất khẩu gạo, vì đơn giản đây là bài toán kinh doanh căn cứ trên cung cầu, thay cho việc dừng xuất khẩu gạo bằng mệnh lệnh hành chính gây tranh cãi giữa các bộ?
‘Thuận mua – vừa bán’
Ý kiến ‘thuận mua – vừa bán’ có lẽ là một trong những lựa chọn thích hợp đối với việc Trung Quốc đang tăng mua gạo của Việt Nam, đưa đến nhiều nghi ngại ở trong nước về khả năng an toàn lương thực trong bối cảnh Việt Nam cũng chịu thiệt hại nặng nề về dịch Covid-19, và vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đang bị hạn mặn khốc liệt nhất so chục năm trở lại đây.
Điểm cần bàn luận là phương thức mua bán liệu có thể ‘tranh thủ’ việc ‘cầu tăng’ này, để thay đổi hợp đồng ngoại thương thanh toán từ F.O.B sang C.I.F (1) nhằm giúp ngành vận tải biển cùng ngành bảo hiểm của Việt Nam có thêm những đơn hàng trong mùa dịch? Dĩ nhiên ở đây ai cũng hiểu rằng dịch Covid-19 tất yếu đưa đến hệ lụy là gây ra những khó khăn nhất định cho ngành gạo, như tiến độ giao nhận sẽ bị chậm trễ do logistics toàn cầu bị xáo trộn bởi dịch bệnh, việc thanh toán cũng sẽ bị chậm lại…
Nhiều nước bị Covid-19 làm xáo trộn, chưa chuẩn bị kịp nguồn lương thực dự trữ lâu dài. Đây là cơ hội tốt cho gạo Việt Nam. Dĩ nhiên ở đây trong vấn đề logistics, thì dù là hợp đồng ngoại thương phương thức F.O.B hay C.I.F đều bị vấp chuyện nhiều hãng tàu không nhận đơn vận chuyển, và nhiều giao dịch đều được yêu cầu chuyển cảng nhận hàng. Điều này sẽ làm phát sinh chi phí vận chuyển.
Việc mặc cả giá cả về mặt hàng gạo Việt Nam với khách hàng Trung Quốc, phía Việt Nam còn có một lợi thế, là với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực vào tháng 7-2020, việc tận dụng hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm mà EU dành cho Việt Nam, sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam thu hẹp bất lợi trong cạnh tranh và mở rộng thị trường gạo cao cấp này.
Ai sẽ ‘cầm đũa’ nhạc trưởng?
Để làm được những điều trên, dĩ nhiên là cần đến một nhạc trưởng đủ tầm để có thể phối hợp đồng bộ với việc các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của thương nhân đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến lúa, gạo, cơ sở sấy lúa tại vùng nguyên liệu; thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo xây dựng vùng nguyên liệu; người sản xuất lúa trong vùng nguyên liệu, người sản xuất lúa có liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo với thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, tạo điều kiện giải ngân để thương nhân thu mua cho người dân.
Lưu ý, giá gạo xuất khẩu F.O.B của Việt Nam hiện tại vẫn thua khá xa Thái Lan. Cụ thể: Gạo 5% tấm của Thái Lan, giá xuất F.O.B ngày 24-3 là từ 478 – 482 USD/ tấn. Trong khi đó thì gạo 5% tấm của Việt Nam ở ngày 24-3 là 448 – 422 USD/ tấn. Thái Lan có loại gạo “Hom Mali 92%” (tiếng Việt gọi là gạo thơm hoa lài), giá xuất khẩu lên tới 968 – 972 USD/ tấn. Việt Nam cũng có gạo hoa lài, gieo từ giống lúa Jasmine 85, dòng lai IR 841-85, nhưng giá xuất khẩu chỉ từ 528 – 532 USD/ tấn.
Vấn đề khác đặt ra: ai sẽ được giao quyền ‘cầm đũa’, và vị nhạc trưởng đó có được toàn quyền điều khiển dàn giao hưởng ấy, mà không phải chịu một mệnh lệnh hành chính nằm ngoài tất cả lý thuyết về kinh doanh, đó là ‘phải chơi nhạc’ đúng theo định hướng của nền kinh tế thị trường ‘xã hội chủ nghĩa’?
___________________
* Chú thích:
(1) F.O.B là từ viết tắt của cụm từ Free on board, thường được hiểu đơn giản là bên bán hàng đã hoàn thành hết trách nhiệm của mình khi hàng hóa được xếp lên boong tàu tại cảng. F.O.B là một trong hai điều khoản giao hàng thường gặp trong các hợp đồng mua bán quốc tế. Chính vì vậy mà F.O.B ngày càng được sử dụng phổ biến trong các hoạt động thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu, logistics.
Theo đúng tên gọi của nó thì nếu điều khoản giao hàng là F.O.B thì có nghĩa là bên bán hàng chỉ phải chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa từ kho ra cảng và xếp lên tàu. Nghĩa là bên bán chỉ chịu các chi phí phát sinh phục vụ cho việc đưa được hàng lên tàu. Còn các chi phí như thuê tàu vận chuyển hàng, chi phí cước biển, thủ tục thông quan nhập khẩu… để phục vụ cho việc hàng hóa được vận chuyển đến kho của bên mua thì sẽ do bên mua chịu trách nhiệm.
C.I.F là từ viết tắt của tập hợp của các từ Cost, Insurance, Freight, nghĩa là tiền hàng, bảo hiểm, cước phí tàu. Như vậy có thể hiểu là với điều khoản giao hàng C.I.F thì bên bán hàng sẽ chịu luôn trách nhiệm với các chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển hàng đến cảng của bên mua, gồm chi phí thuê tàu vận chuyển, chi phí về bảo hiểm, chi phí cước tàu… Khi đó để thực hiện trách nhiệm bảo hiểm hàng hóa trong quá trình vận chuyển đến cảng của bên mua thì bên bán hàng sẽ mua một gói bảo hiểm cho hàng hóa, mọi giấy tờ về gói bảo hiểm đó sẽ được bên bán chuyển cho bên mua. Chính vì vậy mà thực chất địa điểm chuyển giao rủi ro trong phương thức giao hàng này cũng là cảng xuất hàng.