Mai Lan
(VNTB) – Thủ tướng quyết định “Sống chung với Covid”, vậy thì “bóc tách F0 khỏi cộng đồng” bằng lệnh giãn cách kéo dài để làm gì?
Không thể cứ mãi im lặng chờ chết
Cần ưu tiên mở cửa các doanh nghiệp trụ cột. Trụ cột ở đây hiểu theo nghĩa là mang lại tiền và đóng vai trò đảm bảo năng lực cạnh tranh quốc gia. Hiểu nôm na, nếu doanh nghiệp đấy không hoạt động lại sớm thì đơn hàng sẽ rơi vào tay nước khác, ví dụ ở các ngành thiết bị điện tử, dệt may, thủy sản…
Yêu cầu kỹ thuật để các nhà máy này hoạt động trở lại phải dựa trên quan điểm phí tổn – lợi ích. Đồng nghĩa nêu ra câu hỏi việc giãn cách và mở cửa – ở thời điểm nào – sẽ có khả năng gây thiệt hại hay đem lại lợi ích định lượng được ra sao.
Trong một văn bản ‘tiếp tục kiến nghị’, 14 Hiệp hội doanh nghiệp, gồm: Hội Lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh (FFA), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Tp.Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VFA), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) và Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) – đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam, bày tỏ mong muốn lời nói của Thủ tướng cần đi đôi với hành động tương ứng.
Văn bản được ký ngày 16-9-2021 gửi Thủ tướng Chính phủ của 14 Hiệp hội kể trên, viết như sau:
“Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 do biến chủng Delta khiến việc giãn cách xã hội tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh miền Nam đã kéo dài từ 2 đến 3 tháng.
Giãn cách, phong toả diện rộng và kéo dài khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và tình hình này không thể kéo dài. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của Tp. Hồ Chí Minh tháng 8-2021 giảm 49,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 59,4%.
Khoảng 18% doanh nghiệp khối EU đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông – ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ.
Trong tinh thần cao nhất của cộng đồng doanh nghiệp là luôn chung tay với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cùng với các tiếp cận chống dịch linh hoạt mới, thì yêu cầu khởi động lại nền kinh tế là rất cấp bách.
Thủ tướng đã nói, giờ hãy hành động thôi!
Để đảm bảo cả 03 trụ cột y tế, kinh tế, xã hội như “kiềng 3 chân”, cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh Thủ Tướng Chính Phủ, tại cuộc họp ngày 29-08-2021, đã xác định quan điểm “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”, tức là chuyển từ mục tiêu “Zero Covid” hiện nay sang mục tiêu “Sống chung với Covid”. Quan điểm này phù hợp với quan điểm của WHO nêu ngày 07-9-2021 và quan điểm của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị phòng chống dịch phù hợp với quan điểm và tình hình mới, có nghĩa là cần thay thế Chỉ thị số 15, số 16 do dịch bệnh đã chuyển giai đoạn mới, mục tiêu “Zero Covid-19” đã chuyển sang “sống chung với Covid-19”. Chỉ thị mới cần phải quy định thống nhất các tiêu chí, điều kiện phòng chống dịch – phục hồi kinh tế và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Lưu ý, các cá nhân đều có quyền và mong muốn mưu cầu sinh kế, di chuyển vì vậy không nên phân biệt người đã tiêm và chưa tiêm vắc xin, mà nên phân biệt theo kết quả xét nghiệm, đó là biện pháp tốt nhất trong giai đoạn hiện nay và cũng là cách tốt nhất để mọi người yên tâm khi tiếp xúc.
Văn bản của 14 tổ chức nói trên đã đưa ra khái niệm “Điểm”, với định nghĩa “Điểm” như sau: Điểm dân cư: Căn nhà, căn hộ hoặc khu dân cư nhỏ nhất theo quy định của Bộ Y tế khi sửa đổi thay thế Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG về “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19”;
Điểm dịch vụ: Cơ quan, văn phòng, chợ, siêu thị, hộ và cá nhân kinh doanh dịch vụ; Điểm sản xuất: Hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp dịch vụ, nhà máy, công trình, bến cảng. Các điểm có F0 là điểm đỏ.
Từ phân biệt “Điểm” như trên, sẽ tập trung quản lý dịch bệnh bằng việc xét nghiệm định kỳ và xác xuất tại các Điểm. Lấy tổ dân phố, tổ Covid cộng đồng làm nòng cốt phòng chống dịch tại các Điểm dân cư. Các tổ chức, doanh nghiệp chủ động sắp xếp số lao động tham gia làm việc tại các Điểm.
Việc phòng chống dịch tại nơi sản xuất, khi có F0, khoanh vùng, tách F0, F1, chủ động phương án cách ly, điều trị, khôi phục sản xuất trong ngày, đồng thời thông báo y tế địa phương.
Về chi phí xét nghiệm và điều trị về Covid, 14 tổ chức hội nghề nghiệp đưa ra các yêu cầu cụ thể: Ngân sách nhà nước chi trả các chi phí cho các cá nhân chưa có bảo hiểm y tế; Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm; Các bệnh viện, tổ chức y tế tư nhân được phép thu phí xét nghiệm và điều trị; Chi phí xét nghiệm và phòng chống dịch của các tổ chức, doanh nghiệp được khấu trừ vào chi phí doanh nghiệp, hoặc kinh phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội.
“Không nêu những hình ảnh quá bi đát làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong mắt các đối tác và nhà đầu tư nước ngoài” – trích văn bản kiến nghị của 14 tổ chức hội nghề nghiệp.