Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Bệnh viện vẫn tiếp tục thiếu thuốc chủ yếu do … thủ tục hành chính.
Bộ Y tế ban hành Thông tư 08/2022/TT-BYT quy định về việc đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Văn bản do thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành, và sẽ có hiệu lực từ ngày 20-10-2022.
Trong khi chờ đợi thực hiện quy định mới, nhiều cơ sở y tế tiếp tục thiếu thuốc.
Lên tiếng với báo chí, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết các thuốc giải độc có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc, có thể làm đảo ngược tình trạng của bệnh nhân từ một người trạng thái ngộ độc nặng nhanh chóng trở về trạng thái hết ngộ độc, cải thiện đáng kể tỉ lệ tử vong.
Tuy nhiên, những thuốc đặc hiệu đang rất thiếu, các bác sĩ phải sử dụng tất cả biện pháp có thể để cứu chữa cho bệnh nhân, nhưng hiệu quả rất hạn chế, rất cần có thuốc giải độc đặc hiệu cho người bệnh. Đơn cử như một bệnh nhân người Lào, tổn thương não do ngộ độc thủy ngân rất nặng. Thế nhưng, đau đớn thay, loại thuốc giải độc đơn giản chúng ta đang có không thể tới được não để giúp cho bệnh nhân, hiệu quả rất kém, bệnh nhân tiên lượng rất xấu với não. Các bác sĩ cũng chỉ biết lắc đầu thở dài chua xót.
“Rồi những bệnh nhân ngộ độc paracetamol, viêm gan nhiễm độc, cần thuốc giải độc truyền vào máu để cứu sống. Rồi bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol hiện nay cũng thiếu thuốc giải độc để cứu mạng, bảo vệ não và gan, rất nhiều các thuốc giải độc đều rất thiếu” – BS Nguyên cho biết.
BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay, nếu trước đây, bệnh nhân bị ngộ độc cấp, nặng nề, khẩn cấp, Bệnh viện Bạch Mai có thể mua, chỉ định thầu một gói rất nhỏ để giúp bệnh nhân, nhưng bây giờ thì không thể như vậy. “Bệnh nhân đành phải chờ đợi thầu, chờ đợi các thủ tục và hệ quả là bệnh nhân bị tổn thương não, khả năng tử vong cao” – BS Nguyên nói.
Cũng theo BS Nguyên, một bệnh nhân đang mang thai ở tuần thứ 8 được cấp cứu trong tình trạng khó thở do ngộ độc thuốc diệt chuột. Vitamin K1 truyền tĩnh mạch là thuốc giải độc hiệu quả để cầm máu cho bệnh nhân, nhưng loại thuốc này đã hết từ 1 tháng nay và chỉ còn dạng uống.
Còn một bệnh nhân khác hiện đang phải thở máy do ngộ độc thuốc sâu. Tuy nhiên, thuốc giải độc đặc hiệu không có tại trung tâm từ nhiều năm nay, vì vậy các bác sĩ chỉ có thể điều trị các triệu chứng cho bệnh nhân.
Không chỉ hết nhiều loại thuốc thông thường do ảnh hưởng bởi công tác đấu thầu, nhiều loại thuốc giải độc là các thuốc đặc trị, có thể xếp vào nhóm thuốc hiếm cũng không có trong nhiều năm qua do không có nguồn cung ứng hoặc cung ứng nhỏ giọt.
Việc thiếu thuốc này không chỉ khiến thời gian nằm viện kéo dài, nguy cơ tổn thương các cơ quan trong cơ thể mà còn ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh
Theo Bộ Y tế, báo cáo từ các địa phương, đơn vị cho hay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cụ thể, có 28/34 Sở Y tế và 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc. Bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.
Ngoài ra, còn có 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, các trang thiết bị chuyên sâu…