Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần gìn giữ tôn giáo nội sinh ở Nam bộ

Phạm Lê Đoan

 

(VNTB) – Luật tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành của Việt Nam đang dựng hàng rào thủ tục hành chính, với định hướng ‘đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội’ với hầu hết các tôn giáo.

 

Thuật ngữ tôn giáo nội sinh Nam bộ cho đến nay không còn xa lạ với bất kỳ nhà nghiên cứu tôn giáo nào ở Việt Nam. Khái niệm nhằm chỉ các tôn giáo được sản sinh bởi các ông Đạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long thời gian cuối XVIII – đầu XIX. Bao gồm: Bửu Sơn Kỳ Hương gắn với người sáng lập là Đoàn Văn Huyên, Tứ Ân Hiếu Nghĩa gắn với nhân vật Ngô Lợi, Hòa Hảo gắn với Huỳnh Phú Sổ và Phật giáo hiếu nghĩa Tà Lơn gắn với nhân vật Nguyễn Văn An…

Tài liệu về đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho biết, trong thời gian tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương ở vùng Bảy Thưa – Láng Linh đang chuẩn bị và thực hiện cuộc khởi nghĩa chống Pháp (1867), do người đứng đầu tôn giáo của họ là Trần Văn Thành lãnh đạo, thì ở vùng Châu Đốc (An Giang) dân chúng xôn xao về một người vừa được giáng thế, truyền đạo cứu đời. Người ấy có tên là Ngô Lợi (1831-1890) và tôn giáo do ông truyền dạy đó, sau này, được gọi là đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa hoặc gọi tắt theo cách của người Nam Bộ là đạo Hiếu Nghĩa.

Tháng 5 năm 1867, ông Ngô Lợi chính thức khai đạo và dạy nghi thức hành đạo cho nông dân. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa lúc mới ra đời chưa có tên gọi chính thức. Nhiều người theo ông học đạo, hay gia nhập tôn giáo của ông, hỏi danh xưng của đạo là gì? Ông đáp vắn tắt là Đạo Thờ Ông Bà, đúng như tinh thần đạo lý đã truyền giảng.

Sau này, khoảng năm 1870 trở đi, tôn giáo do ông Ngô Lợi sáng lập mới được gọi là Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cũng có tài liệu nói danh xưng này chỉ xuất hiện khi thực dân Pháp bắt xưng danh mối đạo để tiện việc kiểm tra sau khi ông Ngô Lợi đã mất, 1890.

Các tên gọi của đạo phản ánh nội dung hành xử của giáo lý. Đạo Thờ Ông Bà là nhằm chỉ một trong những đối tượng quan trọng nhất của nghi thức thờ cúng, đồng thời cũng nhấn mạnh tinh thần “hiếu nghĩa” đối với tổ tiên của những người theo tôn giáo này.

Trong Kinh Hiếu Nghĩa, phần Phụng bái Bác Như Lai, ông Ngô Lợi viết: “Hiếu Nghĩa là đầu mối của tứ ân, thực hành được hiếu nghĩa (theo tinh thần của kinh này), thì đền trả được ơn tổ tiên, cha mẹ, đất nước, đồng bào, nhân loại và tam bảo… công đức của đạo Hiếu thật là rộng lớn”. Như vậy, tên gọi đạo Hiếu Nghĩa đã phản ánh cứu cánh quan trọng của tôn giáo này…

Tứ Ân Hiếu Nghĩa là tên gọi bao hàm chỉ mục đích và nội dung hành đạo mà chỉ mới nghe qua tên gọi người chưa biết về giáo lý của đạo cũng đã phần nào hình dung đây là một tôn giáo chú trọng đạo hiếu, đền trả ơn nghĩa tổ tiên, ông bà…

Tháng Giêng năm Nhâm Thân (1872), ông Ngô Lợi cùng rất nhiều tín đồ dùng thuyền ngược dòng Cửu Long đến xã An Lộc, tổng An Lương, An Giang truyền giảng giáo pháp. Đến tháng 7, ông đã xây cất ngôi chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa đầu tiên tại xã Bình Long. Từ đây, Ngô Lợi mở rộng việc truyền đạo ra khắp vùng (sang cù lao Ba, xã Vĩnh Thành nay là Vĩnh Trường, An Phú; ngược miền Thất Sơn).

Đầu năm 1876, Đức Bổn Sư Ngô Lợi đã cử một đại đệ tử trung tín là Trần Tịnh đi thám sát núi Tượng, chọn địa điểm thuận tiện để đưa tín đồ vào đây khai hoang lập ấp, xây dựng cuộc sống ổn định. Sau khi công việc tiền trạm đạt kết quả, Đức Bổn Sư Ngô Lợi đã dẫn nhiều tín đồ vào núi Tượng “trảm thảo khai sơn”, xây dựng xóm làng, hình thành các làng mới An Định, An Hòa, An Thành, An Lập với 100% dân chúng là tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Đức Bổn Sư khuyên tín đồ phải tự lực, siêng năng khai mở đất đai, trồng tỉa nuôi thân, đốn cây rừng, lấy đá núi cất nhà mà ở, cùng chung sức giúp đỡ nhau làm ăn, sinh sống và tu niệm. Dân chúng khắp nơi không quản ngại xa xôi, khó khăn gian khổ đã tụ họp về đây rất đông, nhà cửa mới cất lên san sát như “bánh ếch sắp trên sàng” (theo cách gọi trong các tài liệu của người Pháp lúc ấy).

Để có nơi thờ phượng, lễ bái trong thời gian đầu đến núi Tượng, Đức Bổn Sư đã cho dựng tạm một ngôi chùa tại vị trí của ngôi Phi Lai hiện nay (thị trấn Ba Chúc).

Cuối năm 1877, khi cuộc sống tín đồ tạm ổn định bước đầu, Đức Bổn Sư đã bắt tay vào việc xây dựng một ngôi đình và một ngôi chùa. Đó là đình làng An Định thờ trăm quan cựu thần, anh hùng liệt sĩ và phía sau, nối tiếp với đình là chùa Phi Lai.

Chùa Phi Lai, bên trong thờ Trần Điều ở chính điện, Tứ Đại Thần Châu xung quanh bàn thờ Chư Phật, hai bên tả hữu thờ các vị Tiền hiền, Hậu hiền… Trong quá trình ổn định cuộc sống của tín đồ tới khai hoang núi Tượng xây dựng chùa miếu, thực hành nghi lễ… Đức Bổn Sư còn đẩy mạnh việc truyền đạo rộng rãi ở vùng Thất Sơn và lân cận. Ông đến kênh Vĩnh Tế, qua Giang Thành (nay là Vĩnh Điều, Hà Tiên, Kiên Giang)… truyền đạo, thu nhận tín đồ. Số tín đồ ở đây tin theo ông rất đông.

Cho đến trước khi Đức Bổn Sư mất (1890), chỉ riêng bốn làng đạo vùng núi Tượng ông đã xây dựng hoàn thành 12 ngôi đình, chùa, miếu khá quy mô để làm nơi thờ tự của bổn đạo. Nhiều cơ sở thờ tự đó hiện nay đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

Đối với Ân đất nước, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho rằng trong gia đình có làm được một người con hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ thì ra ngoài xã hội mới mong làm được một con người có ích cho đất nước.

Mặt khác, tổ tiên, ông bà, cha mẹ và bản thân chúng ta, ai cũng có quê hương đất nước. Do đó, muốn đền ơn đất nước phải có bổn phận bảo vệ đất nước khi giặc ngoài xâm lăng, giày xéo, phải góp sức xây dựng quê hương xứ sở cường thịnh. Đền ơn đất nước cũng chính là giúp ích cho gia đình, bản thân. Vì đất nước giàu mạnh thì bản thân mới được ấm no. Trong cuộc sống cần tránh sơ suất làm cho đất nước nghèo khổ hay tiếp tay cho ngoại xâm làm tổn hại đến đất nước, dân tộc…

Như vậy, tinh thần của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa dạy con người ta không nên giữ im lặng trước nhiễu nhương thế cuộc, phải biết trượng nghĩa, sẵn sàng lên tiếng giữ gìn lẽ phải, không cúi đầu trước áp bức bất công, cường quyền.

Nôm na, với người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, dứt khoát họ sẽ phản ứng về thói vong ân của Tố Hữu khi trong thi phẩm “Đời đời nhớ ơn ông”, nhà thơ Tố Hữu đã có những câu nịnh bợ quá rẻ tiền, giẫm đạp thô bạo lên đạo hiếu của người Việt:

Yêu biết mấy, nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin!

(…)

Làng trên xóm dưới xôn xao

Làm sao, Ông đã… làm sao, mất rồi!

Ông Xít-ta-lin ơi, Ông Xít-ta-lin ơi!

Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không?

Thương cha, thương mẹ, thương chồng

Thương mình thương một, thương Ông thương mười

Yêu con yêu nước yêu nòi

Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu!

(…)

Ơn này nhớ để hai vai

Một vai ơn Bác một vai ơn Người

Con còn bé dại con ơi

Mai sau con nhé trọn đời nhớ Ông!


Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam tiếp tục là “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” về tôn giáo?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ai đã cố tình “làm cùn” báo chí?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Phỏng vấn TS Nguyễn Đình Thắng về Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo

Trương Thế Tử

1 comment

Lê Nguyên Đạo 14.01.2022 7:57 at 07:57

Đọc qua mấy dòng thơ của Tố Hữu, ai cũng thấy tâm địa và thái độ nhơ nhớp của một kẻ giỏi luồn cúi – quỵ lụy – nịnh bợ – tâng bốc nhằm kiếm chút lợi danh cho bản thân. Đấy là cái loại tiểu nhân gian xảo mà những ai lương thiện và có lòng tự trọng đều tránh xa.
Nồi nào thì có vung nấy, chính vì vậy nên Tố Hữu đã gia nhập Đảng csVN và được Đảng này trọng dụng.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo