VNTB – Chấm phá đời tôi (04)

VNTB – Chấm phá đời tôi (04)

Ngụy Hữu Tâm

 

(VNTB) – Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan.

 

Tôi viết bài này vào những ngày giữa sang cuối tháng tám. Hôm nay, 14.08. ở Hà Nội trời nắng đẹp sau cơn bão số 2 và hoàn lưu của nó. Tôi và trước hết là bà vợ loay hoay với vụ diệt mối cho cái tủ gụ trên tận tầng 3 cao ngang tầng 4 vì trần 2,8m chứ không phải 2,2m như bình thường. Đó là vì cái nhà này xây từ trước ‚giải phóng thủ đô’ tức 1954, tức ngang ngửa tuổi tôi, từ lâu phải phá đi xây lại rồi. Đầu năm bà vợ có gọi thợ sửa buồng làm việc của tôi ở tầng 2 cho ông con ở riêng (sửa lại cho nó dùng khi chưa lấy vợ), nhân thể họ cũng sửa những chỗ gay cấn nhất ở tầng 1 và tầng 3 và họ đã đi đến kết luận: phải phá đi xây lại thôi. Nhưng chờ nó như chờ ngày đa đảng ở Việt Nam, tức là phải dẹp cái đảng hỏng tận gốc rồi mới xây mới được mà hình ảnh nhà tôi là một thí dụ. Mối ăn hết các thứ trong tủ, nhất là các số tem rất quý của cậu con đầu của tôi, NHĐ, mất ở Moscow 1992. Trừ tủ không đụng tới vì là gỗ gụ đã chống mọt cao nhất có thể, bạn LHV, chuyên gia về những vấn đề như thế này, giới thiệu mua mà, tôi quên sao được.

Bất ngờ cô em NTN từ tầng dưới gọi lên: „Anh có khách“. Ông bạn quý PC mà tôi đã có giới thiệu ông bố Phạm Thiều ở một bài trước. Anh C nói tao đến một lúc thôi, đang bận vì ngày kia có „Hội họ Phạm toàn thế giới“ rất to sau 3 năm dịch covid. Tôi rủ C mai ghé thăm Điền mà anh cũng từ chối.

Hay nhất là loay hoay thế nào lại quay về chuyện chúng tôi sắp ra đi. Tôi có kể chuyện con gái tôi ủng hộ ý tưởng không để lại cái gì để về với cát bụi như một bài hát của TCS, thì C nhắc ngay việc anh đặt làm một bia mộ với mấy câu thơ rất hay mà tay chủ cửa hàng bia mộ ở Bát Tràng đòi 10 triệu, trong túi anh chỉ có chưa đến 200k mà y vẫn làm, và khi làm xong đã tự mang đến và còn biếu một phong bì dày cộp tiền và tôn PC  làm anh, tôi bảo C nhắc lại mấy câu thơ đó thì anh chối ngay, đáng tiếc thay!

Rồi còn có một cú điện thoại của anh TNV khi tôi nhờ anh viết <300 chữ giới thiệu cho Hồi ký tập I của tôi sau khi anh TXH, vì nhiều lý do từ chối. Rõ ràng đây là chuyện lớn chứ không nhỏ, theo người viết thì cuốn Hồi ký này cũng hay ra trò đấy, về mặt văn học thì chẳng là bao, thế nhưng ý nghĩa lịch sử thì miễn chê là cái chắc, phải có nhiều cuốn hồi ký của nhiều tác giả để có một cái nhìn xã hội Việt Nam từ 1945 đến nay từ góc độ một người trong cuộc. Đấy sẽ góp làm nên cuốn sách sử Việt Nam hiện đại sau này khi các sử gia Việt Nam hiện nay đang bị bẻ cong ngòi bút của mình.

Sáng 16.08. tôi đến BV Hữu Nghị từ sớm để khám vì đã ra Viện Quân Y 108 được đúng một tháng rồi và nay phải tiếp tục tiêm thuốc hoocmon Zoladex (hàng tháng cho đến hết 2 năm) dù vẫn hàng ngày uống Casodex. Tôi đã cố tránh đi ngày thứ ba mà sao đông nghịt, hãi quá, mà lại mất trật tự, hỗn độn vô cùng dù đây là BV cho cán bộ cấp trung cao, từ trưởng phòng trở lên đến thứ trưởng, tầng 3, bộ trưởng, PGS trở lên tầng 2. Ai cũng ngán ngẩm nhưng hệ thống y tế Việt Nam là vậy khi bệnh viện công, tư vẫn tồn tại song song và bảo hiểm y tế còn quá nhiều vấn đề phải sửa.

Đi từ trước  6h cuối cùng 9h cũng được BS Khoa U bướu tiếp, cứ tưởng cho tiêm như Viện Quân Y 108 (thời gian qua nhanh thế, tôi phát hiện u ác sau Tết, đầu tháng ba phải để vợ tiêm tại nhà vì covid không vào BV được), cuối tháng thì Viện Quân Y 108 tiêm rồi (4 tuần), lần này là được sáu lần, 1/4 thời gian điều trị hoocmon. Không ngờ ông bào phải nhập viện mới tiêm được vì giá thuốc 2,6 triệu, nếu ngọai trú thì bảo hiểm y tế sẽ không thanh toán. Thế là lóc cóc làm thủ tục nhập viện, trở lại Khoa sau nửa năm xa cách, làm các xét nghiệm, đến trưa xong, hy vọng đầu giờ chiều được tiêm. Không ngờ cuối giờ chiều thuốc mới về Khoa, may quá cũng tiêm xong.

Thế nhưng lại mất sáng ngày hôm sau làm thủ tục ra viện, cũng xong nhưng nhiêu khê quá! Ốm khổ thật! May là tối còn được về nhà dự lễ chia tay con con gái, 3 ngày nữa lại đã phải sang lại Praha rồi. Nhân đây cũng phải nói, dân Việt Nam mình rải khắp thế giới rồi. Trong phòng 612 của các bệnh nhân do BS Linh điều trị có ông Quít và ông Năm bên An ninh và Quân đội, nói chuyện một lúc thì rõ ngay, cả 2 ông đều bảo vệ Nga của Putin. Nói về ông Quít, thì ông có cô con gái đi kèm để chăm sóc vì quá yếu rồi, tuy thua tôi đến chục tuổi và cô này cũng đã 48 tuổi, nhưng trông trắng trẻo và trẻ hơn tuổi nhiều. Hỏi kỹ ra mới biết, cô đang sống ở thành phố Olomouc bên Séc cách Praha trên 300km và có con trai cỡ tuổi  GN con trai tôi và cũng đang tuổi đại học. Tối về nói chuyện với con gái GL thì cháu bảo: „Bố ơi, trường đại học Olomouc là trường danh tiếng tầm cỡ thế giới đấy nhé, được xếp top 900 đại học thế giới đấy nhé. Biết bao giờ Việt Nam mình mới có một trường xếp trong số đó. Hiện đang phấn đấu ở môi trường châu Á đã đủ mệt rồi! Nghe buồn quá!

Từ Munich, ông em gọi zalo về báo, cậu NĐP cũng u ác tiền liệt tuyến mấy năm nay rồi. Thế mà ông này, hơn tôi 8 tuổi, đỗ BS ở SG, rồi làm TS Y khoa ở Nhật, sau 1975 cũng còn hành nghề Y ở Mỹ. Họ ngoại tôi thế là ung thư hết, nhưng bà mẹ là chị cả, ông NĐG và NĐCăn (bệnh tim mạch từ lâu) đều thọ trên 90 tuổi, ông NĐCơ cũng trên 90 rồi, đang sống yên lành ở Hà Nội. Thế nên tuy ung thư nhưng anh em tôi ‚bình chân như vại’, sống thoải mái. Nó cũng nhắc tôi nên ăn carotte và quả lựu để chống oxy hóa. Bà vợ phán ngay xanh rờn: „Ở nhà em vẫn cho anh ăn thường xuyên đấy thôi, còn lựu, Hà Nội mình làm gì có trồng, toàn hàng Tàu, nó tiêm chất bảo quản, có điên à mới ăn?“ Thôi đành bỏ qua…       

Nhắc lại thời gian làm TS ở ZOS, xin kể về mặt tổ chức của phía Việt Nam. Nghiên cứu sinh chúng tôi hầu như chẳng có việc gì phải làm việc với Đại sứ quán Việt Nam đóng tại một ngôi nhà tuy to nhưng cũ kỹ, đen ngòm trông rất chán, ở gần Tierpark-vườn bách thú Berlin. Theo hiệp định đã ký giữa bên thì trong thời gian ở lãnh thổ CHDC Đức, công dân CHXHCNVN không được ra khỏi đó cho đến khi về lại Việt Nam, họ phát cho chúng tôi tờ giấy gọi là Aufenthaltserlaunis-giấy phép lưu trú và được đi đến mọi nơi thuộc lãnh thổ CHDC Đức. Trên nguyên tắc, chúng tôi chỉ ghé qua đó khi tốt nghiệp về nước để cho công an biên giới CHDC Đức cho chúng tôi lên máy bay ở Berlin- Schönefeld về Việt Nam, tức là máy bay của hãng Interflug của CHDC Đức hay Aeroflot của Liên Xô bay về Moscow, hay đi xe hỏa của hãng Deutsche Reichsbahn-Đường Đế Quốc Đức (ký hiệu DR của Đông Đức, của Tây Đức là Deutsche Bundesbahn-Đường Liên bang Đức ký hiệu DB) thì đến biên giới Oder-Neiße mới có Grenzpolizei-Công an biên giới lên xét giấy tờ. 

Tôi nhắc chuyện này vì chúng tôi may mắn hơn các bạn đi theo đường Bộ đại học (chứ không phải VHLKH CHDC Đức), phụ cấp đã khác nhau (480 và 650MDN-Mác Đông Đức) mà ở cũng thế vì chúng tôi được theo chế độ cộng tác viên theo hiệp định ký giữa 2 VHLKH, mà chỉ bắt đầu từ 1972 mới có, tôi là năm thứ 3 được hưởng quy chế này, trước tôi là 2 anh PVP và NDS đều vốn ở VVL sang ở căn hộ 3 phòng ở Fischerinsel mà tôi đã kể. Ngoài ra trong thời gian làm TS chúng tôi còn được về phép 2 tháng, ngoài chuyện thăm gia đình mà tôi sẽ kể ở dưới, chúng tôi còn trốn được kỳ hè mà sứ quán bắt chúng tôi phải học chính trị rất đau đầu. Với tôi thì may mắn thay, hè năm 1974 mới sang (lại) lớ ngớ, đi học 2 tuần ở Cottbus là thành phố gần Ba Lan, lạ với tôi, nhưng năm 1962 chúng tôi lại đã học chính trị ở thành phố Greifswald mà tôi cũng đã có kể, tức là sau đúng một con giáp, khi trước còn chứng kiến xe tăng Hồng quân ầm ầm kéo về Berlin để chia đôi thành phố này, bây giờ đã yên bình trong tay họ. Trú ở một trường Cao đẳng Xây dựng, sinh viên về hè hết, ngòi giờ học đi bát phố cũng vui. Lần 2 tôi về phép, lần 3 may quá tôi đã nộp bài, chờ bảo vệ, nên sứ quán miễn cho. Lại nói đại sứ quán ở ga S-Bahn-metro Tierpark đi lên, vùng có rừng nên đẹp và yên tĩnh, nhưng lại là nơi đóng quân của Hồng quân nên cũng chẳng phải là nơi người Berlin yêu thích. Riêng tôi thì có nhiều kỷ niệm hay vì có đàn anh vật lý laser là TĐA và CĐT mà tôi đã kể làm ở Bộ Công An mà có một anh người Bộ này đang phụ trách lãnh sự nên tôi cũng hay lên, dù các anh có ở Berlin hay đang ở trong nước. Và tôi vẫn theo hẹn với các anh để sang Tây Berlin qua ngả ga Friedrichsstraße cùng các anh mua sắm thiết bị khoa học ở các cửa hiệu quen, mà khi về lại Đông Berlin thì vì các anh có chuyện riêng tư không cần tôi đi cùng nên bào: „Cậu cứ về trước đi“. Anh A còn hay đùa tôi gọi là „Playboy“ mà tôi chẳng hề phản ứng vì mình không thuộc loại người đó. Sau này anh A lên ‚sếp’ to bên VCN nhưng hạ cánh lại không an toàn, rất tiếc không gặp anh, có lẽ anh cũng muốn tránh nên tôi cũng không hỏi mọi người, chứ anh T thì hay gặp.

Lại nói lúc mới sang may có anh cùng VVL nên cũng đỡ rất nhiều, lại có sự giới thiệu trước của anh TĐA và CĐT nên rõ ràng tôi có thuận lợi, chưa nói tiếng Đức nắm vững nên trong giao tiếp chẳng hề có khó khăn gì. Tổ nghiên cứu sinh viện hàn lâm sinh hoạt riêng nên cũng rất thuận lợi cho chúng tôi. Khá đông, bây giờ tôi nhớ không kỹ vì nhiều người do sang trước nên về sớm hơn mình. Có 2 anh khoa Hóa ĐHTHHN là Phất và Huyến, mẹ tôi đã làm đó nên tôi cũng quen. Hai anh sau về Hà Nội vẫn hay gặp nhau, H sau sang Algérie dạy ở thành phố cảng và công nghiệp Đông Algérie là Annaba, cách chỗ tôi ở chỉ trên 100km, tôi thậm chí còn ghé thăm anh nhân week-end. Hai anh hóa nữa là Am và B do quân đội cử đi học nên khi về mất hút, ngay sinh hoạt ở Berlin cũng đã khá ư khép kín tuy cùng ở Leninallee với các anh chị em khác, khi tôi mới sang ở nay gần Alexanderplatz, sau tất cả anh chị em Việt Nam đều về khu nhà mới của VHL dành cho người nước ngoài ở địa chỉ Leninallee thì đã khá xa trung tâm, cách xa nhiều bến xe điện rồi. Các bác sĩ thì trừ chị H vợ anh CĐT ở bệnh viện Việt Đức Hà Nội sang chậm chỉ là TS A với chúng tôi, các anh kia sang sớm làm TS B cả, về trước rồi, người do các bệnh viện địa phương cử đi nên, tuy cũng có làm semina ở đoàn, nhưng tôi nghe nhạt thếch, kiến thức thế mà cũng làm TS B. VHLKH CHDC Đức đào tạo cho nước ngoài nên theo quy luật chung „con bò qua biên giới khi về cũng thành TS“ mà, về nước mới đánh giá nhau được. 

Ở bài này, có lẽ cũng nên kể về chuyến về hè 1976. Mới sang Berlin hơn một năm, vèo cái đã hết nửa thời gian rồi, VHLKH CHDC Đức ưu ái cho về nước chơi 2 tháng. Thày tôi bảo có 2 cách, hoặc cứ tự về không báo VHL, hoặc báo thì VHL sẽ không cắt lương 2 tháng đó, khi sang nhận cả thể. Tính tôi vốn không cẩn thận, làm gì rất đại khái, bà vợ hiện nay trách mãi, nhưng tôi trây ỳ nên sao vẫn vậy. Tôi bảo phương án một. Thế nhưng sau đó hỏi anh TBC sang trước tôi ít lâu thì anh bảo „Sao cậu dại thế, 2 tháng lương đâu bằng vé máy bay Interflug hin und zurück-đi về?“. Thế là lại phải nói lại với thày, nay quá còn kịp báo lại VHL để giải quyết, nhưng hơi ôi.

Cầm cái vé máy bay từ Phòng hành chính viện ZOS, sướng mê hồn. Chuẩn bị quà cáp nội ngoại, bạn bè và cơ quan, cũng mất thời gian và công sức. Rồi ra sân bay làm chuyến bay ngược mà chính mình mới thực hiện cách nay hơn một năm: từ Berlin-Schönefeld bay 4 tiếng trên cái IL 18 cổ lỗ, ầm ỹ, run như cầy sấy khi qua chỗ trũng khí quyển (nhưng hồi đó nào biết máy bay tư bản để so sánh, nay mới kén cá chọn canh thế) đến Taschkent, transit ở đó nửa tiếng, rồi con ghé Calcutta nữa mới về tới Gia Lâm, Hà Nội, mất đến trên nửa ngày, trên 10.000km kia mà.

Về tới Hà Nội, có mẹ và vợ, con ra đón, cu NHĐ bây giờ đã lon ton chạy rồi. Về nhà thì gặp ngay cha, cụ cũng già đi sau hơn một năm từ khi chữa bệnh ở Berlin-Buch (mà tôi sẽ kể ở bài tới) về, nhiều công việc quá mà, lại họp hành triền miên à la vietnamienne! Tôi về cũng rất bận, có cậu em ra trận hứng đạn cho cả nhà nên phải cấp tốc tổ chức chuyền đi vào sân bay Trà Nóc, Cần Thơ, nơi NHC đang đóng ở trạm radar bảo vệ sân bay, mới ‚giải phóng’ hơn một năm, chuyến đi đâu dễ. May quá có anh bạn Moritzburger TTH, người toán 7 mà tôi đã nhắc ở một bài trước, làm đại diện cho hãng Interflug ở Hà Nội, quá quen Vietnam Airlines nên kiếm 3 vé HN-HCM cho 3 mẹ con tôi dễ ợt, cháu nội đích tôn NHĐ còn nhỏ đâu mất vé? Hồi ấy khó khăn lắm vì ít máy bay nên ít chuyến bay chứ đâu được như bây giờ, sau 46 năm, gần nửa thế kỷ, còn có hãng Jetstar và Bamboo với biết bao máy bay và chuyến bay nữa. Vào đến Sài Gòn thì gặp gỡ họ hàng thoải mái, dĩ nhiên gặp nên ngoại thôi vì bên nội ở Huế trên đường về lại Hà Nội bằng đường sắt xin kể ngay ở dưới… Bên ngoại trừ cậu P có mợ làm nhân viên ở Sứ quán Mỹ nên di tản được trước 30.04. chứ gia đình cậu G và C đều vẫn đang ở SG. Thành phố SG vẫn còn mang dáng dấp những nét xưa của ‚hòn ngọc Viễn Đông’. Chúng tôi được nhiều gia đình mời tới nhà thăm và hỏi han tình hình ngoài Bắc với chủ nghĩa xã hội, vì là gia đình ‚trí thức hàng đầu’ mà. Bây giờ ý nghĩ lại thấy ngượng quá. Sau đó tất cả các gia đình này đều tìm đường và … thành công với cú vượt biên, ra đi bằng mọi giá. Tôi sẽ kể sau khi sau này sang Tây Âu gặp lại và không nhắc chuyện xưa… Còn chúng tôi khi đó gặp em C ở Trà Nóc mấy ngày cũng rất vui vì chiến tranh vừa kết thúc. C sau đó được quân đội ưu ái dự định cho đi học sĩ quan, nhưng may vướng lý lịch mà tôi đã kể ở bài trước và được ra quân, trở về học lại vật lý ĐHTHHN thì tuần sau anh em mới gặp lại nhau ở Nội Bài chứ không thì cuộc đời đã rẽ sang hướng khác… Sau khi thăm thú SG đủ, chúng tôi còn lên Đà Lạt, mẹ tôi làm ở khoa Hóa nên trên trường đại học Đà Lạt có người quen là anh X, con nuôi giáo sư Nguyễn Thạc Cát nên chúng tôi trú ngụ ở khu tập thể trường rồi đi chơi thành phố ‚Paris viễn đông’ hết sức thoải mái. Sau đó từ SG, chúng tôi lấy vé xe lửa ra Bắc, còn ghé Nha Trang thăm gia đình giáo sư Hoàng Ngọc Cang là ông bạn rất thân của cha tôi, từ thời học ở trường Sorbonne bên Pháp, rất vui vẻ. Ở đây chúng tôi cũng kết nối được với ông Ngụy Như Bàng là ông trưởng họ Ngụy chúng tôi mà sau đó sang Paris tôi cũng đến thăm được nhiều người trong họ, chưa nói ở chuyến đi này, chúng tôi kết nối được với họ hàng ở Đà Nẵng, đáng tiếc sau đó tôi còn ghé thành phố này nhiều lần nhưng họ đã di tản hết. Còn tới Huế thì miễn bàn rồi, tôi lần đầu tới thành phố này, là quê cha, còn hai cô đang sống ở ngôi nhà ông bà nội để lại ngay gần chợ Đông Ba, đáng tiếc sau 2 cô mang bán đi rồi ra Hà Nội ở với gia đình các em. Nhưng xa nhau mấy chục năm và 2 chế độ khác nhau quá nhiều, 2 cô phải trở lại Huế ở nhờ người thân, sau này tôi còn nhiều dịp vào Huế, thật là bi kịch. Nay 2 cô ra đi cũng hàng chục năm nay rồi, nhưng nhắc lại là một kỷ niệm buồn. 

Cũng buồn hệt như thành phố này, tôi nhớ Huế là nhớ sông Hương man mác buồn của nhạc Trịnh, vì sau đó tôi còn rất nhiều dịp về lại Huế, khi họp, khi là hướng dẫn viên du lịch, lần cuối là năm 2017 ở tư cách là khách du lịch cùng gia đình, đường xe lửa khi đó từ Huế ra mới sửa sau chiến tranh nên còn tồn tại nhiều vấn đề, có đoạn, hình như gần thành phố Vinh chúng tôi phải tăng-bo, hình như năm chờ cả buổi vì lũ. Ở đấy tình cờ lại gặp Loan, cô bạn cùng Phòng Quang mà sau bao năm không gặp vì cô chuyển công tác, và nay vẫn giữ được mối liên hệ. Xem đoạn này chắc chắn Loan còn nhớ, vì mới có…46 năm, nhưng ngót nghét nửa thế kỷ rồi.

Nhắc lại chuyến đi này, tôi phải kể là tôi mang theo 2 cuộn phim Dia màu của hãng ORWO nổi tiếng thời đó, chụp hết, tức gần trăm bức, ảnh hết sức đẹp các cảnh Trung Nam Bắc Việt Nam. Mang sang giới thiệu ở nhà khách Leninalle và mùa đông đó, nhóm chúng tôi có lớp học mùa đông một tuần ở thị trấn Heringsdorf trên đảo Usedom, tôi được mời nói cả buổi về chuyến đi này, có ảnh màu minh họa thì gần như xem phim rồi còn gì? 

Đáng nói nữa là có một buổi cả nhóm hứng lên rủ nhau sang Ba Lan chơi, thị trấn Swinoujŝcie ngay cạnh, tôi chỉ có thẻ cư trú, thế mà anh lính biên phòng Ba Lan vẫn cho qua, người châu Âu thân thiện thật, hay nói là thế giới tự do nói chung sướng thật, không phân biệt nước nào, hãy dẹp mau cái chế độ cộng sản chuyên chính đi, quá lỗi thời rồi!                  

Hôm qua 19.08 kỷ niệm Tổng Khởi nghĩa 76 năm trước, anh ĐTH hàng xóm rủ sang chơi nhưng chỉ cô em NTN và ông em rể sang được, tôi bận vì có cô cháu PTM đang chuẩn bị bảo vệ TS triết hẹn đến xin ý kiến cho bản luận văn về Goethe nên tôi phải tiếp, thể chối được. Cứ tưởng nhanh mà cũng đến gần 11h trưa mới xong. Tiếc quá, anh bạn Quang Chiến lẽ ra mới là người xứng đáng với vị thế này, nhưng thôi, phải đóng thế vậy. Cũng may tôi chẳng góp ý cụ thể được vì không phải chuyên gia nhưng dẫu sao vẫn có chuyện để nói, và hẹn chú cháu còn nhiều việc để trao đổi, có địa chỉ email rồi thì mọi vấn đề cũng sẽ sáng tỏ ngay.

Vợ chồng N. về mang theo cuốn sách anh ĐTH tặng. Cũng khá dầy, 310 trang, phụ lục là 28 trang với rất nhiều ảnh, dĩ nhiên của toàn ảnh những người nổi tiếng: „Đặng Thai Mai Đặng Thai Mai Hồi ký“. Cứ như vớ được vàng, đang viết Hồi ký mà. Có đến 2 lời giới thiệu, của NXB Tác phẩm Mới và NXB Hồng Đức mà, tái bản không biết bao nhiêu lần. Xem ra còn hơn cả cuốn sách của cụ Phạm Thiều mà tôi cũng đã có dịp giới thiệu ở đây. Các cụ Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh, Phạm Thiều, Ca Văn Thỉnh và Đặng Thai Mai thuộc thế hệ những trí thức vàng, đầu thế kỷ XX, còn trước cả cha tôi nữa kia mà. Nghĩ lại, mình sinh sau đẻ muộn, dở mà hay, có cách viết của mình, và dù chẳng phải là nhà văn hay chính trị gia chuyên nghiệp. Nhưng có lẽ vậy, cũng có khó khăn và thuận lợi của nó.

Hóa ra rất đáng tiếc, cuốn sách này mới chỉ là tập I của cuốn Hồi ký lẽ ra không thể ít hơn 3 tập được. Nó mang tên: „Thời kỳ Thanh thiếu niên“ nên dừng ở trước Cách mạng Tháng Tám, khi tác giả rồi sẽ đảm nhận những trọng trách. Sau ít trang „Vào đề“ là „Một sinh mệnh bé tí, ngơ ngác giữa một đường đời mênh mông, rối ren“, 40 trang, tiếp tới „Quê làng trên Lương Điền“, 20  trang, „Bà nội tôi“, 30 trang, „Học vỡ lòng“ 32 trang, „Một trường học kiểu mới“ 30 trang, „Đi học chữ Tây“ 64 trang với các mục nhỏ: „Về một tình bạn từ thời học sinh“, 30 trang, „Về việc tiếp nhận ‚Đề cương văn hóa 1943’“, 14 trang là đã hết phần đầu của cuốn sách. 

Mở đầu cuộc đời của một thanh niên trí thức con quan tỉnh Nghệ An thời đầu thế kỷ XX khi Việt Nam còn là nước phong kiến nhà Nguyễn, thuộc địa Pháp, hết sức lạc hậu vì ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa rất lớn, dù cho văn hóa phương Tây cũng đã thâm nhập vào  qua chế độ thuộc địa và tiếng Pháp bắt buộc ở tất cả các cấp học. Đối với cá nhân tôi là những vấn đề không mới, chỉ có cụ thể ở tác giả với câu chữ tỉa tót của một nhà văn.

Giở bất kỳ ở trang 226 thấy cũng hay hay: …Câu chuyện của giáo sư triết học Houlié tâm sự với chúng tôi hồi ấy, làm cho tôi nghĩ đến câu nói của Goethe về một ảnh hưởng khác đối với người trí thức phương Tây. Tôi nhớ lại câu nói của Goethe về tư tưởng Hy-La „Đã ngồi dưới cái bóng râm ấy thì cũng khó thoát ra khỏi một cách nguyên vẹn“. Nhận xét ấy lại càng đúng khi nghĩ đến ảnh hưởng của đạo Gia tô đối với tư tưởng, nghệ thuật châu Âu. Không mấy nhà văn, nhà tư tưởng phương Tây là không chịu ảnh hưởng của tôn giáo…  Quá hay. 

Nhưng cũng hay không kém là Phụ lục và Phụ lục ảnh. Nhà văn Thiếu Mai kể giáo sư ĐTM dự định viết cuốn Hồi ký ra sao, đã viết đề cương, nhưng vì muộn, sức khỏe suy sụp để phải bỏ dở ngay khi kết thúc tập I ra sao.

Tôi tự an ủi là mình đã bắt đầu vào bài 4 của tập II. Hoàn toàn không dám so sánh với các bậc vĩ nhân. Nhưng Chúa đã an bài hết rồi. Cứ làm như sức mình cho phép…

Đêm rạng sáng 21.08. dậy xem Quang Hải đá cho Pau FC trong trận gặp FC Sochaux M. Vì không để chuông nên dậy thì đã sau 1h sáng, đang chơi hiệp 2, Quang Hải dự được trạn này là trận thứ 3 rồi, cũng chưa nói gì được vì đóng góp của QH chưa nổi bật mà Pau FC xoàng quá, lúc tôi bật tivi thì Pau đã thua một nhót, tiếp sau còn thua 2 bàn nữa. Mới chơi trận thua cả 3, liệu Pau có trụ hạng được không đây, quá buồn cho QH và bóng đá Việt Nam.

Tôi không điểm báo Việt nữa vì quá dài dòng, nhưng nay vừa có bài „Võ Thị Thắng“ trên VNTB của Tưởng Năng Tiến thấy nên giới thiệu với bạn đọc, nhất là ai đang làm trong ngành Du lịch, và vì bà Thắng từng làm Tổng cục trưởng Du lịch Việt Nam, có ‚sếp’ như vậy thì khách du lịch lẽ ra phải …chạy mất dép…           

Báo Đức thời gian qua ở Viện Goethe Hà Nội chưa về số mới nào nên xin bỏ qua phần điểm báo Đức.                                                              

Chỉ xin phép, để kết thúc bài này, trích đăng đoạn tiếp theo của bài trước trong cuốn sách chúng tôi sắp cho xuất bản:

 

Tôi sẽ nói với bố mẹ mình thế nào đây, rằng…

 

Khi bố mẹ mình già, sẽ đi đến thời điểm mà họ cần giúp đỡ. Khi đó nói chuyện với nhau thế nào cho tốt nhất về sự chăm sóc có thể, thì cái đó được bác sĩ tâm lý học tuổi già Katja Werheid giải thích. Bà là giáo sư môn tâm lý học tuổi già và tâm lý học thần kinh thuộc trường Đại học Humboldt, Berlin, sau đây là cuộc phỏng vấn.

 

PV: Thưa bà Werheid, làm thế nào cho tốt nhất để tôi có thể bắt đầu một cuộc nói chuyện với bố mẹ tôi, dù cái đó có thể gây khó chịu, về sức khỏe càng ngày càng giảm sút của họ và sự trợ giúp và chăm sóc cần thiết?

Werheid: Trong bất cứ trường hợp nào thì bạn cũng bắt đầu sớm nhất có thể để nói về đề tài đó, tốt nhất là trước khi cha mẹ bạn cần tới sự chăm sóc. Bởi lẽ điều này là rõ ràng: chắc chắn thời điểm này sẽ đến. Chỉ có 10% số người chết ngày hôm nay là bất đắc kỳ tử, số 90% thì cuối đời mình lại cần sự chăm sóc. Chỉ có điều là chúng ta chẳng hề biết rằng lúc nào thì điều đó xảy ra – thế cho nên chúng ta cứ muốn khất lần với đề tài đó.   

 

PV: Cha mẹ cần phải suy nghĩ, chừng nào họ còn khỏe mạnh?  

Werheid: Đúng thế, bởi lẽ điều ấy đáng cái giá đó. Ở bước đầu tiên thì vấn đề thường chưa xoay quanh đề tài trại dưỡng lão mà là chút bớt gánh nặng cho cuộc sống thường nhật. Có lẽ tuần một lần đến cuộc gặp gỡ của bậc cao tuổi, hai tuần một lần đi tới dịch vụ chăm sóc chân tay. Nếu nói về những cái này càng sớm hơn thì người ta càng có thể thực hiện được nhiều nhu cầu hơn. Việc tìm nhà cung cấp và đơn xin cung cấp dịch vụ cần có thời gian đi trước nhất định, và như vậy người ta cũng làm quen dần với việc phải chịu sự trợ giúp của người khác. 

 

PV: Nhiều cụ cao tuổi thích đưa đẩy các vấn đề lão hóa, nhất là chừng nào họ còn cảm thấy  khỏe mạnh   

Werheid: Ông hãy nêu những ví dụ từ gia đình mình, từ nhóm bạn bè. Hãy kể về chính bản thân mình – đấy luôn là một sự mở đầu hay để bắt đầu cuộc đối thoại –  về Ông tưởng tượng cuộc đời mình ra sao: rằng có lẽ Ông muốn sống chung với người khác hay từ nông thôn ra thành phố hay muốn ở lại chỗ cũ mà ngại chuyển nhà.   

 

PV: Các trường hợp của những người khác có thể giúp ích? 

Werheid: Qua đó trước hết Ông phát tín hiệu rằng, chúng ta có thể nói về vấn đề này một cách hết sức bình thản.  

 

PV: Liệu đó có phải là một sai lầm phổ biến khi thông báo một cuộc hội đàm lớn và cố gắng giải thích tất cả mọi vấn đề chỉ trong một buổi chiều? 

Werheid: Cái này nhanh chóng biến dạng ra thành một tòa án mà ở đấy cha mẹ sẽ có cảm giác mình là kẻ thua trận và bị giám hộ. Như thế thì nguy cơ lớn là họ sẽ từ chối mọi chuyện. Tôi khuyên nên thường nhật đề cập tới các câu hỏi về lão hóa, khi rửa bát hay đi dạo. Luôn luôn đề cập trở lại – không chỉ vào dịp lễ tết hay sinh nhật. Vấn đề xoay quanh một quá trình chứ không phải một sự kiện một lần xảy ra. Chỉ bằng cách đó thì đề tài này mới mất đi tính ma quái của nó. 

     

PV: Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn.   

Werheid: Đúng thế. Đừng gây áp lực, bằng bất cứ giá nào cũng không được gây cảm giác mang tính giáo dục. Cái này sẽ chặn đứng suy nghĩ của rất nhiều người. 

   

PV: Liệu sẽ hữu ích nếu không chỉ các con nói với cha mẹ, mà cả người khác như cô chú hay bác sỹ gia đình?     

Werheid: Điều này tùy thuộc hoàn cảnh. Nhưng hoàn toàn không phạm pháp khi các con chia xẻ nỗi lo của mình với những người khác, suy nghĩ cùng với những người khác, làm sao để sự việc tiến triển tốt nhất. Khi đó chỉ có điều là cha mẹ nhất thiết không được cảm thấy mình bị đẩy vào tường. 

         

PV: Nếu dẫu tất cả những nỗ lực và sự kiên nhẫn mà sự việc vẫn không tiến triển thì sao?   

Werheid: Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được tự ái! Có những người con dù trưởng thành khi có khác biệt ý kiến vẫn hành xử  như thiếu niên mới lớn, họ lăng mạ hay thậm chí chửi rủa. Điều đó không những không giúp ích gì mà trái lại làm hỏng mọi việc.  

      

PV: Điều quan trọng là nhượng bộ?   

Werheid: Thường xảy ra nhất là tư tưởng bằng bất cứ giá nào phải được. Cha mẹ được cho là vẫn khỏe nhưng bỗng nhiên rơi vào trường hợp phải chăm sóc. Phần nhiều là không đúng, lão hóa là một sự thay đổi từ từ.  

 

PV: Không giải quyết được tất cả các quyết định trong sự nhất trí, có những cha mẹ không biết trước tất cả các luận chứng. Nhiều con cái khi đó sẽ chịu cảm giác bất lực.      

Werheid: Dĩ nhiên đầu tiên là cha mẹ có quyền tự do quyết định, liệu họ muốn gì. Con cái phải tôn trọng quan điểm của cha mẹ đang càng ngày càng có tuổi – và thường phải nhắc lại các vấn đề vào một thời điểm muộn hơn. Nhiều cụ lo rằng các nhu cầu của các cụ sẽ không còn được chú ý đến nữa, rằng họ sẽ bị đẩy vào quên lãng. Khi ấy thì chỉ có tác dụng nếu kiên quyết nhưng đồng thời tỏ rõ sự tôn trọng.

   

PV: Điều đó có nghĩa là phần nào cũng phải chấp nhận  những ứng xử phi lý.   

Werheid: Dĩ nhiên, chúng ta là người kia mà. 

 

Kết thúc sự im lặng

 

Tất cả mọi người đều sợ cuộc trao đổi về sự lão hóa. Làm thế nào để thực hiện cuộc trao đổi đó một cách tốt nhất? Những lời khuyên cho họ hàng các cụ từ một trường học.

 

Một văn phòng nhỏ ở phía sân sau một con phố cũng nhỏ. Bàn viết ngay cạnh cửa sổ, ghế gỗ cho khách, một cửa ra vào luôn có tiếng gõ.  Đây chính là trụ sở của một trung tâm tư vấn có tên là „Trường Họ hàng“. Trường bởi lẽ ở đây người ta đến để học cách nói chuyện và hành xử với họ hàng một khi những người này đến tuổi cần chăm sóc.

Lê Vân là người sáng lập trường. Đầu tiên – trước khi được đào tạo thành điều dưỡng viên, trước khi chuyển ngành sang Bảo hiểm xã hội và trước khi độc lập thành lập trường – Vân học Triết.

Những người ngồi học ở những buổi thuyết trình, xemina và các buổi tư vấn của Trường Họ hàng là những người vừa kết thúc sự im lặng, hay đang chuẩn bị để thực hiện bước đi này. Ở một số người việc này gặp trắc trở, đã dẫn đến cãi cọ hay xúc phạm nhau. Ở người khác lại thành công. Nhưng ai cũng sợ.

Dĩ nhiên không có một con đường đúng duy nhất để kết thúc sự im lặng. Thế nhưng ít nhất đã có những kinh nghiệm, làm thế nào thì tốt hơn. Hệt như những lời khuyên mà chúng ta có thể rút ra từ một cuộc thảo luận với Thầy Lê Vân.

Tại sao đó lại là chuyện thường tình khi để lỡ dịp

Nếu như Thầy Lê Vân vẽ ra thế giới lý tưởng của Thầy thì ở thế giới này, ngay trẻ con từ khi đi học vỡ lòng đã học về tất cả những điều quan trọng nhất về sa sút trí tuệ. Thì sẽ không có những buổi đến thăm bố mẹ già mà phải liếc mắt vào buồng tắm để kiểm tra tình trạng căn hộ, không tức giận khi thấy tay bố run mà cuối cùng thể hiện ra là nỗi lo lớn. Nhưng dĩ nhiên Thầy Lê Vân biết rằng thế giới này không phải là thế giới lý tưởng. Rằng những học sinh đến lớp học của ông thường không ở cùng một thành phố với cha mẹ họ. Rằng cha mẹ họ xuất thân từ một thế hệ mà ở đó người ta không dễ chấp nhận khuyết điểm để dễ dàng tiếp nhận sự trợ giúp. Rằng các cụ thường nói câu: „Các con khỏi phải lo“ – và tất cả mọi người đều muốn tin câu đó. Rằng khi bố mẹ già thì trật tự gia đình sẽ bị phá vỡ, sẽ xé ra những vết thương, gây ra những lo lắng.

Ông biết rằng hầu như ở tất cả các gia đình đều đã chờ đợi quá lâu để nói thẳng những điều ấy ra. Và chính vì vậy mà điều quan trọng đối với ông là phải nhấn mạnh rằng, tất cả những cái đó đều mang tính người và chẳng có lý do gì cho việc phải ân hận. 

 

Tại sao đôi khi lại khuyên là nên để người khác nói chuyện ấy 

Nếu chúng ta muốn bắt đầu nói chuyện ấy, thì đầu tiên sẽ phải nó gì? Nếu chúng ta hỏi Thầy Vân như thế thì chúng ta sẽ gặp chuyện bất ngờ. Bởi lẽ ông khuyên chúng ta trước hết hãy nói với một người hoàn toàn khác, đấy là bác sĩ gia đình.

Họ hàng phải đề nghị ông ta đảm nhận trách nhiệm thuyết phục người nay là cụ già trong gia đình rằng, đã đến lúc phải thực hiện một cuộc kiểm tra sức khỏe toàn bộ. Để có cái nhìn rõ ràng về hiện trạng. Để có thể chăm sóc cụ tốt nhất. Chứ chẳng phải để muốn chứng minh rằng cụ già khụ hay ốm yếu đến mức thế nào rồi.

Sau đó thường khuyên rằng, nếu không – hay ít nhất là con cái nói chuyện ấy với cha mẹ già, và cả những người khác nữa như bác sỹ gia đình, bạn bè, hàng xóm, ông tổ trưởng khối phố….

Hay – về điểm này thì  Thầy Vân có những kinh nghiệm hết sức tốt – các cháu.  Mối liên hệ thuộc về mặt cảm xúc với ông bà thường rất ít rối rắm hơn là cha mẹ chúng. Chúng thường tiến hành công việc một cách thực dụng đến mức đáng kinh ngạc. Và ông bà thường dễ chấp nhận một cái gì đó từ chúng hơn. 

 

Tại sao những câu hỏi quá thẳng lại không nhất thiết là luôn hữu ích? 

Hầu như ai cũng biết rằng không được phép giám hộ các cụ già. Càng ít người biết rằng, kết luận không phải là chỉ được đặt những câu hỏi gián tiếp.

Giải pháp hay hơn là những gợi ý.

„Cuối tuần tới chúng ta đến uống cà phê tại Câu lạc bộ Hội người cao tuổi phường đi“. Như vậy thì chúng ta đưa người đối thoại nhanh nhất đến việc phải, một cách không cảm thấy bị bắt buộc, mà trái lại thoải mái nhất để xem qua cái Câu lạc bộ Hội người cao tuổi phường. Sau một buổi chiều dễ chịu ở đó thì có thể là nhiều buổi tiếp theo  để một ngày nào đó, không phải là không thể tưởng tượng ra được, chuyển đến trại dưỡng lão.        

Tại sao có thể tốt hơn là, đầu tiên nên nói về trợ giúp thị giác thay vì nói ngay chuyện trại dưỡng lão.          

Đấy có lẽ đã là lời khuyên hay nhất: rằng thế là đủ khi đầu tiên hãy nói về riêng một buổi chiều cuối tuần tới.

Chuyên gia chăm sóc là Thầy Vân ở các buổi học của Thầy thích cho học sinh xem một hình trên đó vẽ những bậc khác nhau của các khả năng trợ giúp. Theo Thầy, phần lớn mọi người đều ngạc nhiên trước việc là, có nhiều khả năng đến thế để trút bớt gánh nặng cho cuộc sống thường nhật, rất lâu trước khi cần tới việc phải chuyển tới trại.

Cũng có thể đỡ vất vả hơn nếu thuê một cô lao công từ quê ra? Hay gọi thợ cắt tóc đến nhà? Và thuê dịch vụ mang thuốc từ nhà thuốc về?

Thầy có những kinh nghiệm hay về việc trước hết họ hàng hãy tiếp cận bước đi gần nhất, nhỏ hơn. Nhiều buổi nói chuyện thoải mái về nhiều việc nhỏ sẽ dễ hơn là duy nhất một cuộc tọa đàm lớn, đầy tính bi kịch.    

  

Tại sao những lời đúng lại là quan trọng?  

Về cơ bản thì ở cả hai phía, vấn đề chỉ xoay quanh nỗi sợ hãi. Trước Thần Chết. Trước cuộc sống mất cha mẹ.  

Học sinh có thể học từ Thầy Vân để nói ra lời những vấn đề mà chúng sẽ không khuếch đại nỗi sợ này. Xêmina mà Thầy muốn nói về sa sút trí tuệ chẳng hạn được Thầy gọi là „Ở miền Bắc thì là mũ chứ không phải nón“.

 

Tại sao đôi khi lại khuyên là nên để người khác nói chuyện ấy 

Nhưng dẫu rất cẩn thận khi chọn những lời nói đúng: Thầy Vân tin chắc rằng, nhiều người sẽ rất ngạc nhiên nếu họ biết rằng, lẽ ra chủ đề của một cuộc tọa đàm lại chẳng quan trọng đến thế, mà những thông tin khác lại đã đến và ăn sâu.

Đấy là những thông tin truyền qua dáng điệu cơ thể, sức lan tỏa và ứng xử. Vậy nên điều quan trọng là đôi khi phải tự hỏi: mình có tạo ra stress không? mình có gây áp lực không đây?       

 

Tại sao điều quan trọng là, phải nhận ra những gì còn hoạt động tốt 

Ở công việc thường nhật của mình, đôi khi Thầy Vân gặp những cụ già mà họ đón Thầy ngay lập tức bằng những lời sau: „Tôi hoàn toàn không thể tiếp tục làm gì được nữa“. Họ quá thường xuyên bị con cháu, họ hàng viện dẫn ra trước mắt những khuyết tật của họ. Khi ấy thì Thầy Vân nhấn mạnh rằng phải tìm cho ra những cái gì đang còn hoạt động tốt. Nếu có cụ đón Thầy như vậy thì Thầy Vân đáp lại ngay: „Nhưng cụ vừa mới mở cửa cho con vào cơ mà!“

Dĩ nhiên, Thầy bảo, ở người lại dễ hơn là ở ngay chính cha mẹ mình. Nhưng rất hữu ích khi không chỉ đề cập tới những vấn đề đang xấu đi. Mà phải giữ cho được một viễn cảnh thực tế và lạc quan.  

  

Dẫu sao thì đấy cũng sẽ là một buổi nói chuyện đầy khó khăn 

Nhưng chẳng có lời khuyên nào có thể làm cho việc phá vỡ sự im lặng được dễ dàng. Có một câu nổi tiếng rất hay: „Khi bố mẹ già thì con cái phải trưởng thành“. Hay vì con cái ở câu này chẳng phải là những đứa trẻ 4 hay 14 tuổi nữa mà đã là những người trên 40 tuổi, cũng đã có con cái.

Quan trọng là không phải xua đuổi những cảm xúc này. Mà công nhận rằng, một nhiệm vụ lớn ở giai đoạn này của cuộc đời chính là cuộc chia tay dứt khoát và có ý thức với thời thơ ấu của chính mình.

 

Tại sao tốt nhất là chỉ tự mình giải quyết cho mình những xung đột mở 

Thường thì giai đoạn này của cuộc đời được đánh dấu bởi sự kiện là những xung đột cũ mà từ lâu con cái cứ tưởng rằng đã mãi mãi bị chôn sâu rồi, lại hiện lên.

Sẽ đúng đắn nếu cùng nhau giải quyết chúng. Nhưng không phải luôn luôn thực hiện được điều này. Có những cha mẹ từ chối. Những người khác lại đã quá già để làm việc ấy. Nhưng điều đó chẳng có nghĩa rằng, con cái sẽ mãi mãi phải sống với cái gánh nặng này. Việc xử lý nó có thể không cần sự có mặt của cha mẹ, thậm chí có khi tốt nhất bằng liệu pháp tâm lý.     

 

„Phải làm quen với sự bất lực“

 

Khi bố mẹ mình già thì con cái cảm thấy có trách nhiệm phải chăm sóc. Cô Lan, giáo viên sư phạm xã hội, giải thích làm sao có thể trợ giúp bố mẹ già mà vẫn không bị kiệt sức.

 

PV: Nhiều người chăm sóc cha mẹ già mình. Hầu như tất cả đều kêu ca rằng đấy là gánh nặng quá lớn. Có đúng thế chăng? 

Không đúng. Mọi người trải nghiệm một vấn đề mà chưa bao giờ thấy nó căng thẳng đến như thế này: Hợp đồng giữa các thế hệ quy định rằng ngày hôm nay thì chúng ta chăm sóc cha  mẹ chúng ta – và ngày mai thì đến lượt con cái chúng ta sẽ chăm sóc chúng ta. Điều này đã đúng nhiều thế kỷ nay. Nhưng đến nay thì nó bị hẫng. Ngày hôm nay thì đơn giản là những người có trách nhiệm chăm sóc đã chạm tới giới hạn của họ.    

 

Tại sao từ lâu nay quy định này vẫn đúng mà nay lại không? 

Trong một trăm năm qua, mỗi người chúng ta đã giành thêm cho cá nhân mình được khoảng 30 năm. Nghĩa là cụ bà 75 tuổi chăm sóc mẹ cụ 95 tuổi chẳng còn là cái gì hiếm hoi nữa. Tuy nhiều người vẫn còn khỏe mạnh đến tuổi rất cao – nhưng đánh tiếc là họ vẫn có những năm bệnh tật nên cần chăm sóc. Tính trung bình thì mỗi người sẽ sống tám năm sống có sự chăm sóc – và như thế nên rất lâu hơn trước. Phần nhiều con cháu không thực hiện được việc này. Bởi lẽ họ cũng đã có con cháu rồi, chưa nói việc mưu sinh.    

   

Và ngày nay phần lớn con cái cũng không sống cùng cha mẹ nữa 

Đúng thế. Nếu khoảng cách là lớn hơn 25 km thì việc chăm sóc thường xuyên là không thể thực hiện được nữa. Thế nhưng có người con gái ở xa cha mẹ 300 km mà vẫn muốn chăm sóc cha mẹ tại nhà tốt nhất. Thế nên người đó tự mình đến, thường xuyên nhất có thể, kiểm tra người giúp việc, giấy tờ tài chính và bảo hiểm của cha mẹ. Nếu cha mẹ có người ốm, người ấy nghỉ phép để chăm sóc. Điều này sẽ không thể hoàn thành được mà không có cảm giác thường xuyên là quá tải – và cuối cùng lại còn cảm giác không hài lòng cho cả hai phía.   

 

Nghe cứ như một hoàn cảnh không lối thoát 

Sẽ có thể trút bớt gánh nặng khi chúng ta hãy làm sáng tỏ các sự kiện. Khi đó thì những người con có trách nhiệm chăm sóc nhanh chóng nhận ra rằng, họ đã muốn làm điều không thể. Cho đến lúc đó thì phần lớn cứ nghĩ rằng, họ chỉ cần nỗ lực hơn nữa thì mọi chuyện sẽ êm ru. Không! Điều ấy là không thể! Dù cho chúng ta muốn xoay vần thế nào đi nữa: Tư duy lý tưởng nhưng lỗi thời „Hôm nay cha mẹ, ngày mai đến lượt chúng con“ đã lỗi thời rồi.   

   

Thay cho ý đó, chị khuyên gì? 

Đầu tiên là một cuộc nói chuyện với cha mẹ, ở đấy phải cùng nhau nói về quá trình lão hóa: cha mẹ rồi sẽ ở đâu nếu như không thể tiếp tục ở đây được nữa? Cha mẹ trong trường hợp nguy kịch có muốn giữ sự sống một cách nhân tạo hay không? Ngôi nhà sẽ ra sao đây? Đã nên viết di chúc chưa? Còn có những nguồn dự trữ tài chính nữa không? Phải nói sớm về các vấn đề này, với tất cả những gì bao quanh nó.   

 

Phần lớn cha mẹ từ chối những cuộc nói chuyện như thế 

Cái đó là rõ. Thường nghe cha mẹ nói: chúng ta sẽ nói về vấn đề ấy khi một ngày kia cha mẹ đã già. Câu đó thì cụ ông 60 tuổi cũng nói hệt như cụ bà 90 tuổi. Từ cách nhìn của họ thì hoàn toàn có thể đặt mình vào vị trí ấy mà xét. Đấy không phải là những đề tài hấp dẫn, ai cũng muốn tránh. Và không ai có kinh nghiệm với đề tài đó. Hơn nữa người già luôn cảm thấy mình trẻ hơn tuổi rất nhiều. Hiện tượng này có tên gọi là nghịch lý cảm giác khoan khoái. Từ 30 tuổi trở đi chúng ta cảm thấy trẻ hơn tuổi thực tế. Thế cho nên cụ bà 90 tuổi sẵn sàng quên đi 20 tuổi. Và nói về tuổi tác là rắc rối lắm. Ngoài ra thì ngày trước cũng chẳng cần những cuộc nói chuyện như thế. Khi ấy thì luôn rõ ràng: con cái sẽ có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ. Điều ấy là lẽ đương nhiên. 

            

Làm thế nào để phá vỡ bế tắc này?

Đầu tiên là chúng ta phải thông cảm cho cái ấy đã. Đã là cha mẹ thì họ không muốn nói về những năm tháng cuối đời mình. Thế thì chúng ta hãy bắt đầu cuộc nói chuyện bằng một so sánh. Chẳng hạn về những bảo hiểm mà chúng ta ký kết hợp đồng cho những trường hợp ấy, thế nhưng chúng ta lại mong mỏi đến thiết tha sao cho trường hợp đó không đến. Hệt như vậy là cuộc nói chuyện về sự cần thiết phải chăm sóc. Chúng ta mong rằng trường hợp đó chẳng bao giờ đến.  Thế nhưng khi nó đến thì chúng ta đã có một kế hoạch B trong túi. Vậy nên rất nhiều người vẫn có thể tham gia vào cuộc nói chuyện đó.  

 

Nhưng bây giờ có thể xảy ra rằng, cha mẹ tôi có những điều tưởng tượng mà tôi không thể chia xẻ được. Thế thì làm sao?

Cái đó thậm chí là thường xuyên xảy ra. Bởi vậy điều quan trọng là, ở tư cách là con cái đã trưởng thành thì phải làm cho rõ ràng: mình sẽ sẵn sàng dâng hiến gì đây. Có thể tưởng tượng rằng sẽ phải thường xuyên đến thăm hay không? Đưa cha mẹ đi khám bệnh hay đi mua sắm? Nếu ở trường hợp khẩn thiết, thậm chí cũng sẵn sàng tắm rửa cho cha mẹ? Đưa cha mẹ về ở chung với gia đình mình? Cha mẹ mà chính bản thân họ đã chăm sóc ai đó, thường hiểu rất rõ nên nói ngay: tôi không muốn con cái tôi phải chịu trách nhiệm chăm sóc tôi. Chỉ khi cha mẹ không tự mình trải nghiệm cái đó thì mới có thể xảy ra là họ chờ đợi sự chăm sóc từ con cái.    

 

Và khi ấy tôi phải làm gì?

Bạn hãy dũng cảm mà nói bạn không  muốn cái gì. 

 

Nghe thì có vẻ như dễ hơn là thật thế 

Dĩ nhiên cái đó là chẳng dễ. Bạn yêu quí cha mẹ bạn, hay ít nhất là bạn cũng muốn rằng cha mẹ bạn được chăm sóc tốt. Có khi bạn cũng muốn hứa với cha mẹ bạn là họ sẽ sống những ngày cuối đời ở nhà bạn. Thế nhưng nếu bạn cảm thấy rằng lời hứa này là quá sức bạn, thì bạn phải phủ nhận nó. Bạn nên nghĩ rằng, ở đây vấn đề không chỉ xoay quanh một hay hai năm, mà bình thường là trên mười năm! Nếu như bạn làm quá sức, lo lắng quá nhiều và đảm nhận quá nhiều trách nhiệm, thì đến một lúc nào đó, bạn sẽ gục ngã. Đấy sẽ là tình trạng đáng ngại nhất bởi lẽ khi đó, ít nhất là một thời gian, bạn hoàn toàn không thể trợ giúp gì cho cha mẹ bạn được. Vậy nên: bạn hãy cân nhắc cho kỹ xem bạn muốn dâng hiến cái gì – hoàn toàn chẳng mong được trả lại cái gì từ việc đó, và hãy lo sao cho những người khác hoàn tất những nhiệm vụ còn lại.  

  

cái đó nghe như lôgic và có thể thực hiện được. Tuy nhiên nhiều con cái trưởng thành cảm thấy cắn rứt lương tâm bởi vì họ có cảm giác họ đền đáp cha mẹ ít. Hay họ đã quá sức vì họ đã đảm nhận quá tham…     

Cái đó là đúng. Một mặt là cho đến nay chính sách của nhà nước ta rõ ràng là ưu tiên để con cái hay họ hàng chăm sóc người già – và chúng ta luôn nhận được bức tranh lý tưởng này từ truyền thông, quảng cáo hay tin tức về những người thành công. Hoàn toàn khác là ở Thụy Điển, Đan Mạch và các nước Bắc Âu khác, những nước thực hiện xã hội chủ nghĩa thật sự chứ không phải là ở đầu lưỡi. Ở đấy phần rất lớn người cao tuổi đều ở trại dưỡng lão. Nhà nước chăm lo chuyện đó. Tất cả mọi người đều thấy như thế là bình thường. Đồng thời thì cả Đức lẫn Việt Nam chưa hỗ trợ hệ thống con cái và họ hàng chăm sóc người già một cách thích đáng. Thiếu sự hỗ trợ cho những người đảm nhận trách nhiệm chăm sóc. Lỗ hổng này chứa đựng nhiều tiềm năng cho stress.   

 

Chính bản thân chị có chăm sóc cha mẹ hay không?  

Không. Bố tôi chết khi tôi mới 5 tuổi, mẹ tôi chết ở tuổi 86 sau thời gian ngắn bệnh tật. Ngay sau thời gian ngắn thì tôi cũng nhận ra : Úi cha, mi đã chạm giới hạn rồi đó. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được khoảng khắc đó, khi vào đầu một xêmina chiếc máy di động của tôi réo và ở đầu kia là mẹ tôi. „Dịch vụ quên mang thức ăn sáng lại cho mẹ. Con phải giúp mẹ“. Theo phản xạ tôi để mặc nhóm của tôi và thét gọi nhân viên chăm sóc. Việc tôi bị quá sức nhanh đến thế nào đã làm tôi sáng mắt ra rằng, đề tài này lớn và khó đến thế nào.        

 

Ai đặc biệt có nguy cơ bị quá sức?

Những người còn gắn bó nhiều với cha mẹ có nguy cơ lớn nhất sẽ bị quá sức. Với những người này chúng ta có khái niệm „cadults“ (adults = người lớn, trưởng thành, child = trẻ con), vậy là những người con, khi tiếp xúc với bố mẹ cần chăm sóc của chúng, lại đối diện với những sự xúc phạm và thóa mạ cũ khi chúng còn là những đứa trẻ. Tôi đoán rằng, 70% những đứa con-cadults này đã giới hạn ghê gớm cuộc đời của chính chúng để tạo ra cho cha mẹ một thời gian cuối đời dễ chịu. Chúng từ chôi không nghỉ phép năm, hạn chế nỗ lực trong hoạt động nghiệp vụ và sao nhãng sinh hoạt gia đình, gặp gỡ bạn bè và hầu như quên lãng thời gian nhàn rỗi. 

 

Làm sao có thể giúp đỡ họ được?

Những đứa con-cadults này thường rơi về lại vai trò con cái cũ của chúng. Ở chúng nảy sinh hy vọng rằng, cuối cùng thì chúng cũng sẽ nhận được tình cảm nồng ấm của người mẹ ghẻ lạnh hay sự công nhận của người cha khắc nghiệt mà chúng vốn bị đánh mất khi còn là đứa trẻ con. Ở đây sẽ rất có ích nếu chúng ta hiểu cái đó như một cơ may để có thể thảo luận về những đề tài thời trẻ con chưa giải xong. Những ai về mặt tình cảm hết sức phức tạp và bị đau khổ với những đề tài thời trước, có thể trở nên hoàn toàn trưởng thành nhờ sự trợ giúp chuyên nghiệp.    

     

Quan liêu là một yếu tố stress khác đối với người lo việc chăm sóc. Khi đó người ta có thể điên lên vì phải viết yêu cầu hàng ngàn lần và đòi hỏi gay gắt mãi mà vẫn chẳng giải quyết gì được. Chị có lời khuyên gì chăng?  

Bất cứ ai gặp chuyện đó phải gửi thư tới Ủy ban kiểm tra trung ương để về lâu dài sẽ phải thay đổi dù chút ít gì. Ví dụ là chủ doanh nghiệp phải cho nghỉ ngắn và dài hạn. Có ích gì khi chỉ được nghỉ vài ngày để chăm sóc bố mẹ bệnh tật? Muốn vậy thì người lao động phải được có thời gian làm việc rất co dãn và nhiều thời gian tự do hơn là chỉ vài ngày. Tôi khuyên nên tìm cho ra để đến được những trung tâm tư vấn về mặt này, chắc chắn trên mạng có những trung tâm đó mà họ có những chuyên gia giỏi và tận tâm.  

  

Tương lai có vẻ đen tối, có phải thế không?

Trước đây cũng như bây giờ thì việc chăm sóc người cao tuổi là việc của những người phụ nữ. Từ xưa đến nay vẫn thế. Nhưng hôm nay thì bản thân họ cũng có nghề nghiệp, và thêm vào đó lại là con cái – việc chăm sóc dẫn tới gánh nặng cấp ba. Thêm vào đó lại còn là: nhiều người phải chăm sóc không chỉ một hay hai mà nhiều bố hay nhiều mẹ. Ở những gia đình rổ rá cạp lại thì ngoài gia đình hiện tại còn gia đình dâu rể trước nên một người phụ nữ phải chăm sóc ba đến bốn người già. Chẳng ai giữ được hoàn cảnh như thế lâu dài.     

 

Ngoài ra, ở đâu còn nguy cơ quá tải?

Việc chúng ta không muốn chấp nhận rằng chúng ta không thể thay đổi một số cái. Chúng ta không thể thành công khi muốn giữ cho cha mẹ mình khỏi bệnh tật, đau đớn và khổ ải. Chúng ta cũng không thể ban cho họ một cuộc đời trong nhung lụa, không làm họ mất sợ chết và  làm mất nỗi buồn sau tang lễ khi một người thân yêu ra đi. Chúng ta cũng không thể mãi mãi và hoàn toàn điều khiển cuộc sống thường nhật của họ. Chúng ta phải làm quen với sự bất lực này. Đồng thời thì chúng ta cũng lại phải luôn tỉnh táo trước sự thật: với chúng ta thì mọi việc thường sẽ còn tồi tệ hơn ở các cụ kia. Thường thì họ mới là những nghệ sĩ thật sự ở môn nghệ thuật sống vì họ đã vượt qua được nhiều gian đoạn cực kỳ khó khăn hơn chúng ta. Đôi khi việc hồi tưởng lại thời thanh thiếu niên của chính chúng ta cũng giúp ích nhiều. Cha mẹ chúng ta không thể bảo vệ được cho chúng ta trước tất cả những trải nghiệm cay đắng. Dẫu sao thì cuối cùng, chúng ta cũng đã vượt qua được những khủng hoảng trong cuộc đời mình.    

  

Chúng ta là những người đồng hành, chứ từ „ đổi vai trò“ không đúng?

Đúng thế! Ai chăm sóc cha mẹ khi về già, phải luôn đứng ngang hàng cha mẹ mình. Hãy tỉnh táo về vai trò của mình và những giới hạn của nó, và cũng phải tỉnh táo với  cha mẹ mình. Thế thì bạn sẽ thấy ngay: nếu cha bạn khó tính thì ông sẽ có ít bạn và ít ai đến thăm. Bạn không có trách nhiệm ở việc ấy. Nhưng có lẽ thậm chí bạn sẽ đau khổ hơn ông ấy về việc đó. Ai vẫn giữ được cho ngang tầm, sẽ lấy đi được sức ép và thấy ngay: không chỉ mình tôi  chịu trách nhiệm. Tôi chỉ là người đồng hành. Ở một giai đoạn khó khăn. Đôi khi là cho cha mẹ tôi – nhưng thường cũng chỉ là cho riêng tôi.  

 

Thế nhưng sẽ ra sao khi cha mẹ bạn gây  nguy hiểm cho chính họ và cho cả người khác? Khi mẹ bạn vẫn lái xe dẫu đã bị nửa mù, cha bạn luôn quên uống thuốc trợ tim?

Nhiều đứa con đã trưởng thành tuyệt vọng trước hành vi sai trái dễ ngộ nhận này. Nên dù bạn rất cố gắng, cha mẹ vẫn chịu trách nhiệm về nhiều quyết định của mình. Ở đây thì bạn phải chú ý không vượt quá quyền hạn và thậm chí tước quyền dân sự của cha mẹ. Quan điểm của tôi là: tôi có thể đề nghị mẹ thôi không lái xe hay mẹ phải đi kiểm tra lại chứng chỉ. Tôi có thể nói là tôi lo cho mẹ. Tôi có thể từ chối ngồi xe mẹ lái. Nhưng tôi không bắt ép được mẹ phải trả bằng lái, và tôi cũng không có trách nhiệm gì khi có tai nạn xảy ra. Cha mẹ chúng ta nếu khỏe mạnh về tinh thần là người trưởng thành và hoàn toàn có quyền làm những việc mà cá nhân tôi coi là vô lý. Đó là quyền quyết định của họ! Điều đó cũng đúng khi ông bố dẫu đã được đề nghị, vẫn không chịu đi khám bệnh, hay tự ý dùng thang trèo lên cây để hái quả.  

     

Ở những trường hợp này, vậy là tôi bất lực?

Hãy tôn trọng cha mẹ bạn. Đừng coi họ như trẻ con! Hãy nói cho họ biết những đề tài mà bạn quan tâm. Hãy nói bạn sợ bố lộn cổ đấy. Bố sẽ làm cho con vui nếu chúng ta tìm được tiếng nói chung để sống tốt với nhau.. Như thế thì người cha không bị mất mặt để giải quyết vấn đề đó. Có khi hai cha con thống nhất tìm cái thang thích hợp hơn. Hay người cha thật sự quy hàng và bảo, ông chỉ làm thế cho vui lòng cô con gái hay sợ.

Điều tương tự cho nút báo động cho con cái. Bạn hãy nói cho cha mẹ bạn biết, cái đó hết sức quan trọng cho bạn. Khi đó phản ứng thường sẽ nhanh là tích cực.  

 

Chị khuyên gì ở những sự kiện bất ngờ? Cha hay mẹ bỗng đột tử hay lâm bệnh nặng? 

           Chính khi phải đối diện Thần chết là hầu như con cái rất dễ mắc sai lầm nghiêm trọng này: họ hành động quá vội. Chúng cũng khó giữ bình tĩnh khi cha mẹ buồn bã – và muốn chuyển nhanh ngay sang chương trình thường nhật. Nhưng khi người bạn đời ra đi thì người kia như mất chính một phần thân thể mình. Ngay một buổi tiệc vui vẻ hay một cuộc đi chơi xa cũng không làm quên được sự kiện ấy. Khi đó cần kiên nhẫn. Con cái cần học cách giữ bình tĩnh khi cha mẹ buồn bã và cảm thấy mất thăng bằng. Khi ấy hãy tự hỏi: ước muốn cải thiện tình hình lại thể hiện ở sự mất bình tĩnh là sao?    

 

Nói chung là chúng ta có vấn đề về mặt tốc độ đối với thế hệ luống tuổi ư?

Đúng thế! Chúng ta luôn quá vội. Chúng ta đi tìm cuộc đối thoại – và đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đó, thậm chí đã có những giải pháp. Rồi chúng ta nâng cao sức mạnh của những luận cứ của chúng ta và rất nghiêm chỉnh mong đợi rằng cha mẹ nói lời đồng ý. Từ ngày mai mẹ không lái xe nữa, và tuần sau bố sẽ chuyển vào trại dưỡng lão. Cái ấy không bao giờ xảy ra đâu.        

 

Làm sao lại không?

Chúng ta luôn mang lại những thông tin xấu cho cha mẹ: Cha chẳng làm cái ấy một mình được nữa đâu. Cha ăn ít quá. Cha sẽ được chăm sóc tốt hơn ở trại dưỡng lão. Cha già và ốm yếu bệnh tật. Chẳng có ai lại buồn nghe những lời như thế. Còn nếu như cha mẹ đồng ý thì điều đó có nghĩa rằng cha mẹ đã đến giới hạn rồi. Bạn phải cho cha mẹ thời gian để đi đến nhận thức ấy. Lời khuyên của tôi là: Khi bạn bắt đầu với một đề tài và cảm thấy có sự chống đối thì bạn hãy dừng chứ đừng có tiếp tục khoét sâu vào nữa. Bạn hãy xin cha mẹ bình tĩnh nghĩ lại về vấn đề đó. Và hãy luôn trở lại vấn đề đó. Và mỗi lần hãy nói thêm cái mà đối với bạn là quan trọng ở đấy. Mất kiên nhẫn với cha mẹ già luôn là một tính rất xấu.  

 

Làm sao để có thể kiên nhẫn được?

Chúng ta luôn phải nhớ rằng, tốc độ của chúng ta hoàn toàn khác với tốc độ của cha mẹ chúng ta. Phải lắng nghe. Khi đến thăm cha mẹ, chúng ta muốn tiếp tục ngay mọi thứ. Cái đó không thể. Cha mẹ không thể hòa nhịp với tốc độ của chúng ta. Mà trái lại chúng ta phải hoà nhịp với cha  mẹ. Khi đến nhà cha mẹ, hãy dừng trước đấy một phút và nói câu thần chú: „Bây giờ chậm thôi nhé!“ Hãy dùng buổi viếng thăm ấy để giảm tốc!

 

Hình minh họa:

1. Tác giả với GS NK Toàn, ông Cương, phó cho GS, GS triết VHLKH CHDC Đức  Prof. Kortum và anh TXH khi sang Berlin dịp kỷ niệm 250 năm thành lập VHLKH Đức  

2. Tác giả với cha mình, GS Hertz và anh TBC


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)