Kiều Phong (VNTB) Câu chuyện hợp tác xã bỏ phiếu làm thịt con trâu của anh nông dân xảy ra cách đây đã hơn nửa thế kỷ. Ngày nay áp bức tương tự vẫn ngang nhiên xảy ra. Một hội đồng gồm vài quan chức người cấp xã bỏ phiếu là đã danh chính ngôn thuận đi cưỡng chế đất của những người dân thấp cổ bé họng.
Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện: Sau Cải cách ruộng đất 1954, nhà nước áp đặt mô hình bao cấp lên toàn bộ nền nông nghiệp Việt Nam. Tại một hợp tác xã nọ, có hai cha con người nông dân nuôi một con trâu. Người cha ghi tên và đem con trâu đó vào cày kéo trong ruộng sản xuất của hợp tác xã. Rồi người cha mất, chỉ còn lại anh con trai. Bỗng dưng con trâu bị què chân nên không thể cày cấy. Nhân cơ hội đó, hợp tác xã tổ chức biểu quyết để làm thịt con trâu rồi chia đều cho nhau. Anh con trai thấp cổ bé họng chỉ biết khóc lóc kêu trời. Con trâu ghi tên sản xuất trong hợp tác xã, nhưng là trâu của cha con người nông dân, hợp tác xã lấy quyền gì làm thịt con trâu đó?
VNTB – Bùi Văn Nam Sơn: Con trâu bị xẻ thịt và quyền của thiểu số |
Một ví dụ về chiếm đoạt tài sản tư hữu nhắc đến những quyền tự do bất khả xâm phạm khác của mỗi công dân. Không thiếu trường hợp một nhóm những kẻ nhân danh số đông hay quá bán để ức hiếp người khác. Đó gọi là “bạo lực của số đông”, hay “độc tài của đa số”.
Trước Việt Nam rất lâu, ở phương Tây văn minh, những tên tuổi lừng danh của giới triết học đã cảnh báo về nguy cơ “ độc tài của đa số”. Cụ thể, lịch sử ngành triết học ghi nhận John Stuart Mill (1860-1873) trong hai cuốn Bàn về tự do và Chính thể đại diện cùng với Alexis De Tocqueville ( 1805-1859) trong cuốn Nền dân trị mỹ là hai triết gia đầu tiên xuất bản những nghiên cứu các công trình nói về nguy cơ này. Nhưng các học giả Tây phương chứng minh tính phản tiến hóa của bạo lực số đông khi ngồi trong những căn phòng an toàn trong những nền dân chủ. Tại Việt Nam, trong một nền học thuật không có tự do, trong một chế độ toàn trị áp bức tự do tư tưởng, Bùi Văn Nam Sơn là một triết gia dũng cảm và khéo léo đang cảnh báo về nguy cơ thủ ác của tập thể.
Định nghĩa “tự do”.
Hai chữ “tự do” vẫn xuất hiện như là trung tâm của Trò chuyện triết học, bộ sách tổng hợp những phân tích và lập luận của Bùi Văn Nam Sơn. Dĩ nhiên, triết học là một môn khoa học lý tính, xây dựng một lý thuyết có giá trị phổ quát là cả một công trình gồm những suy luận logic. Cũng vậy, trí thức khao khát tự do nhưng định nghĩa thế nào là “tự do” thì rất gian nan. Rất may, những tinh hoa tư tưởng nhân loại có thể đã đi đến sự thống nhất trong định nghĩa về “tự do” .
Cách mô tả thành công nhất và thường được trích dẫn nhiều nhất cho từ “tự do” có lẽ là của đại triết gia – chính trị gia người Đức gốc Do Thái Isaiah Berlin. Theo ông, con người, một mặt, là tự do thoát khỏi một điều gì, mặt khác, là tự do để làm điều gì. Tự do “khỏi” điều gì là tự do hành động, là sự vắng mặt của những cưỡng chế, ràng buộc, quy ước, giới hạn. Theo nghĩa đó, con người là tự do khi không bị cản trở trong hành động: không bị bỏ tù, không bị đánh đập, không bị bịt miệng…
Nhưng mặt khác mà Isaiah Berlin muốn nói đến là tự do để làm điều gì, đó là tự do ý chí. Cùng với việc tôn giáo bị tách ra khỏi nhà nước, các học giả chuyển từ lập luận về tự do nội tâm sang lập luận về tự do chính trị. Sự chuyên chế cực quyền ở châu Âu thế kỷ XVII, XVIII đã thôi thúc giới triết học phát minh ra một lập luận để dẫn tới tự do. Tư tưởng triết học và chính trị của các nhà khai minh Đức và Pháp sinh ra làm mồi lửa cho cuộc Đại cách mạng Pháp (1789). Nhưng trước đó, ở Anh, những tinh hoa tư tưởng từ rất sớm đã xây dựng lý thuyết về tự do, với các tên tuổi Thomas Hobbes ( 1588-1679) và John Locke ( 1632-1704).
John Locke được công nhận là người đầu tiên khẳng định “ quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” là những quyền bất khả xuất nhượng của người công dân.Trong tác phẩm Hai khảo luận về chính quyền, ông viết: “ Trạng thái tự nhiên là trạng thái của sự tự do hoàn toàn (…) để con người làm chủ hành động, sở hữu và nhân thân của mình mà không cần xin phép ai cả và không lệ thuộc vào ý chí của người khác.”
Quyền của thiểu số: Thước đo của tự do
Ngày hôm nay, khi các nền độc tài vẫn đang tuyên truyền bằng một mê cung những ngôn từ mĩ miều thì đâu là những tiêu chí để nhận biết một nền dân chủ hiện đại? Triết gia Bùi Văn Nam Sơn liệt kê ba tiêu chí dưới đây để bất kỳ ai nhìn vào cũng có thể biết mình có sống trong một chế độ dân chủ hay không:
Về lượng, nền dân chủ mở rộng cho toàn dân, vì đặt cơ sở trên nguyên tắc bình đẳng của mọi nhân thân trong xã hội.
Về chất, nó xác lập những quyền tự do cơ bản của nhân thân. Nhà nước không được can thiệp vào những quyền này, ngoài ra còn phải tôn trọng sự thỏa thuận tự nguyện giữa các cá nhân. Từ đó sinh ra tự do kinh tế, bí mật thư tín, tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do báo chí, tự do khoa học, nghệ thuật… và nhất là tự do lập hội.
Về cơ chế thực hiện, nền dân chủ hiện đại phải là nền dân chủ đại diện và không bị lạm quyền. Nhà tư tưởng vĩ đại Montesquieu trong Tinh thần của pháp luật đã mô tả thành công và lập luận rất đanh thép về điều này. Công trình đó chứng minh rằng sẽ rất nguy hiểm nếu một người hay một đảng phái có quyền vô hạn trong quyết định sinh mệnh và sự tự do của công dân. Nền dân chủ đại diện mà Montesquieu đặt nền móng được nhân loại tiến bộ áp dụng và trang trọng gọi tên là Tam quyền phân lập.
Khi nêu những tiêu chí đó, Bùi Văn Nam Sơn muốn nói rằng nguyên tắc căn của nền dân chủ chính là bảo hộ cho quyền tự tự do cá nhân. “Nền dân chủ với nguyên tắc đa số là một bước tiến lịch sử. Nhưng, bản thân nguyên tắc đa số không tự động bảo vệ được sự tự do vì nó dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ mị dân. Biết bao chế độ độc tài, phát xít lên cầm quyền hợp pháp bừng con đường đa số… Ngày nay, việc bảo vệ sự tự do và những quyền hạn chính đáng của thiểu số ngày càng trở thành thước đo đích thực cho chất lượng của một nền dân chủ”.
Câu chuyện hợp tác xã bỏ phiếu làm thịt con trâu của anh nông dân ở đầu bài viết xảy ra cách đây đã hơn nửa thế kỷ. Ngày nay áp bức tương tự vẫn ngang nhiên xảy ra. Một hội đồng gồm vài quan chức người cấp xã bỏ phiếu là đã danh chính ngôn thuận đi cưỡng chế đất của những người dân thấp cổ bé họng.
Thế là, các bè phái địa phương khoác chiếc áo “đại diện nhân dân” tha hồ vơ vét của nhân dân mấy chục năm qua. Vì sao trên biết nhưng không xử lý? Đơn giản là trong một hệ thống “ ăn của dân không chừa thứ gì”, chính phủ không công nhận quyền của thiểu số và từ chối bảo hộ tự do cho những người dân đã đóng thuế.
Thế nhưng quan nhất thời, dân vạn đại. Bất kể trình độ phát triển của mỗi nước vẫn có một chân lý phổ quát: Quyền của thiểu số là thước đo của tự do.
Tham khảo:
Trò chuyện Triết học- Bùi Văn Nam Sơn, NXB Tri Thức năm 2014