Ngọc Lực
(VNTB) -“Gù” nảy sinh tham nhũng vật chất, quyền lực, lợi ích nhóm. Đơn giản vậy thôi.
Báo Tuổi Trẻ ngày 14-05 xuất bản nội dung: “Ai chấp nhận là ‘người khuyết tật?”
Nội dung và tiêu đề không chính xác, báo phải đặt câu hỏi: điều gì đã đẩy Bùi Thanh Trà chấp nhận “gù”?
Cựu trưởng phòng khảo thí, Bùi Thanh Trà (giáo viên kiêm tổ trưởng chấm thi môn Ngữ văn), nói rằng sẽ khó khi không làm theo (nâng điểm) vì “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”.
“Gù” vì cơ chế nó thế, “ai cũng gù” vì cơ chế “sản xuất” sản phẩm xã hội ra như thế. Bùi Thanh Trà nằm trong cơ chế và là sản phẩm của cơ chế “thăng quan tiến chức” buộc phải “gù”.
“Ai cũng gù” – không chỉ là một cách nói về chuyện bè phái, địa phương, lợi ích nhóm… đây chính xác là cách chúng ta nói về các cơ chế chính trị xã hội.
Một xã hội lành mạnh sẽ giúp phần “người thẳng” lấn áp “người gù”.
Làm thế nào để không trở thành người “gù” khi mảng cao nhất về mặt tư pháp, TAND tối cao, nơi 17 vị thẩm phán “đạo đức, văn minh, văn bằng đầy người” sẵn sàng biểu quyết kết án tử một người, bỏ qua các sai sót cực kỳ nghiêm trọng về mặt tố tụng.
Làm thế nào để không trở thành người “gù” khi lên tiếng chỉ trích, phê phán, góp ý, phản đối một cá nhân, sự kiện, chính sách, chủ trương ngay lập tức bị đe doạ, sách nhiễu, bắt giam, truy tố, kết án? Một bầu không khí đe nẹt, sợ hãi bẻ cong những ai đang cố thẳng người trở thành gù.
Làm thế nào để không trở thành người “gù” khi biểu quốc hội, đại biểu cơ quan quyền lực quốc gia, nhưng chỉ có 3/500 đại biểu lên tiếng vụ án Hồ Duy Hải. Và ngay lập tức. Điều đáng nói là ba vị đại biểu đó đã bị Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ đe doạ là có “phát ngôn nguy hiểm”, cái “tội” mà đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân không tìm thấy trong Hiến pháp, đạo lực tổ chức và hoạt động quốc hội.
Làm thế nào để không “gù” khi vị Chánh án TAND Tối cao tuyên bố quan điểm xử án bằng được: nếu không có đủ căn cứ chứng minh là tội nặng thì phải quyết có tội nhưng tội nhẹ. Nếu không đủ ở khoản cao thì phải xử ở khoản thấp”.
Một ví dụ nhỏ, mới đây nhất trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài được Bộ Giao thông – Vận tải thừa nhận bất cập, đang tìm hướng xử lý, thế nhưng người đấu tranh chống bất cập như em Huệ Như lại bị TAND Sóc Sơn tuyên án 3 năm rưỡi tù giam, trước đó Huệ Như bị xô xát đến mức sẩy thai.
Thành thật mà nói, các nguyên tắc như “Hiến pháp quan trọng thứ hai sau cương lĩnh đảng”, và “đại biểu quốc hội là đại diện cho dân… nhưng vẫn phải chấp hành đúng chủ trương, đường lối, chính sách của đảng” khiến xã hội tiếp tục nảy sinh “gù xã hội”. Những nguyên tắc đó khác gì so với những điều mà Nguyễn Ái Quốc từng lên tiếng tố cáo, “chúng trực tiếp nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước, thi hành chính sách cai trị chuyên chế”.
Chuyên chế tạo ra một xã hội im lặng, sợ hãi và “gù”.
“Gù” nảy sinh tham nhũng vật chất, quyền lực, lợi ích nhóm. Đơn giản vậy thôi.
Những người chưa “gù”, mời quý vị tìm họ trong lao tù và những tù nhân dự bị (phản động) ngoài song tù.