Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Đến 80% thương hiệu gia dụng ở Việt Nam có “bắt tay” với Trung Quốc.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt?
“Các thương hiệu hàng gia dụng trong nước đang chiếm 80% thị phần hàng gia dụng, 20% thuộc về các thương hiệu ngoại. Tuy nhiên, trong 80% thị phần các doanh nghiệp tại Việt Nam, chủ yếu là hàng có xuất xứ Trung Quốc thông qua “bắt tay” với doanh nghiệp nội, chẳng hạn như Sunhouse, Kangaroo…”, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết như vậy tại họp báo giới thiệu triển lãm IEAE Việt Nam 2024 diễn ra ngày 9-5-2024.
Trở ngược quá khứ. Trong một báo cáo của Bộ Công thương đưa ra hồi cuối tháng 12-2017, theo thống kê, trong hệ thống siêu thị của Việt Nam thì đứng đầu danh sách các “ông lớn” trên thị trường đồ gia dụng là Kangaroo, với doanh thu trong năm 2016 lên tới khoảng 2.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ máy lọc nước cao cấp. Theo sau là Sunhouse với doanh thu khoảng 1.800 tỷ đồng. Song, nếu tính riêng doanh thu về các sản phẩm gia dụng, Sunhouse vẫn chiếm thị phần lớn nhất, với khoảng 10% thị trường trong giai đoạn 2010 – 2016. Đây cũng là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức cao, trung bình ở mức 30% mỗi năm.
Thời điểm đó Bộ Công thương xác nhận trong 80% thị phần các doanh nghiệp tại Việt Nam, chủ yếu là hàng có xuất xứ Trung Quốc thông qua “bắt tay” với doanh nghiệp nội như Sunhouse, Kangaroo…
Đến tháng 11-2019, Bộ Công thương lại được báo chí nhắc đến ở nhận xét của bộ này là “trong 80% thị phần các doanh nghiệp tại Việt Nam, chủ yếu là hàng có xuất xứ Trung Quốc thông qua “bắt tay” với doanh nghiệp nội như Sunhouse, Kangaroo, Korihome…”.
Như vậy xem ra có cơ sở để thấy rằng đúng như tường thuật của Reuters, ông Jeffrey Gerrish, cựu quan chức thương mại của chính quyền Trump hiện đại diện cho hãng Steel Dynamics, lập luận tại phiên điều trần trực tuyến công khai của Bộ Thương mại Mỹ hôm 8-5 vừa qua, là việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ kích hoạt một làn sóng nhập khẩu không công bằng từ Việt Nam, mà ông cho là đã trở thành phương cách để Trung Quốc lách thuế quan của Mỹ.
“Thay vì đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc, bất kỳ hành động nào như vậy sẽ là món quà cho Trung Quốc và phục vụ lợi ích của Trung Quốc”, ông Gerrish nói.
Phía Việt Nam, vẫn theo tường thuật của Reuters, luật sư Eric Emerson của hãng luật Steptoe LLP, đại diện cho Bộ Công Thương Việt Nam, cho biết việc từ chối trao quy chế kinh tế thị trường sẽ đẩy Việt Nam đến gần Trung Quốc hơn.
Việt Nam càng hội nhập thì càng phụ thuộc vào Trung Quốc?
Trong một sự kiện liên quan, ghi nhận tại tọa đàm Kinh tế Việt Nam và Thế giới quý 1-2024 với chủ đề: “Nhận diện kinh tế quý 1-2024: Mở lối cho kinh tế cả năm 2024” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy/ Vietnam Economic Times và Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức, trong tham luận của PGS.TS. Vũ Thanh Hương, Phó trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế cho rằng: “Những nền kinh tế phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và thị trường Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, có thể phải đối mặt với sự giảm sút nhu cầu trong nhiều lĩnh vực từ hóa chất đến điện tử và máy móc. Các công ty và quốc gia có thể phải cân nhắc lại chiến lược kinh doanh và chuỗi cung ứng”.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính Việt Nam) trong 3 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam đạt 30,5 tỷ USD, tăng mạnh 28,85% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 6,83 tỷ USD). Tính bình quân, mỗi tháng Việt Nam chi hơn 10 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia láng giềng này.
Đáng chú ý, mới hết quý 1-2024 nhưng Việt Nam nhập siêu tới 17,4 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng mạnh so với con số 11,67 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này cho thấy thị trường Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào từ thị trường Trung Quốc.
Có nhận xét là sau khi Việt Nam đã tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, thì dường như Việt Nam có phần nào lãng quên yêu cầu về đa phương hóa, đa dạng hóa trong các quan hệ kinh tế. Vì thế, Việt Nam càng hội nhập thì lại càng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc. Một trong những tác động đầu tiên do phụ thuộc là việc thiếu vật liệu để sản xuất khẩu trang ngay đầu mùa dịch Covid-19. Tiếp theo, là trái cây và nông phẩm tiếp tục ùn ứ ở cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam – tỉnh Lạng Sơn và lối mở Km 3+4 trong những ngày tiếp theo đó.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mức tăng tuyệt đối về nhập khẩu từ Trung Quốc khá lớn và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức tăng nhập khẩu của cả nước (2019 tăng 9,95 tỷ USD, chiếm 59,6%; 2020 tăng 8,72 tỷ USD, chiếm 93,8%; 2021 tăng 25,68 tỷ USD, chiếm 36,9%; năm 2022 tăng 12,7 tỷ USD, chiếm 36,5%…