Đông Đô
(VNTB) – Cứ dăm bữa nửa tháng lại phải họp bất thường. Sao không ‘gom’ lại làm một lần cho nó triệt để cách mạng?
Theo Thông cáo báo chí của Tổng Thư ký Quốc hội Khóa XV gửi các cơ quan báo chí vào cuối chiều ngày 17-1 cho biết dự kiến Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều ngày 18-1-2023 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
2 tuần lễ, 2 lần họp bất thường
Thông cáo viết rằng, căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020, Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015 ngày 24-11-2015 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định, trong các chức danh do Quốc hội bầu có chức danh Chủ tịch nước. Vì vậy, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình miễn nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu.
Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội đã tổ chức hai kỳ họp bất thường (chưa kể kỳ họp bất thường lần thứ 3 sắp diễn ra). Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV diễn ra đầu tháng 1-2022. Đây được đánh dấu là kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội.
Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại ở nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân cũng như việc khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Vì vậy khi đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập kỳ họp bất thường để đưa ra những quyết sách cấp bách phục vụ việc chống dịch.
Kỳ họp bất thường lần 2 diễn ra sau đó một năm, vào đầu năm 2023, nhằm xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Đặc biệt trong đó là việc phê chuẩn miễn nhiệm phó thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026 với hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam; đồng thời phê chuẩn bổ nhiệm hai tân phó thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026 với ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang.
Về cơ sở pháp lý cho những kỳ họp bất thường của Quốc hội, Khoản 2 Điều 83 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định: “Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp Quốc hội”.
Đang có đồn đoán sẽ có kiêm nhiệm cùng lúc “hai ghế” là người đang giữ quyền lực cao nhất trong đảng. Đây cũng là người từng trải nghiệm “hai ghế” khi kế nhiệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang bất ngờ qua đời vì bạo bệnh.
Một kịch bản ‘văn mẫu’ ở các kỳ ‘bất thường’ X lần?
Liên quan vấn đề nhân sự, ở Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 05-01-2023, phần nội dung công khai được tường thuật như sau:
“Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe: Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Phạm Bình Minh thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và ông Lê Minh Chuẩn thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm 02 Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về các nội dung nêu trên.
Liên quan đến các nội dung này, tại Tờ trình số 15/TTr-UBTVQH15-m ngày 04-01-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ căn cứ xem xét cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Phạm Bình Minh thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và ông Lê Minh Chuẩn thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh được dựa trên các văn bản sau: Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2020; Nội quy Kỳ họp Quốc hội; Thông báo ý kiến của Bộ Chính trị tại công văn 5731-CV/VPTW ngày 23-12-2022 của Văn phòng Trung ương Đảng; Đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV của ông Phạm Bình Minh ngày 30/12/2022 và ông Lê Minh Chuẩn ngày 14-12-2022; Ý kiến của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Công văn số 5060/MTTQ-ĐCT và Công văn số 5061/MTTQ-ĐCT ngày 02/01/2023.
Bên cạnh đó, Tờ trình số 03/TTr-TTg ngày 04-01-2023 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm 02 Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 dựa trên các căn cứ sau: Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2019/QH14; xét nguyện vọng cá nhân, tại Công văn số 5731-CV/VPTW ngày 23/12/2022, Bộ Chính trị đã đồng ý để ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 và ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thôi giữ các chức vụ lãnh đạo, nghỉ công tác và nghỉ hưu theo quy định”.
Như vậy về mặt hình thức, có lẽ trình tự liên quan ở Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 18-01-2023 cũng diễn ra tương tự; đồng nghĩa cử tri vẫn mù mờ chuyện vì sao ông Phúc xin nghỉ hưu, và ông này có “dây nhợ” gì trong các nghi án sai phạm của ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh?