VNTB – Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về ‘mức lương không đủ sống’

VNTB – Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về ‘mức lương không đủ sống’

Hoài Nguyễn – Hạnh Dung

 

(VNTB) – Bộ Y tế không có quyền quyết định các chế độ lương và phụ cấp, cũng như biên chế. Không lẽ Bộ Y chấn chỉnh tình trạng nhân viên y tế bỏ việc bằng… khẩu hiệu?

 

“Là một người trong ngành, tôi đề xuất giải pháp như sau: Thứ nhất, mở một cuộc phát động phong trào thi đua, quán triệt tới tất cả cán bộ nhân viên công tác trong ngành y tế, phải tích cực học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người cán bộ y tế, không ngại khó, ngại khổ tất cả vì người bệnh, coi người bệnh như người thân của mình, lương y phải như từ mẫu…

Thứ hai, khen thưởng, khích lệ, động viên tư tưởng cán bộ nhân viên y tế kịp thời, xét tặng các danh hiệu lao động tiên tiến xuất sắc, chiến sĩ thi đua, thầy thuốc ưu tú… cho các cá nhân có nhiều thành tích…”.

Bác sĩ chuyên ngành hô hấp, ông Vũ Trọng Hải đã đề xuất hai việc cụ thể như trên, vì đây là trong khả năng quản lý của Bộ Y tế.

Cách đây không lâu, Bệnh viện Phổi Đồng Nai rơi vào tình trạng “khủng hoảng nhân lực” khi lần lượt nhiều bác sĩ, điều dưỡng xin nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do áp lực công việc lớn, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng mức thu nhập của bác sĩ, điều dưỡng lại thấp. Không ít bác sĩ có thâm niên gần 10 năm công tác nhưng tổng thu nhập chỉ ở mức 8-9 triệu đồng/tháng, không đủ chi tiêu cho cả gia đình trong những ngày dịch bệnh.

Bác sĩ Lương Văn Châu, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai cho biết, từ ngày chuyển đổi thành cơ sở chuyên điều trị Covid-19, bệnh viện không tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh nên không có nguồn thu, không có thu nhập tăng thêm cho cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế như trước kia.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai kể từ khi đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu bùng phát, trung tâm đã quyết định dừng tất cả các hoạt động dịch vụ, huy động toàn thể viên chức đi chống dịch. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh viện không có nguồn thu và không có thu nhập tăng thêm cho cán bộ, nhân viên.

Tương tự, với các bệnh viện khác, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội, lượng bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện chỉ còn khoảng 20-30% so với những ngày thường.

Một bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trải lòng: “Nhân viên y tế đang phải chịu nhiều sức ép. Đó không chỉ là vấn đề khám, chữa bệnh với đủ mô hình bệnh tật, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích mà còn sức ép lớn trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 với nhiều mức độ khác nhau và vô vàn nhiệm vụ liên quan đến dịch bệnh khác.

Do đó, thay vì tung hô nhau bằng các loại hình thức khen thưởng giấy tờ thì các cơ quan có thẩm quyền nên nâng cao trách nhiệm, tìm giải pháp để chăm lo cho đời sống lâu dài của nhân viên y tế, thực tế nhất là nâng cao thu nhập để nhân viên y tế an tâm công tác”.

Cơ quan có thẩm quyền cụ thể ở đây chính là Bộ Tài chính.

Đơn cử, tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg, cho biết “Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022”. Theo đó, định mức phân bổ của ngân sách địa phương được xây dựng cho các lĩnh vực chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, bảo đảm chi lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ và mức tiền lương cơ sở 1.490.000 đồng/ tháng.

Định mức phân bổ ngân sách năm giảm dần theo các bậc biên chế, cụ thể như sau: Từ 100 biên chế trở xuống: Định mức phân bổ 70 triệu đồng/biên chế; Từ biên chế thứ 101 đến 500: Định mức phân bổ 65 triệu đồng/biên chế; Từ biên chế thứ 501 đến 1.000: Định mức phân bổ 61 triệu đồng/biên chế; Từ biên chế thứ 1.001 trở lên: Định mức phân bổ 57 triệu đồng/biên chế.

Định mức phân bổ theo tiêu chí biên chế quy định nêu trên đã bao gồm: Các khoản chi thường xuyên phục vụ hoạt động bộ máy các cơ quan: Khen thưởng theo chế độ, phúc lợi tập thể; thông tin, tuyên truyền, liên lạc; công tác phí, hội nghị, tổng kết; đoàn ra, đoàn vào; vật tư văn phòng, thanh toán dịch vụ công cộng; vận hành trụ sở cơ quan; chi hỗ trợ hoạt động cho công tác Đảng, đoàn thể trong cơ quan.

Các khoản chi nghiệp vụ mang tính thường xuyên phát sinh hằng năm: Chi nghiệp vụ chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực; chi xây dựng, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tập huấn, tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; chi hoạt động kiểm tra, giám sát.

Chi tiền lương, tiền công lao động và chi hoạt động cho các đối tượng hợp đồng lao động làm công việc thừa hành, phục vụ theo quy định. Kinh phí bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa thường xuyên các công trình cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ công tác chuyên môn; kinh phí mua sắm, thay thế trang thiết bị, phương tiện làm việc của cán bộ, công chức theo quy định.

Định mức phân bổ chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình được căn cứ phân bổ theo tiêu chí dân số:

Đơn vị: đồng/người dân/năm

Căn cứ khả năng ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ cho y tế dự phòng đạt tối thiểu 30% ngân sách y tế, ưu tiêu cho y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần.

Như vậy, với những căn cứ pháp lý như trên cho thấy để nhân viên y tế, và những ngành nghề khác nữa có thể sống được bằng lương, thì đó là trách nhiệm thuộc về Bộ Tài chính.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)