Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bốn mươi năm Sài Gòn sụp đổ: Nhân chứng ngày kết thúc chiến tranh (kỳ I)

Trần Hồng Tâm (VNTB) Khi quân đội BắcViệt đặt chân vào thủ đô ngày 30 tháng Tư năm 1975, nó đánh dấu cuộc bại trận thương đau nhất trong lịch sử quân sự Hoa Kỳ. Bốn thập kỷ sau khi ông tường thuật lại những sự kiện cho tờ The Guardian, Martin Woollacott giờ đây phản ánh lại những gì về tương lai của hai quốc gia.

Sài Gòn sụp đổ, chiến tranh kết thúc. Ảnh: internet

Bắc Việt giữa Sài Gòn
Một ngày sau khi Bắc Việt chiếm Sài Gòn, thành phố thức giấc bằng những bài ca chiến thắng. Vào đêm, những kỹ sư của đoàn quân chiến thắng đã treo lên những chiếc loa khổng lồ, khoảng năm giờ sáng, những bài hát giải phóng véo von, cứ mở đi mở lại liên hồi. Bình minh rực sáng rọi xuống đường phố không người. Bình thường, vào thời điểm này, giao thông đã bắt đầu hối hả. Thế nhưng, giờ đây không một ai biết phải làm gì. Chẳng lẽ đi làm, hay ra chợ mua đồ? Chẳng lẽ đi đổ xăng, hay lại có một cuộc chiến nữa bùng nổ? Đây không phải là Sài Gòn thường nhật, mà là quang cảnh của sự hoang mang đến kinh hoàng. Vai trò của Sài Gòn được thiếp lập lên như là thủ đô của một nước Viêt Nam không cộng sản. Vậy mà chỉ qua một đêm, tất cả đã biến mất. Những người lính đã biến mất, những tướng lãnh, chính khách, công chức khoác những tấm mền đỡ lạnh trên vai, nhấp nhô, lênh đênh theo nhịp sóng của biển cả trên những bong tàu chiến của Hải quân Mỹ, ngoài biển Đông.

Suốt những năm tháng dài của cuộc xung đột, chiến tranh chưa hề đụng đến Sài Gòn ngoại trừ vài trái rocket, đôi vụ gài mìn tại những tiệm ăn, thiết quân luật vào đêm, hay trận đánh vào tầng trệt của tòa đại sứ Mỹ trong dịp Tết 1968. Sài Gòn rung chuyển, nhưng đã thoát được một thảm họa. Và sự thực, khi những bài ca giải phóng vang vọng hắt xuống đường, nó đã thoát hiểm. Có vài người biết Bắc Việt đã chuẩn bị để nghiền nát thành thành phố này bằng pháo binh hạng nặng mở đường, rồi giành lấy từng góc phố, kháng cự ư, sẽ bị giáng trả mạnh hơn. Nếu vị Tổng thống cuối cùng của Nam Việt Nam, tướng Dương Văn Minh không ban hành lệnh hạ vũ khí, có lẽ Sài Gòn đã trở thành một nghĩa địa hoang tàn. Người Việt nói giỡn rằng cộng sản đánh Sài Gòn mà đã “không làm vỡ dù chỉ một chiếc bóng đèn”. Điều này cũng không đúng. Tổn thất rất lớn ở cả hai phía, giao chiến chỉ dừng lại tại cửa ngõ Sài Gòn. Ở khu trung tâm, nỗi sợ sẽ xảy ra cảnh hôi của và vô chính phủ. Stewart Dalby, phóng viên tờ Financial Time, và tôi đang đi trên đường Tự Do, trục chính của Sài Gòn, một người đàn ông nhìn khá hung dữ, áo bỏ ngoài quần, chặn đường chúng tôi. Hắn chỉ vào thắt lưng, ám chỉ hắn có súng, rồi tước ngay chiếc máy chụp hình đắt tiền trên cổ Dalby. Những sự cố như vậy cũng đủ thuyết phục mọi người rằng cộng sản nắm quyền kiểm soát càng sớm càng tốt.

Ngày đầu tiên của thời đại mới, không có người Mỹ trong tòa đại sứ hình ốc đảo nằm trên đại lộ Thống Nhất, chỉ còn lại một đống đồ phế thải của ngày di tản hỗn độn trước đó. Chẳng còn ai trong tòa thị chính. Không một ai trong Nhà hát nơi Quốc hội dùng để hội họp. Không có tổng thống trong dinh. Nguyễn Văn Thiệu đã đi. Người kế nhiệm ông bàn giao lại cho Minh. Minh nói với những sỹ quan Bắc Việt đầu tiên bước vào dinh rằng ông đã sẵn sàng cho công việc bàn giao quyền lực. “Ông không có gì để bàn giao, khi ông tay trắng,” họ đáp lời rồi bước đi. Minh làm tổng thống hai ngày.

Sự hoang tưởng sau thất thủ


Quyền lực của Minh chỉ là hoang tưởng, và Sài Gòn cũng sống trong hoang tưởng những ngày sau đó. Tại vườn Bách Thảo nơi các công dân thường dẫn con tới thư giãn cuối tuần, bạn nghe nhiều tin đồn như thiệt. Người thì bảo “Pháp sẽ trở lại với hai quân đoàn”. Người thì nói “Mỹ sẽ ném bom trở lại.” Người khác phán “phải thành lập chính phủ liên hiệp.” Rồi cuối cùng dường như đến một kết luận chung có vẻ hợp lý “Chúng ta đều là người Việt Nam” được nói ra ở một cử chỉ nằm ở khoảng giữa của hy vọng và tuyệt vọng. Đó là lời an ủi cho nhiều người, nhưng không phải cho những người có địa vị, có mối quan hệ gắn bó với chính phủ, hay với Mỹ. Họ e sợ sẽ có một cuộc trả thù, hay ít nhất cũng bị đóng dấu đen trong lí lịch suốt đời. Dưới mắt chúng tôi, có vài người chẳng có lý do gì để lo âu, nhưng vẫn bị cuốn vào cơn bão táp của hoảng loạn. “Nỗi quá sợ hãi Việt Cộng đã làm cho Sài Gòn mất đi dáng vẻ lanh lợi khôn ngoan của nó,” một nhà báo đã từng viết. Nhưng họ muốn ra đi, và nhiều người đã ra đi, thoạt đầu bằng máy bay, và giây phút cuối cùng bằng trực thăng – khởi thủy của một cuộc tha hương vĩ đại gồm hàng triệu người Việt quyết định rời bỏ đất nước sau năm 1975.

Người dân đi qua đống đổ nát của những tòa nhà tại Sài Gòn bị trúng tên lửa của Bắc Việt

Những sỹ quan Mỹ chỉ huy chiến dịch di tản đành phải đưa ra những quyết định đớn đau. Để tránh hoang mang làm hỏng tuyến phòng thủ của Nam Việt Nam, họ đã giới hạn ở giai đoạn khởi đầu. Sau đó họ đưa ra những lời hứa khá chắc chắn cho những người vẫn còn giữ thái độ “nếu nó tới, chơi tới cùng” (vì tư tưởng này đã giữ cho Nam Việt Nam sống sót ở mọi hình thức tồn tại) tất cả trong số họ sẽ được di tản vào phút cuối. Đây là lời hứa mà người ta đã không thể giữ. “Tiếng kêu gào trong tuyệt vọng của họ qua làn sóng của đài phát thanh CIA đã vò xé trái tim tôi,” Frank Snepp, một nhân viên tình báo tại Sài Gòn, đã viết như vậy nhiều năm sau đó. Một ngày trước khi Sài Gòn sụp đổ, từ sân thượng của khách sạn Caravelle, tôi và những phóng viên khác nhìn dòng người mỏi mòn, đớn đau để được đưa đến sân thượng của tòa nhà gần đó. Một thảm kịch câm âm thầm, khi những tiếng nổ của động cơ cứ xa dần rồi mất hẳn. Sự thực phũ phàng đã đến, chẳng còn một chiếc trực thăng Mỹ nào trở lại nữa, vĩnh viễn. Tại tòa đại sứ Mỹ, nỗi kinh hoàng không thể nói lên lời. Đám đông tuyệt vọng không còn chỗ đứng van xin để được vào trong. Lính hải quân cho những ai có giấy phép, hoặc có gương mặt trắng trẻo, và đẩy ra những những người khác.

Ngày tiếp theo, xe tăng vào trước, nòng pháo dài vươn ra giống như chiếc mũi của Pinocchio, nhằm thẳng trung tâm thành phố và dinh tổng thống. Có vài chiếc tăng bị lạc đường. Chúng tôi nhìn thấy một chiếc lùi lại, quay đầu, rồ máy lao đến cổng bệnh viện cũ của Pháp, hoàn toàn không phải là mục tiêu quân sự. Rồi khi vừa tới cổng dinh tổng thống, chiếc dẫn đường liều lĩnh lao qua cổng trong nỗi hân hoan nhưng làm James Fenton phải đứng tim, anh là nhà thơ kiêm làm báo người vô tình đã trở thành phóng viên cuối cùng của tờ Washington Post có mặt tại Sài Gòn. Khi lính mới xuất hiện, lính cũ bỏ đi, một cuộc phô diễn cay đắng, cuối cùng: pháo hiệu bắn lên: xanh, đỏ, trắng, cùng đội hình duyệt binh, trước lúc tan hàng.

Những người lính mới, chúng tôi đã nhanh chóng học được cách gọi họ là bo doi (“foot soldiers”) mặc quân phục đồng màu và đội nón cối đã lỗi thời. Trông họ khá thư giãn: cuộc chiến đã qua mà họ còn sống, và họ đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại. Vài ngày sau, có một cuộc duyệt binh, rồi phần lớn họ bị đưa ra khỏi Sài Gòn. Những người được ở lại thì lịch sự, nhưng do dự. Họ ngộ nhận cho là những ai da trắng đều là Liên Xô. Có người dường như rất ngạc nhiên về sự thịnh vượng của Sài Gòn. Họ rất ngưỡng mộ đồng hồ đeo tay, đặc biệt loại có lịch. Họ gọi đó là đồng hồ có cửa sổ. Đồng hồ đeo tay chỉ phát cho sỹ quan cấp tá trở lên trong quân đội Bắc Việt. Nếu đi sóng đôi, họ nắm tay nhau, một hình ảnh cảm động lạ lùng. Nhưng họ dường như được huấn luyện khá nghiêm nghị. Khi có vài người kháng cự, nổ súng vào những người lính miền Bắc tại công viên giữa Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn và dinh tổng thống, các phóng viên chứng kiến cảnh họ phối hợp rất nhịp nhàng. Họ mới vừa đứng nghỉ, hút thuốc một phút trước đó, đã nhanh nhẹn nằm sấp xuống rồi bắn trả một cách điêu luyện, tung ra cú tạt sườn và khóa chặn nhóm tấn công. Cũng nên nhắc lại rằng vào thời điểm đó, thiên hạ thường nói về một đôi quân du kích, trang bị thô sơ đương đầu với lực lượng tinh nhuệ. Điều này đã qua lâu rồi. Đội quân miền Bắc kéo vào Sài Gòn với tất cả trang bị của một quân đội hiện đại, chỉ thiếu máy bay.

Thực thi sơ sài và bỏ rơi nhẫn tâm

Việt Nam là một tay biết lèo lái chính trị quân sự và cả đạo đức rất khôn ngoan trong nhiều năm. Quá nhiều thứ của cuộc chiến chiếm giữ lương tâm của mỗi người. Đôi lúc tưởng như thế giới đã nhầm lẫn tất cả, và tất cả phải được sửa chữa lại tại nơi đây. Rất nhiều điều quan trọng phải được quyết định ở nơi đây: phe nào chiếm ưu thế trong cuộc giao tranh quốc tế giữa cộng sản và không cộng sản; các nước phương Tây sẽ tiếp tục thống trị các cựu thuộc địa hay không; các nước nhỏ có thể đứng lên chống lại những nước lớn không; du kích có thể đánh bại quân đội hiện đại không; một phong trào nổi tiếng – phong trào hòa bình tại tâm điểm của quốc gia tham chiến – có thể làm thay đổi những chính sách của một cường quốc hay không. Những câu hỏi này, liệt kê đơn giản, nhưng rất khó tìm thấy câu trả lời hôm nay, vì chúng xảy ra trong ngày Sài Gòn đột qụỵ. Sự kiện đơn giản rằng cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam là một nhầm lẫn và tội ác – bởi vì, nó đã được thực thi một cách quá sơ sài, được theo đuổi một cách quá ác độc, và bị bỏ rơi một cách quá nhẫn tâm .

Di tản

Câu chuyện về sự sụp đổ của Nam Việt Nam là một chuỗi những dự báo thất bại đầy tai tiếng. Richard Nixon và Henry Kissinger, thừa biết rằng cuộc chiến vô phương chống đỡ về mặt chính trị, đã đồng ý rút quân, dưới những điều kiện của Hiệp định Paris 1973. Họ hiểu miền Bắc chắc chắn sẽ thắng, nhưng muốn, từ của Kissinger, “khoảng hợp lý” giữa ngày Mỹ ra đi và ngày miền Nam thất bại. Mặc dù đôi khi họ cũng nhảy múa với tư tưởng rằng miền Nam nếu được giúp đỡ cũng vẫn sống sót. Nghĩa là họ trông đợi miền Nam tự tiếp tục chiến đấu sau khi Mỹ rút quân, cốt yếu để cho Mỹ bớt phần xấu xí trước con mắt quốc tế. Âm mưu thâm độc này được phối hợp bởi những tướng lãnh qua làm chính trị của Nixon, sự mở rộng không gian cuộc chiến qua lãnh thổ Cambodia thổi bùng lên ngọn lửa phản chiến. Cú sốc giá dầu năm 1973 vô cùng tai hại và giá tột cùng đắt đỏ của chiến tranh gây ra sự lạm phát – và tất cả những điều này được phủ lên trên sự kiện Watergate bị phanh phui. Một Quốc hội vỡ mộng và nổi loạn đã từ chối ủng hộ cho cuộc chiến, áp đặt lệnh cắt, cắt hết mọi nguồn viện trợ quân sự cho Sài Gòn như đã từng hứa.

Không lay chuyển, nhưng với Nam Việt Nam, không thể giải thích, số đạn dùng cho mỗi khẩu súng phải được cho phép, số phi vụ oanh kích bị giới hạn, phụ tùng thay thế cứ giảm dần sau mỗi tháng. Vào cuối tháng Tám 1974, Trung tướng John E Murray, người chịu tránh nhiệm hậu cần cho quân đội miền Nam tác chiến đã viết thẳng ra rằng “không có một sự trợ giúp đúng đắn Quân lực Việt nam Cộng hòa sẽ bại trận, có lẽ không phải ngay tuần sau hay tháng sau, mà những năm đang tới”. Như là một vấn đề kỹ thuật quân sự, cuộc chiến thực ra khá đơn giản. Miền Nam là một quốc gia dài và hẹp, bởi vị trí địa lý tự nhiên của nó thường xuyên bị hở sườn. Nó phải có hệ thống phòng thủ chắc ở mọi địa điểm, không thể làm được điều này nếu không có phương tiện cơ động nhanh và hỏa lực mạnh do Mỹ viện trợ. Giờ đây, nguồn cung cấp đã khóa chặt.

Kỳ II: VNTB – Bốn mươi năm Sài Gòn sụp đổ: thành phố bị bỏ rơi

Tin bài liên quan:

VNTB – Trở lại Sài Gòn sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn

Do Van Tien

VNTB – Chạnh lòng tiếng rao cuối năm

Phan Thanh Hung

VNTB – Tùy bút: Và khi tro bụi…

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo