VNTB – Cần khởi tố vụ án “Hoàng Phủ Ngọc Tường”

VNTB – Cần khởi tố vụ án “Hoàng Phủ Ngọc Tường”

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Phải trả lại cho lịch sử những sự thật về cuộc chiến tương tàn vô nhân đạo này trong những ngày “hưu chiến” để người Việt ăn Tết.

 

Nếu đã cáo buộc nhà báo Đặng Thị Hàn Ni theo điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, với xác định đưa thông tin xâm phạm bí mật đời tư của bà Phương Hằng, vậy thì có thể khởi tố một vụ án tương tự với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Trên trang Việt Nam Thời Báo có bài viết về “oan Thị Kính” của  Hoàng Phủ Ngọc Tường. Báo chí Việt ngữ ở nước ngoài, đến tận lúc này, dù “nghĩa tử là nghĩa tận”, họ vẫn không tin Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chịu oan khuất về vụ việc liên quan người Huế đã bị giết chết dã man hồi Tết Mậu Thân 1968.

Phản ứng về nội dung bài báo đăng lời trần tình trên, một ý kiến gay gắt cho rằng, những ai ở Huế lâu ngày đều biết đến các cơ sở điều trị quân dân y như bệnh viện Trung ương Huế trên đường Lê Lợi cạnh dòng Hương giang, Quân y viện Nguyễn Tri Phương trong Mang Cá, nhà Hộ sinh ở Tây Lộc. Các khu vực Đông Ba, Gia Hội là những vùng buôn bán sầm uất, có nhiều phố xá nhộn nhịp, có nhiều nhà cửa dân chúng đông đúc. Không có khoảnh đất trống nào đủ rộng lớn để xây một bệnh xá hay bệnh viện nhỏ.

Nếu Mỹ thả bom trúng bệnh viện mà chết ngay một lúc đến hai trăm người thì cơ sở khám bệnh và nhận người ốm đau nằm điều trị phải được trang bị ít nhất cũng năm mươi giường bệnh.

Thế nhưng không người dân Huế nào biết đến hay nhận được công việc phục vụ trực tiếp cho những nhu cầu nhất định về y khoa phòng ngừa, y khoa chẩn đoán, y khoa điều trị dành cho số đông, có tổ chức thành nề nếp và có tiếng vang trong vùng. Vạn nhất nếu bom “đế quốc“ vô tình đánh sập bệnh viện, giết một loạt hai trăm người thì đám truyền thông Hà Nội hay thân cộng tại sao đều chọn im lặng?

Một nhà báo tự do từng bị lao lý theo điều luật hình sự 331, nói, “Về việc bây giờ ông Tường mới lên tiếng để tự minh oan cho mình, thật lòng tôi nghĩ nếu ông không thể trung thực được với lịch sử để thế hệ sau như chúng tôi được đọc – được học, thà rằng ông im lặng luôn như lâu nay, có khi tôi vẫn nghĩ về ông như một người cầm bút.

Ông lên tiếng vì nỗi oan ức của ông, nỗi oan bị người ta nói không đúng xuất phát từ chính việc làm của ông trong quá khứ, nhưng ông vẫn không nói một lời nào đối với nỗi oan của hàng ngàn mạng người bị dập vùi trong cái tết năm ấy. Ông chỉ dám nhắc tới một chút nhưng vẫn cố lôi |tội ác của Mỹ” vào để che chắn cho chính ông và đồng đội của ông.

Ông có thể bị oan về việc có mặt ở Huế trong sự kiện năm đó, nhưng với sự kiện Mậu Thân ông không phải là kẻ vô can. Với những người bị chết đầy oan khuất ông vẫn nợ họ một câu trả lời nếu ông tự coi mình là người cầm bút. Khi nào ông chưa nói được hết những sự thật khủng khiếp của cái sự kiện mà ông đã góp phần tích cực cả gián tiếp và trực tiếp thì mãi mãi tên ông vẫn bị nhắc tới với sự hằn học mỗi khi người ta nói về Mậu Thân”.

Với những gì đã và đang diễn ra với một người vừa từ trần, liệu có nên xem xét cho hành vi tạm gọi là “xúc phạm  người đã chết” theo điều 34 của Bộ luật dân sự 2015 về “quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm”; hay điều 331 của Bộ luật hình sự tương tự như kết luận điều tra về nội dung tương tự đối với nhà báo, luật sư Đặng Thị Hàn Ni (báo Sài Gòn Giải Phóng)?

Theo quan điểm người viết, khi mà công an thành phố Hồ Chí Minh chọn điều luật hình sự 331 thay cho điều luật 155 “tội làm nhục người khác”, điều 156 “tội vu khống” để cáo buộc nhà báo, luật sư Đặng Thị Hàn Ni, thì hoàn toàn có thể “vận dụng” điều luật hình sự 331 đối với những chỉ trích, phê phán thậm chí cả nhục mạ đối với ông Hoàng Phủ Ngọc Tường từ lúc sinh thời cho đến tận khi ông đã từ trần.

Khi làm rõ những cáo buộc về tội ác của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đã gián tiếp hoặc trực tiếp gây ra với người dân Huế ở Tết Mậu Thân 1968, còn là trả lại cho lịch sử những sự thật về cuộc chiến tương tàn vô nhân đạo này trong những ngày “hưu chiến” để người Việt ăn Tết.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)