Anh Khoa dịch
(VNTB) – Biểu tình đang gia tăng và tăng trưởng kinh tế sẽ khó phục hồi
Hàng nghìn binh lính diễu tập trên đường phố Hà Nội vào ngày 10 tháng 1 để bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Màn phô diễn sức mạnh phù hợp với tâm trạng của Đảng. Cứ 5 năm một lần, các cán bộ đảng cấp cao lại thông qua một cách hình thức các chính sách và một lớp lãnh đạo mới.
Khi tập hợp đại hội năm nay, bắt đầu vào ngày 25 tháng 1, một số cán bộ có thể cảm thấy vui mừng. Chỉ với 1.544 ca mắc Covid-19 và 35 ca tử vong cho đến nay, Việt Nam đã xử lý tốt đại dịch. Đây là một trong số ít quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng năm ngoái, gần 3%. Công chúng hài lòng. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 5, đánh giá mức độ hài lòng của người dân từ 23 quốc gia đối với phản ứng của chính phủ họ đối với đại dịch, Việt Nam đứng hạng thứ hai.
Nhưng một khi những cảm xúc hài lòng này qua đi, các nhà lãnh đạo mới có thể sẽ nhíu mày lo lắng. Mặc dù Đảng không cho phép bất kỳ sự phản đối chính thức nào, nhưng những lời chỉ trích không chính thức ngày càng gia tăng. Nguyễn Khắc Giang, một nhà phân tích sống ở New Zealand, cho biết giáo dục và truy cập internet được cải thiện đã giúp người Việt Nam tiếp cận với “các giá trị phổ quát như dân chủ và nhân quyền”.
Hơn nữa, đã có 65 triệu người dùng mạng xã hội tại Việt Nam vào năm 2020, theo We Are Social, một công ty của Anh, trong dân số gần 100 triệu người. Trái ngược với “không gian công độc tài” ngoại tuyến, ông Nguyễn Khắc Giang lưu ý rằng “bạn có các nền tảng truyền thông xã hội tương đối tự do để có thể nói lên quan điểm của mình”. Người Việt Nam đã và đang làm như vậy vềmọi thứ, từ tham nhũng đến ô nhiễm.
Đảng đang cố gắng thay đổi điều đó. Trong 5 năm qua, ĐCSVN đã bắt 280 người vì các hoạt động “chống phá nhà nước”, tăng hơn nhiều so với chỉ 68 người trong 5 năm trước đó. ĐCSVN đã chỉ thị cho báo chí nhà nước loại bỏ các cụm từ “xã hội dân sự” và “nhân quyền” khỏi báo chí. Và vào tháng 10, chính phủ đã được Facebook hứa sẽ xóa 95% các bài đăng “độc hại”.
Giáo sư Vũ Tường của Đại học Oregon nói rằng cuộc đàn áp này là một dấu hiệu cho thấy Đảng lo lắng về sự bất bình của dân chúng. Trên thực tế, biểu tình là bất hợp pháp ở Việt Nam, tuy nhiên, trong 15 năm qua, chính phủ đã phải thay đổi đường lối nhiều lần trước áp lực của dư luận.
Năm 2018, hàng chục nghìn người Việt Nam đã xuống đường phản đối đạo luật hình thành ba đặc khu kinh tế cho các công ty Trung Quốc thuê đến 99 năm. Sau các cuộc đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và những người biểu tình, chính phủ đã từ bỏ kế hoạch này.
Theo Ben Kerkvliet của Đại học Quốc gia Australia, từ năm 1995 đến 2018, công nhân các nhà máy trên khắp cả nước đã tổ chức hơn 6.600 cuộc đình công. Chính phủ đã thay đổi một số luật để đáp ứng một số yêu cầu của người lao động.
Thương mại cũng sẽ khiến các nhà lãnh đạo của Việt Nam mất ngủ. Nhập khẩu và xuất khẩu đạt giá trị 208% GDP trong năm 2018 (tổng số hơn 100% là do các linh kiện được nhập khẩu, lắp ráp thành sản phẩm và sau đó tái xuất). Điều đó mang lại cho các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam – Mỹ và các nước EU – đối trọng đối với Chính Phủ.
Ông Nguyễn Khắc Giang lưu ý rằng để đảm bảo các giao dịch thương mại với Mỹ và EU, họ đã phải nhượng bộ. Chẳng hạn, gần đây Việt Nam đã hứa với EU sẽ bãi bỏ lao động cưỡng bức và cho phép các tổ chức công đoàn độc lập hoạt động.
Kể từ khi Đảng bắt đầu chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang thị trường vào những năm 1980, các nhà chức trách đã đánh giá tính chính danh của họ dựa trên việc thu nhập gia tăng. Chỉ trong vòng 35 năm, Việt Nam đã từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một cường quốc sản xuất có thu nhập trung bình.
The Economist Intelligence Unit, một công ty cùng nhóm với tờ The Economist, cho rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay. Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng trở lại mức tăng trưởng 7% trong những năm gần đây, những người mới tham gia vào thị trường lao động sẽ gặp khó khăn, ông Nguyễn Khắc Giang lưu ý.
Trong khi đó, bất bình đẳng đang gia tăng. Ở một số tỉnh, 20% lớp người giàu nhất có thu nhập nhiều gấp 20 lần so với 20% người nghèo nhất, theo Andrew Wells-Dang và Vũ Thị Quỳnh Hoa của Oxfam, một tổ chức từ thiện, đã viết. Đó là một điều đáng lưu tâm cho người được Đại hội bầu làm tổng bí thư.
Nguồn: The Economist