VNTB – Bất khuất và khuất tất

Nguyễn Cao (VNTB) 
Các bài báo ‘lề dân’ về thể thao, về bóng đá dường như còn rất hiếm hoi. Tựa bài viết này được diễn giải là “người hâm mộ bóng đá luôn bất khuất”, và “khuất tất” lại là câu chuyện của những quan chức Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF.
Tác giả bài viết đây có thời gian 2 năm là trợ lý pháp luật của giám đốc CLB Bóng đá Thép Miền Nam – Cảng Sài Gòn.
Tương lai của bóng đá trẻ Việt Nam?
Nói về tương lai của bóng đá trẻ VN sau World Cup U-20 2017, HLV Hoàng Anh Tuấn tỏ ra rất lạc quan khi phát biểu: “Trở lại World Cup một lần nữa là chuyện rất khó khăn. Nhưng chúng ta phải tiếp tục mơ. Đây là kỳ World Cup đầu tiên của chúng tôi, các cầu thủ phải chịu khá nhiều sức ép và đã không thể trình diễn đúng như những gì tôi mong muốn. Cuộc chơi đã chấm dứt rồi, nhưng tương lai của bóng đá trẻ VN thì không chỉ có vậy. Giải đấu này là một động lực lớn cho bóng đá VN phát triển.
Trước mắt, chúng ta sẽ nhìn xem một số cầu thủ trong đội ngũ này có được gọi tham dự SEA Games 2017 trên đất Malaysia hay không, và xa hơn nữa sẽ là SEA Games 2019. Bóng đá VN sẽ có thêm những chương trình mới cho tương lai, chúng ta hãy chờ xem”.
Chiều 31-5, HLV trưởng đội tuyển VN Nguyễn Hữu Thắng đã công bố danh sách 28 cầu thủ chuẩn bị cho trận gặp Jordan ở lượt trận thứ hai bảng C vòng loại cuối cùng Asian Cup 2019 diễn ra vào ngày 13-6 tới trên sân Thống Nhất (TP.HCM). HLV Nguyễn Hữu Thắng đã triệu tập đến 7 cầu thủ vừa khoác áo đội tuyển U-20 VN thi đấu tại VCK U-20 thế giới 2017 diễn ra tại Hàn Quốc vừa qua. Đó là thủ môn Bùi Tiến Dũng, hậu vệ Đoàn Văn Hậu, Hồ Tấn Tài, trung vệ Trần Đình Trọng, Huỳnh Tấn Sinh, tiền vệ Nguyễn Quang Hải và tiền đạo Hà Đức Chinh.
Đánh giá chung về màn trình diễn của bóng đá Việt Nam trên đất Hàn Quốc, Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nói trước ống kính báo chí những lời có cánh của một quan chức bề trên: “Đội U20 Việt Nam rất vinh dự được tham dự sự kiện lớn như U20 World Cup. Sự góp mặt của Việt Nam là điều ấn tượng với thế giới và chủ nhà Hàn Quốc. Không khí ngày hội bóng đá của CĐV Việt Nam đã mang tới hình ảnh đẹp cho bóng đá Việt Nam. Qua đây, chúng ta có nhiều cơ hội để bóng đá trẻ ngày càng phát triển hơn, có cơ hội tiếp cận trình độ đỉnh cao thế giới.
Nhìn chung, thể lực của đội tuyển đã có những sự tiến bộ rõ ràng. Chúng ta thua kém lớn nhất là thể hình. Thể hình đó rất bất lợi khi chúng ta phải thi đấu với các đối thủ to cao như Pháp, Honduras, New Zealand. Đối phương có những cầu thủ cao 1m90, 1m95. Đó không chỉ là vấn đề của bóng đá Việt Nam mà còn là vấn đề của bóng đá châu Á. Qua giải đấu này, ta thấy đó là vấn đề mấu chốt của bóng đá Việt Nam ở những sân chơi lớn. Các sân chơi này rất quyết liệt. Tốc độ và sự cạnh tranh của nó rất cao tới phút cuối cùng của trận đấu. Việc này đòi hỏi các cầu thủ phải chuyên nghiệp hơn, cố gắng nhiều hơn.
Về mặt tinh thần, các cầu thủ đã được đầu tư rất lớn thông qua các giải đấu giao hữu chính thức hay những trận đấu với các đối thủ mạnh tại Châu Âu hay U20 Argentina”.
Nhà báo thể thao Đặng Hoàng, bình luận: “Chúng ta đừng có bị ru ngủ bởi những con người thừa cơ hội thành công của đội U20 VN rồi tuyên bố vung vít nhằm che lấp năng lực yếu kém của mình. Tại sao lại có thể nói như vậy? Thử hỏi những ai làm bóng đá trẻ tốt? HAGL, PVF,Viettel là 3 ngọn cờ đầu hiện nay, hoàn toàn không có hình bóng nào của VFF. Trong khi đó Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của VFF tốn bao nhiêu tiền của , đất đai thế mà có làm được gì không? Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch VFF luôn khuất bóng trước những vấn đề liên quan đến hình ảnh xấu xí, khuất tất của bóng đá Việt Nam. Hơn nữa, chính Quốc Tuấn từng bị ông Nguyễn Văn Chương – nguyên quyền Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tố cáo đã nhận hối lộ phong bì 100 triệu đồng cùng nhiều quà cáp khác. Cho dù sự việc đã có kết luận chưa đủ chứng cứ kết tội, nhưng không có lửa sao có khói?.
Nếu Đặng Hoàng mà là Quốc Tuấn, Đặng Hoàng sẽ làm đơn kiện ông Chương tội vu khống và với tội danh này ông Chương nhiều khả năng phải ngồi tù. Vậy tại sao Quốc Tuấn câm lặng???”.
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn: Làm chuyên môn hay đi buôn ghế?
Chuyện ông Trần Quốc Tuấn luôn muốn nhận công trạng, mặc dù ông không làm gì hết là chuyện không hề mới mẻ. Bởi sẽ rất nhiều người ngạc nhiên nếu liệt kê đầy đủ các chức danh của ông Trần Quốc Tuấn, gồm 14 ghế sau: 1. Phó Chủ tịch thường trực VFF. 2. Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia. 3. Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần bóng đá VPF. 4. Phó ban chiến lược VFF. 5. Trưởng ban bóng đá chuyên nghiệp. 6. Phó ban tiếp thị và tạo nguồn tài chính. 7. Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, phụ trách Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. 8. Chủ tịch Ủy ban thi đấu AFC. 9. Phó ban trách nhiệm xã hội AFC. 10. Ủy viên tầm nhìn châu Á. 11. Ủy viên Hội đồng AFF. 12. Ủy viên ban các vấn đề khẩn cấp. 13. Ủy viên ban thi đấu AFF. 14. Ủy viên ban Futsal FIFA.
Chức vụ thì nhiều, nhưng khi đội tuyển U-20 và những phần cần kíp cho sự phát triển của một nền bóng đá như chiến lược của bóng đá Việt Nam, hay sản phẩm V-League tác động đến bộ mặt đội tuyển, thì người ta thấy ông Tuấn rất thờ ơ. Thậm chí là đến nay khi hỏi về chiến lược bóng đá Việt Nam thì chẳng ai có thể trả lời đâu là chiến lược cả.
Các nhà báo thể thao vẫn nhớ như in câu chuyện tiền SEA Games 28. Khi ấy ông Miura chịu trách nhiệm cùng lúc hai đội là đội tuyển và đội U.23. Lần tập trung cho đội tuyển và gút danh sách đi Thái Lan đá vòng loại World Cup với đội này, ông Miura chọn tên Công Phượng, nhưng ông Trần Quốc Tuấn đã can thiệp vào danh sách đấy đề nghị ông Miura để Công Phượng ở nhà phục vụ cho trận giao hữu thương mại giữa U.23 Việt Nam và U.23 Myanmar.
Sở dĩ ông Tuấn can thiệp sâu như vậy là vì ông “đạo diễn” trận đấu trên và hứa hẹn với ban tổ chức sân Cẩm Phả (do công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh đứng ra thực hiện) sẽ có Công Phượng ra sân và đá chính trong thành phần đội U.23 Việt Nam nhằm tạo ra cơn sốt vé và thu hút người hâm mộ đến sân.
Đấy cũng là trận đấu mà Myanmar đã biết con bài tẩy Công Phượng nên khi gặp lại ở bán kết SEA Games 28, Myanmar đã phong tỏa Công Phượng bằng cả một phương án được lên đấu pháp rất kỹ và rất hoàn hảo. Vì thế mà bán kết SEA Games 28, khi U.23 Việt Nam bị Myanmar bắt bài trong đó có chiến dịch bắt chết Công Phượng, ông Miura đã rất đau nhưng phải ngậm bồ hòn vì không lẽ lại đi tố cáo “ông chủ” của mình.
Trong vụ này, có đồn đoán (thể hiện bằng chứng từ hẳn hoi) rằng ông Trần Quốc Tuấn được khoản lợi quả đến 500 triệu đồng qua tài khoản của Công ty cổ phần Truyền thông Đời Sống Việt, chứ không vào tài khoản VFF theo đúng danh nghĩa tài trợ bóng đá.
Nhà báo Đặng Hoàng chua chát cảm thán: “Người hâm mộ bóng đá Việt Nam bất khuất đáng trân trọng bao nhiêu, thì cũng có những người chọn thời cơ để biết lúc nào nên khuất tất và khi nào thì bất khuất làm màu…”.
Ông Trần Quốc Tuấn có lẽ không phải là con cắc ké bông duy nhất.
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)