Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bạo lực học đường đến từ “học thêm”?

Tân Châu

 

(VNTB)  – Từ việc bắt buộc học thêm bằng mọi cách đã dẫn tới bạo lực tinh thần ở môi trường học đường.

 

Học thêm – từ chối học thêm có phải là nguyên nhân của cuộc “vây ráp” tàn khốc khiến một nữ sinh phải uống thuốc tự tử?

Để trả lời câu hỏi này, trước mắt là cơ quan công an đã tiếp nhận đơn. Nhưng chỉ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mới có thể kết thúc nó.

Tin tức trên báo chí cho biết, ngày 8-12, bà Trần Thị Ngọc Diễm – giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh An Giang – dẫn đầu đoàn công tác đến Trường THPT Vĩnh Xương, họp toàn thể cán bộ giáo viên trường và gặp phụ huynh em N.T.N.Y. liên quan đến việc em uống thuốc nghi tự tử.

Bà Trần Thị Ngọc Diễm gặp bà Nguyễn Thị Quyết, 55 tuổi và cha em Y. tại trụ sở UBND xã Vĩnh Xương. “Chúng tôi gặp phụ huynh để nghe họ trình bày vụ việc ra sao dẫn ra câu chuyện như vậy. Từ đó sở sẽ có cách nhìn toàn diện vấn đề để sớm giải quyết vụ việc này ổn thỏa hơn” – bà Diễm nói.

Tại đây, bà Quyết đã trình bày câu chuyện xung quanh việc dẫn đến con gái bà uống cả vỉ thuốc trị bệnh hen suyễn để tự tử khi trường ép học thêm đóng tiền và bắt bẻ nhiều lỗi khác. “Từ khi xảy ra vụ việc đến giờ, tôi rất mong gặp được giám đốc sở để trình bày hết vụ việc” – bà Quyết nói.

Gia đình cho rằng em Y. bị bệnh hen suyễn từ nhỏ nên sức khỏe yếu. Tuy nhiên, gần đây trường yêu cầu học thêm bốn môn, nhưng em Y. chỉ học được một môn tiếng Anh. “Vì vậy em Y. bị nhà trường liên tục làm khó dễ, thậm chí là đọc tên em vi phạm dưới cờ dẫn đến em uống thuốc trợ tim hằng ngày quá liều nên ngất xỉu” – đại diện gia đình nói thêm.

Người phụ nữ tên Mai, chị gái và là người đang chăm sóc em Y tại bệnh viện kể: “Từ sự việc học phụ đạo, về nhà bé tâm sự thường bị cô gọi nói chuyện. Nhiều hôm bé không ngủ được. Nó lấy những chiếc bút màu ra vẽ trên giấy nhưng không rõ hình thù gì nên tôi lo lắm…”.

Bước đầu, phía giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang nhận định: “Trong công tác tổ chức, quản lý và biện pháp xử lý của nhà trường còn một số sai sót. Cụ thể: tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng với quy định của ngành, dạy thêm, học thêm đại trà cho tất cả học sinh theo lớp chính khóa; có hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành.

Đặc biệt là lãnh đạo trường đã nêu họ tên học sinh có vi phạm nội quy trường dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và là nguyên nhân dẫn đến sự việc em Y. uống thuốc định tự tử và ngất xỉu trong nhà vệ sinh. Biện pháp giải quyết, xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường chưa phù hợp, hiệu quả, gây bức xúc đối với phụ huynh học sinh và bản thân học sinh…”.

Một ghi nhận qua tin nhắn từ tài khoản của cô giáp chủ nhiệm em Y, cho thấy duyên cớ là “học thêm” không phải có thể chọn một môn là được, mà phải bắt buộc học “đại trà” 6 môn, và đóng đủ tiền!

         Tin nhắn của cô giáo chủ nhiệm và học sinh Y.

Học thêm “đại trà”, hay “học thêm toàn trường”, ‘thủ đoạn’ hay ‘thủ thuật’ đã được nâng lên một tầm cao mới, từ riêng lẽ lớp, từng giáo viên lên mức “trường trong trường”, “lớp trong lớp”. Có lẽ nếu không có sự ‘chống lưng’ từ cấp trên, thì khó thể vi phạm một cách có tổ chức về các quy định dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Không quá lời khi nói rằng đây chính là hình thức biến thể từ việc bắt buộc học thêm bằng mọi cách đã dẫn tới bạo lực tinh thần ở môi trường học đường. Những người khủng bố tinh thần của học sinh này, không đủ phẩm chất để làm nghề giáo, khi họ đã dùng cái quyền của mình để làm tình làm tội một học sinh còn vị thành niên.

Nếu không thể xử lý hình sự, thì việc xử phạt hành chánh các thầy cô giáo này không có tác dụng, vì chỉ là dung dưỡng cho cái xấu, cái ác tiếp tục có đất sống. Họ không đủ phẩm chất làm nhà giáo, nên nhất thiết phải cho họ ra khỏi ngành…

Tin bài liên quan:

VNTB – Khi giáo viên dùng quyền lực để gây bạo lực

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tỉ lệ vị thành niên phạm tội tăng cao

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Bạo lực học đường với việc thầy giáo ‘bẻ tay’ cô giáo trong lớp học

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo