Thới Bình
(VNTB) – Các bị can này bị cáo buộc có hành vi “trục lợi cá nhân” khi xét duyệt cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.
Nguyễn Thị Hương Lan (Cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Đỗ Hoàng Tùng (Phó cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Lê Tuấn Anh (Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) và Lưu Tuấn Dũng (Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) đã bị bắt.
Trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Hành vi sai phạm của các bị can xảy ra trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi, Cục trưởng Lãnh sự cùng ba người tại Bộ Ngoại giao bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ khi cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước.
Cùng tội danh, nhà chức trách khởi tố, tạm giam Đỗ Hoàng Tùng (42 tuổi, Phó Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao); Lê Tuấn Anh (40 tuổi, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao); Lưu Tuấn Dũng (35 tuổi, Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao).
Theo tướng Xô, các bị can này bị cáo buộc có hành vi “trục lợi cá nhân” khi xét duyệt cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Hiện, sai phạm cụ thể chưa được Bộ Công an công bố.
Bộ Công an cho biết từ khi Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã tổ chức gần 800 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ hơn 60 vùng lãnh thổ về nước. Khi các chuyến bay được mở, nhiều người dân phải mua vé rất đắt và thủ tục rườm rà.
Bên lề vụ án, các hãng bay khẳng định chuyến bay giải cứu là đặc thù, phát sinh nhiều chi phí và những quy định khắt khe về phòng chống dịch nên giá vé bị đội lên rất nhiều. Theo một lãnh đạo Vietnam Airlines, tại những thời điểm dịch Covid-19 đang nóng, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng lệnh hạn chế hoặc đóng cửa không phận, không cho phép các hãng bay nước ngoài quá cảnh, nên không thể thực hiện chuyến bay giải cứu.
Với những quốc gia cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu, tùy thời điểm, các phương án bay phải được các hãng lên kế hoạch rất chặt chẽ, huy động nguồn lực lớn để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, phòng chống dịch. Chẳng hạn, Mỹ không phải điểm đến thường lệ của Vietnam Airlines, việc xin phép bay trải qua nhiều khâu thủ tục phức tạp, rồi tính toán phương án bay thẳng do không thể quá cảnh sang nước thứ ba.
“Chúng tôi đã thực hiện nhiều chuyến bay hành trình hơn 25.000 km, tổng thời gian bay hơn 33 tiếng nên huy động tổ bay đến 30 người, gấp đôi so với chuyến bay thông thường. Hơn nữa, toàn bộ chiều đi của các chuyến giải cứu, hồi hương là tàu bay trống do không khai thác thương mại, đồng nghĩa với doanh thu một chiều phải trả cho chuyến bay hai chiều”, vị này cho biết.
Sau khi tham gia chuyến bay nhân đạo, toàn bộ phi hành đoàn phải ngừng việc tối thiểu 14 ngày để thực hiện cách ly, mọi chi phí do hãng chi trả. Một số máy bay cũng phải ngừng hoạt động 2 – 3 ngày để bảo dưỡng, thay màng lọc khử khuẩn (HEPA) và khử trùng toàn bộ trước khi được khai thác trở lại.
Chưa hết, các khoản phí phục vụ mặt đất, từ thuê xe cứu hỏa, đến nạp nhiên liệu, mua suất ăn uống tại một số sân bay… cũng rất cao.
“Chẳng hạn, với một chuyến bay từ Mỹ về, hãng đã phải chi trả hơn 1,4 tỉ đồng cho phục vụ mặt đất, gần 2,2 tỉ đồng tiền nhiên liệu, khoảng 350 triệu đồng cho suất ăn và dụng cụ phục vụ ăn uống, chưa kể nhiều chi phí không tên và có tên khác”, vị này nói.
Lãnh đạo Vietjet cũng khẳng định với những chuyến bay đưa công dân về nước, hãng không đặt vấn đề doanh thu hay lợi nhuận mà xác định “đây là trách nhiệm, nhiệm vụ của hãng đối với đất nước, đối với đồng bào”, bởi hãng đã thực hiện nhiều chuyến bay giải cứu trên nhiều đường bay chưa bao giờ khai thác, chỉ chở khách một chiều với nhiều chi phí phát sinh khá lớn.
Như vậy nếu như các giải thích ở trên của những hãng máy bay là đúng, thì thật khó hiểu khi đã bay không vì lợi nhuận, cớ sao họ lại hối lộ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để làm gì?
2 comments
Dưới chế độ độc tài toàn trị csVN, đại đa số cán bộ đảng viên không hề biết thương dân – yêu nước. Họ bám vào cái thẻ đảng viên để thỏa mãn bản chất tham quyền – hám danh và để thụ hưởng. Tham nhũng – biển thủ – hối lộ – nhận hối lộ – lường gạt – cướp giật là thái độ sống của đảng viên csVN. Cái nền tảng của chủ nghĩa xã hội là đấu tranh bạo lực để cướp lấy quyền lợi từ người khác về cho mình là hành vi của con người thời hoang dã, do đó thể chế cs chỉ có thể đào tạo ra được loại đảng viên tham lam – bất lương và bất nhân mà thôi. Bất kỳ nơi nào có mặt đảng viên csVN là nơi đó có những vụ việc phạm pháp để kiếm tiền bỏ túi riêng, sự khác biệt chỉ ở chỗ là vụ việc có bị tố cáo hay không mà thôi.
Việc phát hiện các quan chức đảng viên đực cái ở Bộ Ngoại giao nhận hối lộ, việc bọn tư bản đỏ đút lót hối lộ, thực ra chỉ là chuyện hết sức bình thường trong hệ thống độc tài toàn trị
Không còn niềm tin, lý tưởng hay chính nghĩa làm nền tảng, thì cả cái hệ thống chính trị còn sự lựa chọn nào khác ngòai việc tận dụng quyền lực để tham nhũng? Chỉ có tham nhũng mới chiếm được một số tiền lớn để đưa con cái đi định cư ở các nước phát triển, vĩnh viễn thóat ra khỏi cái xã hội thối nát rừng rú này. Chỉ có tham nhũng mới giúp họ làm tròn bổn phận với gia đình, con cái, còn nếu có bị bắt bớ tù tội thì xem như hy sinh đời mình để cứu lấy đời con cháu. Bản chất của việc chống tham nhũng thật ra chẳng khác nào một ông thuyền trưởng cố sức ngăn cản, đe dọa một cách tuyệt vọng, thủy thủ đòan của mình, đang nỗ lực đưa con cái họ xuống thuyền cứu sinh, mạnh ai nấy chạy, di tản khỏi con tàu Titanic đang chìm…ai còn tuân lệnh ông ta nữa…