VNTB – Cấm xuất cảnh vì “cảm giác cá nhân”?

VNTB – Cấm xuất cảnh vì  “cảm giác cá nhân”?

Cát Tường

 

(VNTB) – Công dân Võ An Đôn bị “hoãn xuất cảnh” vì nhà chức trách “cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”.

 

Ông Võ An Đôn là hành khách đặt chuyến bay EK393 dự kiến xuất cảnh đi Dubai lúc 23 giờ 55 phút ngày 27-9. Ông Đôn bị tạm hoãn xuất cảnh vì lý do an ninh quy định tại điều 36 của Luật số 49/2019/QH14 về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh. Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đề nghị ông Võ An Đôn liên hệ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Phú Yên để giải quyết.

Ông Võ An Đôn từng là luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên.

Luật số 49/2019/QH14 còn được gọi là Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Nội dung được “vận dụng” để “hoãn xuất cảnh” với ông Võ An Đôn, rất có thể nằm ở khoản 9 của điều luật số 36: “Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”.

Thông thường thì khoản 9 kê trên chỉ được thông báo khi đương sự làm thủ tục cho chuyến bay xuất cảnh. Khi bị dừng như vầy, coi như người đó phải mất tiền đã mua vé cũng như các chương trình cho chuyến xuất cảnh bị phá vỡ mà phía nhà chức trách không có trách nhiệm đền bồi của chuyện “phút 89” này.

“Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh” là cụm từ dường như được dựa trên cảm giác cá nhân của vị lãnh đạo nào đó hơn là những chứng cứ của biện giải.

Vì là điều luật của “cảm giác” nên ở Điều 39 “Trình tự, thủ tục thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh”, cho phép người ra quyết định tạm hoãn quyền hành chính “không cần báo trước” với đương sự chịu sự điều chỉnh: “Người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh có trách nhiệm gửi văn bản theo mẫu đến Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản theo mẫu cho người bị tạm hoãn xuất cảnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 36 của Luật này”.

Ví dụ như nếu cho rằng cựu luật sư Võ An Đôn khi định cư ở Hoa Kỳ sẽ mang đến đe dọa về truyền thông khi ông trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, thì đây là lo ngại kiểu “bò trắng răng” khi so sánh với các trường hợp như ông Cù Huy Hà Vũ, bà Tạ Phong Tần, ông Nguyễn Văn Đài đều từng công tác ở văn phòng luật sư khi còn ở Việt Nam.

Hơn thế, việc “hoãn xuất cảnh” ở “phút 89” với ông Võ An Đôn càng thu hút hơn giới truyền thông quốc tế về quyền tự do đi lại ở Việt Nam; và các “thế lực thù địch” như cách gọi lâu nay của nhà chức trách Việt Nam, lại càng có cớ để “rêu rao” về nhân quyền trong chế độ độc tài toàn trị của Hà Nội.

Có ý kiến là thời điểm hiện tại khi “phe nhóm đang đánh nhau” cho “luận kiếm Hoa Sơn” vào tháng Mười tới đây, thì chuyện “hoãn xuất cảnh” là “đòn roi” đánh vào tham vọng chính trị của Thủ tướng Phạm Minh Chính, khi ông được cho là một trong những ứng viên danh giá của ghế Tổng bí thư đảng.

Vậy thì chừng nào ông Võ An Đôn mới có thể “xuất cảnh trở lại”?

Về nguyên tắc thì thời gian rất vô chừng và cảm tính, vì, “thời hạn tạm hoãn xuất cảnh được tính đến khi không còn ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an” – trích Điều 37.9, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Những rối rắm trên nếu căn theo luật mà luận bàn, tuy có mâu thuẫn về quyền tự do đi lại, nhưng lại nằm trong phạm vi mà luật hiến pháp chấp nhận: “Điều 23. Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Công Tâm 2 years

    Cho người ta đi sớm thì người ta sớm gửi đô la về, trì hoãn làm gì mấy ông ơi…