Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Bông hồng cài áo” có phải là truyền thống của Phật giáo Việt Nam?

Ngọc Lan

(VNTB) – “Bông hồng cài áo” là một nghi thức du nhập có cải biên từ Nhật Bản

 

Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, đã thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan báo hiếu, nghi thức cài hoa hồng và cầu siêu nhiễu đàn niệm Phật.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết nói rằng, trong lễ Vu Lan, những đóa hoa vàng thắm tượng trưng cho sự thoát tục, thanh tao của những bậc xuất gia tôn quý đối với cha mẹ vô cùng thiêng liêng và cao cả. Chính vì thế, trong buổi lễ Vu Lan, các tăng ni sinh đã bước lên cài hoa cho chư tôn đức và quý tăng ni, cũng như các Phật tử lại cài hoa hồng dâng cha mẹ.

Do đó truyền thống Phật giáo Việt Nam, trong lễ Vu Lan còn có nghi thức bông hồng cài áo, thể hiện sự tri ân: hoa hồng vàng dâng Phật – pháp – tăng, hồng đỏ dâng cha mẹ mừng Vu Lan, hồng trắng dành cho những người thiếu vắng cha mẹ…

Thực tế thì việc “bông hồng cài áo” là một nghi thức du nhập có cải biên từ Nhật Bản kể từ sau khi tác phẩm “Bông hồng cài áo” của thiền sư Thích Nhất Hạnh được phổ biến qua giai điệu của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

Lịch sử Phật giáo ở miền Nam Việt Nam trước tháng tư, 1975 có đoạn cho biết như sau: “Năm 1962 Thiền sư Nhất Hạnh viết đoản văn Bông hồng cài áo, trong đó ông đề nghị nên đưa tục lệ cài một bông hoa trên áo của người Nhật trong ngày Mother’s Day vào nghi thức lễ Vu Lan.

Ðoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn chép tay đoản văn này thành hàng trăm bản phổ biến ngay. Lễ Vu Lan năm này tại chùa Xá Lợi (Sài Gòn), Ðoàn Sinh Viên Phật Tử thực hiện nghi thức bông hồng cài áo: những người dự lễ nếu còn mẹ được cài bông hoa màu hồng trên áo, những người mất mẹ được cài bông hoa màu trắng.

Kể từ đó, lễ bông hồng cài áo trở thành nghi thức truyền thống đặc biệt trong lễ Vu Lan của Phật Giáo Việt Nam. Năm 1967, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phỏng theo ý văn trong đoản văn trên của Nhất Hạnh, viết bản nhạc Bông hồng cài áo. Bản nhạc này lập tức được sử dụng trong nghi thức Bông hồng cài áo của lễ Vu Lan.

Có thể nói qua việc thực hiện nghi thức Bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan năm 1962 tại chùa Xá Lợi, Ðoàn Sinh Viên Phật Tử đã chứng tỏ được khả năng tổ chức. Họ sẽ trở thành lực lượng chính làm bùng lớn cuộc đấu tranh của Phật Giáo từ tháng 5-1963, dẫn tới sự sụp đổ của chế độ Ngô Ðình Diệm”.

Trong “Bông hồng cài áo”, tác giả Thích Nhất Hạnh chỉ nói về màu sắc của bông hoa – trích: “Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân.

Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó.

Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa.

Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan”.

Như vậy, Ðoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn mới chính là tác giả của việc dùng ‘hoa hồng’ để làm “bông hồng cài áo” mùa Vu Lan. Hoa hồng màu trắng, màu hồng, màu vàng là những lựa chọn tùy vào đối tượng người cài.

Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn thời gian đó gắn với tên tuổi nhiều nhà sư Viện Hóa Đạo Ấn Quang như thầy Thiện Hoa, Thiện Hòa, Huyền Quang, Trí Thủ, Quảng Độ, Đức Nhuận, Thanh Từ, Nhất Hạnh, Minh Châu, Thiện Minh, Mãn Giácl Viện Hóa Đạo Việt Nam Quốc Tự có quý thầy Tâm Châu, Tâm Giác; và có một thầy không có chức vụ trong Viện Hóa Đạo mà ai cũng biết vì thầy là linh hồn của tất cả những phong trào đấu tranh Phật giáo là thầy Thích Trí Quang.

Nhiều đoàn sinh của Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn đã vướng lao lý khi bị cho là tiếp tế cho Việt Cộng tấn công Sài Gòn Tết Mậu Thân 1968, và đợt 2 của cuộc tổng tấn công vào năm 1969.

Tài liệu của “Hội Ân Xá Quốc Tế Amnesty International” có đề cập đến sự kiện họ đến thăm hỏi tù chính trị Côn Đạo là sinh viên Phạm Phi Long, Đoàn trưởng Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn.

Nhìn tổng thế, tính ước lệ của “hoa hồng – bông hồng” ở đây sẽ khó thuyết phục khi cho rằng với thời gian chỉ là một vòng hoa giáp, mà đã có thể gọi đây là truyền thống của Phật giáo Việt Nam như thuyết giảng ở mùa Vu Lan 2023 của Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam.


Tin bài liên quan:

VNTB – Cần có một ‘đại chỉnh huấn’ về cán bộ lãnh đạo y tế

Do Van Tien

VNTB – Nghi vấn hoại tử xương hàm trên vì “thần tốc xét nghiệm”

Trương Thế Tử

VNTB – Ra lệnh miệng gỡ bảng hiệu

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo