Trần Kiên
(VNTB) – Cận ngày lễ lớn của quốc gia-đảng, những người thuộc giới vận động nhân quyền bị “canh”.
“Bánh canh” là thuật ngữ, gây ức chế cho người bị canh.
“Vì an ninh quốc gia” là trọng trách, các viên an ninh được phổ biến – tuyên truyền – giao phó nhiệm vụ.
Canh “phản động” chặt chẽ, theo sát, không cho “đối tượng thoát”.
Quyền tự do đi lại, quyền riêng tư bị hạn chế mỗi khi “bánh canh”.
Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam – bị canh. Ngày Chiến tranh biên giới 1979 – bị canh. Những ngày tổ chức hội nghị quốc tế – có thể bị canh. Những ngày sắp xảy ra sự kiện nhân quyền lớn – chắc chắn bị canh.
Bị canh, người hoạt động nhân quyền cảm nhận được quy luật, nhưng khi bị canh, họ cảm thấy đồng thuế bị tiêu pha lãng phí.
Canh “phản động”, lực lượng “bánh canh” luôn sẵn sàng trạng thái đầy – đủ. Theo blogger Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba sàm) thì lực lượng an ninh chiếm 1/2 trong Bộ Công an, khác xa các nước văn minh.
“An ninh” các nước văn minh được nhớ đến vì chống gián điệp, phản gián, giữ vững quốc gia, dân tộc. “An ninh” nước mình được nghĩ ngay đến chống và canh… “phản động”.
Ai cũng là “phản động”, nghĩ gì nói nấy có thể trở thành con đường ngắn nhất trở thành… phản động. Già, trẻ, lớn, bé, nông dân, sĩ phu. Chỉ cần nghĩ – nói – làm thật thì có cơ hội được kết nạp “phản động”, trở thành nguy cơ trong mắt giới tinh hoa chính trị cộng sản, và họ thiết kế một mạng lưới mật thám (mật vụ, đặc tình) đủ lớn để kiểm soát nguy cơ đó.
Để hình dung rõ hơn cơ chế hoạt động của “giới an ninh” Việt Nam hoạt động như thế nào, ai có điều kiện nên ghé thăm Bảo tàng Stasi (Liên bang Đức). Dễ thấy nhất là tập hồ sơ của từng đối tượng không đáng tin cậy chính trị (phản động) và hình ảnh chụp trộm đối tượng nhiều tới mức kinh hoàng. “Phản động” e-ri-que (phản động every where).
Vì vậy, ở Việt Nam nếu ai là “phản động” thì hồ sơ chắc cũng được “vinh dự” khi lưu trữ ở toà nhà mới cáu của Bộ Công an trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Nhưng đi kèm các hình ảnh chụp trộm, thì có cả một lý lịch đi kèm, không thiếu những dòng “bôi đen đối tượng”.
Ví như chị Thảo Teresa bị “cảnh báo” sau chuyến thăm nhà cụ Kình.
“Sau khi mình đi Đồng Tâm thắp nén nhang cho cụ Kình về, đã có đôi ba lời cảnh báo doạ dẫm nọ kia, ý là đã chuyển hồ sơ lên Bộ cho nhập kho,” – chia sẻ trạng thái của Facebooker Thao Teresa ngày 15/2/2020.
Số người bị “bánh canh” ngày càng nhiều, nhiều đến mức người bị canh ngán ngẩm, vì xót tiền thuế, một phần vì tội “bánh canh”.
“Vì an ninh quốc gia” – thuật ngữ tuyệt vời, cao đẹp nhưng giờ đây nó trở nên tầm thường đến lạ. Ấy là bởi, “vì an ninh quốc gia” hoá ra chỉ bắt ghế canh phản động, dùng xe máy dõi theo phản động, chịu mưa-nắng-gió-bão.
Thế nên chị Nguyễn Thị Tâm (thợ cấy), dân oan Dương Nội từng không ít lần livestream chửi “bánh canh” xơi xởi vì “an ninh quốc gia” hao tiền thuế dân quá. Ấy thế mà chị lại được tán dương, tung hô,…
“Chửi” như hát hay, mà hát hay lại quá đúng.
Dân Việt bị chèn ép, ấm ức mà giờ có người chửi đúng ý mình, thì sướng quá. Thậm chí, có người còn bảo, chị Tâm cấy xứng danh “nghệ sĩ nhân dân”. Nhưng để đạt trình độ “chửi bánh canh” như hát hay, thì chị Tâm đã phải trải qua sự vùi dập và được chế độ “bón hành” không ít.
Thực trạng “nghe ló chán” nhưng cả hai đều mệt, “bánh canh” lẫn “phản động”. Chỉ có “thằng quyền lực” là cười hềnh hệch, phủ phê đập tay, đập chân, nằm cao, ngủ yên, ngon giấc để tiếp tục “mộng bá quyền”.
Thế nên xưa, “ai em ờ an ninh (i’m a an ninh)” là tự hào, danh giá của gia đình, dòng tộc. Thì nay, nó có phần đáng xấu hổ bởi một nghề nghiệp… thừa thời gian, dư hơi, rảnh rỗi quá đáng.
Ngày kỷ niệm chiến trận chống ngoại bang mà còn “bánh canh” thì không thể nào hiểu được.
Do đó, chừng nào “an ninh” được trả về đúng vị trí của nó, là hoạt động phản gián, chống gián điệp, thì khi đó an ninh viên mới được tôn trọng trở lại. Còn cứ “bộ bánh canh” thì danh giá của nghề nghiệp (công cụ) này chỉ đáng “vinh danh” qua lời chửi của chị Tâm thợ cấy mà thôi.