Ngọc Vân dịch
Kỳ 4: Liệu chúng ta có thể biến chính trị so sánh thành một ngành khoa học thực sự?
Chỉnh biên từ quyển Essentials of Comparative Politics của Patrick H. O’Neil, một giáo trình chính trị so sánh phổ biến cho sinh viên đại học tại Hoa Kỳ
Đến giờ, chúng ta đã bàn nhiều về nhiều mặt làm cho chính trị so sánh – khoa học chính trị nói chung – trở thành một lãnh vực khó nghiên cứu. Các khoa học gia khó có thể kiểm soát các biến số và chúng lại tương tác với nhau, trong khi các trường hợp thực tế lại ít. Khó tiếp cận thông tin, và các so sánh có thể bị lệch lạc vì các nhà nghiên cứu thường chỉ có kiến thức về một vùng cụ thể và bởi mức độ quan tâm của các nhà nghiên cứu. Các câu hỏi được đặt ra có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiên lệch trong việc lựa chọn và nội sinh. Tất cả những yếu tố này làm cho khó có thể đưa ra được các lý thuyết trong khoa học chính trị, cái mà chúng ta có thể định nghĩa là một tập hợp các giả thuyết, giả định, và các dữ kiện. Bây giờ, bạn có thể cho rằng không thể có hy vọng gì từ khoa học chính trị. Tuy vậy, chính các điều cần phải quan tâm này đã dẫn dắt khoa học chính trị, và chính trị so sánh như một phân ngành của nó, đến một cách tiếp cận có khoa học hơn. Liệu cách tiếp cận này đã hay sẽ đem lại những lợi ích đáng kể, và với mức chi phí nào, là điều mà chúng ta sẽ xem xét sau đây.
Khoa học chính trị và chính trị so sánh có một quá trình hình thành và phát triển khá dài. Ở hầu hết các xã hội lớn, có những công trình kinh điển về chính trị, đề ra những quy luật hay, ở tần suất thấp hơn, phân tích các hành vi chính trị. Ở Tây Phương, các công trình của triết gia Aristotle (384-322 trước Công Nguyên) – bạn đọc có thể đọc miễn phí các tác phẩm của Aristotle cũng như một số tác giả khác tại đây: https://icevn.org/en/published-books/ – đã tách khỏi việc nhấn mạnh các lý tưởng chính trị trong thời gian dài và tiến hành các nghiên cứu so sánh giữa các hệ thống chính trị đã tồn tại trong thời gian đó, sau cùng, thu thập và phân tích các hiến pháp của 158 quốc-gia-thành-phố ở Hy Lạp. Mục đích của Aristotle là hiểu đuợc các hình thức khác nhau của chính trị và các điểm mạnh và yếu của chúng hơn là xác định hệ thống chính trị lý tưởng. Với cách tiếp cận này, Aristotle đã hình thành ngành khoa học chính trị ứng dụng (có nghĩa là có thể quan sát và xác minh được) với một mục đích thực tiễn: nghệ thuật cai trị. Có lẽ Aristotle là người Tây Phương đầu tiên tách việc nghiên cứu chính trị ra khỏi triết học.
Phương pháp nghiên cứu từ rất sớm của Aristotle đã không ngay lập tức dẫn đến bất kỳ một nghiên cứu có hệ thống nào trong chính trị học. Trong 1.800 năm sau thời của ông, các thảo luận về chính trị vẫn hầu như là một phần của triết học, với việc nhấn mạnh vào câu hỏi chính trị nên như thế nào hơn là chính trị đã diễn ra như thế nào. Các lý tưởng, chứ không phải là các kết luận rút ra từ các bằng chứng, là những yếu tố chính được nghiên cứu. Chỉ đến những công trình của Niccolo Machiaveli (1469-1527) thì phương pháp so sánh mới thực sự xuất hiện. Cũng như Aristotle, ông phân tích các hệ thống chính trị khác nhau – các hệ thống tồn tại trong vào thời của ông cũng như trước đó, chẳng hạn như Đế Quốc La Mã – và ông còn đưa ra các nhận định khái quát về thành công và thất bại. Những phát hiện này, theo ông, có thể được các chính trị gia áp dụng để tránh những lỗi lầm của những người đi trước. Các công trình của Machiavelli thể hiện tính thực dụng, bàn về cơ chế vận hành của chính quyền, ngoại giao, chiến lược quân sự, và quyền lực.
Vì việc nhấn mạnh đến nghệ thuật cai trị và các kiến thức ứng dụng, Machiavelli thường được xem là nhà khoa học chính trị hiện đại đầu tiên, người đã mở đường cho các học giả khác. Các công trình của ông ra đời và lúc mà trật tự thời trung cổ đang dần nhường chỗ cho Thời Kỳ Phục Hưng, với sự nhấn mạnh vào khoa học, luận lý, chủ nghĩa thế tục, và các kiến thức thực tiễn chứ không phải các lý tưởng trừu tượng. Các công trình trong bốn thế kỷ sau đó củng cố ý tưởng rằng, chính trị, cũng như các lĩnh vực khác, có thể được phát triển như một ngành khoa học có lô-gíc, chặt chẽ, và có thể dùng để dự đoán.
Trong những thế kỷ này, một số nhà tư tưởng lớn đã tiếp nhận phương pháp nghiên cứu so sánh vào nghiên cứu chính trị, dần dần thoát khỏi các nền tảng tôn giáo, triết học, hay đạo đức. Vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, các tác giả như Thomas Hobbles và John Locke theo gương Machiavelli, cổ võ cho những hệ thống chính trị cụ thể dựa trên những quan sát và phân tích thực tiễn. Sau họ, trong thế kỷ 18 là những học giả như Jean-Jacques Rousseau và Baron de Montesquieu, các công trình nghiên cứu của những triết gia này đã tách quyền lực khỏi các quyền tự do dân sự và ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung của Hiến Pháp Hoa Kỳ và các văn bản quan trọng sau đó. Các công trình của Karl Marx và Max Weber trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 tiếp tục bổ sung cho khoa học chính trị, với những phân tích về bản chất của quyền lực và tổ chức kinh tế và chính trị. Tất cả những tiến bộ này phản ánh những thay đổi lớn trong nghiên cứu khoa học và thường pha trộn giữa việc nghiên cứu khoa học và thường pha trộn các lý tưởng chính trị với các khái niệm nghiên cứu và cả một số nỗ lực nhằm thiết lập một phương pháp nghiên cứu có hệ thống.
Vì vậy, vào đầu thế kỷ 20, nghiên cứu chính trị chính thức tồn tại như một ngành khoa học nhưng cũng rất khác với khoa học chính trị ngày nay. Các nghiên cứu chính trị so sánh, trong khi ít tập trung vào triết học và các lý tưởng, trông có vẻ như một loại báo chí chính trị: chủ yếu là mô tả, bán-lý-thuyết, và tập trung vào khu vực Âu châu, nơi kiểm soát chính trị thế giới vào khoảng thời gian đó. Có rất ít tính so sánh trong các công trình nghiên cứu kiểu này.
Hai cuộc thế chiến và sự xuất hiện của cuộc Chiến Tranh Lạnh đã đưa đến một bước ngoặt trong khoa học chính trị và chính trị so sánh, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Có vài lý do dẫn đến điều này. Thứ nhất, có một trào lưu trong các trường đại học hướng đến việc áp dụng các phương pháp chặt chẽ trong việc nghiên cứu hành vi của con người, dù trong xã hội học, kinh tế, hay chính trị. Thứ hai, các cuộc thế chiến đưa ra một câu hỏi quan trọng về khả năng của các học giả trong việc đóng góp một cách có ý nghĩa cho việc hiểu chính trị thế giới. Việc hình thành các quốc gia mới, sự xuất hiện của chủ nghĩa phát-xít, và sự thất bại của các nền dân chủ ở Âu Châu trong thời kỳ giữa hai thế chiến tạo ra những quan tâm lớn, nhưng các khoa học gia chính trị dường như chưa hiểu rõ các vấn đề này và ảnh hưởng của chúng đến sự ổn định của thế giới. Thứ ba, cuộc Chiến Tranh Lạnh với Nga Xô, với vũ khí hạt nhân và chủ nghĩa cách mạng, làm cho vấn đề nghiên cứu so sánh có tính quan trọng sống còn. Sau cùng, thời kỳ hậu chiến đưa đến một làn sóng tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là các máy tính đời đầu tiên. Điều này dẫn đến một niềm tin phổ biến rằng với các tiến bộ về công nghệ, các vấn đề xã hội sẽ trở thành các vấn đề kỹ thuật và sau cùng sẽ được giải quyết bằng khoa học. Nỗi sợ hãi một cuộc chiến tranh khác vì vậy kết hợp với niềm tin rằng khoa học luôn mang lại những điều tốt đẹp sẽ có câu trả lời cho hầu như mọi vấn đề. Vấn đề là làm sao khoa học có thể giải quyết được chúng.
(Còn tiếp)