Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bão giá phân bón ‘quét sạch’ túi nông dân

Định Tường

 

(VNTB) –  Giá phân bón đang rất cao là một cú nốc-ao vào túi tiền nhà nông ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long.

 

Trong quý I năm nay, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã xuất khẩu kỷ lục 474.268 tấn phân bón các loại, giá trị thu về 307 triệu USD, tăng mạnh 42,2% về lượng và tăng gấp 3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số thành tích lợi nhuận trên cho thấy là một cú nốc-ao vào túi tiền nhà nông ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Công thương tuần trước đã có báo cáo đánh giá tác động các mặt hàng phục vụ sản xuất tiêu dùng trong nước, trước những diễn biến bất thường của thị trường thế giới, trong đó có những nhận định đáng chú ý đối với mặt hàng phân bón. Theo Bộ Công thương, hiện Việt Nam đã tự chủ được u rê, lân, NPK và nguồn u rê cho xuất khẩu có thể đáp ứng được 300.000 tấn/năm. DAP và MAP thì đáp ứng được 80% nhu cầu trong nước, chỉ có kali và SA là trong nước chưa sản xuất được, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.

Do đó, cơ quan này lo ngại việc Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu NH4NO3 cùng với xung đột ở Ukraine có thể tác động lớn tới giá phân bón.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và chi phí đầu vào (khí, than) tăng cao. “Điều này có thể khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung và đẩy giá các loại phân bón trên thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới”, Bộ Công thương nhận định.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương), cho biết bộ này cũng vừa có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá lại cung cầu trong nước để tránh nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. “Yếu tố mà chúng tôi lo ngại là chủ yếu nguồn nhiên liệu than, khí chạy máy cho các nhà máy, khiến các nhà máy không thể chạy đủ công suất, chứ nếu đủ thì không đáng ngại”, ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Trong khi đó, theo phân tích của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), nhiều khả năng Nga sẽ gia hạn việc cấp hạn ngạch xuất khẩu phân bón cho tới cuối năm nay thay vì chỉ đến tháng 5. Điều này sẽ khiến giá phân bón tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là với DAP và kali.

“Ở Việt Nam, nguồn cung DAP chưa ổn định, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn khi Nga thắt chặt nguồn cung, trong khi tồn kho nội địa với giá vốn thấp đang ngày một ít dần nên dự báo giá phân bón sẽ còn tăng trong quý 2”, MXV nhận định.

Để giảm giá phân bón, hồi cuối tháng 4-2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong phân bón.

Bộ Tài chính cho biết, thời gian gần đây cơ quan này nhận được kiến nghị của nhiều cơ quan đề nghị rà soát, xem xét chính sách thuế xuất khẩu với phân bón trong bối cảnh giá phân bón tăng cao.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất, phân bón có giá trị tài nguyên và khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Nhóm phân bón khác giữ nguyên mức thuế hiện hành. Phương án tăng thuế xuất khẩu này sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp.

Ghi nhận tại đại hội cổ đông tổ chức ngày 29-4-2022, ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết, giá cả nguyên liệu sản xuất phân bón đang tăng cao. Trong đó một số loại phân bón như Urê, DAP, SA và Kali thời điểm cuối năm 2021 tăng trung bình gấp 2-3 lần so với đầu năm.

“Trong thời gian qua, giá lúa không nhiều biến động nhưng giá phân bón đang rất cao đã chạm ngưỡng chịu đựng cho nông dân, gây nhiều khó khăn cho họ để trồng trọt. Nếu giá phân bón tiếp tục bị đẩy lên cao, có nguy cơ dẫn đến việc nông dân bỏ ruộng” – ông Ngô Văn Đông cảnh báo.

“Vụ rồi giá phân bón tăng gấp đôi đẩy chi phí phân thuốc tăng trung bình từ 1 triệu lên tới 2 triệu đồng/công. Với giá phân bón 17.000 – 18.000 đồng/kg urê như hiện nay thì làm ra sẽ lỗ vốn” – nông dân Nguyễn Thành An, ở Thoại Sơn, An Giang, than thở…


Tin bài liên quan:

VNTB – Hành chính về thuế: những bức xúc của doanh nghiệp ngành thủy sản

Do Van Tien

VNTB – Đấu thầu cho vui!

Do Van Tien

VNTB – Bòn bon Việt Nam xuất khẩu có hàm lượng thuốc trừ sâu quá cao

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo