Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần thay sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh”

Mai Lan

 

(VNTB) – Nếu “Tư tưởng Hồ Chí Minh” là môn học về “Đạo đức người cộng sản”, có lẽ cần thay đổi giáo trình giảng dạy tương tự như những chương trình cải cách giáo dục, thay sách giáo khoa.

 

Năm 2016, trên đỉnh cao sự nghiệp, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn từng chủ biên cuốn sách với tên gọi “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”.

Khi những nhà “cộng sản học” tham nhũng

Lý lịch chính trị của ông Trương Minh Tuấn cho hay ông từng là cựu Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, cựu Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016 – 2021, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (2016 – 2018).

Thế nhưng đến ngày 23-2-2019, ông Trương Minh Tuấn bị bắt với tội danh Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Gần hai tháng sau đó, ngày 12-4-2019, ông Trương Minh Tuấn tiếp tục bị Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam ra quyết định khởi tố bổ sung về tội danh “Nhận hối lộ” theo Khoản 4, Điều 354 của Bộ luật hình sự hiện hành tại Việt Nam.

Lý lịch học vấn của ông Trương Minh Tuấn cho thấy ông còn là một hình mẫu của “Đạo đức học cộng sản”: từ tháng 4-1980 đến 6-1984, ông là học viên trường Sỹ quan Chính trị. Tháng 7-1985 tới 7-1986, là học viên Chuyên Ban Triết học, trường Sỹ quan Chính trị. Ông có bằng tiến sĩ Chính trị học và bằng Cao cấp lý luận chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam tại trường Sỹ quan Chính trị.

Ông Trương Minh Tuấn còn từng là giảng viên Triết học Marx-Lenin, trường Sỹ quan Kỹ thuật Quân khí thuộc Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng. Từ tháng 3-2006 đến 8-2011 ông là giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Như vậy về mặt nguyên tắc, một khi không bị mắc bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần, tin chắc rằng nếu môn “Tư tưởng Hồ Chí Minh” có chức năng trong đào tạo “đạo đức người cộng sản”, thì không thể nào một người được đào tạo bài bản như ông Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son… lại có thể phạm sai lầm được cho chỉ là ‘giọt nước tràn ly’ như trong vụ Mobifone mua AVG.

Phải chăng “Tư tưởng Hồ Chí Minh” thiếu ‘đối thủ’ cạnh tranh?

Trở lại với vấn đề mà tựa bài viết này đặt ra: vậy thì các sai phạm của người cộng sản ‘dày dạn lý thuyết’ như ông Trương Minh Tuấn cũng như rất nhiều quan chức dân sự lẫn quân sự khác đang vướng vòng lao lý vì tham nhũng, liệu đó có phải là do kết quả của môn học “Tư tưởng Hồ Chí Minh” mà tất cả các đảng viên bị bắt buộc phải học tập như một “cưỡng chế giáo dục”?

Môn học bắt buộc “Tư tưởng Hồ Chí Minh” giảng dạy với cách rao giảng kiểu “đạo đức học” đại khái theo các khuôn mẫu giáo án thế này:

Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, coi đó là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước: Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang vì sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Người quan niệm đạo đức tạo ra sức mạnh, nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc: “Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”.

Quan niệm lấy đức làm gốc của Hồ Chí Minh không có nghĩa là tuyệt đối hoá mặt đức, coi nhẹ mặt tài. Người cho rằng có tài mà không có đức là người vô dụng nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Cho nên, đức là gốc nhưng đức và tài phải kết hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.

Các bí thư tỉnh, thành cho tới cấp bộ – bao gồm cả Bộ Chính trị, thường bình giảng qua diễn giải các ý ở trên như sau:

Từ khái niệm cũ “trung với vua, hiếu với cha mẹ” trong đạo đức truyền thống của xã hội phong kiến phương Đông, Hồ Chí Minh đưa vào đó một nội dung mới, phản ánh đạo đức ngày nay cao rộng hơn là “Trung với nước hiếu với dân”. Đó là một cuộc cách mạng trong quan niệm đạo đức.

“Trung với nước hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Câu nói đó của Người vừa là lời kêu gọi hành động, vừa là định hướng chính trị – đạo đức cho mỗi người Việt Nam không phải chỉ trong cuộc đấu tranh cách mạng trước mắt, mà còn lâu dài về sau…

Cần thay đổi cách sùng bái lãnh tụ

“Tư tưởng Hồ Chí Minh”, hiểu theo cách dân dã, thì đó là biểu hiện của sùng bái lãnh tụ.

Từ góc nhìn hẹp về cách mà Đảng đã ra sức hô hào, cổ súy cho “đạo đức người cộng sản” qua “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, rõ ràng khi đặt trong một so sánh của thống kê nêu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, sẽ thấy môn học “Tư tưởng Hồ Chí Minh” không có tính thuyết phục trên thực tiễn: Ban Chấp hành Trung ương đã kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng 4 đảng viên; Bộ Chính trị kỷ luật 11 tổ chức đảng; Ban Bí thư kỷ luật 10 tổ chức đảng, 43 đảng viên; có 10 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương bị kỷ luật.

Chi tiết hơn, báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát năm 2022 tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón cho biết cấp ủy các cấp đã kiểm tra 58.069 tổ chức Đảng và 324.403 đảng viên.

Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3.533 tổ chức Đảng và 10.475 đảng viên, tăng 17,57% tổ chức Đảng và 16,62% đảng viên so với năm 2021. Qua kiểm tra, kết luận có 2.333 tổ chức Đảng và 8.003 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 333 tổ chức Đảng và 3.909 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 244 tổ chức Đảng, 3.595 đảng viên.

Cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 410 tổ chức Đảng, 16.202 đảng viên…

Cá nhân người viết bài này từng được dự nhiều cuộc họp của Đảng, từ sinh hoạt chi bộ đến hội nghị quán triệt văn kiện. Trong những cuộc họp kiểm điểm nhất là dịp cuối năm, nhiều người, trong đó có không ít lãnh đạo thường được hình thức thi đua cao nhất với những lời tự nhận xét như “thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hết lòng, hết sức vì đơn vị, vì quyền lợi cán bộ, nhân viên”.

Những ai đã từng đi làm, từng là cán bộ, nhân viên, từng dự những cuộc họp kiểm điểm, đều chứng kiến những cuộc bình bầu thi đua tương tự. Và không ít cán bộ, nhân viên của không ít cơ quan, đơn vị, sau này đã bất ngờ khi chứng kiến những lãnh đạo, những cá nhân ưu tú, xuất sắc ấy lại là những người mắc đầy sai phạm. Dám chắc trong số hàng loạt cán bộ lãnh đạo bị khui ra những vụ dính ‘phốt’, vi phạm, bị kỷ luật, thậm chí dính vòng lao lý… không có ai chưa một lần được vinh dự nhận hình thức thi đua cao nhất với những lời nhận xét tốt đẹp ấy.

Có lẽ các sự việc như trên còn có nguyên do từ hệ lụy của độc quyền chính trị, độc quyền “Tư tưởng Hồ Chí Minh” (!?)


Tin bài liên quan:

VNTB – Đặt Bệnh Viện Dã Chiến Ở ‘Sân Golf Tân Sơn Nhất’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Lừa đảo thông qua chữa bệnh là gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thật đáng lo cho sức khoẻ tổng bí thư

Do Van Tien

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 28.01.2023 11:25 at 11:25

Hãy tha thứ cho tác giả, Bác Hồ ơi, tác giả không ý thức được việc mình làm

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo