VNTB – Ông Tô Huy Rứa và ông Đinh Thế Huynh ở đâu, hãy lên tiếng!

VNTB – Ông Tô Huy Rứa và ông Đinh Thế Huynh ở đâu, hãy lên tiếng!

Đông Đô

 

(VNTB) – Ban Tuyên giáo trung ương nhiệm kỳ Nguyễn Trọng Nghĩa muốn sổ toẹt hình ảnh của Ban Tuyên giáo trung ương nhiệm kỳ Tô Huy Rứa và luôn nhiệm kỳ Đinh Thế Huynh?

 

Đầu năm 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương có văn bản nhắc nhở các Tỉnh ủy, Thành ủy lưu ý không chọn tên hai nhân vật lịch sử là Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký để đặt tên đường phố.

Có lẽ ở đây trước khi ký ban hành văn bản ‘bắn vào lịch sử’ đó, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đã quên mất Đảng của ông đã từng vỗ tay khen ngợi về việc tôn vinh qua tái hiện nhân vật lịch sử này trên sân khấu?

Đó là câu chuyện của vở cải lương “Nợ non sông” do Nhà hát cải lương Hà Nội giới thiệu tại Cung văn hóa Thanh Niên – số 1 Tăng Bạt Hổ vào ngày 25-1-2016 nhân dịp kỷ niệm Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII. Hồi ấy người đứng đầu Ban Tuyên giáo trung ương là ông Đinh Thế Huynh – người từng được cho là ứng viên đắt giá ghế Tổng bí thư.

Thật ra thì lần đầu tiên sân khấu “giải mã” về Phan thượng thư bằng vở “Nợ non sông”, được Nhà hát Cải lương Hà Nội công diễn vào ngày 30-10-2013. Lúc đó Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương là ông Tô Huy Rứa.

Lý lịch chức vụ cho biết, ông Tô Huy Rứa từng là Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Ông Tô Huy Rứa từng tốt nghiệp Cử nhân khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, có học vị Tiến sĩ triết học (Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô).

Ông Đinh Thế Huynh là Phó Tiến sĩ ngành báo chí (tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov, Moskva, Liên Xô cũ) và Cao cấp Lý luận chính trị. Năm 1998, ông Đinh Thế Huynh được cử làm Phó Tổng Biên tập báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 4 năm 2001, ông Huynh được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX. Tháng 6 cùng năm, ông được chỉ định giữ chức Tổng Biên tập báo Nhân dân, thay nhà báo Hồng Vinh. Tháng 8 năm 2005, tại Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ VIII, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Trở lại với vở cải lương “Nợ non sông”.

Tác giả Phạm Quang Long và đạo diễn Thanh Vân khi dựng vở cải lương này đã rất “ý nhị” gọi tên nhân vật chỉ là: Phan thượng thư hay đức vua, hoàng thái hậu. Nhưng hẳn rằng với bất kỳ người Việt Nam nào yêu sử thì khi cánh màn nhung vừa mở, ai cũng biết ngay ông Phan thượng thư trong “Nợ non sông” chính là thượng thư Phan Thanh Giản sống dưới thời vua Tự Đức và hoàng thái hậu Từ Dụ.

Bi kịch trùm kín không khí vở diễn. Cũng có đôi tình tiết muốn chọc cười khán giả, như sự điêu ngoa của vợ chồng buôn quan bán chức hay khi anh cai ngục bảo “với dân đen việc nước thì có gì mà phải lo”… nhưng xem ra lại thành lẻ loi.

Báo chí khi ấy ghi nhận hình ảnh những khán giả nữ lặng lẽ lau nước mắt trước cảnh Phan gia tan tác, trước nỗi niềm của bà Phan khi trách giận chồng: “Trước lúc đi sứ ông đã nói rằng: “Nếu chuyện đi sứ bất thành thì tử tiết để lưu danh muôn thuở”, vậy mà sao khi trở về ông lại mang cái tiếng Phan gia mãi quốc…”. Người vợ trách chồng để rồi ân hận vỡ lẽ ra nhiều điều khi được chồng trao lại “mật chiếu” cầu hòa của chính bậc quân vương.

Vì sao khi ấy cả hai vị Tô Huy Rứa và Đinh Thế Huynh đều không ngăn cản chuyện công diễn vở cải lương này?

Có lẽ cũng trong thân phận là ‘bầy tôi của Đảng’ nên với những gì lâu nay diễn ra với ông bạn hàng xóm “4 vàng – 16 tốt”, rất chạnh lòng để cả hai vị Tô Huy Rứa và Đinh Thế Huynh hiểu điều mà Quan Thượng thư họ Phan lãnh trách nhiệm đi sứ giải quyết tình trạng căng thẳng hiện thời, khi nước nhà ở vào tình trạng khó khăn, thực lực yếu ớt lại phải đối chọi với một quốc gia hùng mạnh.

Việc cương quyết chống giặc hay cố hòa hoãn bằng mọi cách trở thành cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai phe trong triều đình nhà Nguyễn.

Phan Thượng thư là người đứng đầu phe kiên quyết chống chủ trương “cầu hòa”, vậy mà ông đã ký vào bản Hòa ước, dâng 3 tỉnh cho người Pháp để rồi về nước, bị vua kết tội làm nhục quốc thể, bị người đời rẻ khinh vì mắc tội dâng đất tổ tiên cho ngoại bang.

Không chỉ cả gia đình ông gặp nạn, mà ngay cả người con gái từng đính ước với con trai của Phan Thượng thư cũng lâm vào cảnh khốn đốn. Điều gì thực sự đã diễn ra đằng sau chữ ký tai họa của vị Thượng thư? Hiểu thế, biết thời, lựa theo người hay chính mình trở thành nạn nhân của tư tưởng trung quân mù quáng? Tất cả những câu hỏi đó đã trở thành ẩn số bí mật trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động mà vở diễn “Nợ non sông” đã nỗ lực lý giải.

Rốt cuộc thì sao? Một lần nữa, như chính lời thơ tự bạch trong thi phẩm Tuyệt cốc (*), Phan Thanh Giản đã phải ôm vào lòng mình nhiều vết cắt thương đau khi nhận lãnh trọng trách với Tổ quốc. 155 năm đã trôi qua kể từ ngày ông cạn chén thuốc độc, Đảng lại đổ vào miệng ông thêm chén thuốc độc khác mang tên ‘định hướng’.

(*) Trời thời, đất lợi, lại người hoà,

Há dễ ngồi coi phải nói ra.

Lăm trả ơn vua, đền nợ nước,

Đành cam gánh nặng, ruổi đường xa.

Lên ghềnh xuống thác, thương con trẻ,

Vượt biển trèo non, cám phận già.

Những tưởng một lời an bốn cõi,

Nào hay ba tỉnh lại chầu ba.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    Nếu Việt Nam Thời Báo thật sự bức xúc về chuyện này, nên đem Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người thầy rất mực tôn kính của gs Tương Lai ra làm lý do để biện hộ . Chứ ngôn ngữ kiểu này thì xôi hỏng bỏng không hết .

    Nghe nói trong Đảng vẫn còn 1 bộ phận phò Mỹ bài Trung, hãy dùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng để làm lý lẽ lay động họ . May ra .