Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cải cách tiền lương nhà giáo đâu là cốt lõi?

Minh Hải

 

(VNTB) – Cốt lõi vấn đề là phải làm sao nhà giáo sống được với lương, không phải cứ tăng lương và tăng lương là giải quyết xong. 

 

Những ngày tháng 8/2024 vừa qua, Chính phủ Việt Nam ban hành các Nghị quyết triển khai việc tăng lương cho cán bộ, công-viên chức, lực lượng vũ trang và người nghỉ hưu. Đáng chú ý là lương nhà giáo dự kiến sẽ tăng đáng kể khiến dư luận có những tranh luận sôi nổi: Lương tăng nhưng chất lượng có tăng? Có “thực” chưa chắc vực được “đạo”…

Cụ thể vào ngày 15/8/2024, mạng xã hội tại Việt Nam tràn ngập những tranh luận sôi nổi về việc Bộ Chính trị  có Kết luận số 91 việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số: 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục-Đào tạo nhấn mạnh chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, vùng-miền.

Trước đó, Chính phủ  cũng có những văn bản để triển khai thực hiện việc tăng lương cho cán bộ, công-viên chức, lực lượng vũ trang, người nghỉ hưu từ ngày 1/7/2024 trở về sau, tăng khoảng 30% tính cả lương cơ sở và phụ cấp. Có nghĩa là, trước đây lương cơ sở của các thành phần này tính đến ngày 30/6 là 1,8 triệu đồng/tháng thì từ ngày 1/7 về sau sẽ được tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Và cách tính lương trước ngày 1/7 áp dụng chung một công thức:

Lương= lương cơ sở x hệ số

Còn kể từ ngày 1/7 về sau, riêng ngành nhà giáo được tính lương theo công thức sau:

Lương nhà giáo= Lương cơ sở (70% tổng quỹ lương) + Phụ cấp (30% tổng quỹ lương).

 

Cơ cấu tiền lương giáo viên

 

Đây rõ ràng là một cuộc cải cách tiền lương đối với người lao động nói chung và của ngành giáo dục nói riêng. Lương của ngành này từ nay về sau sẽ cao hơn rất nhiều so với một số ngành nghề khác và chắc chắn cao hơn đáng kể so với mức lương thực nhận của ngành khi chưa cải cách.

“Chất lượng” ở đây có thể hiểu là chất lượng giáo dục, giảng dạy, chất lượng cuộc sống của người trong ngành.

Tính trước ngày 1/7/2024, mức lương của nhà giáo Việt Nam là từ gần 3,8 triệu đồng/tháng đến hơn 11 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương được cho là chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của chứ chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng cuộc sống của giáo viên.

Điều chỉnh lương giáo viên từ 1/7/2024

 

Nhà giáo không chỉ làm việc, nhận lương, ăn uống mà cũng cần có những nhu cầu cá nhân khác dành cho bản thân, gia đình và con cái. Trong bối cảnh giá cả thị trường tăng mà lương lại có hạn như hiện nay, thì không thể sống với ngành được.

Năm 2023, Viện Công nhân và Công Đoàn lao động Việt Nam công bố có đến 75,5% nguồn thu nhập hiện tại của người lao động không đủ nhu cầu chi tiêu, bí bách về lương.

Còn đối với nhà giáo nói riêng, thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam cho biết, từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024, cả nước có 7.215 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong 3 năm, tính từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, cả nước có 40.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.

Do đó, việc cải cách tiền lương theo hướng tăng từ ngày 1/7 dù sao cũng là một tin vui, đáp ứng phần nào mong mỏi và kỳ vọng của nhà giáo. Lương tăng, chất lượng cuộc sống phần nào cải thiện sẽ giúp nhà giáo yên tâm hơn khi sống với nghề. Những người giảng dạy vùng sâu, vùng xa phần nào cũng đỡ vất vả, khó khăn.

Ngoài ra tăng lương cũng có tác dụng thu hút nhiều học sinh giỏi hơn thi vào ngành sư phạm dẫn đến chất lượng ngành giáo dục cũng tốt hơn. Qua đó sẽ giúp ngành Giáo dục có thêm nhiều nhân lực để tuyển dụng, giảm thiểu vấn đề “chảy máu chất xám”.

Tuy nhiên, về mặt lý thuyết là vậy nhưng ở mặt thực tế thì chưa chắc. Nền kinh tế Việt Nam chưa đủ mạnh dẫn đến việc khó điều tiết được giá cả hàng hóa ngoài thị trường. Trong khi thị trường lại rất nhạy cảm với lương, đi trước lương, lương tăng-giá hàng hóa tăng, thậm chí lương chưa kịp tăng thì giá hàng hóa đã tăng, tăng hơn lương.

Kết quả là, dự kiến tăng lương 30%, giá hàng hóa cũng tăng 30% hoặc cao hơn sẽ kéo theo lạm phát gia tăng, một điều không hề mong muốn. Vậy là vẫn như kịch bản cũ, lương tăng đi cùng với khó khăn tăng vậy chất lượng nói chung tăng như thế nào? Có lẽ cốt lõi vấn đề là phải làm sao nhà giáo sống được với lương, không phải cứ tăng lương và tăng lương là giải quyết xong.

Cũng cần phải nói thêm rằng, hằng năm hầu hết các ngành nghề công hay tư đều có chính sách tăng lương, ngành giáo dục cũng không ngoại lệ.

Giáo viên giảng dạy các môn như tự nhiên: Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ… có thể có thêm nguồn thu nhập từ việc dạy thêm.  Tổng lương chung của nhóm giáo viên này cao hơn nhiều so với mức lương thực nhận của những giáo viên giảng dạy các môn xã hội cũng như người lao động ở một số ngành nghề khác.

Vậy thì ngành nhà giáo có tăng lương, có thu nhập thêm để cải thiện cuộc sống đó chứ? Nhưng hãy nhìn thực tế xem, sao chất lượng giáo dục Việt Nam lại luôn bị đánh giá kém.  Đạo đức thầy và trò thời gian gần đây đang cho thấy xuống cấp nghiêm trọng. Rồi nạn tham nhũng-hối lộ, tiêu cực học đường tràn lan tại các cơ sở giáo dục…

Bức tranh giáo dục Việt Nam quá ảm đạm rõ ràng nguyên nhân sâu xa đâu chỉ do mức lương thấp hay cao, lương tăng đúng là có “thực”, giúp giải quyết nhiều vấn đề nhưng chưa chắc đã vực được “đạo”.

 

____________________

Tham khảo:

https://vietnamnet.vn/luong-cong-chuc-vien-chuc-tang-bao-nhieu-khi-cai-cach-tien-luong-tu-1-7-2024-2208934.html

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Mái ấm Hoa Hồng nhấn chìm Fulbright và Quang Vinh

Do Van Tien

VNTB – Vài lời trao đổi với PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn

Do Van Tien

VNTB – Những Cô Giáo Nhỏ

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.