(VNTB) – Bộ trưởng muốn giải lời nguyền trồng lúa không giàu, nhưng bộ trưởng không dám chịu trách nhiệm mà lại đổ lỗi cho dân
Ông Lê Minh Hoan, bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có bài phân tích khá dài về mong muốn “phá bỏ lời nguyền trồng lúa không giàu của người dân”. Theo ông này thì 50 năm sau ngày thống nhất thì nông dân miền Tây càng làm càng lỗ. Bộ trưởng giải thích lý do là vì biến đổi khí hậu, biến động thị trường, ruộng đất nhỏ lẻ, người dân lạm dụng thuốc làm chai sần đất… (1)
Hầu như mọi lời giải thích của ông bộ trưởng chỉ là đổ lỗi cho người dân và ông trời. Chứ không thấy ông bộ trưởng chịu trách nhiệm, hay ít nhất là nói tới trách nhiệm của đảng cộng sản và hệ thống chính trị. Họ đã làm gì suốt 50 năm nay mà để biến miền Tây từ vựa lúa trù phú, người dân khá giả lại trở thành khô cằn, nghèo khổ, phải tha phương cầu thực, bỏ xứ đi Bình Dương làm công nhân, đi Đài Loan lấy chồng?
Nói về lời nguyền trồng lúa không giàu thì phải nói ai đã tạo ra lời nguyền đó. Nhìn sang các quốc gia phát triển như Nhật Bản, hoặc gần nhất là Thái Lan, dân của họ vẫn giàu nhờ làm lúa chứ đâu phải là nghèo. Thậm chí ngay chính Việt Nam, trước năm 1975 dù chiến tranh nhưng nông dân vẫn giàu nhờ làm lúa chứ không phải tới nỗi phải bỏ xứ ra đi như bây giờ.
Đổ lỗi cho dân và cho trời chính là đang đánh lận con đen. Trong khi rõ ràng là vấn đề đến từ chính sách của nhà cầm quyền. Đầu tiên, sau giải phóng, nhà nước kiểm soát thị trường phân thuốc theo kiểu bao cấp khiến người nông dân điêu đứng. Rồi lại đem những cán bộ dốt nát phía bắc vào phía nam để làm quản lý, chẳng hiểu gì về thời tiết, khí hậu miền nam, rồi áp dụng các phương thức canh tác miền bắc vào miền nam.
Điển hình nhất là việc đem đê miền bắc vô chống lũ miền nam. Địa hình miền bắc nhiều đồi núi, dễ xảy ra lũ cuốn, lũ quét nên phải xây đê chống lũ. Nhưng miền nam thì trước nay lũ đem tôm cá, phù sa bồi đắp. Người dân mong lũ về để rửa phèn, giúp mùa màng tươi tốt, cây trái sum suê. Nhưng cán bộ lại chủ trương đắp đê ngăn lũ. Thế là ruộng đồng miền tây bây giờ không nhận được phù sa nên mới phải tăng cường phân bón hóa học.
Đã vậy mỗi mùa nắng thì nước mặn ngoài biển tràn sâu vô trong đất liền nhờ những con đê. Thay vì bình thường mùa nắng, nước mặn chỉ ngập quanh các vùng ven biển. Bây giờ đê chặn không cho nước mặn tràn lên vùng ven, mà lại dẫn mặn thẳng vào sâu hàng trăm cây số vô tới Vĩnh Long, An Giang, những tỉnh không giáp biển. Đất nhiễm mặn bao giờ mới rửa sạch, mà lũ không về hoặc lũ về mà đi thẳng ra biển, không tràn vô đất ruộng thì làm sao rửa mặn được?
Nông dân không phải chỉ khổ vì chính sách đắp đê, mà còn vì chính sách mua bán lúa gạo phụ thuộc vào thương lái, trung gian. Ba tháng cắm mặt cho đất, cắm lưng cho trời, nhưng bán một tấn lúa lời được 500 ngàn, còn thương lái chỉ cho xe lại mua, chở về nhà máy là có lời 500 ngàn. Coi như tiền lời chia cho lái buôn phân nửa thì làm sao dân giàu nổi?
Chưa hết, ông bộ trưởng còn đổ lỗi cho ruộng đất ở Việt Nam nhỏ lẻ, manh mún. Nhưng ông không nói lý do vì sao nó lại bị phân nhỏ như vậy. Nếu nhà nước biết các phân bổ, định hướng cây trồng, hoặc quy hoạch khoa học thì đã không có chuyện đó. Hàng triệu bộ não cộng sản ngồi với nhau suốt 50 năm mà không có phương án thúc đẩy nông nghiệp, trái lại còn kéo nông dân đi thụt lùi nữa thì bộ máy cầm quyền phải chịu trách nhiệm chứ sao đổ cho trời được.
Vậy nhưng, trong phần trả lời phỏng vấn dài mấy ngàn chữ, ông bộ trưởng không đưa ra được một giải pháp thiết thực nào hết. Chỉ đổ cho nông dân không biết cái này, không đủ cái kia, hay dân không hiểu, dân không đồng thuận… Vậy thì trách nhiệm của bộ trưởng ở đâu, và liệu bộ trưởng có thể giải quyết được cái lời nguyền mà ông nêu ra không? Chắc chắn là không rồi, vì ông chỉ còn hơn 1 năm nữa là hết nhiệm kỳ. Mà cho dù ngồi thêm 10 năm nữa thì ông cũng không giải lời nguyền do chế độ của ông lập ra.
____________________
Tham khảo:
(1) https://vnexpress.net/bo-truong-le-minh-hoan-phai-thay-doi-loi-nguyen-trong-lua-4794266.html